Phát động chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết

Đăng Chung| 13/10/2018 20:33

Sáng nay (13-10), tại Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức triển khai “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018” nhằm kêu gọi chính quyền các cấp, người dân tích cực, chủ động hơn nữa trong việc phòng chống dịch bệnh.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế; Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và 1.000 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, TP Hà Nội, một số tổ chức quốc tế... 
Phát động chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi lễ

Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền, sự ủng hộ của các Ban, ngành, đoàn thể, ngành y tế đã nỗ lực làm tốt công tác phát hiện ca bệnh, điều trị, quản lý, cách ly, vệ sinh phòng bệnh và tiêm chủng. Hầu hết các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi đã được ngăn chặn, không ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam như bệnh MERS-CoV, bệnh cúm A(H7N9). Các bệnh dịch lưu hành trong nước đã được khống chế và kiểm soát tốt, số mắc các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm dần qua các năm. Trong năm 2018, số mắc bệnh tay chân miệng giảm 18,9%, sốt xuất huyết giảm 53,6% so với năm 2017 và giai đoạn 2013 - 2017, các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh dại, sốt rét, bạch hầu, ho gà... cũng ghi nhận số mắc giảm và có tỷ lệ mắc thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tuy vậy trong thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi tại một số địa bàn nơi có tập trung đồng dân cư, có sự giao lưu đi lại lớn, điều kiện sinh sống chật hẹp, chưa bảo đảm vệ sinh, ý thức người dân chưa cao ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội...

Phát biểu tại buổi lễ , GS, TS Nguyễn Thanh Long cho biết, trong bối cảnh thế giới và khu vực có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong đó bệnh tay chân miệng bùng phát tại khu vực Tây Thái Bình Dương trong năm 2017 và tiếp tục ghi nhận số mắc cao trong năm 2018; bệnh sốt xuất huyết có số mắc cao hằng năm và gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương; bệnh sởi vẫn ghi nhận mắc tại 181/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó một số quốc gia khu vực châu Âu đã công bố loại trừ nhưng đã ghi nhận trở lại do không duy trì được tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi.

Phát động chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết
GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế; Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội kiểm tra công tác khám, tiêm phòng vắc-xin phòng sởi – rubella cho trẻ tại Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu.

Chiến dịch bao gồm các hoạt động: Thực hành vệ sinh khử khuẩn tại khu học tập, vui chơi của trẻ, bao gồm: rửa tay bằng xà phòng, lau rửa đồ chơi, dụng cụ của trẻ, lau rửa sàn nhà tại Trường mầm non Dịch Vọng Hậu, Số 2 Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy; thực hành tiêm bổ sung vắc xin phòng sởi - rubella cho trẻ tại Trường mầm non Dịch Vọng Hậu; thăm, kiểm tra các hộ gia đình về thực hành các biện pháp loại trừ ổ lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại tổ 1, phường Dịch Vọng; phun hóa chất diệt muỗi ở cụm dân cư tổ 11, nhà văn hóa, bãi đất trống, công trường xây dựng tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Thông qua chiến dịch truyền thông này, ngành Y tế kêu gọi sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội và người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh, nếu không có sự vào cuộc của chính quyền địa phương thì không chống dịch thành công, đặc biệt là công tác thông tin, giáo dục, truyền thông để mỗi người dân, mỗi thành viên trong hộ gia đình có trách nhiệm cùng chung tay tham gia phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết, đặc biệt cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa ngành Y tế với ngành Giáo dục trong công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học, nhà trẻ, nhà mẫu giáo như rửa tay với xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy), tiêm chủng vắc xin phòng bệnh… nhằm thay đổi hành vi và tạo thói quen của từng người dân và cộng đồng, trong đó vai trò của chính quyền địa trong việc vận động các bà mẹ đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là rất quan trọng.

Phát động chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết
Triển khai tiêm chủng cho trẻ tại Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu

Các khuyến cáo của Bộ Y tế đối với người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng như sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng; Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh; Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Các khuyến cáo của Bộ Y tế đối với người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi như sau: Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phát động chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO