Nhà thơ Đặng Hiển với thơ áo trắng

Bùi Việt Thắng| 22/03/2020 18:07

Với người làm thơ tình cảm là nhân tố hàng đầu, nhưng trí tuệ lại không thể thiếu. Một nhà thơ lớn đã viết: “Đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ, đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim, đó là những con đường của sáng tạo thi ca”.

Nhà thơ Đặng Hiển với thơ áo trắng
Nhà thơ Đặng Hiển
Với người làm thơ tình cảm là nhân tố hàng đầu, nhưng trí tuệ lại không thể thiếu. Một nhà thơ lớn đã viết: “Đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ, đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim, đó là những con đường của sáng tạo thi ca”. Đọc thơ Đặng Hiển thấy ông đi theo con đường thứ nhất. Khởi nguyên là một nhà giáo tài năng, tận tâm tận lực với nghề giáo - nghề trồng người - nên Đặng Hiển luôn có cái nhìn về phía ánh sáng, phía tốt tươi, phía đẹp đẽ của cuộc đời và con người. Nhất là môi trường giáo dục hệ phổ thông, ở đó đầy ắp tinh khôi, trong trắng, đầy ắp hứa hẹn và tương lai.

Tôi đã đọc một cuốn tiểu thuyết buồn về nhà trường với tựa Bi kịch mái trường của một tác giả ít người biết đến, nhưng tác phẩm thì nhiều người biết. Không thể phủ nhận những yếu tố tiêu cực của cơ chế thị trường đã xâm thực vào ngành giáo dục, vào mái trường mến yêu của hàng triệu học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước. Bởi vậy rất hiếm gặp một tập thơ được ấn hành bởi một nhà xuất bản lớn - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Mái trường mến yêu là tập thơ thứ mười hai của nhà văn - nhà giáo ưu tú Đặng Hiển. Gần chạm ngưỡng bát tuần nhưng bút lực của nhà văn xem ra vẫn còn dồi dào, nhất là với nàng thơ. Đặng Hiển xông xáo, tung bút thể hiện trong nhiều thể loại: thơ, văn xuôi, kịch, phê bình, nhưng rõ nhất con người ông có lẽ, theo tôi, trong thơ. Vì sao? Vì trong thơ cái “vân chữ” hiển thị rõ nhất, nói cách khác cái “tạng” văn phát lộ và khó trộn lẫn với người khác. Nếu nói quy luật của sáng tạo nghệ thuật là quy luật tình cảm thì thơ chính là nơi “lửa thử vàng”. Tôi nghĩ, độc giả muốn tri nhận cái thần thái Đặng Hiển thì nên đọc thơ ông.

Tập thơ áo trắng của Đặng Hiển chủ yếu viết về những ngôi trường, các thầy cô giáo, học trò thân yêu, những tập giáo án mở, tiếng trống trường, thầy và trò như mê đi trong văn chương, những kỉ niệm học đường, những cánh hoa phượng đỏ, màu xanh của lá bàng, về ngày tựu trường, ngày hội trường, tiếng ve râm ran báo mùa hè đến trên sân trường, về những học trò trưởng thành, về một giờ học tốt, về những học trò nghèo vượt khó, có khi là một học trò ngoan không qua khỏi bạo bệnh,… Nghĩa là cái thế giới thơ ca của Đặng Hiển gắn với tuổi thơ, tuổi học trò, gắn với những người thầy, người cô thầm lặng hi sinh, cống hiến trong sự nghiệp trồng người - vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Cái thế giới ấy như một thung thổ văn hóa, thường khi lung linh, trinh nguyên, thanh cao, bền vững giữa một trần gian nhọc nhằn đầy những tham sân si, ái ố hỉ nộ.

Thơ áo trắng là thơ viết về nhà trường - một thánh đường - thơ viết về cõi thiêng, về nơi ươm mầm nụ, về nơi ký thác hi vọng. Không ở đâu như nơi đây con người tìm thấy hạnh phúc trong hành động “cho” hơn là “nhận”. Từ cái thực tế đó làm nẩy bật cấu tứ cho một bài thơ hay Hạnh phúc 1: “Nếu có lúc nào em nghĩ đến tôi/ Khi em hái hoa đầu trong sự nghiệp/ Khi hạnh phúc em sáng hồng trên giấy đẹp/ Khi đôi tay em thơm nặng trái đời/ Thì đó là hạnh phúc của tôi/ Nếu có lúc em nghĩ đến tôi/ Khi trên gạch, trên than/ trên giấy trắng bảng đen/ Giọt mồ hôi rơi/ Trong lòng em bỗng vẳng lên câu hát/ Khi em đi vượt gió cát của đời/ Thì đó là hạnh phúc của tôi/ Và ngay cả khi em không còn nghĩ đến tôi/ Chỉ hạt mầm kia trong vườn xanh/ đã nở hoa kết trái/ Để đến lượt em/ em lại dâng cho tay đời ươm hái/ Thì đó cũng là hạnh phúc của tôi/ Người làm vườn vô danh trên mảnh đất người đời”. Bài thơ này, theo tôi, ghi dấu ấn phong cách thơ Đặng Hiển - nặng tình đời, tình người, giản dị và chân thành đến tận cùng trong cảm xúc và thể hiện. Riêng tôi cảm thấy ông dường như xa lạ với những gì màu mè, uốn lượn, trò diễn. Ông là người thơ không biết đến sự xa xỉ, lãng phí của cảm xúc và câu chữ. Nếu có thể nói, thơ Đặng Hiển được viết theo một “thi pháp chân thành”.

Nói thơ Đặng Hiển là thơ áo trắng còn vì nhiều lẽ khác. Có nhà thơ để lại một màu tím trong thơ như Hữu Loan với Màu tím hoa sim. Có nhà thơ để lại một màu vàng mơ trong thơ như Xuân Diệu với Đây mùa thu tới. Có nhà thơ để lại màu đỏ trong thơ như Nguyễn Mỹ với Cuộc chia li màu đỏ. Có nhà thơ để lại màu xanh trong thơ như Tố Hữu với Chiếc áo màu lá xanh,… Đặng Hiển neo vào ký ức độc giả một màu trắng trong thơ với Áo trắng - một bài thơ, theo tôi, tiêu biểu cho lối thơ đậm chất chỉn chu, mẫu mực, cốt cách nhà giáo: “Từ màu áo trắng tôi đi/ Hai mươi năm lại trở về tuổi hoa/ Hai mươi năm bấy xót xa/ Máu, bùn nhơ ngỡ đã nhòa áo em/ Mấy vạn ngày, mấy vạn đêm/ Ta đi gìn giữ màu tim đỏ hồng/ Và màu áo trắng trắng trong/ Màu Việt Nam giữa muôn dòng đục trong”. Tôi thấy màu trắng lấp lánh, sáng rỡ trong thơ Đặng Hiển viết về thầy và trò, về ngôi trường thân yêu mang bao kỉ niệm đẹp trong bài Áo trắng học trò xứ Huế: “Gần như một giấc mơ hoa/ Xa như kỉ niệm tuổi hoa một thời/ Bồng bềnh như áng mây trôi/ Lại như phơi phới dòng đời cuộn đi/ Mát như gió lộng chiều hè/ Ấm như ánh lửa đông về mưa bay/ Thảng như một ánh trăng ngày/ Bừng như tia nắng đầu cây sang hè/ Dòng Hương ngân sóng pha lê/ Lọc qua áo ấy, chảy về tim tôi/ Tôi về với các em tôi/ Mang theo màu nắng từ trời Huế yêu”. Có người nói quá đi khi nhận xét thơ Đặng Hiển là “thơ học trò”, “thơ trường ốc”,… Phải công bằng mà nhận xét rằng trong văn chương đôi khi cái “nghề nghiệp” nó cũng “ám” vào nhà văn, thậm chí “phô” ra trong câu chữ. Điều ấy cũng không khó giải thích vì “văn là người”.

Một lần tao ngộ văn chương với các nhà văn gốc “Hà Tây quê lụa”, tôi có nêu nhận xét về điệu nói trong thơ Đặng Hiển, thấy có vẻ nhiều người biểu đồng tình. Vì sao? Thường ta thấy trong thơ ai đó có điệu “ngâm”, “ru”, thậm chí cả điệu “hát”, “vè”. Đọc thơ Đặng Hiển tôi thấy ông khi viết chỉ cốt phô diễn được hết cái tình ý của mình, còn kĩ thuật thì dường như không mấy quan tâm. Ngay như một bài thơ có tựa Tự cảm, người đọc nghĩ sẽ bắt gặp ở đây những tâm sự thầm kín và được phô diễn một cách rốt ráo bằng điệu ngâm chẳng hạn vì là thơ hướng nội.

Nhưng cái điệu nói theo cách riêng của Đặng Hiển lại làm độc giả cảm thông, chia sẻ và hòa đồng khi ông cứ viết như thể là nói: “Thật lạ lùng, gần suốt đêm không ngủ/ Tôi nghĩ suy và nhớ lại đời mình/ Từ thủơ vào đời, mắt biếc, tóc xanh/ Đến khi mắt màu tro, tóc bạc, sắp phải rời bục giảng/ Lời chào đầu tiên, ánh mắt đầu tiên/ Đã đưa tôi đi suốt chặng đường dài/ Trong chiến công em có vài lời tôi giảng/ Trong công trình em có đôi chữ của tôi/ Đủ cho tôi vượt gian khó nghề thầy/ Cả những tủi buồn do thế thời xô đẩy/ Cả trước tị ghen lòng hẹp thói thường/ Cảm ơn cuộc đời đã ban tặng vinh quang”. Điệu nói chi phối như đã nêu ở trên đã khiến nhà thơ không bị câu thúc, gò ép về vần trong khi viết. Sẽ là điệu hát trong tay người khác khi viết bài thơ Nếu những người mẹ không còn biết hát ru - một bài thơ hay trong tập, theo tôi. Nhưng Đặng Hiển vẫn cứ nhất mực trung thành với điệu nói.

Có bảo thủ chăng? Có đơn điệu chăng? Tôi đã loáng thoáng nghe ai đó nói như thế. Tôi nghĩ khác. Thử cùng nhau đọc lại bài thơ này trong những câu hay nhất: “Nếu những người mẹ không còn biết hát ru/ Thì những đứa trẻ sinh ra sẽ như cây trồng xuống cát/ Nếu núi Vọng Phu chỉ là đá như những hòn đá khác/ Thì những người đi sẽ chẳng trở về/ Nếu không có Mỵ Nương cũng chẳng có Trương Chi/ Thì Ha - nu - man ơi, con người không còn ai biết khóc/ Nếu không có nỏ thần cũng không còn giếng ngọc/ Thì dấu tích thành Loa cũng chỉ là bụi đất/ Nếu dân tộc không còn ký ức/ Thì xứ sở thành sa mạc hoang vu/ Nếu những người mẹ không còn biết hát ru”.

Bài này tôi viết cách đây đúng bốn năm, đọc trong buổi giới thiệu tập thơ Mái trường mến yêu của nhà thơ Đặng Hiển tại Hội Nhà văn Việt Nam. Nay thì nhà thơ đã đi xa mãi mãi. Tôi cầu nguyện cho nhà thơ siêu thoát bằng bài viết này.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ Đặng Hiển với thơ áo trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO