Nhạc sĩ Vũ Thiết: Người "mắc nợ" nhiều vùng đất

Ngô Khiêm| 02/09/2020 09:36

Sinh ra ở Thái Bình và lập nghiệp ở Hà Nội, song Vũ Thiết là người “mắc nợ” nhiều vùng đất. Cũng bởi nếu nhìn vào sáng tác của người nhạc sĩ này thì thấy ông đi nhiều, viết nhiều và ở mỗi nơi đi qua ông đều để lại những tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Đó có thể là một Tây Nguyên khỏe khoắn, phiêu du; một Bắc Ninh lãng mạn, mộng mơ; một Quảng Ninh bi hùng, bất khuất; một Trường Sa trữ tình, sâu lắng…

Nhạc sĩ Vũ Thiết: Người
Nhạc sĩ Vũ Thiết say sưa với cây đàn
Say Tây Nguyên như… người tình

Có lẽ đến tận bây giờ nhiều người vẫn nghĩ Vũ Thiết là người Tây Nguyên bởi không chỉ làn da, mái tóc đã nhuộm màu nắng gió từ miền đất này mà còn vì ông là tác giả của ca khúc nổi tiếng “Nghe câu quan họ trên cao nguyên” (phỏng thơ Hữu Chỉnh). Tây Nguyên luôn có một vị trí đặc biệt trong lòng người nhạc sĩ quê lúa, bởi như ông chia sẻ thì có Tây Nguyên mới có Vũ Thiết hôm nay.

Tám năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên đã giúp Vũ Thiết hiểu thêm về con người, vùng đất cũng như chất âm nhạc lãng mạn, hào hoa đặc trưng nơi đây để rồi điều đó ngấm vào da thịt và định hình nên phong cách âm nhạc của ông sau này. Cũng tại đây, ông đã được tiếp xúc, quen thân với cố NSND Y Moan (tên thật là Y Bliêo) - một biểu tượng của âm nhạc Tây Nguyên. Những đêm biểu diễn trên sân khấu đơn sơ ở tận buôn làng, những buổi cạn chén rượu cùng với đồng bào bên ánh lửa bập bùng... đã là những ký ức đẹp trong tâm hồn ông. Tới khi cả 2 người có gia đình riêng thì hai gia đình lại thân thiết như những người anh em trong gia đình. Dù sau này, gia đình nhạc sĩ Vũ Thiết chuyển ra Bắc ít có điều kiện gặp gỡ, rồi NSND Y Moan không còn nữa nhưng với nhạc sĩ Vũ Thiết, đó vẫn là người bạn, người đồng nghiệp đã có rất nhiều yêu thương, trân trọng.

Cũng tại mảnh đất thương mến này, Vũ Thiết đã được học hỏi kiến thức âm nhạc, vốn sống từ nhiều nhạc sĩ trong những đợt vận động sáng tác, trong đó có nhạc sĩ Nguyễn Cường, một người rất thành công với những ca khúc về Tây Nguyên. Chính nhờ sự chỉ bảo tận tình của tác giả “Đôi mắt Pleiku”, “Ly café ban mê” mà khi về học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) ông hầu như không phải học thêm nữa.

Tây Nguyên - vùng đất màu mỡ, nơi có dân ca, dân nhạc và nhiều lễ hội đặc sắc đã giúp Vũ Thiết gieo những hạt giống đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình, khi mà mới 26 tuổi dù chưa được học bài bản lớp sáng tác âm nhạc nào nhưng ông đã cho ra đời ca khúc: “Nghe câu quan họ trên cao nguyên”. Bài hát đã thể hiện được tình yêu Tây Nguyên của người nhạc sĩ quê lúa vốn nặng lòng với những làn điệu dân ca. Nhưng cũng thật đặc biệt khi mà đa số các nhạc sĩ khác sáng tác về Tây Nguyên đều tập trung vào nét hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng, những bạt ngàn cà phê, cao su, với cái nắng, cái gió cũng hào sảng như lòng người thì Vũ Thiết lại nhìn nó qua làn điện dân ca quan họ mượt mà, tha thiết. Với giai điệu khỏe khoắn, vui tươi, lời ca giàu chất trữ tình, cho đến nay bài hát được nhân dân Tây Nguyên và quê hương quan họ Bắc Ninh rất yêu thích. 

Trách nhiệm với biển đảo

Sau này không chỉ riêng “Nghe câu quan họ trên cao nguyên” mà một số ca khúc khác, Vũ Thiết cũng sử dụng chất dân ca ở một miền quê nào đó mà ông đã đi qua như: “Bồng bềnh”, “Ngày ấy”, “Biển và em”, “Một khoảng trời xanh cao nguyên”, “Chiều hồ Tây”... Đặc biệt gần đây, ông đã nhận giải B Giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với ca khúc về miền đất quan họ: “Bắc Ninh ngày tôi về”. Ca khúc này đã được ông sáng tác theo đơn “đặt hàng” phục vụ cho Lễ kỷ niệm 185 năm ngày thành lập và 20 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh, sau đó đã được Tùng Dương biểu diễn rất thành công tại buổi lễ.

Cùng với những bước phiêu du, lãng tử và để lại nhiều ca khúc cho các vùng đất, Vũ Thiết vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho nơi “chôn rau cắt rốn” của mình. Và một trong những ca khúc được biết đến nhiều hơn cả là “Tiếng hát bên dòng sông Trà”. Bên cạnh “Nắng ấm quê hương” (nhạc Vĩnh An), “Bài ca năm tấn” (nhạc Nguyễn Văn Tý) thì “Tiếng hát bên dòng sông Trà” được nhiều người dân Thái Bình gọi vui là “tỉnh ca”. Ca khúc này (cùng với “Nghe câu quan họ trên cao nguyên”, “Lời sóng hát”, “Khúc tráng ca biển”) đã góp mặt trong bốn ca khúc đưa ông đến với Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2016.

Những năm gần đây, Vũ Thiết liên tiếp gặt hái được những thành công ở mảng ca khúc về đề tài biển đảo quê hương, thậm chí người ta gọi ông là một “hiện tượng” về đề tài này. Có lẽ nguyên do như ông đã thổ lộ: “Biển đảo quê hương là một đề tài rộng có sức hấp dẫn với người cầm bút mà mỗi khi nghĩ về biển, về đảo, về những người lính đang canh giữ biên cương, hải đảo của Tổ quốc, lòng tôi luôn cảm thấy hứng khởi và mong muốn được trải lòng mình qua những nốt nhạc”. 

Ở mảng chủ đề này, thành công đầu tiên phải nhắc đến “Khúc tráng ca biển” mà Vũ Thiết đã rất tài tình khi gieo vào lòng người nghe sự bi tráng, hào hùng xen lẫn lòng tự hào dân tộc. Ca khúc được Vũ Thiết phổ theo dòng nhạc thính phòng từ bài thơ “Mộ gió” của nhà thơ Trịnh Công Lộc, như lời khẳng định dẫu người lính biển hy sinh nhưng linh hồn là bất tử, nó đã hòa vào biển cả cuộn thành những con sóng trấn giữ biển đảo quê hương. Ca khúc viết về những người lính hy sinh nhưng không hề não nùng, sầu cảm mà sâu thẳm, mang tính tráng ca anh hùng. Nó đã đem đến cho ông giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc vận động sáng tác mang tên “Đây biển Việt Nam” do báo điện tử Vietnamnet phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam phát động năm 2011.

Một sự kết hợp nữa của Vũ Thiết với nhà thơ Trịnh Công Lộc là bài hát “Lời sóng hát” (phổ từ bài thơ “Lời của sóng”) đã mang đến cho ông giải Nhất - Giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2013. Rồi “Biển chiều Nha Trang” đã vượt qua trên 500 ca khúc tham dự để giành giải Nhì cuộc thi sáng tác với chủ đề “Biển đảo và quê hương Khánh Hòa”. Năm 2014, khi được ra với Trường Sa, ông đã có nhiều cảm xúc về một nơi mà trước đó ông chỉ tưởng tượng để sáng tác. Lúc về, ngồi trên boong tàu, ông đã phổ nhạc hai bài thơ và được hát ngay giữa biển, đó là “Thư Trường Sa” (thơ Trần Hữu Việt) và “Về với Trường Sa” (thơ Vũ Thanh).

Hơn 40 năm theo đuổi con đường âm nhạc để giờ đây khi đã đến tuổi “chùn chân, mỏi gối” nhưng tình yêu với âm nhạc trong nhạc sĩ Vũ Thiết vẫn chưa một ngày thôi cháy bỏng. Và như ông đã chia sẻ còn rất nhiều đề tài đang ấp ủ về nhiều vùng đất khiến chúng ta tin rằng sẽ còn được thưởng thức nhiều ca khúc hay hơn nữa của người nhạc sĩ tài hoa này. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Infographic] Chuỗi sự kiện "Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai"
    Chuỗi sự kiện “Ươm mầm tri thức – Kiến tạo tương lai” là chương trình ý nghĩa được UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp các nhà xuất bản, nhà sách, các đơn vị, cá nhận hoạt động trong cùng lĩnh vực tổ chức thường niên, nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, chào mừng kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (01/5/2017 - 01/5/2024).
  • Hà Nội tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024
    Tại Hà Nội, mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024 là sự kiện Hội Sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”, kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (01/5/2017 - 01/5/2024) được tổ chức vào 09h30 ngày 17/4/2024 tại Phố Sách Hà Nội.
  • Giới thiệu 70 tác phẩm mỹ thuật với chủ đề “Đường lên Điện Biên”
    Nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), vào ngày 26/4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức khai mạc triển lãm “Đường lên Điện Biên”.
  • Ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
    Cách đây 70 năm, quân và dân ta đã tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, đó là thắng lợi của sức mạnh “toàn dân đánh giặc”, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 70 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay...
  • Hà Nội: Sôi nổi Liên hoan cán bộ thư viện Toàn quốc tuyên truyền văn hóa đọc
    Chiều ngày 16/4, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Đống Đa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Lễ tổng duyệt Liên hoan cán bộ thư viện Toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) với chủ đề “Điện Biên – Vang mãi bản hùng ca”.
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Vũ Thiết: Người "mắc nợ" nhiều vùng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO