Nhớ suối

Bùi Việt Phương| 19/03/2020 10:05

Ngày nhỏ, chiều xuống, dường như lần nào tôi cũng hỏi dì: “cánh chuồn về ngủ ở đâu”. Lần nào, dì cũng nghẹn miếng táo dại ở góc vườn. Rồi sống đến nửa cuộc đời tôi cũng không biết tăm tích giấc ngủ của những cánh chuồn ấy. Chỉ biết là, khuất nẻo bờ suối về rừng.

Nhớ suối

Ngày nhỏ, chiều xuống, dường như lần nào tôi cũng hỏi dì: “cánh chuồn về ngủ ở đâu”. Lần nào, dì cũng nghẹn miếng táo dại ở góc vườn. Rồi sống đến nửa cuộc đời tôi cũng không biết tăm tích giấc ngủ của những cánh chuồn ấy. Chỉ biết là, khuất nẻo bờ suối về rừng. Tôi phải theo dì về dưới làng của mẹ. “Rừng thiêng nước độc” có thứ lá giết chết cả con trâu mộng, đá nhọn hoắt sắc như tai mèo nhưng trên ấy là quê cha tôi. Làng gác núi, rừng quấn quýt với đồng cũng bởi một dòng suối bình thản trong mát. Suối cùng như tôi, như một vương nợ, một day dứt giữa làng với núi.

Tôi nhớ có người từng viết: “Người quê tôi/ Giờ đi rừng/ Bước qua suối nghe thẹn bàn chân” (Bùi Đức Thắng) khi rừng không còn. Tôi đi dọc suối cả ngày trời mà không nhận ra dòng xanh trong đã từng quanh co khắp bản làng như ngày xưa nữa. Ngày xưa nghe ai hát, tôi lơ mơ hiểu là từng cái lá dam dáp giữ nước, từng cái gai nhọn níu nước. Nhưng cái rễ cây như u bướu xù xì cản nước. Một ngày đi trên phố, sau lớp kính sáng choang, tôi thấy những thớ gỗ bóng nhẵn như thớ thịt con trâu mộng. Đó là một con trâu điên ngày bé tôi thường nghe mọi người kể. Nó là trâu nhà ai lạc vào rừng, sợ cặp sừng của nó? Không! Sợ bệnh dịch lở loét trên lớp da của nó? Không! Người ta sợ tiếng thở của nó, tiếng thở không phì phò đầy sinh lực như các chú trâu cày mà tiếng thở hun hút như gió thổi qua thân gỗ rỗng mục. Não nề u buồn. Tôi bắt gặp những bộ bàn gỗ lũa nhan nhản bên những thiết bị điện tử. Những gốc cây đã về hết phố như những cái mai rùa đã khô, rừng đã cạn bóng cây, đất đã cạn rễ, suối làm sao còn chảy được nữa.

Năm nay mưa mùa đông đến sớm. Mướt xanh những vạt cỏ muộn màng vẫn còn bám víu lấy sườn đồi. Tôi bứt cỏ, mùi hăng hăng của đất rừng vẫn còn lẩn quất trong búi rễ cỏ đồng. Giờ từ rừng về làng là đất đỏ khô cằn. Cả cha và mẹ tôi đều đã khuất sau dãy núi, chuyện xưa đã xa mờ. Tôi nghe theo lời đứa cháu. Hai chú cháu bỗng như những gã khùng trồng cỏ để giữ đất, giữ nước. Đêm nghe tiếng cá quẫy ngoài cái mương đào. Đêm tiếng nước nghe da diết như ngày nào có suối. Bất giác tôi lấy hòn cuội nhỏ ra ngắm nghía. Nó là đá kì lưng tôi nhặt dưới suối, từng theo tôi vào cả khách sạn 5 sao, lên tàu, xe bôn ba  dọc dải đất chữ S này. Hòn đá nhoét mồ hôi như cũng ngủ quên trong tay một người thiêm thiếp mơ suối trong vắt, mơ hoa nở rủ bóng, bày chuồn kim sặc sỡ lưu luyến không muốn về rừng.

Thức giấc sau cơn mưa đêm. Nước vẫn lặng như tờ, nhưng bỗng nghe dưới những hòn đá đã bong rêu, một chút nước nhỏ, đục ngầu ngân ngấn. Hình như, suối như đôi mắt khô đã nhòe lệ. Có phải, những thớ đá sứt mẻ, những con đường lở loét trong lũ bỗng dưng như trở mình. Hóa ra, sống biết nhận về mình gian khó, biết ấp ủ như chúng tôi đang vá cỏ trên đất đỏ quạch thì suối lại tìm về. Mảnh đất này lâu lắm rồi chỉ có lũ, suối như người mẹ, như tính âm nhẹ nhàng dung hòa lại tất cả. 

Tôi thức dậy, giấc mơ đêm qua vẫn còn váng vất đâu đây, ngoài kia, biết đâu suối đang tìm về trong những khát khao cháy bỏng đến gai góc của mình. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhớ suối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO