Như thời gian xanh mãi

Phùng Văn Khai| 14/10/2019 07:34

Những ai thường xuyên gặp gỡ và làm việc với ông, đều thật dễ nhận ra một tâm hồn luôn đồng điệu với văn chương, nghệ thuật, nhất là thơ ca. Phùng Khắc Đăng yêu thơ thì đã hẳn. Ông làm thơ cũng đã từ rất lâu, từ những ngày ở chiến trường ác liệt. Chính bởi vậy, sau mấy chục năm, vị tướng từ chiến trường ra ấy, cũng đã qua mọi thăng trầm cuộc sống, đảm đương nhiều cương vị, cuối cùng đã thực sự dành trọn trái tim cho những vần thơ của chính mình, tất nhiên là giản dị và mộc mạc.

Như thời gian xanh mãi

Đó là cảm nhận của riêng tôi với tập thơ của Trung tướng Phùng Khắc Đăng.

Những ai thường xuyên gặp gỡ và làm việc với ông, đều thật dễ nhận ra một tâm hồn luôn đồng điệu với văn chương, nghệ thuật, nhất là thơ ca. Phùng Khắc Đăng yêu thơ thì đã hẳn. Ông làm thơ cũng đã từ rất lâu, từ những ngày ở chiến trường ác liệt. Chính bởi vậy, sau mấy chục năm, vị tướng từ chiến trường ra ấy, cũng đã qua mọi thăng trầm cuộc sống, đảm đương nhiều cương vị, cuối cùng đã thực sự dành trọn trái tim cho những vần thơ của chính mình, tất nhiên là giản dị và mộc mạc.

Ấy mà, đọc kỹ tất thảy những vần thơ của vị tướng, thật dễ nhận ra, nó như thời gian xanh mãi, nó bâng khuâng, day dứt và xao động. Những lẽ đời, thế sự, đồng đội, quê hương, cha mẹ, các vùng đất đi qua, những tâm sự chất chứa, thật đến thắt lòng cứ thế xanh lên, giản dị mà thắm thiết.

Ngay trong bài Yên Tử, đã gặp câu thơ như thế: Mở ra đạo mới cho dân Việt/ Đạo đời xanh ngát những rừng cây. Hoặc trong Văn Miếu Trấn Biên cũng là những sắc màu thời gian: Mái đền mới xanh màu lam/ Tượng thờ những trái tim vàng danh nhân. Hoặc như trong Xuân Tây Hồ thì cái ý của nhà thơ đã rất rõ ràng: Thơ chắt lọc ý thanh tao/ Gửi vào mây gió bay vào cao xanh. Cứ như thế, khung cảnh thời gian xanh giản dị còn hiện ra nhiều lần: Đá xanh xanh cả một miền/ Cằn khô, khắc khổ mà duyên vì đời (Hà Giang). Có khi không nhắc đến màu sắc mà vẫn là màu sắc: Câu này rằng trúc, này mai/ Trầu têm cánh phượng duyên ai đợi chờ (Quan họ); Quang quang, gánh gánh, xinh xinh/ Nằm trong thúng mủng là tình quê hương. (Gánh quà quê trên phố).

Nằm trong thúng mủng là tình quê hương là một câu thơ hay và độc lập. Sự bát ngát của thơ ca đôi khi chỉ là một câu, thậm chí chỉ một chữ thôi cũng khiến người đọc đồng cảm được cả chiều sâu của ngôn từ. Thơ Phùng Khắc Đăng không ít câu nôm na nhưng giàu chiêm nghiệm mà lay động người đọc. Đó là sự cảm thông chia sẻ: Xin đời đừng trách cô Mầu/ Cũng dân đồng nội áo nâu cả mà (Thị Mầu); Đó là sự thân thương: Ngày xuân hai tiếng quê hương/ Bao nhiêu nhớ, bao nhiêu thương ùa về (Tình mẹ); Đó là sự cội cành gốc rễ: Đời là trăm mối tơ duyên/ Duyên quê chỉ một nỗi niềm với quê (Về quê).

Ở một người đã đi qua nhiều chặng đường như vị tướng, ắt hẳn những nỗi niềm chung - riêng, những tâm tư về thế sự luôn khiến ngòi bút trăn trở. Chính bởi thế mới cần thơ ca để đắp đầy. Cái cách vị tướng tự nhủ mình cũng rất riêng: Đời là sinh ký tử quy/ Sống rèn nhân đức khi đi nhẹ nhàng (Phật); Cũng có khi thông qua một nhân vật lịch sử để nói nên tiếng lòng chung: Tiến cử người tài vì dân nước/ Để lại cho đời một tiếng vinh (Tô Hiến Thành); Cũng có khi bâng khuâng trước vùng đất từng là địa danh lịch sử: Trăm năm thế sự phơi bày/ Hỏi ai? Còn nhớ đất này thành Tuyên? (Thành Tuyên).

Cái từng trải của vị tướng làm thơ cũng rất riêng. Viết rằng: Nói nhỏ thì bảo thầm thì/ Nói vừa lại bảo nhiều khi điệu đà/ Nói to lại bảo hét la/ Làm gì hách dịch người ta thế này… thì thấy sự nhắc nhở cũng đã có duyên và thâm thúy lắm. Nói nhanh lại bảo hát hay/ Nói chậm lại bảo dãi bày khúc nhôi/ Nói lắp đổ lỗi tại trời/ Nói ngọng bảo nước quê tôi ấy mà (Nói khó thật). Bài thơ thoạt đọc có thể lướt qua nhưng càng đọc lại càng thấy những chiêm nghiệm cuộc đời phải cần rất nhiều thời gian mới có được. Cũng viết về đạo lý như thế, trong bài Răng và lợi có những câu rất đáng để suy ngẫm: Bây giờ răng bỏ lợi đi/ Mình lợi ở ai có gì là vui/ Nhớ khi miếng ngọt, miếng bùi/ Lúc cơm, lúc cháo, khi vui, khi buồn thì ta thấy đạo lý làm người mới khó lắm thay. Và để thực sự làm người có ích phải vượt lên rất nhiều những tai ương có khi xuất phát từ chính mình: “Thức khuya” mới biết “đêm dài”/ Làm quan mới rõ tâm tài các quan/ Cuộc đời có đoạn đa đoan/ Thị phi cũng lắm, gian nan cũng nhiều/ Bỏ qua ai đó đặt điều/ Khắc ghi sâu chữ tin yêu mọi người (Về hưu).

Vị tướng dành nhiều vần thơ cho quê hương nguồn cội, nơi sinh thành tấm bé với: Đền quan Trạng, Dinh ông Nghè, Kim Liên tự, Tích Thanh Hòa, Cầu Guộc, Mả Man, Đống Gia, Đống Búa, Cửa Ó, Đồng Dung, Đồng Vam, Đồng Chắt… Quê hương đã cho vị tướng thấy được vẻ đẹp từ thẳm sâu, từ lịch sử, từ đất bùn để toát lên những vẫn thơ: À ơi nghe tiếng mẹ ru/ Ai về Bùng Xá với u thì về/ “Bùng Xá có lịch có lề/ Có ao tắm mát, có nghề cửi canh” (Quê hương), ta càng thấy quê hương sao quá đỗi thiết thân, gần gũi đến tận cùng như thế.

Từ quê hương ấy để nhớ về cha mẹ. Vị tướng trong bài Nhớ cha có hai câu thơ khá hay: Vàng dù được chọn là mười/ Vẫn cần thử lửa thêm tươi mặt vàng. Đây là lời người cha hay chữ dặn con. Những gì tưởng như đã chắc chắn mười mươi vẫn cần phải soi rọi cho thêm kỹ. Nếu là chính nhân quân tử chỉ càng ngời thêm vẻ ngọc mà xu nịnh tiểu nhân ắt không thể dấu giiếm suy tư sâu thẳm trước sau đến nhường ấy. Bởi vậy, cũng chính người cha ấy đã dặn con: Việc nhỏ bé tỉ tì ti/ Đừng nên xé lớn làm gì hại tâm/ Nên làm việc tốt tri ân/ Giúp người đừng nghĩ ân nhân với đời (Nhớ cha). Và đây, một tâm sự rất đời thường về người mẹ: Cả đời lội nước, trèo non/ Mải mê tìm kiếm nuôi con trưởng thành/ Đến ngày gió mát trời thanh/ Đàn con tung cánh mẹ đành dõi theo (Tình mẹ). 

Đừng tưởng cấp tướng làm thơ không hồn nhiên nhí nhảnh. Ở khía cạnh này, đối với thơ ca là cực khó. Vậy mà cửa ải này, Phùng Khắc Đăng vẫn dễ dàng vượt qua: Giữa núi rừng Tây Bắc/ Gặp em cô gái H’Mông/ Nụ cười tươi rói/ Váy hồng đung đưa/ Hỏi em?/ Em bảo rằng chưa/ Mình còn bé lắm/ Mình chưa muốn chồng/ Em cười/ Đôi má ửng hồng/ Rừng xanh, nắng vắng/ Váy bồng bềnh chao (Em gái H’Mông). Một bài thơ hay trọn vẹn, giản dị, hàm súc mà biện bác đủ đạo và đời. Cuộc gặp gỡ giữa nhà thơ và người con gái H’Mông chỉ như chớp mắt mà nói được nhiều điều dài rộng. Đó cũng là tín hiệu mừng, xanh ngát của tập thơ.

Trong những bài ngắn, có những câu giản dị mà hóm hỉnh, sâu sắc rất đáng đọc: Cái gì vứt được, vứt đi/ Chỉ mang theo những thứ gì yêu thương/ Thế gian là đại hỉ trường/ Còn ta là tiểu hí trường cỏn con (Vứt đi). Hoặc như tâm sự này không hề giản dị mà đã mở ra nhiều biên độ xúc cảm: Đã nhiều lần tôi được tặng hoa/ Lẵng hoa này là lẵng hoa đẹp nhất/ Hoa của đồng hương/ Hoa của những người con Thạch Thất/ Một lẵng hoa/ Chiu chắt chân thành (Quý nhất).

Một vị tướng thường luôn dành cho đồng đội những xúc cảm chân thành, những sẻ chia máu thịt. Trong tập thơ, Phùng Khắc Đăng đã viết nhiều về đồng đội, nhất là những người đã hi sinh, mong bạn đọc hãy tìm để thấy được những nét riêng của tác giả. Chỉ riêng với bài Mai, người con gái Đại Lộc đã gợi lên rất nhiều cung bậc cảm xúc: Ai qua rừng Trường Sơn còn nhớ/ Mai, một người con gái chưa yêu/ Sớm tối chỉ mải mê súng đạn/ Hỏi em? Em đâu có nói nhiều. Và sự bất thường đã đột ngột xảy đến: Rồi buổi chiều bên bờ suối vắng/ Em gái ngồi đọc cánh thư ai/ Môi mấp máy và mắt em rực đỏ/ Đồng đội xa nghe tiếng thở dài/ Chiến dịch đến mọi người ra trận/ Em gái cùng theo bước đoàn quân/ Sau trận đánh em không về nữa/ Đơn vị mất một người em gái đơn thân. Cả bài thơ nhẹ nhàng mà đau đớn khôn khuây. Câu chữ rất giản dị, lời kể rất thầm thì mà sao ta thấy vô cùng buốt nhói. 

Thời gian xanh mãi! Tôi cứ thấy tiếng thời gian xao động xạc xào trong suốt tập thơ. Thời gian từ cổ sơ vọng lại. Thời gian từ lịch sử vọng về. Thời gian xanh từ những danh nhân cống hiến tài năng và trí tuệ cho đất nước. Thời gian xanh từ máu xương người chiến sĩ ngân vọng vào cuộc sống hôm nay. Giản dị và bình yên. Thời gian xanh mãi! Xin chúc mừng vị tướng với tập thơ đầu tiên của chính mình.
(0) Bình luận
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
  • Người anh trai bé nhỏ
    Câu chuyện này tôi được nghe kể từ người bác sĩ phẫu thuật từng có thời gian dài làm việc tại một bệnh viện của thị trấn nhỏ cách thành phố Pskov 100km. Câu chuyện đã làm cho tôi xúc động đến tận đáy lòng. Tôi sẽ cố gắng kể lại nó sao cho gần với nguyên gốc nhất.
  • Bến đợi
    Bà lão co ro trông thật tội nghiệp trước thềm khoa ung bướu của một bệnh viện lớn ở Sài Gòn. Bộ quần áo bạc màu, nhăn nhó càng làm cho thân hình bà lão thêm khắc khổ, nhỏ bé trước biển người đang chen chúc nhau xếp hàng chờ đến lượt được khám.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Như thời gian xanh mãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO