Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô: Tầm nhìn rộng mở, bắt nhịp xu thế của thời đại

Hoàng Anh| 27/07/2021 11:23

Trong tháng 6 và tháng 7/2021, Thành ủy Hà Nội liên tiếp chủ trì các buổi tọa đàm có chủ đề “Phát triển công nghiệp văn hóa ở trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp”, qua đó nhận diện tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; đánh giá nguồn lực kinh tế các ngành công nghiệp văn hóa có thể đóng góp vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô. Từ số 7 này, tạp chí Người Hà Nội tổ chức các bài viết xoay quanh chuyên đề này, gồm những trao đổi, tham vấn, gợi mở, đề xuất các cơ chế chính sách của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, trí thức và cộng đồng sáng tạo để có thể tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội phát triển với tầm nhìn rộng mở, bắt nhịp xu thế của thời đại. 

Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô: Tầm nhìn rộng mở, bắt nhịp xu thế của thời đại
Hà Nội có vốn bền vững của công nghiệp văn hóa khi là vùng tài nguyên di sản giàu có nhất, đa dạng nhất của quốc gia. Ảnh: Nguyễn Tuấn Hải
Nguồn lực giàu có

“Hà Nội là vùng tài nguyên di sản giàu có nhất, đa dạng nhất của quốc gia. Di sản văn hóa vừa giàu có, vừa đa dạng trên địa bàn Hà Nội là một nguồn lực vô cùng lớn, quan trọng, vốn bền vững của công nghiệp văn hóa”, TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã nêu nhận định đó khi đánh giá về nguồn lực văn hóa của Hà Nội. TS. Lê Thị Minh Lý dẫn chứng, tính đến cuối năm 2015, Hà Nội có 5922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2396 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt (12), di sản thế giới (1). Hà Nội có 1793 di sản văn hoá phi vật thể được nhận diện, kiểm kê đưa vào danh sách để bảo vệ. 

Hà Nội cũng là nơi nhiều thiết chế văn hóa bảo tàng nhất cả nước với những bảo tàng quý nhất, lâu đời nhất, là nơi có nhiều bảo tàng ngoài công lập và các nhà sưu tập tư nhân nhiều nhất. Bên trong các bảo tàng là di sản văn hóa vật thể - di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, là di sản thông tin tư liệu, di sản ký ức.

Cũng theo TS. Lê Thị Minh Lý, Hà Nội là nơi tập trung nhiều người tài giỏi, sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, Hà Nội có 106 di sản thuộc loại hình tri thức dân gian, đó là các kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản lương thực thực phẩm, chữa bệnh (nhiều nhất là ở Ba Vì, Đông Anh, Hoài Đức, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thạch Thất…) góp phần vào nội dung lương thực, y tế và sức khỏe cộng đồng trong mục tiêu phát triển bền vững. Còn 175 nghề thủ công truyền thống của Hà Nội (nhiều nhất là ở Ba Vì, Thạch Thất, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín…) từ xa xưa cho đến ngày nay vốn đã là thu nhập, sinh kế của người dân Hà Nội và các cộng đồng có liên quan nay một lần nữa được khẳng định để tiếp tục mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện, tạo ra “công ăn việc làm hiệu quả và tử tế”. 

“Cùng với nghề thủ công truyền thống, 1206 lễ hội và 79 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian sẽ là cơ sở bền vững cho phát triển du lịch văn hóa của Thủ đô để “đến năm 2030 đạt được các kế hoạch và triển khai phát huy du lịch bền vững tạo công ăn việc làm và phát huy giá trị văn hóa và sản phẩm của địa phương””, TS. Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh. 

TS. Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cho rằng, Thành phố Hà Nội có bề dày văn hóa truyền thống bậc nhất cả nước. Bên cạnh đó, Hà Nội còn tập trung nhiều trường cao đẳng đại học, nhiều không gian sáng tạo để khởi nguồn nhiều ý tưởng khởi nghiệp. 

Đối với lĩnh vực điện ảnh, TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam bày tỏ niềm tự hào về Hà Nội là thành phố hơn 1010 năm tuổi, có bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa, truyền thống anh hùng… khó có địa phương nào sánh được. Đây là kho đề tài quý giá cho điện ảnh. Đặc biệt, Hà Nội từng làm nên dòng chảy chính của điện ảnh Việt Nam từ ngày hòa bình lập lại (năm 1954) cho đến trước thời kỳ đổi mới. “Chính xác hơn, cho đến khi điện ảnh Việt Nam bước vào cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước (năm 1989), Hà Nội là nơi làm ra nhiều nhất, có chất lượng nhất các bộ phim thuộc tất cả các loại hình điện ảnh là phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình”, TS. Ngô Phương Lan bày tỏ.

Quyết tâm chuyển hóa thành “sức mạnh mềm”
Theo TS.Nguyễn Công Dũng, Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc xây dựng quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Cụ thể, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 29/5/2017 thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa theo hai giai đoạn: giai đoạn 1 đến năm 2020 và giai đoạn 2 đến năm 2030. Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô bao gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa. Những ngành công nghiệp văn hóa đó sẽ trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh, con người Thủ đô; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc sắc.

Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô: Tầm nhìn rộng mở, bắt nhịp xu thế của thời đại
Làng nghề gốm Bát Tràng, Hà Nội.

TS. Lê Thị Minh Lý cũng cho rằng, Hà Nội đã bước đầu có những cơ chế chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, quan tâm đến đầu tư cho di sản văn hóa, nguồn tiềm năng của công nghiệp văn hóa. 

Quả vậy, trong quá trình thực thi chính sách phát triển, Hà Nội đã luôn quan tâm, lắng nghe những ý tưởng, sáng kiến đóng góp để xây dựng, phát triển Thủ đô từ các chuyên gia trong nước và quốc tế khi tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm tham vấn, như: “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo”, “Lý luận, kinh nghiệm quốc tế về công nghiệp văn hóa và định hướng gợi mở cho Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn hiện nay”, “Hà Nội hướng tới Thành phố sáng tạo”, “Phát huy các tiềm năng của các không gian sáng tạo trong thời kỳ hội nhập và phát triển”; “Kết nối doanh nghiệp với làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn Hà Nội”… 

Đó còn là việc thành phố tổ chức và phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo như: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF); cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội; triển lãm mỹ thuật quốc tế Hanoi March Connecting; hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội cùng các lễ hội văn hóa quốc tế của các nước như Hàn Quốc, Pháp, Singapore, Đức… hay các lễ hội ánh sáng, âm nhạc gió mùa, nghệ thuật dân gian đương đại... Hoặc như việc phát triển các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật cộng đồng như: không gian đi bộ Hồ Gươm, phố Bích họa Phùng Hưng, không gian văn hóa nghệ thuật Phúc Tân…

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố thường xuyên diễn ra hàng loạt các hoạt động văn hóa được tổ chức bởi các viện, tổ chức trao đổi phát triển văn hóa của các nước như Viện Goethe, L’Espace, tổ chức giao lưu Văn hóa Nhật Bản, Hàn Quốc... Điển hình như triển lãm Photo Hà Nội 21’, dự án không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam, xưởng Văn hóa 2020, các chương trình giao lưu giáo dục sáng tạo giữa các quốc gia... Thành phố cũng luôn ghi nhận sự phát triển chủ động, mạnh mẽ của các mô hình không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của các doanh nghiệp, chuyên gia văn hóa sáng tạo như: Vicas Art Studio, Hanoi Design Center, Hanoi Creative City, Heritage space, The vuon, Toong Co- working Space, HanoiHub Co-Working Space, AgoHub, Tổ chim xanh, Ra riêng, Ơ kìa Hà Nội... 

“Đặc biệt, tròn 20 năm sau khi đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng, ngày 30/10/2019, Thành phố Hà Nội tiếp tục được vinh danh (cùng 66 thành phố trên thế giới) là thành viên “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO. Sự kiện này đã giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế; là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người, đồng thời quyết tâm chuyển hóa cho được nguồn lực ấy thành “sức mạnh mềm” văn hóa, đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó cũng là nhiệm vụ đặt ra sau khi Hà Nội được công nhận là “Thành phố sáng tạo””, bà Bùi Huyền Mai - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô: Tầm nhìn rộng mở, bắt nhịp xu thế của thời đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO