PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn: Cốt là lạc quan để yêu và say nghề...

25/08/2017 16:25

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn vừa ra mắt khảo luận “Thơ mới - Những chuyện chưa bao giờ cũ” (Người đương thời Thơ mới bàn về tác gia Thơ mới) gây được sự chú ý không chỉ của các nhà nghiên cứu mà cả độc giả trẻ yêu văn chương. Nhân dịp này, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn dành cho báo Người Hà Nội cuộc trò chuyện cởi mở không chỉ về cuốn khảo luận mà cả về cuộc đời gắn bó với văn chương của ông.

PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn: Cốt là lạc quan để yêu và say nghề...
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn

PV: Thưa PGS, nhìn vào công trình nghiên cứu văn chương của ông suốt mấy chục năm qua với hàng trăm tiểu luận, nghiên cứu, phê bình; hàng chục chuyên khảo, sưu tập, nhiều đề tài nghiên cứu các cấp và giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh..., nhiều người không khỏi cảm phục. Vậy văn chương đã có sức hấp dẫn như thế nào đối với ông để bao năm qua, trong bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng vẫn luôn bền bỉ, miệt mài cùng những trang văn?

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng sâu, vùng xa, cuối tỉnh Bắc Giang, phía non cao tây Yên Tử. Tôi cũng chẳng được ai dẫn đường chỉ lối theo nghiệp văn chương, vào đại học rồi vẫn còn ngố lắm. Tuy nhiên, có lẽ tình thế “cùng tắc biến” và nội lực ham học cộng hưởng với điều kiện làm việc ở một cơ quan nghiên cứu đã giúp tôi đi đúng hướng. Tôi tự nhận thấy mình chịu được mọi vất vả, kết hợp tốt giữa nghiên cứu với hoạt động công đoàn, chỉ huy tự vệ, phòng cháy; có thể thức khuya, ngồi thư viện cả tháng và cũng có thể giảng dạy kết hợp du ngoạn đâu đó nửa tháng. Không ít người hay nói câu: “Tôi bận lắm, tôi bận lắm!”. Không, một ngày ai cũng 24 giờ, không hơn kém nhau nửa giây. Vấn đề là phải say nghề, yêu nghề, biết cách kết hợp việc nghiên cứu với giảng dạy, nghiên cứu hàn lâm với xã hội hóa các kết quả nghiên cứu chuyên sâu. Rút cuộc, mình phải lựa chọn và xác định được giá trị công việc, biết chấp nhận và lấy đó làm niềm vui, mỗi ngày bồi đắp thêm kiến thức và con chữ cứ nhân nhiều thêm nữa.

PV: Trong gia tài nghiên cứu văn chương đồ sộ của mình, ông tâm đắc nhất với công trình nào? Vì sao?

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: Tôi sớm đi vào nghiên cứu văn hóa, văn học Phật giáo và đã xuất bản chuyên khảo “Loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh” (Nxb Khoa học Xã hội, 2002. Tái bản, 2003). Tôi gắn bó với đề tài này suốt mười năm và còn tiếp tục tìm hiểu trên các phương diện cấu trúc truyện thiền sư, đặc điểm mối quan hệ giao thoa thể loại văn xuôi – thơ ca, khả năng tích hợp các yếu tố folklore và mở rộng nghiên cứu so sánh khu vực Đông Á. Dự kiến trong thời gian tới sẽ chỉnh lý, bổ sung và tái bản công trình này.

PV: Vừa qua, PGS tiếp tục giới thiệu công trình khảo luận “Thơ mới - Những chuyện chưa bao giờ cũ” (Người đương thời thơ mới bàn về tác gia thơ mới), được đánh giá là có giá trị và đã làm "xôn xao văn đàn" với tính phản biện cao bằng những cứ liệu xác thực. Được biết, PGS đã dành rất nhiều tâm huyết cũng như công sức sưu tập, tìm tòi để hoàn thành công trình khảo cứu này?

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: Quả thực tôi đã dành chí ít tới… một phần tư thế kỷ để hoàn thành tập sách, khởi đầu từ gần giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Tôi chủ ý coi đây là tập “khảo luận” (thiên về sưu tập, dẫn giải tư liệu), khác với chuyên khảo, chuyên luận (thiên về lý giải, đánh giá, nghiên cứu chuyên sâu). Học tập chú kiến tha lâu cũng đầy tổ, từ việc sưu tập toàn bộ các bài phê bình từ khởi nguồn phong trào Thơ mới (1932) đến ngày nay, sau rồi tôi thu hẹp phạm vi chỉ sưu tập tiếng nói của NGƯỜI TRONG CUỘC, những tiếng nói chân thực, trực cảm, trực giác, trực diện, trong đúng không khí, môi trường, cảnh quan, sinh quyển và thực sự là “thời Thơ mới bàn về Thơ mới” (1932 - 1945); đồng thời lược quy về 12 thi nhân được bàn đến nhiều nhất (Đông Hồ, Nam Trân, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê, Huy Thông, Nguyễn Bính, Huy Cận, Chế Lan Viên)… Có thể thấy đó là những ý kiến trao đổi, luận bàn sôi nổi, thậm chí có gay gắt, quyết liệt nhưng là của người trong cuộc, người trong giới văn chương, để rồi tự dư luận, thời gian và thực tiễn sáng tác sẽ phán xét và có câu trả lời cuối cùng. Thế mới biết, ngay từ buổi đầu Thơ mới cũng có sự phân hóa, đan xen hay - dở, cao - thấp, tốt - xấu, khen - chê chứ không hề mát mái xuôi chèo. Tinh thần dân chủ và khả năng cập nhật thông tin, tiếp nhận đồng đại các sự kiện, hiện tượng văn học cả ở trong nước và thế giới (chủ yếu từ Pháp) là những đặc điểm nổi bật gắn với hoạt động phê bình Thơ mới và văn học giai đoạn nửa đầu thế kỷ nói chung...

PV: Trong buổi ra mắt sách “Thơ mới - Những chuyện chưa bao giờ cũ”, nhà nghiên Lại Nguyên Ân có nhắc đến bản thảo biên niên Thơ mới của ông đã chuyển nhà xuất bản song chưa thấy in. Vì sao thế thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: À, tên đầy đủ của bản thảo này là “Biên niên sử phong trào thơ mới Hà Nội, 1932-1945”. Vì bác Ân có trong hội đồng nghiệm thu, đánh giá, góp ý (kể cả giúp thêm tài liệu) nên hiểu rõ chất lượng và luôn quan tâm đến bản thảo này. Nói đến “Thơ mới Hà Nội” tức là đã bao quát đến ba phần tư diện mạo nền Thơ mới Việt Nam rồi. Hiện nay việc biên tập đã hoàn tất, chỉ còn đợi đấu thầu và quyết định in, có lẽ cuối năm nay hoặc đầu năm 2018 sẽ có sách… Liên quan đến phong trào Thơ mới, tôi đã từng tính đến đề tài chiến lược “Lịch sử tiếp nhận Thơ mới” bao gồm chính tiếng nói của người trong cuộc, đương thời 1932-1945; rồi các hướng tiếp nhận thơ mới ở hai miền Nam – Bắc thời đất nước qua phân hai miền thuộc giai đoạn 1945-1975; cuối cùng là tiếp nhận Thơ mới thời đất nước Đổi mới (1986) đến nay… Trên thực tế, dù nghiên cứu theo cách nào thì hệ thống tư liệu “Người đương thời Thơ mới bàn về tác gia Thơ mới” vẫn có ý nghĩa vô cùng quan trọng…

PV: Ông có thể chia sẻ thêm những câu chuyện "hậu trường" xung quanh công việc lặng thầm của mình? Chắc niềm vui thì ai cũng biết còn những trắc trở thì không hẳn ai cũng hay, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: Việc làm sách của tôi hầu như không gặp trắc trở gì, chủ yếu là niềm vui và nhân duyên tốt lành. Những chuyện “trắc trở” tôi xem là nhỏ bởi tin rằng trước sau mình cũng vượt qua (chẳng hạn sách “Về một “hiện tượng” phê bình” do tôi biên soạn hồi cuối năm 1998 bị ngừng phát hành nhưng rồi lại kết thúc có hậu). Tôi làm việc theo kế hoạch, kết hợp tốt giữa nghiên cứu, giảng dạy và xuất bản, trong tay luôn có vài ba bản thảo. Nói riêng với sách “Thơ mới - Những chuyện chưa bao giờ cũ”… cũng vậy. Liên hệ qua điện thoại, Giám đốc Công ty Cổ phần zGroup – Nhãn sách Bão Lê Nguyễn Nhật Linh đến gặp tôi xem bản thảo, bàn luận trong mươi phút, trong tuần sau có ngay hợp đồng. Chứ làm theo cơ chế hợp tác xã Nhà nước, còn đợi hội ý, trao đổi, đánh giá, xin kinh phí và thủ tục đấu thầu in... Sự “trắc trở” trong quá trình làm sách chỉ là: tôi đề xuất nhan đề Người đương thời Thơ mới bàn về tác gia Thơ mới, phía nhà sách định hướng Thơ mới - Những chuyện chưa bao giờ cũ, cuối cùng thỏa thuận sinh hạ đứa con tinh thần có họ tên khá dài như trên.

PV: Dư luận lâu nay cho rằng: lý luận, phê bình hiện nay dường như không theo kịp đời sống văn chương. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: Đây là câu hỏi nghiêm túc và cần được suy nghĩ, bàn luận nghiêm túc. Cá nhân tôi thuộc về những người lạc quan. Đời sống lý luận, phê bình hiện nay vẫn luôn sôi động, có nhiều tổ chức Hội đồng, ban, ngành với rất nhiều đề tài nghiên cứu, trại viết, hội thảo và báo chí vẫn xuất hiện đều các mục bài lý luận, phê bình văn chương. Nếu được góp ý, tôi nhấn mạnh ba điều: 1) Cần hạn chế, giảm trừ loại nhà lý luận, phê bình “chém gió”, thiếu chuyên môn; 2) Nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, hạn chế tư duy bao cấp, đặc quyền đặc lợi trong sáng tạo văn học; 3) Gia tăng tinh thần trao đổi dân chủ giữa những người cùng chung đội ngũ trong hoạt động lý luận, phê bình… 

PV: Vẫn hay nghe nói, nghiên cứu văn chương vừa vất vả vừa... nghèo. Với ông thì sao? Trong thời gian tới, ông có những dự tính gì cho công việc đầy nhọc nhằn này? 

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: Quả thật, tôi chưa có hân hạnh gặp nhà nghiên cứu văn chương nào “vừa vất vả vừa... nghèo”. Trái lại, tôi thấy họ (trong đó có tôi) đều được hưởng lộc nhà văn cán bộ, nhiều ông có biệt phủ, xe sang, nhiều bổng đề tài, “được ăn, được nói, được gói mang về”… Cá nhân tôi sống theo phương châm “cày lấy ruộng mà ăn, đào lấy giếng mà uống…”, tự tin và không nhiều nhu cầu nên không thấy nhọc nhằn, không thấy nghèo, không thấy khổ. Trong thời gian tới, sau khi ra sách “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội, 1932 - 1945”, tôi sẽ dồn sức hoàn thành công trình sưu tập “Biên niên sử phong trào Thơ mới Việt Nam, 1932 - 1945” (dự kiến in năm 2022 nhân 90 năm phong trào Thơ mới); rồi sau đó lại nhờ cậy bạn bè, đồng nghiệp bốn phương cùng soát xét và góp thêm tư liệu, phấn đấu chỉnh lý, bổ sung đầy đủ và tái bản vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm phong trào Thơ mới (1932 - 2032)… Với tôi, đã bước sang nửa bên kia dốc đời, “Tà tà bóng ngả về tây”, vẫn còn được chút tin yêu, hy vọng, thế cũng là được!...

PV:Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
  • Âm vang Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Âm vang Điện Biên của tác giả Vũ Nhang.
  • Chiếc xe thồ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiếc xe thồ Điện Biên của tác giả Nguyễn Đình Quý.
  • Lớn lên từ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Lớn lên từ Điện Biên của tác giả Nguyễn Quốc Lập.
  • Viếng mộ Đại tướng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Viếng mộ Đại tướng của tác giả Vũ Hùng.
  • Hố mắt Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Hố mắt Điện Biên của tác giả Trần Ngọc Hòa.
  • Trở lại Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trở lại Điện Biên của tác giả Nguyễn Lê Hằng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn: Cốt là lạc quan để yêu và say nghề...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO