Nhìn lại các sự kiện nổi bật chính trường thế giới 2017

Hà Phương/KTĐT| 31/12/2017 10:48

Ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, Triều Tiên tăng cường phóng tên lửa… là những sự kiện lớn khiến năm 2017 trở thành một năm đầy sôi động.

Tổng thống Donald Trump nhậm chức
Ngày 20/1/2017, ông Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đời sống chính trị nước Mỹ. Ông Trump, với chính sách Nước Mỹ trên hết, đã đưa ra nhiều quyết định, thậm chí đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm như: Sắc lệnh cấm nhập cư, rút ra khỏi Hiệp ước chống biến đổi khí hậu... Gần một năm sau khi ông Trump làm chủ Nhà Trắng, thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng cao, tăng trưởng kinh tế trong 2 quý cuối năm đạt trên 3%. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 4,1% vào tháng 11 - thấp nhất trong 17 năm qua.
Cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Trong một năm qua, cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử do công tố viên đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu đã gây không ít sóng gió cho nội các của Tổng thống Trump. Hồi đầu năm, Cố vấn an ninh quốc gia Micheal Flynn từ chức vì dính đến bê bối này. Sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Session cũng hứng chịu chỉ trích vì không báo cáo cuộc gặp với cựu Đại sứ Nga tại Mỹ. Đầu tháng 12 năm nay, ông Flynn chính thức thừa nhận đã nói dối Cục Điều tra Liên bang. Giới phân tích nhận định, việc ông Flynn thừa nhận tội danh sẽ khiến cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 càng thêm phức tạp.
Căng thẳng bán đảo Triều Tiên
Ngày 3/9/2017, CHDCND Triều Tiên thử qua bom hạt nhân lần thứ 6 khiến thế giới chấn động. Đây là loại bom nhiệt hạch có sức công phá lớn hơn nhiều bom nguyên tử thông thường. Tổ chức Giám sát địa chấn độc lập NORSAR ước tính thiết bị được thử nghiệm có lượng nổ vào khoảng 120 Kiloton, gấp 10 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ II.
Ngoài ra trong suốt năm 2017, Bình Nhưỡng đã tiến thành phóng thử 15 tên lửa đạn đạo, trong đó có 2 lần bắn tên lửa bay qua Nhật Bản. Lần gần nhất Bình Nhưỡng thử tên lửa là hôm 29/11. Đây được cho là loại tên lửa đạn đạo tiên tiến nhất từ trước tới nay.
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19
Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 tháng 10/2017 đã bầu ban lãnh đạo mới và vạch ra hướng đi của Trung Quốc trong nhiều năm tới. Nhờ thành tựu và quyền lực trung được trong 5 năm qua, ông Tập Cận Bình tiếp tục cương vị, được tôn vinh ngang tầm với các cố lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Ông Tập Cận Bình tái khẳng định, quyết tâm đưa Trung Quốc trở nên giàu có vào năm 2020, công khai tham vọng trở thành siêu cường hàng đầu thế giới vào năm 2050, dẫn đầu cả về kinh tế, văn hóa xã hội lẫn quân sự. Báo cáo chính trị mà ông Tập đọc tại đại hội cho thấy Trung Quốc muốn chuyển từ triết lý "náu mình chờ thời" mà nước này áp dụng từ năm 1990 sang "tiến vào trung tâm thế giới".
Xả súng đẫm máu ở Las Vegas khiến 600 người thương vong
Vào ngày 1/10/2017, một tay súng đã nã đạn từ tầng 32 khách sạn Mandalay Bay, Las Vegas vào người tham gia một lễ hội âm nhạc ngoài trời. Vụ xả súng được cho là đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ và khơi lại vấn đề sở hữu súng đạn. Theo một khảo sát, 42% người được hỏi cho biết, bản thân sở hữu súng hoặc sống chung với một người sở hữu súng, tương đương với việc cứ 10 người Mỹ thì có 4 người “găm” cho mình một khẩu súng. Ngoài ra, 2/3 số người sở hữu súng cho biết, họ có nhiều loại súng. Tuy nhiên, sau vụ việc, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết hiện vẫn còn quá sớm để thảo luận về chính sách kiểm soát súng tại Mỹ.
Chủ nghĩa khủng bố đe dọa châu Âu
Những vụ tấn công khủng bố từ “sói đơn độc” tiếp tục gây hoang mang cho người dân trên toàn thế giới trong năm 2017. Liên tiếp các vụ tấn công khủng bố đã diễn ra tại Anh, bắt đầu từ vụ việc ngày 22/3 khi một kẻ lái xe đâm vào đám đông trên cầu Westminster ở London khiến 4 người thiệt mạng.
2 tháng sau, một kẻ đánh bom tự sát đã cho phát nổ quả bom tại một buổi hòa nhạc ở Manchester khiến 22 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Ngày 3/6, một kẻ lái xe chở 2 tên khác đã đâm vào đám đông người đi bộ trên cầu London khiến 8 người thiệt mạng. 3 tên này sau đó tiếp tục tấn công người đi đường trước khi bị bắn hạ. Ngoài nước Anh, ga tàu điện ngầm ở St. Petersburg, Nga đã trở thành mục tiêu của một vụ đánh bom tự sát hồi tháng 4 khiến 15 người thiệt mạng.
Các đảng cực hữu lên ngôi
Năm 2017 chứng kiến Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel vẫn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức hôm 24/9, nhưng không phải là thắng lợi trọn vẹn. Cuộc bầu cử này cũng chứng kiến sự vươn lên của Đảng cực hữu, chống nhập cư Lưa chọn khác cho nước Đức (AfD). AfD hiện tại đã là đảng lớn thứ 3 trong Quốc hội Đức. Trong khi đó, tại Áo, Đảng Tự do (FPO) cực hữu đứng thứ 3, với 26% phiếu bầu. Đáng chú ý, ngày 15/12 vừa qua, các thành viên của FPO chính thức liên minh với Đảng Nhân Dân mới bảo thủ của Thủ tướng Sebastian Kurz để tham gia chính phủ mới, với nhiều vị trí quan trọng.
Ông Macron trở thành Tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp
Sau 2 vòng bầu cử hồi đầu tháng 5/2017, ông Emmanuel Macron đã giành chiến thắng áp đảo trước ứng viên cực hữu Marine Le Pen, trở thành Tổng thống Pháp trẻ nhất trong lịch sử.
Tổng thống 39 tuổi nhậm chức khi nước Pháp đứng trước hàng loạt thách thức như sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội, tỷ lệ thất nghiệp cao và nguy cơ khủng bố. Trên phạm vi thế giới, chiến thắng của Macron có ý nghĩa to lớn, loại bỏ nguy cơ Pháp rời EU, cho thấy sự lên ngôi của các chính đảng trẻ trung và ngăn chặn xu hướng dân tộc cực hữu ở châu Âu.
Tổng thống Mỹ tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel
Ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem.
Quyết định này đảo ngược chính sách của Mỹ, khiến nỗ lực hòa bình Trung Đông gặp khó, làm thất vọng cả đồng minh lẫn đối thủ của Washington. Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với toàn bộ TP, cho rằng điều này cần được giải quyết thông qua đàm phán.
Catalonia đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha
Ngày 1/10/2017, 90% người đi bỏ phiếu cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia cho biết, họ muốn tách khỏi Tây Ban Nha. Chính quyền trung ương tuyên bố đây là hành động bất hợp pháp, dẫn đến đụng độ và gây ra tình trạng hỗn loạn. Sau đó, chính quyền Madrid tuyên bố giải tán nghị viện Catalonia. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử nghị viện mới thay thế, phe ủng hộ ly khai ở Catalonia vẫn giành chiến thắng, dự báo viễn cảnh căng thẳng ở Tây Ban Nha sẽ còn kéo dài.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại các sự kiện nổi bật chính trường thế giới 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO