Nhà thơ Nguyễn Thanh Tùng: "Tập yêu" trong "Nghiêng chiều"

Bế Kim Loan| 24/08/2020 07:21

Nhân đọc tập thơ “Nghiêng chiều” của Nguyễn Thanh Tùng - NXB Hội Nhà văn 2019

Nhà thơ Nguyễn Thanh Tùng:

2 tập thơ “Hương trung du” năm 2018 và “Nghiêng chiều” năm 2019 (NXB Hội Nhà văn) của nhà thơ Nguyễn Thanh Tùng bước đầu ghi nhận một giọng thơ trữ tình giàu nữ tính đã gắn bó đời mình với nghề dạy học nhiều năm. 

Có điều khá đặc biệt, một nhà thơ nữ mang cái tên rất đàn ông, đó là chị: nhà thơ Nguyễn Thanh Tùng. Cái tên đầy nam tính ấy không che khuất được một người thơ quá đỗi dịu dàng, tinh tế như hương bưởi đầu mùa. Nguyễn Thanh Tùng có cuộc đời cũng lắm gian truân nhưng chị không mấy khi kể lể, nhất là trong thơ. Thơ chị chỉ toàn yêu thương và yêu thương, có thở than gì thì cũng kín đáo, dè dặt. Có thể thấy chân dung nữ nhà thơ này trong bài “Tập yêu”, ở đó chị đã gói trọn cuộc đời mình từ thuở thiếu thời cho đến khi trở về già. Cách chị tự vẽ chân dung mình cũng thật đặc biệt, đặc biệt ở chỗ chân dung này được vẽ bằng chữ “Yêu” song hành qua từng độ tuổi đời mình. Có thể thấy, Nguyễn Thanh Tùng biết yêu từ rất sớm, “từ thuở thiếu thời”, nhưng đấy không phải là tình yêu lứa đôi, tình yêu đầu tiên chị dành cho cha mẹ, tình yêu của một người con hiếu thảo sớm biết xót xa người mẹ tảo tần sớm mai, người cha ngọn nguồn nông sâu lặn lội. Nhưng cũng như một dự báo đa đoan trong đời khi chưa thành thiếu nữ, chị đã dự cảm “nẻo đường xa ngái thương đời phù vân”. Xa rời tuổi thơ, làm vợ, làm mẹ, tình yêu dành cho chồng cho con đầy hy sinh, tự nguyện, với chồng: “nguyện làm ngọn bấc đèn dầu năm canh”, với con: “nguyện làm ngọn gió ấm lành”. Cũng như bao người phụ nữ tần tảo, Nguyễn Thanh Tùng vun vén tổ ấm bằng tình yêu thương, xem tình yêu thương như của cải tròn vẹn đời mình. Và người phụ nữ ấy đã quên mình, chỉ nhất nhất hướng về tình yêu dành cho người thân như mục đích sống cao nhất đời mình: 

Con tằm rút ruột đến giờ
Niềm yêu ngụp lặn chẳng dò nông sâu

Tuổi xuân qua, tuổi trẻ qua, những năm tháng đẹp nhất cũng là những năm tháng chị không sống cho mình. Vất vả, khổ đau cũng một mình lặng thầm gánh chịu, vượt qua, chỉ có tình yêu vẫn không ngừng bung tỏa:

Yêu cho đi, gói nỗi đau
Đường mòn dốc thẳm mái đầu pha sương
Đã đến lúc sang bên kia dốc của cuộc đời, gánh nặng tuổi tác và sức khỏe theo quy luật gõ cửa đời chị. Đường đời dằng dặc thế, cho đến khi thảnh thơi nhìn lại chị mới giật mình, mới xót xa:

Bây giờ quay lại với ta
Sắc xuân bán hết, thân già tập yêu

Có biết bao người phụ nữ trên đời thương đời không biết thương thân như chị. Cái sự bừng tỉnh ở tuổi xế chiều không phải là sự hối hận, mà sự bừng tỉnh ấy là khi trách nhiệm, gánh nặng của một người con, người vợ, người mẹ đã làm tròn, có thể thanh thản được nghĩ, được sống cho mình mà không mang danh ích kỷ. Nhưng nó cũng bao hàm bao nỗi truân chuyên của đời người phụ nữ, những năm tháng thanh xuân đẹp đẽ nhất không được sống cho mình. Nhưng muộn màng còn hơn không, những thiếu khuyết vẫn còn được an ủi, dầu trong cô đơn:

Trời nghiêng bóng hắt sang chiều
Chỉ còn chút vốn tập yêu lấy mình

Hình ảnh “Trời nghiêng” trong câu thơ trên của Nguyễn Thanh Tùng gợi nhớ đến một bài thơ đẹp trong tập “Nghiêng chiều” của chị, đó là bài thơ được lấy làm tên tập thơ này. Bảo là đẹp bởi bài thơ như vẽ nên một bức tranh làng quê chiều hè êm ả. Ở đó có hình ảnh, có màu sắc, có âm thanh, và đặc biệt là tất cả cùng hòa vào “bản giao hưởng nghiêng” theo chuyển động của thiên nhiên, tạo vật:

Chiều nghiêng gọi nắng đi về
Gió nghiêng theo mái tóc thề bờ tre
Sáo diều nghiêng cả triền đê

Từng ấy đã đủ đẹp và nên thơ rồi, nhưng sức nặng bài thơ không chỉ dừng lại ở đấy. Hình ảnh con người trong chiều nghiêng đổ bóng hoàn chỉnh hơn bức tranh tả cảnh tả tình. “Bản giao hưởng nghiêng” có sức nặng nội tâm:

Bước chân nghiêng đổ dặm trường
Cuộc đời nghiêng cả về miền thương yêu
Vẫn là Nguyễn Thanh Tùng trong chân dung tự họa. 

Nhiều khi ngắm sắc hoa bằng lăng tím lịm trong nắng gắt, tôi vẫn bâng khuâng không lý giải nổi vì sao loài hoa mỏng manh kia có thể chịu đựng được cái nắng nóng khắc nghiệt để càng tím ngắt hơn, nhưng chỉ sau một trận mưa thôi, cái sắc tím được ví như sự thủy chung nhất ấy lại nhanh chóng phai màu đến thế. Không nhẽ thử thách cũng chỉ được (hay có thể) vượt qua ở một lẽ nào. Hay nghịch lý cuộc sống là thế. Nhưng dù sao khi đọc thơ Nguyễn Thanh Tùng, những hoang mang, hoài nghi cũng phần nào được an ủi:

Dù cho trời đất nghiêng say
Bão đời nghiêng ngả
Tình này
Không nghiêng!

Và nếu ai đọc tập thơ “Nghiêng chiều” của nữ nhà thơ Nguyễn Thanh Tùng có lẽ cũng chung cảm nhận như vậy. Thơ của chị giống như một mạch chảy duy cảm thầm lặng dưới những bộn bề trải nghiệm vui, buồn của đời sống con người hôm nay, nó cứ thấm dần từng chút một vào tâm hồn người đọc với những rung động của một trái tim nhân hậu, giàu yêu thương. Không chỉ thế, ở một số bài thơ khác, cảm xúc trữ tình nơi thơ chị sau nhiều khoảnh khắc “hướng nội” với nhịp điệu tự sự trầm gợi lại vượt lên bằng con mắt “hướng ngoại” lấy thiên nhiên, lấy đời sống xung quanh làm chủ thể trữ tình để chuyển tải sự chiêm nghiệm của đời người qua năm tháng. Và, tôi nghĩ trong bước đường sắp tới của thơ Nguyễn Thanh Tùng, độc giả thơ đang chờ đợi ở chị sự “hướng ngoại” nhiều hơn nữa với những tứ thơ mang tính khắc họa  tâm thế của đời sống con người đương đại qua những chiều kích nhân văn sâu sắc hơn. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ Nguyễn Thanh Tùng: "Tập yêu" trong "Nghiêng chiều"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO