Nhà văn Bùi Hiển: Từ trang đời đến trang văn

Đặng Thủy| 18/12/2019 10:16

Tròn 100 năm ngày sinh của cố nhà văn Bùi Hiển, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức “Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Bùi Hiển”. Những ý kiến, chia sẻ tại lễ kỷ niệm như những dòng hồi ức giúp công chúng hiểu thêm cuộc đời và sự nghiệp của một nhà văn xứ Nghệ.

Nhà văn Bùi Hiển: Từ trang đời đến trang văn

Duyên nợ với văn chương
Nhà văn Bùi Hiển (1909 - 2009) quê ở làng Phú Nghĩa Hạ, nay thuộc xã Quỳnh Tiên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Những năm tháng học ở trường Quốc học Vinh, chứng kiến người bạn học của mình ngâm nga từng câu trong truyện ngắn Con dê gái của ông Xơ ganh rồi tìm mua Táctaranh miền Taraxcông, Táctaranh trên núi Anpơ, Bùi Hiển đã “mang mang cảm thấy rằng văn chương có một ma lực gì đó có sức quyến rũ thật đặc biệt”. Những năm 1932 - 1933, khi luồng không khí mới thổi vào đời sống văn chương của đất nước, ông đã bị cuốn hút bởi những truyện ngắn “xã hội ba đào ký” cay chua, dí dỏm của Nguyễn Công Hoan; lối văn sáng sủa tình cảm của Thạch Lam, Thế Lữ, Khái Hưng, Nhất Linh và cả sự bộc trực của Vũ Trọng Phụng qua tiểu thuyết Giông tố đăng trên Hà Nội báo… Cũng từ đây ông bắt đầu có ý thức về khả năng biểu đạt của ngôn ngữ Việt Nam, văn chương Việt Nam. 

Sau này khi đỗ diploma, trở về làng, mở lớp dạy tư kiếm tiền, ông bắt đầu có ý thức tập viết văn, dịch một vài truyện ngắn của Maupassant. Và “sự nghiệp văn chương” thực sự đến với Bùi Hiển khi ông thi đỗ ngạch thư ký Tòa sứ Trung Kỳ và được nhận vào làm việc tại Vinh. Nhớ lại chặng đường đến với văn học này, nhà văn Bùi Hiển có ghi: “Chính trong thời gian sống cuộc đời viên chức, tôi có dịp mở rộng sự đọc và học hỏi. Theo dõi sách báo quốc văn, tôi thích cái đằm thắm sôi nổi của Nguyên Hồng, cái sâu lắng của thơ Huy Cận và bị chất “Tây” của thơ Xuân Diệu… Cũng vào thời gian này dần dần bộc lộ rõ trong tôi thiên hướng muốn đi vào con đường sáng tác văn chương. Cảnh sống “sớm vác ô đi, tối vác ô về” có nhiều thời gian nhàn rỗi về buổi tối tôi cặm cụi và lặng lẽ ngồi tập dượt viết truyện ngắn. Những truyện viết đầu tiên gồm hai đề tài: đời sống dân chài và đời sống viên chức cùng dân nghèo thành thị.”

Truyện ngắn Ma đậu và Nằm vạ thành công được đăng trên báo Ngày nay như một nguồn khích lệ động viên cho Bùi Hiển. Ông tiếp tục sáng tác và gửi truyện cho Hà Nội tân văn, Tiểu thuyết Thứ Bảy, Trung Bắc Chủ nhật, Thanh Nghị… Từ 1940 - 1945, ông viết được khoảng 40 truyện ngắn. Sau Cách mạng tháng Tám ông liên tục có những tác phẩm truyện và ký: Gặp gỡ - truyện (1954), Ánh mắt - truyện (1961), Trong gió cát - ký (1965), Đường lớn - truyện (1966), Những tiếng hát hậu phương - truyện (1977), Một cuộc đời - truyện (1976), Ý nghĩa ban mai - truyện (1988).

Bùi Hiển viết nhiều thể loại nhưng truyện ngắn là thể loại ông theo đuổi và coi là sự nghiệp của đời mình. Với ông “Người viết truyện cũng có lợi thế của mình. Tất nhiên cũng phải có sự nghiền ngẫm tích lũy khi chủ đề chín muồi và tia chớp cảm hứng nẩy sinh là đặt bút viết ngay được, có thể mỗi ngày, có thể cả tuần như khi chấm hết, tình cảm xuất phát và ý tưởng chủ đạo tươi nguyên dường như còn làm run rẩy ngòi bút”.

Bám sát hiện thực quanh mình
Nhà văn Bùi Hiển thừa nhận ông rút kinh nghiệm là với tạng của mình, việc viết lách chỉ có thể thành công bằng bám sát hiện thực quanh mình. Điều này ông học hỏi từ chính những nhà văn đi trước. Như các truyện Nằm vạ, Kẻ hô hoán, Ma đậu, Chiều sương… hầu hết là chuyện của làng ông, nhiều nhân vật là người họ hàng của ông.

Trong sáng tác của Bùi Hiển, gương mặt nông thôn và những người nông dân xứ Nghệ nơi làng chài ven biển Quỳnh Lưu khá đậm đặc. Cũng bởi thế mà nhà phê bình Vũ Ngọc Phan xếp tác phẩm của Bùi Hiển vào thể loại “Tiểu thuyết phong tục” cùng với Khái Hưng, Trần Tiêu, Mạnh Phú Tư, Thiết Can. Còn GS. Phong Lê thì nhận xét: “Qua phong tục, và là phong tục xứ Nghệ, cùng với những đối thoại rặt giọng Nghệ, rất hiếm trong văn chương Việt, cho đến nay dấu ấn địa phương một vùng quê bỗng hiện lên rõ nét; và đó là cái làm nên “thương hiệu” riêng của Bùi Hiển.
Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng chia sẻ, đọc Bùi Hiển, không thấy những tiếng vọng xã hội rộng lớn, vang rền; không thấy những quyết đấu giai cấp quyết liệt và tàn khốc, không nhìn thấy cái xấu trắng trợn đến độ khủng khiếp như trong sáng tác của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng. Có vẻ như Bùi Hiển cứ nhẩn nha, thủ thỉ kể những câu chuyện/ sự việc/ cảnh ngộ thường ngày ít ai để ý quan tâm, nhưng khi được nhà văn “chạm bút” vào thì tự nhiên lóe sáng, hiển hiện như dưới thanh thiên bạch nhật, thì lập tức phơi mở bản chất cuộc đời và kiếp người trong cõi dâu bể. 

Một tấm gương lao động bền bỉ
Trong ký ức của ông Bùi Quang Tú - con trai nhà văn Bùi Hiển thì niềm đam mê, sự miệt mài dấn thân cho văn chương của cha đã trở thành những dấu ấn sâu đậm khó quên. Ông Tú nhớ lại: “Hồi còn thơ bé, một đêm mùa đông buốt giá, tôi tỉnh dậy lúc 3 giờ sáng và thấy ba khoác chiếc chăn bông, ngồi lặng phắc đọc sách bằng tiếng Pháp. Khi còn ở C4 Khu tập thể Kim Liên, nhiều đêm sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của vợ con, ba khéo cửa, đi dọc hành lang, khi mỏi thì ngồi trên bậc cầu thang, có khi đến tảng sáng mới đặt mình. Có lúc cả nhà đi sơ tán, một mình ba bám trụ. Khu tập thể vắng lặng như một ngôi nhà hoang, thế mà một mình ba cứ ra vào, ghi chép, nghiền ngẫm, viết.”

Là người đã từng gắn bó với nhà văn Bùi Hiển trong những năm tháng ở chiến trường Bình Trị Thiên, trong mắt nhà báo Phan Quang: “Bùi Hiển là nhà văn viết thận trọng… Anh đi vào cuộc sống, tự buộc mình hòa vào cuộc sống, và bằng đôi mắt hiền lành nhưng rất tinh tế, hóm hỉnh. Anh quan sát, anh nhận xét, anh khắc sâu vào trí nhớ từng cảnh sinh hoạt, từng cử chỉ cho tới từng lời nói, từng chữ dùng của người dân. Những điều quan sát được, anh cẩn thận ghi vào sổ tay, những cuốn sổ tay dầy cộp, chữ viết ngay hàng thẳng lối như vở học sinh. Thỉnh thoảng anh lại mở sổ ra, đọc đi đọc lại các tư liệu và suy nghĩ, suy nghĩ… Chờ đến bao giờ chủ đề mình ấp ủ chín muồi anh mới đặt bút viết.”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Bích Thu nhận xét, từ sau năm 1975, nhất là ở thời kỳ Đổi mới, nếu như một số nhà văn cùng thời với Bùi Hiển “rửa tay gác kiếm” thì ông vẫn miệt mài sáng tác với ý thức đổi mới trong cảm hứng và phương thức thể hiện. Trong không khí dân chủ của đời sống văn học, ông cũng như đồng nghiệp thuộc các thế hệ có điều kiện mở rộng cánh cửa nhìn ra văn học thế giới. Trên các trang viết, dường như Bùi Hiển ít tự lặp lại mình mà luôn âm thầm tìm tòi, tích lũy chất liệu, vốn liếng trong kho tàng văn học dân tộc và tri thức văn hóa nhân loại.

Hơn sáu thập niên cầm bút, Bùi Hiển là tác giả của hơn 40 đầu sách thuộc nhiều thể loại, truyện ngắn, bút ký, hồi ký, truyện thiếu nhi, tiểu luận, chân dung văn học và cả dịch thuật. Ông là trường hợp hiếm hoi khi vừa thuộc lớp nhà văn tiền chiến mà vẫn tiếp tục song hành cùng các văn thi gia lớp cách mạng và kháng chiến, rồi xây dựng đời sống mới sau 1945 cho đến đầu thế kỷ XXI. Nhìn lại “gia tài” tác phẩm của ông, bạn đọc không chỉ cảm phục về sự lao động bền bỉ trong văn chương mà còn trân trọng hơn bởi cảm hứng nhân văn ăm ắp trên từng trang viết. Với những bạn văn, những đồng nghiệp và người thân trong gia đình cố nhà văn, Bùi Hiển còn là người “đánh thức lương tri” bằng tác phẩm và cả bằng nhân cách sống cao đẹp của mình.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Giải Cống hiến 2024: Hòa Minzy là Nữ ca sĩ của năm, Đen Vâu lập cú đúp
    Tối 27/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến 2024. Đây là mùa giải Cống hiến lần thứ 18 được tổ chức và mùa thứ hai được mở rộng sang lĩnh vực thể thao, với hai hệ thống giải là giải Âm nhạc Cống hiến và giải Thể thao Cống hiến.
  • “Đào, phở & piano” - trọn vẹn tình yêu Hà Nội
    Từ cuối năm 2023, tín hiệu rất vui với điện ảnh trong nước khi những bộ phim cả tư nhân và nhà nước lần lượt ra rạp, tạo được hiệu ứng tích cực. “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một trong số đó. Phim được nhà nước đặt hàng, từng giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
  • Hà Nội và những gánh hàng rong...
    Khi nhắc về Hà Nội, trong vô vàn dáng hình hiện hữu, người ta không thể không nhắc tới những gánh hàng rong. Cùng Người Hà Nội hòa vào nhịp sống hối hả của 36 phố phường trên những gánh hàng rong...
  • Phố cổ của tôi
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Phố cổ của tôi của tác giả Nguyễn Duy Quý.
  • Quận uỷ Tây Hồ ra mắt Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây
    Sáng 27/3, Quận ủy Tây Hồ tổ chức lễ ra mắt Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây. Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, tham mưu, giúp việc cho Quận ủy, UBND quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung thống nhất khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận; triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng Đảng.
  • Quy hoạch Phong Hòa: Phát triển đô thị theo hướng bảo tồn các giá trị di tích lịch sử
    Định hướng Quy hoạch phân khu xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thành lập phường đến năm 2045 và phát triển đô thị theo hướng bảo tồn các giá trị của di tích lịch sử kết hợp giữ gìn cảnh quan sông Ô Lâu, làng cổ Phước Tích.
  • Quê hương tôi
    Quê hương luôn là nguồn cảm hứng sáng tác của các văn nghệ sĩ; Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Quê hương tôi của tác giả Nguyễn Thiện.
  • Độc đáo kiến trúc, tên gọi các cửa ra vào Kinh thành Huế
    Kinh thành Huế có 11 cửa thành đường bộ và 2 cửa đường thủy có kiến trúc, tên gọi độc đáo nhưng mỗi cửa mang một chức năng cùng những câu chuyện lịch sử khác nhau sau khi được xây dựng, phục hồi lại.
  • Hơn 300 người thuộc 54 thành phần dân tộc tham gia Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2024
    Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 sẽ diễn ra từ 18 - 21/4/2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội với sự tham gia của hơn 300 người thuộc 54 thành phần dân tộc của 63 tỉnh, thành phố.
  • Hà Nội đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền hiệu quả về triển khai Đề án 06/Chính phủ năm 2024
    UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc thông tin, tuyên truyền về “Kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và triển khai Đề án 06/Chính phủ” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.
Nhà văn Bùi Hiển: Từ trang đời đến trang văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO