Nỗi niềm luyến tiếc hay là những vết mỡ

Truyện ngắn của Heinrich BOll (Đức)| 22/03/2018 08:27

Buổi chiều trước hôm cưới Erica, tôi có mò đến khách sạn để trao đổi một lần nữa với Walter. Tôi vốn biết anh từ đã lâu, biết cả Erica là vị hôn thê của anh. Rốt cuộc thì tôi cũng đã chung sống với Erica những bốn năm, ở Mainz, khi tôi còn làm việc trong ngành xây dựng và tối nào cũng đi học bổ túc văn hóa. Khi ấy, cả Walter cũng làm việc trong ngành xây dựng và tối tối cũng đi học, một thời kỳ chẳng dễ chịu chút nào, nhớ mà không hề tiếc: các kiêu kỳ bắc bậc của các ông thầy học, họ thường kêu ca về cách p

Nỗi niềm luyến tiếc hay là những vết mỡ
Minh họa của Phạm Nghĩa

Mỗi buổi đi làm về - đôi khi cùng về với Walter – thì bao giờ cũng thế, việc đầu tiên phải là thay quần áo, tắm gội rồi chải chuốt chút đỉnh. Vậy mà bao giờ cũng vẫn còn sót ít vôi ở kẽ móng tay hay ít xi măng ở mấy lọn tóc. Chúng tôi cầy toán, sử, thậm chí cầy cả tiếng Latinh, thế mà tới khi chúng tôi thật sự thi đỗ thì họ lại cứ làm như thể đó là nhờ ân đức bề trên. Ngồi học mà có lúc tóc vẫn còn dính vôi, sau tai vẫn còn xi măng, đôi khi cả trong lỗ mũi nữa, nhất là khi Erica đã ngắm nghía, kiểm tra tôi rất kỹ, rồi cô ấy lắc đầu, thì thầm vào tai tôi: Chẳng hết được đâu, cái đuôi vô sản.

Tôi không hề tiếc việc phải rời bỏ biên chế ở ngành xây dựng khi nhận được một học bổng, thế rồi cuối cùng cũng chính thức trở thành trí thức khi có bằng tốt nghiệp đại học: cử nhân thương mại trên tay, với cách phát âm mạch lạc, phong cách phù hợp và một địa vị dễ chấp nhận ở ngay Koblenz, và nhất là với cái triển vọng sẽ có trợ giúp để còn học lên cao hơn nữa.

Chưa có khi nào tôi tự phân tích được thật rõ: Erica đã bỏ tôi hay chính tôi đã bỏ Erica, lại càng chẳng biết nữa: đó là trước hay sau khi tôi giành được tấm bằng tốt nghiệp đại học. Chỉ nhớ mấy câu đắng ngắt mà cô ấy dành để trách móc tôi, rằng tôi là người quá ư tiểu tư sản đối với cô ấy. Tôi cũng độp lại, rằng với tôi, cô ấy là con người quá dung tục, một từ mà cho đến tận ngày hôm nay tôi vẫn còn ân hận. Qua tháng năm, cái dung tục ở cô ấy đã mất hẳn tính hồn nhiên vốn có, cô ấy đã trở nên thô lậu, nhất là mỗi khi cô ấy ca ngợi những chi tiết thuộc ngành nghề, ngành may đồ lót của cô ấy, hoặc khi cô ấy diễu cợt tôi lúc tôi nhờ cô ấy tìm hộ vết xi măng đằng sau tai, kể cả là đã từ lâu lắm, tôi có lui tới công trình nào nữa đâu. Nay vẫn còn như thế, đã tám năm nay, tôi đâu có bước vào một công trường nào (không phải công trường của riêng tôi - chúng tôi cùng xây, Franziska và tôi), vậy mà thỉnh thoảng tôi vẫn cứ bắt gặp mình đang cẩn thận kiểm tra lại tóc tai, lông mi lông mày trước gương, khiến Franziska lặng lẽ lắc đầu, cô ấy gán cho tôi cái tật kỹ tính quá đáng, cô ấy đâu có biết cái nguyên nhân cho sự cẩn thận ở tôi.

Ở Mainz, Walter thường vẫn đến ăn với chúng tôi. Hồi chúng tôi đang cùng học nhồi học nhét nên phải ăn bậy ăn bạ: xé vội mấy gói margarine trên bàn để làm món salad khoai hay khoai tây rán – đồ nấu sẵn, nước sốt mayonnaise trong cái đĩa giấy bồi. Lúc cao điểm thì thêm hai quả trứng tráng trên cỗ bếp điện chẳng khi nào chịu chạy cho đường hoàng (Erica rất sợ nó, đã có lần cô ấy bị điện giật chỉ vì vướng một sợi mì). Trên mặt bàn còn một khoanh bánh mì, lát cắt nham nhở, rồi nỗi sợ muôn thuở của tôi trước những vết ố do mỡ dây vào sách vở để la liệt giữa sốt mayonnaise với margarine, và tôi thường xuyên nhầm giữa Ovid với Horaz, lẽ đương nhiên sách đã có vết ố mỡ, và tôi chúa ghét vết ố mỡ trên giấy in, thậm chí trên nhật trình; vốn từ thời hãy còn là nhóc con, tôi đã rất ngán những lần phải tha từ cửa hàng về tận nhà mấy con cá trích hay bạc má hun khói gói trong giấy báo; những lúc ấy bố tôi hay nói vui với mẹ tôi: Nó kiếm đâu ra thứ của quí ấy nhỉ, không phải của tôi cũng chẳng phải của bà.        
Tôi tới khách sạn thì lúc đó đã muộn, suýt soát mười giờ. Lên tầng bẩy, tôi đi dọc hành lang, mò mẫm tìm phòng Walter; tôi không chờ gặp Erica, suốt bảy năm chỉ độc có một lần được tin cô ấy: một tấm bưu thiếp từ Marbella (thành phố nghỉ mát bờ biển Địa Trung Hải của Tây Ban Nha), không thấy gì khác trên đó ngoài hàng chữ: chán chường, chán chường, chán chường – và chẳng hề có vết mỡ.  

Đó là một căn phòng đơn, chưa thấy Walter, mới chỉ thấy bộ quần áo đen của anh trên một cái mắc áo ở bên ngoài tủ áo, đôi giày đen để bên dưới, một chiếc cà vạt xám bạc ở chỗ thanh ngang mắc áo, rồi nhìn qua cửa buồng tắm để ngỏ thấy một điếu thuốc lá ướt trong một vũng nước tắm, sợi thuốc đã nhuộm vàng cả vũng nước. Hẳn là Walter đã ước lượng sai kích cỡ cái bồn tắm khách sạn, vậy nên đã đổ quá nhiều chất tạo bọt vào bồn; còn nhìn thấy một cốc Whisky xô đa trên cái ghế nhựa dẻo, trước lúc kịp nhìn thấy anh ta ở đằng xa sau khối bọt to tướng.

Ừ, vào đi, anh bảo, chắc cậu đến để cảnh báo mình. Anh chùi bọt trên mặt, trên cổ rồi nhoẻn miệng cười với tôi.

Đừng có quên thứ bậc hàn lâm đó nhé – dù thế nào thì mình cũng đã có học vị tiến sĩ, mà cậu lại chưa - mình chẳng biết liệu rồi nếu như đi đến đấu tay đôi, cậu có đủ khả năng thỏa mãn không – chỉ có một điều cậu phải biết, chỉ một điều: hồi ở Mainz, bọn mình chẳng hề có gì với nhau cả, chẳng có gì cả. Tôi mừng thấy anh không cười lúc anh nói. Khép cửa buồng tắm lại tôi ngồi lên giường nhìn bộ quần áo đen, tôi cũng đã từng có bộ của tôi cái buổi chiều trước ngày cưới treo ở phía bên ngoài trước một cái tủ quần áo của khách sạn ở Koblenz, cả chiếc cà vạt của tôi cũng màu xám bạc.

Tôi nhìn Walter lúc anh từ buồng tắm bước ra, chà xát cho khô người trong chiếc áo tắm, mặc quần áo ngủ vào, quẳng chiếc áo khoác xuống đất và mỉm cười để cho chiếc cà vạt xám bạc tuột khỏi bàn tay. Thật vậy, anh nói, mình gặp lại cô ấy chỉ mới cách đây có một năm, tình cờ, và – bây giờ thì đúng thế, bây giờ chúng mình lấy nhau. Mai cậu đến chứ?

Tôi lắc đầu hỏi: Cũng theo nghi thức nhà thờ?      

 Ừ, cũng theo nghi thức nhà thờ, vì phía bố mẹ cô ấy, ông bà thích khóc ở các đám hôn lễ lắm. Chỉ nhà cầm quyền chứng hôn thôi thì không đủ cho các tuyến nước mắt – mà cô ấy hãy còn dung tục lắm, song bọn mình đã có cái hộp đựng bơ.

Thì thôi đi, tôi nói, tay cầm lấy ly Whisky anh chìa cho tôi.

Rất tiếc, anh nói, thật vậy, đừng tri kỷ, đừng tuyên bố, đừng thú nhận, đừng cảnh báo gì cả thì tốt hơn.

Tôi lại chợt nghĩ đến những gì vốn tôi đã định nói cho anh thấy, rằng cô ấy thật sự là một người bê bết, cô ấy không quản lý được tiền bạc. Có lần tôi thấy tóc vướng trong margarine, thường xuyên tôi thấy vết ố mỡ đáng ghét dây ra sách báo, thậm chí dây vào cả ảnh, rằng sáng sáng khó khăn lắm mới kéo được cô ấy ra khỏi giường, rằng cách hình dung ngây thơ về vô sản của cô ấy coi ăn sáng ngay trên giường là cái sang trọng nhất hạng, thế rồi rớt lại những vết ố mứt trên vải trải giường và những vết cà phê nâu trên đệm lông vũ. Đúng thế, cô ấy còn lười và không sạch sẽ nữa, có lúc phải thật sự túm lấy cô ấy mà dìm vào trong bồn tắm, rồi phải tắm cho cô ấy như tắm con nít, rồi la hét và phun nước. Đúng thế, cũng có đôi lần cô ấy nổi đóa, tuy nhiên chẳng bao giờ mặt nặng mày nhẹ. Thế rồi tôi lại chợt nhớ đến cái công trình của chúng tôi, mà tôi có lại chỗ đó bao giờ đâu, tôi đã khoán tất tật cho Franziska và cậu kiến trúc.

Cậu hãy hình dung, Walter nói, cô ấy không ưa nghề xây dựng, mà mình lại vẫn cố tìm một người phụ nữ không ưa nghề xây dựng – thì bây giờ mình đã tìm ra cô ấy, rút cuộc - cô ấy căm ghét việc xây dựng và nghề xây dựng.

Tôi đã suýt buột miệng nói: mình cũng thế, nhưng lại chỉ nói: Cho mình gửi lời chào cô ấy, dứt khoát rồi chứ, hay là thế nào? - Dứt khoát rồi, anh nói, còn phải đắn đo gì nữa, vì những giọt nước mắt của ông bố bà mẹ mà – thứ đó không thể làm ra hộ họ, không thể lấy đi của họ.

Khóc, tôi nói, thì họ vẫn có thể, nếu như không thành.

Song đâu có phải là thứ nước mắt họ ước mơ, họ muốn có thứ thật, thứ đúng kia, trong tiếng nhạc của giàn đàn ống và trong ánh nến thắp sáng lung linh, họ muốn có lời thì thầm vâng, không. Lại còn chuyến đi hưởng tuần trăng mật, theo cậu thì nên đi đâu?

Venise?

Chính xác – và những con thuyền mũi cong đáy bằng, và những tấm ảnh màu – tĩnh tâm khóc tí chút đi, lúc cậu đi xuống ngay bây giờ bằng thang máy.

Tôi uống cạn ly Whisky, chìa tay bắt tay anh rồi đi, và lúc đi trở xuống bằng thang máy, tôi đã khóc, nhiều hơn một tí chút, và không hề thấm khô mặt lúc tôi đi ngang qua chỗ người gác cổng ra ngoài để tới chỗ ý tưởng đậu xe hơi. Tôi nói với Franziska là tôi đã đến thăm một người bạn cũ, mà thế thật, nào đã làm gì có gì hơn thế. 

NGỤY HỮU TÂM
Dịch từ nguyên bản tiếng Đức
(0) Bình luận
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm luyến tiếc hay là những vết mỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO