Niềm vui của các nhà văn xứ Đoài

Trần Phúc Dương| 13/07/2019 16:01

Trong không khí phấn khởi, ấm áp nghĩa tình của các nhà văn, nhà thơ trên quê hương xứ Đoài sau 11 năm mong mỏi, chờ đợi kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, sáng 26/6/2019 tại quận Hà Đông đã diễn ra Hội nghị công bố Quyết định thành lập Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây và Hội thảo thơ Nguyễn Thị Mai.

Niềm vui của các nhà văn xứ Đoài
NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội và nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội trao quyết định thành lập Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây cho BCH Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây
Tới dự hội nghị có nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Ủy ban toàn quốc các Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; nhà thơ Vũ Quần Phương - Chủ nhiệm câu lạc bộ Văn chương, Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trịnh Công Lộc, phó Ban chuyên đề Hội Nhà văn Việt Nam; các Phó Chủ tịch, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội: Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Việt Chiến, Bùi Việt Mỹ cùng nhiều khách mời là đại biểu địa phương, các nhà văn, nhà thơ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội và đông đảo hội viên Chi hội nhà văn Hà Đông - Sơn Tây.

Sau lời khai mạc của nhà văn Nguyễn Thị Mai, nhà thơ Bùi Việt Mỹ công bố và giới thiệu nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội trao Quyết định thành lập Chi hội cho nhà thơ Đào Ngọc Chung - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại bày tỏ tin tưởng, với đa số nhà văn, nhà thơ đã từng là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Tây cũ, lại được thừa hưởng tinh hoa văn hóa truyền thống của vùng đất xứ Đoài, Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây sẽ phát triển mạnh mẽ và gặt hái được nhiều thành quả trong sự nghiệp sáng tác của mình, góp phần vào sự phát triển văn học nghệ thuật của Thủ đô… 

Xúc động trước sự quan tâm của các cấp Hội, nhất là Hội Nhà văn Hà Nội, Chi hội trưởng - nhà thơ Đào Ngọc Chung chân thành cảm ơn sự quan tâm của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội và hứa sẽ cùng với Ban chấp hành Chi hội sớm ổn định tổ chức, thực hiện tốt quy chế làm việc của Chi hội cũng như điều lệ của Hội Nhà văn Hà Nội; thường xuyên quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để các hội viên yên tâm, phấn khởi trong sáng tác văn học. 

Với tác phong gần gũi, thân mật, trong lời phát biểu chào mừng, nhà thơ Hữu Thỉnh cười, hóm hỉnh: Tôi cũng là “Hội viên ngoài biên chế” của Chi hội Nhà văn Hà Nội - Hà Đông làm cả hội trường vỗ tay. Đặc biệt, anh chị em hội viên rất phấn khởi khi NSND Quốc Chiêm trong lời phát biểu của mình cho biết, tới đây Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội sẽ nghiên cứu, bố trí một địa điểm hợp lý cho Chi hội có chỗ làm việc, hội họp.

Ngay sau hội nghị công bố Quyết định thành lập Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây là phần Hội thảo thơ Nguyễn Thị Mai, hội viên Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây với chủ đề: “Ẩn trong cái đẹp bao la nỗi đời”. Tại hội thảo, các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học gồm: Nhà thơ Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Trần Thị Châm, Trịnh Công Lộc, Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Việt Chiến, Đào Ngọc Chung, Vũ Nho, Đặng Hiển, Lê Thành Nghị, Nguyễn Hải Triều, Trần Huy Thành, Nguyễn Ngọc Hà đã khái quát toàn bộ cuộc đời và tác phẩm của nữ nhà thơ Nguyễn Thị Mai - một cây bút xuất sắc, duyên dáng và phúc hậu.

Quê gốc ở Phú Thọ nhưng Nguyễn Thị Mai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngay từ tuổi thiếu niên cô bé Mai đã phải làm đủ thứ công việc để cùng cha mẹ mưu sinh cuộc sống. Có lẽ chính những vất vả, cơ cực đầu đời đã giúp chị có nghị lực vươn lên, sớm biết tự lập trong cuộc sống. Với nghị lực phi thường, Nguyễn Thị Mai vừa cần cù lao động kiếm sống, vừa kiên trì học tập từ phổ thông đến đại học. Kết quả chị đã tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội 1 và trở thành nhà giáo ở tuổi 22. 

Song có một điều không phải ai cũng biết ở Nguyễn Thị Mai là con đường văn chương  được khởi đầu từ rất sớm. Ngay từ khi học lớp 5, chị đã rất thích thơ và tập làm thơ.  Đến khi vào trường Đại học Sư phạm, chị cũng chọn Khoa văn để có cơ hội tiếp cận với văn chương. Thơ Nguyễn Thị Mai xuất hiện trên thi đàn khá sớm. Năm 1976, chị đã có thơ in trên báo Hà Nội mới với bài “Tâm sự cô giáo trẻ”. Năm 1992, chị đạt giải Nhất cuộc thi sáng tác văn học cho trẻ em do Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng tổ chức với bài “Nhà không có bố”. Bài thơ “Nói với con chồng” đạt giải Nhì cuộc thi thơ viết về gia đình do báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 1994. Tiếp đến là tập thơ “Mùa hoa gạo cháy” đạt giải B năm 1995 và tập thơ “Nón trắng sang đò” đạt giải A năm 1997 do Trung ương các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng. Đó cũng là thành quả để Nguyễn Thị Mai trở thành nhà thơ - hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào tháng 1/1998.

Đến nay chị đã xuất bản 12 tập thơ (không kể 2 tập truyện ngắn đã xuất bản và hàng trăm bài viết đăng trên chuyên san “Hạnh phúc gia đình” của báo Phụ nữ Việt Nam với bút danh Hạnh Hoa) với nhiều thể loại và đề tài phong phú. Tuy nhiên, lục bát vẫn là sở trường, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người yêu thơ. Ở thể loại này, phần lớn chị sáng tác để chia sẻ với thân phận con người, đặc biệt là thân phận người phụ nữ. 

Nhiều người cho rằng, Nguyễn Thị Mai rất có duyên với giải thưởng. Quả thật, chị tham dự cuộc thi thơ nào cũng đạt được giải, mà hầu hết là thơ lục bát. Chị còn được Bộ tư lệnh Hải quân khen thưởng cho một số tác phẩm viết về biển đảo. Nhưng điều quan trọng hơn, thơ Nguyễn Thị Mai đã có được vị trí trong thi đàn, được nhiều đối tượng bạn đọc và người yêu thơ mến mộ, khâm phục.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Niềm vui của các nhà văn xứ Đoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO