Nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2017

Đăng Chung| 30/12/2017 08:36

Chiều 29/12, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 12/2017 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối cùng của năm 2017, diễn ra ngay sau Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2017; báo cáo tổng hợp đề nghị xây dựng các dự án luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch.


Sau khi nghe ý kiến các thành viên Chính phủ, kết luận nội dung này, Thủ tướng nhất trí cho rằng  việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật so với trước đã nhanh hơn. Nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không còn.


Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như tình trạng xin điều chỉnh chương trình, có nhiều dự án luật, pháp lệnh chưa trình đúng thời gian quy định, gây nhiều khó khăn cho công tác thẩm tra. Tình trạng “bắc nước chờ gạo” đã ít hơn những vẫn diễn ra. Có dự án sau khi Chính phủ thông qua nhưng đại diện các bộ vẫn có ý kiến khác trong quá trình cơ quan của Quốc hội cho ý kiến thảo luận.


“Cái gì Chính phủ đã thông qua rồi thì dứt khoát các bộ không được có ý kiến khác. Đồng chí Thứ trưởng có đi họp các ủy ban của Quốc hội thì có cùng tiếng nói đó”, Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh, xây dựng thể chế, pháp luật là việc khó nên các Bộ trưởng phải trực tiếp quan tâm đến vấn đề này, quan tâm hơn đến Vụ Pháp chế của bộ, chọn người giỏi, am hiểu để làm công tác này. Các Bộ trưởng nên bớt các công việc mang tính sự vụ để quan tâm hơn đến công tác xây dựng thể chế pháp luật.


Các bộ cần chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, kể cả trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện văn bản, nhất là phối hợp chỉnh lý những dự án được Quốc hội cho ý kiến.


Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Theo đó, việc thực hiện các nhiệm vụ của các bộ, ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng; phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân. Qua rà soát 60 nhiệm vụ bộ, ngành cần thực hiện trong năm 2017 có  44 nhiệm vụ triển khai và có kết quả rõ ràng (chiếm 73,3%), 14 nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả bước đầu (chiếm 23,7%), chỉ có 3 nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả (chiếm 3,5%).


Với các địa phương, qua rà soát, năm 2017, tỉ lệ nhiệm vụ đã triển khai và đạt kết quả tốt khoảng 17%, tỉ lệ nhiệm vụ đã triển khai và đạt kết quả bước đầu khoảng 79%, nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả khoảng 4%.


Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn tồn tại một số hạn chế như chậm thực hiện một số nhiệm vụ so với kế hoạch đề ra, một số nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng. Một số nhiệm vụ các bộ, ngành đã xin lùi tiến độ thực hiện…


Về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về tái cơ cấu (vào tháng 2/2017) đến nay, mới được hơn 10 tháng nhưng đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Nhiều bộ, ngành, địa phương khá quyết liệt về tái cơ cấu, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 2017. Không chỉ về kinh tế, ngay bộ máy của các bộ cũng được tái cơ cấu mạnh.


Tuy nhiên, việc thực hiện nhiều nhiệm vụ còn chậm, kết quả còn chưa rõ rệt, cần làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan.


Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phải hiểu rõ sự cần thiết, tầm quan trọng của tái cơ cấu “chứ đầu tư tràn lan, chi tiêu, đào tạo tràn lan… rất nguy hiểm”.


Nhất trí với các biện pháp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, Thủ tướng nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân.


Đổi mới cách thức thực hiện liên kết trong phát triển kinh tế vùng. Tăng cường vai trò tham gia của cơ quan điều phối từ khâu xây dựng quy hoạch, kế hoạch đến giám sát việc triển khai các hoạt động liên kết vùng trên toàn bộ lãnh thổ. Đầu tư công phải thực sự hiệu quả, gắn với khai thác tối đa các nguồn lực ngoài nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước với tinh thần công khai, minh bạch, không để thất thoát. Tăng cường kiểm tra đôn đốc, nhân rộng mô hình tốt. Xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá cơ cấu lại nền kinh tế.


Thủ tướng đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra một số bộ, ngành, địa phương về thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong năm 2018.


Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, về đề nghị xây dựng các dự án luật: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo xin ý kiến thành viên Chính phủ điều chỉnh một số nội dung dự thảo Nghị định kinh doanh theo phương thức đa cấp./.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức văn hóa Kinh Kỳ qua tranh truyện Hàng Trống
    Tranh truyện Hàng Trống chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mang đậm bản sắc văn hoá độc đáo của đất và người Kinh kỳ xưa.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Đảm bảo việc cung ứng điện an toàn, ổn định trên địa bàn Thủ đô trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
    UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 677/UBND-KTN, chỉ đạo các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; Các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố; Tổng Công ty Điện lực Thành phố về việc đảm bảo cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo.
  • Hà Nội có 8 học sinh tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia
    Chiều 18/3, Sở GD&ĐT tổ chức gặp mặt 8 học sinh, tác giả của 4 dự án tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2023 – 2024.
Đừng bỏ lỡ
Nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO