Nhà ở đâu

Truyện ngắn của DươngThành Phát| 17/05/2018 09:09

Nay bà Năm mệt trong mình nên dậy trễ, chứ bình thường giờ này đã pha xong ấm trà quạu ngồi rà cái đài cũ mềm kiếm bản tin buổi sáng nghe đỡ buồn. Tiếng ai đó kêu giật một giật hai ngoài sân, trộn cùng tiếng sủa nhức lỗ tai của con chó mực, mạnh như muốn giật tung vách lá mà xông vô. Bà chép miệng, lồm cồm xỏ dép. Không biết mới sớm bửng mà ai kiếm tới bà già này.

Nhà ở đâu
Minh họa của Lê Huy Quang

Cái cửa cũng làm bằng tre chằm lá y như vách được nhấc lên để mở, ánh nắng được dịp ùa vô nhểu tong tong trên nền đất. Bà Năm nheo nheo mắt cho quen với mớ ánh sáng rạng rỡ đặng nhìn cho kĩ mặt người mới réo mình inh ỏi.

Gương mặt của bà hàng xóm khó tánh không làm bà Năm giật mình bằng cái dáng nhỏ xíu nép bên bà ấy. Bà Năm nhoài người tới nhìn cho kĩ. Ngỡ ngàng ập vô mắt, tay chân bà như quíu lại. Trời đất, thằng nhỏ đi đâu xuống đây?

Bà hàng xóm cau có khiến hai cái chân mày đã lấm tấm bạc liền lại thành một đường, đẩy thằng nhỏ đang lúng túng bấu chặt cái ba lô học sinh trước ngực về phía bà Năm. Giọng bà hàng xóm vẫn như mọi khi, có đầy đủ cay nồng của ớt và chát ngầm vị khế non, nhưng bữa nay nghe như còn đằm thêm vị muối:

- Hồi sớm đi chợ tui thấy nó vừa đi vừa ngó dáo dác dọc đường, nhìn mặt quen quen. Nhớ ra cháu bà nên dẫn về đây cho bà nè!  Coi con cháu cẩn thận chứ để nó đi bậy bạ vậy người ta bắt cóc rồi sao? Hổm rày ti vi nói hoài mấy vụ đó đó nghen. Chuyện nhà bà tui không xía vô nhưng nói cho bà biết để bà coi làm sao được đó thì làm…

Kệ bà hàng xóm tuôn một tràng, bà Năm chỉ lo ôm lấy thằng cháu, tay rờ tóc rờ mặt coi nó có trầy trụa miếng nào không. Xác định rõ thằng cháu vẫn nguyên lành không mất miếng thịt nào, bà Năm quay sang cảm ơn hàng xóm lia lịa. Bà hàng xóm còn nói nữa, nói nhiều lắm, cằn nhằn cữ nhữ nhưng bà Năm vẫn thấy mừng. Mừng, vì có bà dẫn về nên thằng cháu mới không bị lạc. Chớ thường ngày mà nghe cằn nhằn cỡ này, bà Năm cự lại liền chứ giỡn chơi à.

Giao thằng cháu cho bà Năm, bà hàng xóm lại tất tả xách cái giỏ tiếp tục đi chợ. Dáng bà ấy còng xuống như dấu hỏi, ngược nắng nên bị thứ ánh sáng chói lóa nuốt dần. Lâu lắm rồi không thấy con cháu bả về thăm, nên chắc bả thèm con nít tới mức nhớ luôn mặt cháu bà Năm. Nhìn ổ bánh mì thằng cháu cầm trên tay, bà Năm thấy mắt  như có mùi dầu gió, trở cay xè. Thấy thương không, chắc lo thằng nhỏ đói nên mua bánh mì cho nó. Bình thường keo tới xin trái ớt cũng càm ràm, mà đụng chuyện mới biết cũng tốt tính quá chớ.

Nhìn lại mặt thằng cháu méo xệch vì mệt, da thì lạnh ngắt do ngấm sương, bà Năm lẹ lẹ dẫn nó vô nhà. Coi thay đồ cho nó nằm nghỉ rồi bà đi bắc nồi cơm nấu vài ba món, đợi trưa trưa nó đỡ mệt rồi hỏi chuyện phải trái sau.

***

Đẩy một giấc tới mặt trời lên thẳng đứng thằng nhỏ mới thức dậy. Nó ngủ co quắp như một con mèo, dáng ngủ thiếu thốn. Tội, chắc hồi hôm đi xe khách nhồi nhét có ngủ nghê gì được đâu.

Kêu thằng nhỏ ra sau hè múc nước rửa mặt, bà Năm chuẩn bị dọn cơm. Người già ăn đâu có bao nhiêu, nên bà đợi nó dậy ăn luôn cho vui. Có con cá lóc chú Năm cho bà gọng hổm rày trong lu không biết ăn sao cho hết, nay sẵn có nó bà bắt nấu canh chua. Thằng nhỏ y chang má nó, khoái canh chua lắm. Bà mới mở nắp nồi chuẩn bị múc vô tô đã thấy nó đứng sát rạt sau lưng từ lúc nào không biết, mũi chun lại hít hà.

Thằng nhỏ chắc đói dữ lắm, nó cắm cúi ăn mà mặt dính cơm canh tèm lem. Ổ bánh mì hồi sáng bà hàng xóm mua cho chắc đã tiêu hóa từ trong giấc ngủ luôn rồi. Bà Năm quơ vài đũa cho có, ngồi nhìn thằng cháu ăn. Sáng giờ vừa làm công chuyện bà vừa nghĩ hoài không biết sao nó về đây. Có về cũng phải cho bà hay một tiếng chớ, về bất tử vậy bà không ra đón lỡ lạc rồi sao?

Đợi thằng nhỏ có vẻ no no rồi, bà Năm mới hỏi chuyện. Đang nhồm nhoàm miếng rau muống, thằng nhỏ khựng lại như người ta đào đất xắn xẻng nhầm đá, khi bà hỏi ba má đâu không đưa con về. Từ nhai ngon lành thằng nhỏ thành nhai trệu trạo như bò nhai rơm. Thôi, bà hiểu rồi.

Chắc lại như mọi lần, đưa nó về tới bến ngoài xã lại giao cho ông xe ôm rồi lật đật chạy đi. Chắc lần này gấp quá nên quên nói địa chỉ cho ông xe ôm, làm hại thằng nhỏ không biết đường về nhà bà. Ba má gì thiệt tệ, để con mình như vậy mà coi được.

Bà Năm áng chừng biết hết rồi nhưng cũng hỏi thằng cháu vài câu cho chắc. Như một cái máy, bà hỏi tới đâu nó gật tới đó. Ba má kêu con về chơi phải hông? Má đưa tới bến xe phải hông? Má kêu ở lâu lâu nữa má xuống rước phải hông? Cả hỏi ở bao lâu nó cũng gật, bà Năm chỉ biết thở dài.

Tội thằng nhỏ. Đó, hồi xưa lúc má nó cưới ba nó bà đã cản rồi mà không chịu nghe. Gì đâu mới đụng mặt nhau bữa đi coi hát một lần trên thị trấn mà đòi cưới. Cưới cho gấp gáp vô, rồi được một hai năm kêu không hợp đòi dẫn nhau ra tòa ly dị. Chưa ly dị được mà đã chia đôi đồ đạc, mạnh chồng chồng quen người mới, mạnh vợ vợ hẹn tình nhân. Có duy nhất một thằng con trai mà cũng đem ra chia, cứ một tháng ở với người này thì qua tháng đẩy sang người kia. Tháng nào đi làm nhiều than mệt thì đẩy về cho bà già này. Coi đó, có ai học hai năm một lớp chỉ vì ba má bận kêu về quê ở chơi cho ngoại đỡ buồn không?

Nhìn thằng nhỏ buồn so, bà Năm thôi không hỏi nữa. Bà rỉa miếng lườn cá bỏ vô chén thằng nhỏ, hối nó ăn thêm. Lùa mấy ngón tay nhăn nheo vô mớ tóc non mềm của cháu, bà kiếm lời an ủi nó:

- Thôi ở chơi với ngoại, nào ba má rảnh ba má về đón con. Còn không đón ở luôn đây, ngoại nuôi.

- Thiệt hả ngoại? Ngoại hứa nha? – Thằng nhỏ bất ngờ ngước mặt lên nói chuyện làm bà giật mình.

Trời đất à, giờ nó mới chịu mở miệng. Sáng giờ im ỉm như cục đá quăng đâu chìm đó, bà còn tưởng nó bị đau miệng nên không nói được chớ. Nhìn ánh mắt chờ đợi của nó, bà nén cảm giác nhói trong bụng mà gật đầu. Ừ, thiệt. Hình như câu hứa của bà giúp bụng thằng nhỏ yên, nó lại cắm cúi ăn hối hả như sợ bị ai giành phần. Ăn gấp nên cơm xộc luôn lên mũi. Nhìn nó, bà cười mà tim như nhúng nước đá, buột miệng: Cha mày, thằng xấu ăn.

***

Câu đầu tiên khi con gái bà và chồng nó về là câu trách. Sao má không cho con hay? Sao má không gọi con giùm cái? Trời ơi! má biết tụi con lo không? Tụi con bỏ công ăn chuyện làm đi kiếm khắp nơi, thiếu điều muốn cày nát thị trấn lên. Còn chút nữa tụi con báo công an rồi. Rầu má quá, sao má không chịu điện con? Điện thoại để làm gì?

Bà Năm tưởng tai mình ù đi vì mớ lời chộn rộn câu này lặp câu kia cắn đuôi cậu nọ của con và rể. Đâu phải bà không muốn điện. Bà tìm nát nước không thấy cái điện thoại hồi đó con gái mua cho bà để đâu. Đó giờ bà giữ kĩ lắm, gói trong bọc nilon để sát rạt bên mình, không quấn trong cạp quần thì để trên đầu giường. Bởi bà ngóng tin con cái. Đi đâu cũng kè kè đem theo, đợi con điện là mừng quýnh móc ra nghe. Nhớ con tới mức chuông báo tin tổng đài nhắn mà bà không biết cứ cầm a lô a lô, sợ hư còn chạy đi qua hỏi hàng xóm báo hại họ được một trận cười hết cỡ.

Cất kĩ vậy đó, mà mất tiêu được. Như ma giấu. Tới lúc tìm ra thì nó nằm trong lu nước, tắt ngúm có làm ăn được gì nữa đâu. Bà Năm phải nhờ người coi giùm thằng cháu, rồi mới chạy đi kiếm coi nhà ai có để điện nhờ.

Vậy mà vợ chồng tụi nó trách như bà Năm vô tâm lắm. Tại ai? Ai không coi con coi cái để nó buồn nó xách đồ bỏ đi rồi đổ thừa cho bà già này? Ai quen người này người nọ bỏ thằng con lúc nào cũng lầm lũi chơi một mình? Ai không biết tính con mà đi tìm chỗ nọ chỗ kia, trong khi chỗ nó gần gũi nhất là nhà bà ngoại nó? Trong đầu bà Năm có hàng đống câu hỏi, mà bà không dám hỏi. Bà không muốn gây chuyện.

Chứ gây chuyện chi khi vợ chồng tụi nó tự gây với nhau rồi. Coi đó, mới dứt lời đã cãi lộn. Chồng đổ thừa vợ, vợ đẩy qua chồng. Thằng nhỏ sợ đứng nép sau vách nhà, nãy giờ có ai hỏi thăm nó câu nào đâu. Có hỏi sao nó trốn đi, có coi nó có trầy xước chỗ nào, có hỏi nó sợ không có gặp chuyện gì không.

Mặc kệ hai vợ chồng nó đỏ bừng mặt đẩy lỗi qua lại, bà Năm bỏ ra sau với thằng cháu. Bà ôm nó vô lòng, cố xoa dịu cơn run rẩy đang khiến nó chẳng khác gì con gà con mắc mưa lạc mẹ.

Bữa dắt nó đi chợ, có người nhận ra, nói một câu làm bà đau tới giờ. Người ta thấy nó lang thang, hỏi nhà ba má ở đâu để dẫn về, nó lắc đầu nói không có. Hỏi chớ nó đi đâu, nó nói về nhà ngoại. Một đứa con nít mà ngay cả cái nhà để trả lời người ta cũng không có, thì nó đã lạc xa lắm rồi chứ cần chi ai bắt cóc.

Nghĩ tới đó, nước mắt bà Năm đã tràn ra mắt. Nhưng bà kênh mình, nuốt ngược vô, để cơn run của thằng cháu không mạnh thêm nữa. Ở nhà trên, ba má nó vẫn còn cãi nhau. Giờ chắc cãi coi đứa con sẽ ở nhà người nào. Luôn là nhà này, nhà kia, nghe nhiều lắm chứ ý nghĩa từ nhà đã rớt đâu mất tích. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhà ở đâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO