Nhìn ngang thầy sử Phan Huy Lê

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn| 06/07/2018 12:51

Với các bạn sử thì đương nhiên rồi. Nhưng ngay cả với sinh viên Ngữ văn và các ngành khoa học xã hội và nhân văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nói chung đều biết đến uy danh “tứ trụ” Lâm, Lê, Tấn, Vượng…

Ấy là bởi truyền thống tư duy “Văn - sử - triết” bất phân, nhất là văn – sử vẫn thường có sự giao thoa, giao lưu qua lại. Thế nên chúng tôi có nhiều dịp được gặp gỡ, hầu việc, hầu chuyện, hóng chuyện các bậc thầy. Riêng với thầy Phan Huy Lê, bao giờ cũng thấy thầy nghiêm trang, sang trọng, com lê, ca vát đủ đầy. Thầy vẫn giữ chất giọng Hà Tĩnh, âm vực cao, sang sảng, đĩnh đạc, rành mạch, nghe rất sướng…

Nhìn ngang thầy sử Phan Huy Lê
GS. NGND. Phan Huy Lê. Ảnh: Minh Đức
Còn nhớ vào cuối năm 1985 có hội thảo khoa học nhân 400 năm mất Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Phòng. Khi ấy tôi đã về Viện Văn học mấy năm nên cũng được theo hầu. Thầy Phan Huy Lê có tham luận mở đầu Thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm thực sự bề thế, hoành tráng, chuẩn mực. Tiếp đến thầy Trần Quốc Vượng diễn giải Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bối cảnh văn hóa Việt Nam thế kỷ XVI, trong đó thầy lên tiếng “bào chữa” cho nhà Mạc và chủ tướng Mạc Đăng Dung, “ông già này gánh nhục cho con, cho cháu và cho cả nước mà cứ bị mang tiếng mãi! Tất cả ứng xử của Mạc với Minh cũng chỉ nằm trong một chiến lược ngoại giao hằng xuyên. Đang đọc, bỗng thầy chuyển sang ngoại đề: “Tôi có mấy ý này khác với quan điểm rất rất rất đúng của Giáo sư Phan Huy Lê. Giáo sư Lê bao giờ cũng đúng!”. Rồi thầy nhìn thầy Lê cười cười. Thầy Lê cũng nhìn thầy Vượng gật gật, cười cười. Ấy, các thầy vẫn hay trào tiếu với nhau thật vui vẻ.

Thầy có nhiều công trình khoa học chuyên sâu, theo sát định hướng nền sử học cách mạng, giữ nhiều trọng trách trong nước và quốc tế trên lĩnh vực lịch sử, văn hóa. Trong đôi thập kỷ cuối đời, thầy nhập cuộc công cuộc Đổi mới, có thêm đóng góp trong việc đánh giá lại vị thế Gia Long và vương triều Nguyễn, nhận trọng trách Chủ nhiệm đề án nghiên cứu và biên soạn Lịch sử Việt Nam (30 tập) cũng như thẳng thắn góp ý kiến về môn sử trong nhà trường. Ấy vậy mà cũng có ý kiến bắt vít, nâng cấp qui kết nhà sử học chuẩn mực Phan Huy Lê là “Đừng mượn danh khoa học để đánh tráo lịch sử”, mượn sử để “diễn biến hòa bình”… Nói thế, thầy chẳng nghe, cũng chẳng chấp nữa!…

Còn nhớ sang đầu thập kỷ 90, nhóm văn học Cổ - cận đại chúng tôi lại có dịp được cùng thầy Phan Huy Lê tham dự chuyến khảo sát và tọa đàm khoa học về đền Cửa Ông – Vân Đồn miệt biển Quảng Ninh. Vài lần nữa. Lại đến dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, có lần tham gia đánh giá công trình nghiên cứu văn hóa của bác Vũ Kiêu do thầy Phan Huy Lê làm chủ tịch Hội đồng, tổ chức trong khu Hoàng thành Thăng Long… Không kể việc đọc các sách chuyên cổ sử của thầy, nhất là những vấn đề đan xen văn - sử và luận bình về các tác gia Trần Hưng Đạo, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung, Ngô Thì Nhậm,  Phan Huy Chú…

Lần gần đây nhất, và cũng là lần cuối cùng, được gặp thầy tại Hội thảo Quốc gia “Vai trò của nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam”, tổ chức vào ngày 12/4/2018 tại thành phố Ninh Bình. Hôm ấy, với vị thế Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê uy nghi, thông tuệ, minh mẫn, sang sảng tổng kết hội thảo, đến đoạn kết còn nhấn mạnh ý nghĩa và vị trí, vai trò quan trọng của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc và tỉnh Ninh Bình nên tính toán, đề xuất việc thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt thành sự kiện mang tầm Quốc lễ… Bao nhiêu thế hệ học trò xa gần, cũ mới vây quanh và chụp ảnh với thầy.

Còn nhớ, ai đó nói, cô “quản” thầy kỹ lắm. Việc gì cũng theo kế hoạch. Đi đâu, làm gì, gặp ai cũng tuân thủ đúng giờ giấc. Ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi thế nào cũng theo qui định, qui trình. Phía sau thành công của thầy đúng là không thể thiếu công quả, nghĩa tình của cô nữa… Một cuộc đời như thầy, trọn vẹn việc nước việc nhà, thật mãn nguyện… 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhìn ngang thầy sử Phan Huy Lê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO