Nhà thơ Nguyễn Việt Anh: Một tâm hồn thơ giàu nghị lực và đa cảm

Vũ Nho| 18/09/2018 12:20

Những bạn viết đều không xa lạ với cái tên Nguyễn Việt Anh. Không hẳn chỉ vì anh là một tác giả trẻ mà đã có 3 tập thơ riêng cho người lớn (Thức cùng bóng tối - 2015, Em là đôi mắt - 2016, Mắt chiều khép ánh hoàng hôn - 2018) và hai tập thơ cho thiếu nhi (Bầu trời nhỏ - 2015, Nhân đôi bầu trời - 2016), một tập sưu tầm biên soạn (Phạm Đức - một tâm hồn nhân hậu và tinh tế - 2015).

nhà thơ Nguyễn Việt Anh: Một tâm hồn thơ giàu nghị lực và đa cảm
Nhà thơ Nguyễn Việt Anh tại Ngày thơ Việt Nam.
Cái lí do chính là vì anh là một chàng trai khiếm thị, từ khi 14,15 tuổi đã vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng, đã vĩnh viễn “thức cùng bóng tối”. Thế mà  tác giả đã lặng lẽ vượt qua tai nạn, vượt qua khổ đau, đã vươn lên tìm cho mình một niềm an ủi ở thơ ca, đã góp cho đời 5 tập thơ và một tập  biên khảo. Nhà thơ Phạm Đức, người gần gũi với Việt Anh nhận xét rất đúng rằng: “Thơ Việt Anh, dù hay dở, dù đánh giá cao thấp ra sao, cũng khó có thể phủ nhận chất tiên tiến, mạnh mẽ của tâm hồn (người) khiếm thị, một tâm hồn thơ phong phú, nhạy bén và đậm đặc chất dân tộc với sức lao động bền bỉ. Không chỉ viết mà còn là đọc, là giao lưu, học hỏi”. Ông Đặng Hiển, một nhà giáo, nhà thơ cao tuổi không giấu niềm cảm phục của bản thân mình khi đọc Nguyễn Việt Anh: “Chính bàn tay người khiếm thị  đó đang đỡ người sáng mắt như tôi”. Điều đáng nói ở cây bút trẻ này là anh đã chọn cho mình một thể thơ lục bát của dân tộc để bộc bạch những cảm xúc, những nỗi niềm của mình trước thiên nhiên và cuộc sống xung quanh. Lục bát sáu dòng, lục bát hai dòng, và chủ yếu là bốn dòng (có nhan đề và không có nhan đề) là thể thơ mà Việt Anh đã chọn. Và thực sự là anh đã có những thành công đáng ghi nhận về thể thơ dễ viết mà khó hay này. Chỉ lấy một vài bài ví dụ:

Dẫu hôm qua khác hôm nay
Dẫu còn khác mất dẫu đầy khác vơi
Dẫu đau buồn khác sướng vui
Liệu người khóc với người cười khác không
(Bài 25)

Nếu có nhan đề, bài thơ này có thể có tên là “Khác”.

Cái sự khác rõ ràng ở ba câu đầu bài thơ. Khóc với cười hình như cũng khác  rành rành rồi. Nhưng “người khóc” với “người cười” liệu có khác? Không phải ngẫu nhiên mà Việt Anh đặt ra nghi ngờ này. Tôi thấy từ xưa nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã cảm nhận cái sự khóc cười có vẻ như mâu thuẫn của con người: “Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười” (Cây thông).
Nhà thơ hậu bối Tế Hanh cũng đã ghi nhận tình cảm có vẻ “trái ngược” trong tâm lí: “Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui/ Những ngày vui sao lại thấy bùi ngùi” (Bài thơ tình ở Hàng Châu). Người khóc với người cười nhiều khi chỉ là một con người trước hoàn cảnh khác nhau như trong thơ Nguyễn Công Trứ. Sự băn khoăn của Việt Anh chính là  xuất phát từ một tâm hồn nhạy cảm.

Một bài lục bát khác, bài số 45

Cứ tỉ tê, cứ thơm nồng
Cứ chìm đắm xuống tận cùng si mê
Đêm buông đẫm giọt cà phê
Ta nằm trong cốc lặng nghe đắng mình

Có thể đặt tên bài là “Giọt cà phê”, nhưng cũng có thể  là “Lặng nghe”, còn có thể là “Chìm đắm”,… Nhưng dù tên gọi là gì thì người đọc cũng cảm nhận được sự phân thân, sự thoát xác của tác giả cùng với vị đắng của cà phê, vị đắng của số phận một con người.

nhà thơ Nguyễn Việt Anh: Một tâm hồn thơ giàu nghị lực và đa cảm
Hai trong số 5 tập thơ của Nguyễn Việt Anh
Thêm một bài thơ thành công viết về đá. Trong tập thơ “Em là đôi mắt” tác giả đã  hỏi đá “Muốn lên xanh với bầu trời/ Hay tan thành suối về khơi dạt dào/ Tâm tư của đá thế nào/ Mà nhiều khi thấy đá trào mồ hôi”. Thấy đá trào mồ hôi thì hỏi đá cho biết thế thôi. Còn bây giờ tác giả nói về đá bằng một sự khẳng định, có vẻ như muốn tranh luận với ai đó về cuộc  sống của đá:

Ai bảo rằng đá vô tri
Đặt tay lên thấy xù xì nếp nhăn
Điều gì khiến đã trở trăn
Giấc mơ hóa ngọc còn lằn trong tim

Có những câu lục bát của Việt Anh đẹp long lanh như những câu ca dao trong kho tàng văn học dân gian. Ví dụ:

Thềm vương hai mảnh lá vàng
Giật mình ngỡ dấu đôi bàn chân ai
(Bài 39)

Than chưa cháy hết nụ cười
Đã nghe tiếng lửa khóc đời tàn tro
(Bài 50)

Đã đi muôn chốn ngàn nơi
Riêng em tôi ngỡ đến rồi mà chưa
(Bài 52)

Có thể nói Nguyễn Việt Anh là một người nhạy cảm và  đa cảm. Như tác giả tự bộc bạch:

Gió lay ngàn nón xanh rung
Hồn ta là cả cánh rừng đổ chuông
(Bài 26)

Hoàn cảnh đặc biệt làm cho tâm hồn anh nhạy cảm với những số phận thiệt thòi, những hoàn cảnh khó khăn:

Còn nhiều số phận hẩm hiu
Còn nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo lắm em
(Bài 7)

Cảm thông, chia sẻ, đặc biệt là sự nhạy cảm với nỗi đau của kiếp người, khiến cho tác giả thấy: Vết thương người khác tấy trên thân mình (Bài 7)

Và:

Chân mình mỏi bước người ta
Tóc người ta bạc, trắng qua phận mình
(Bài 8)

Người khác và mình, người ta và mình, thiên hạ và mình tưởng không liên quan hóa ra lại gắn bó. Sợi dây ngầm liên kết chặt chẽ hai phía, hai chủ thể chính là sự cảm thông, sự thương cảm chảy trong huyết mạch người dân Việt “thương người như thể thương thân”.

Nhạy cảm như thế nên người viết cảm nhận khi  nhìn thấy cỏ đẫm sương lại ngỡ như nước mắt cảm thương của người cõi khác:

Bập bùng cỏ đẫm sương phơi
Phải người dưới ấy khóc tôi trên này
(Bài 18)

Nhiều câu thơ cho thấy một tâm hồn thơ nhạy cảm, đa cảm, với nhiều trạng thái phức tạp, đa dạng, đa diện. Có thể gặp những đinh ninh, trở trăn, rối bời, băn khoăn, suy đi tính lại, loay hoay, lơ mơ, kiên nhẫn, giật mình, lặng nghe, chạnh lòng, đành thôi, tê tái, tần ngần, phân vân, ngập ngừng. Đó là những từ ngữ chỉ cảnh vật cũng là những chuyển hóa từ “tâm cảnh” sang “ngoại cảnh”. Một tâm trạng không hề đơn giản của một tâm hồn đa cảm.  Người thơ vừa muốn “ Nhập hồn vào xác ve già mà kêu” (Bài 34). Nhưng đồng thời lại khao khát, mong muốn trở lại kiếp người ngay sau đó : “Bao giờ lột xác tình ơi/ Cho ta trở lại kiếp người hỡi ve” (Bài 35). Những băn khoăn của riêng nhà thơ, nhưng cũng là băn khoăn của những người đã yêu, đang yêu và sẽ yêu:

Người hôm nay đã thương mình
Biết mai ở cõi vô hình còn thương
(Bài 1)

Bia đá rồi sẽ biến hình
Nào ai biết được bia tình có phai
(Bài 30)

Một điều đáng  chú ý là các bài thơ của Việt Anh không quá nhiều niềm vui, không quá phấn khích. Âm hưởng trầm và man mác buồn  trở thành âm điệu chủ đạo của các tập. Và có vẻ như thơ Việt Anh hơi già trước tuổi. Già dặn, thâm trầm thì chắc chắn rồi. Nhưng đó là hệ quả và cũng là kết quả của những biến cố trong cuộc sống riêng của tác giả. Sự già dặn đó chỉ làm cho bạn đọc thên yêu quý và trân trọng nghị lực sống, nghị lực viết của anh. Dù thiệt thòi, mất mát, nhưng Việt Anh thật mạnh mẽ, thật lạc quan:

Tháng năm hút cạn đời người
Tưới đau lòng đất tiếng cười bật lên
(Bài 17)

Tôi về giữa xứ tin yêu
Bao nhiêu khổ lụy, bấy nhiêu nồng nàn
(Bài 55)

 Vượt qua số phận đau thương đến với niềm vui thơ ca, tác giả tự tin khẳng định:

Tim này càng mất càng giàu
Máu này càng vỡ, càng đau càng nồng
Hồn này càng khuất càng trong
(Bài 61)

Hi vọng rằng với những gì đã gặt hái được, Nguyễn Việt Anh sẽ tự tin đi trên con đường sáng tạo nhọc nhằn mà anh đã chọn. Và thơ anh không chỉ nâng đỡ tâm hồn anh, mà còn nâng đỡ bao nhiêu tâm hồn người đọc khâm phục và yêu mến nhà thơ đa cảm, giàu nghị lực. 
(0) Bình luận
  • Chiến sỹ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiến sỹ Điện Biên của tác giả Vũ Lan Phương.
  • Mùa xuân Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Mùa xuân Điện Biên của tác giả Nguyễn Địch Long.
  • Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên của tác giả Lương Sơn.
  • Âm vang Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Âm vang Điện Biên của tác giả Vũ Nhang.
  • Chiếc xe thồ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiếc xe thồ Điện Biên của tác giả Nguyễn Đình Quý.
  • Lớn lên từ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Lớn lên từ Điện Biên của tác giả Nguyễn Quốc Lập.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ Nguyễn Việt Anh: Một tâm hồn thơ giàu nghị lực và đa cảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO