Phát triển ngành điện ảnh Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế

Nhà văn, nhà biên kịch Thái Kế Toại| 02/05/2021 18:20

Trong các lĩnh vực văn hóa, điện ảnh là một lĩnh vực có vị trí rất quan trọng vì nó hiện đại tác động nhanh nhạy đến nhiều tầng lớp xã hội vì thế không thể không tính đến vị trí loại hình văn hóa này trong quy hoạch xây dựng đời sống văn hóa của một địa phương, một đô thị, nhất lại là Thủ đô.

Phát triển ngành điện ảnh Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế
Cần có thêm nhiều chất xúc tác kích thích sự phát triển của đời sống điện ảnh Hà Nội
Thuận lợi và thách thức

Nếu so với các tỉnh thành phía Bắc thì không có nơi nào có nhiều điều kiện thuận lợi như Hà Nội: có nhiều cơ sở điện ảnh lớn của Nhà nước, ngành; có nhiều nhà quản lý, sản xuất, đạo diễn, biên kịch, kỹ thuật, phụ trợ điện ảnh sống ở đây. Mức sống văn hóa, nhu cầu tiêu dùng điện ảnh của nhân dân cũng cao. Hà Nội đã từng một thời có hãng phim riêng, lại có cả Hội Điện ảnh Hà Nội. Hội Điện ảnh Hà Nội có bề dày hoạt động, quy tụ hơn 250 nghệ sĩ điện ảnh từ các cơ sở điện ảnh lớn của ngành điện ảnh nước nhà, trong đó có nhiều người là nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, là nhà văn, nhà biên kịch, diễn viên có tên tuổi, lại có Hãng phim Sao Khuê. Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô đã có nhiều tác phẩm của hội viên Hội Điện ảnh Hà Nội. 

Trong quá khứ đời sống điện ảnh Hà Nội từng có thời hoàng kim là trung tâm điện ảnh cả miền Bắc thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và trung tâm cả nước những năm trước đổi mới. Nhưng tiếc thay vai trò đó đã dần dần chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân chính là vì bộ máy hành chính và quản lý nghệ thuật điện ảnh của Hà Nội còn chậm chạp chưa chuyển biến mạnh theo cơ chế kinh tế mới và xu hướng hội nhập quốc tế.

Khó khăn của điện ảnh Hà Nội cũng nằm trong khó khăn chung của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Nhưng thực trạng điện ảnh Hà Nội còn đáng buồn hơn. Hãng phim điện ảnh của thành phố thì đã không còn. Các cơ sở điện ảnh quốc doanh thì hoạt động thoi thóp hoặc cầm chừng. Tình trạng xã hội hóa điện ảnh ở Hà Nội gần như đóng băng. Một vài cơ sở điện ảnh tư nhân đã thành lập nhưng không hoạt động được. Chỉ có một số cơ sở chiếu phim tư nhân được trang bị hiện đại theo mô hình kỹ thuật mới thì có doanh thu tốt hơn, nhiều rạp chiếu phim một thời quen thuộc nay đã nằm im bất động hoặc chuyển sang kinh doanh đa năng. Tỷ lệ những phim truyện lớn hợp tác với điện ảnh nước ngoài ở Hà Nội cũng ít hơn nhiều so với thành phố Hồ Chí Minh. Sức thu hút các tài năng đạo diễn, diễn viên người Việt ở nước ngoài cũng ít hấp dẫn hơn. Trong khi thành phố Hồ Chí Minh có nhiều hãng phim tư nhân nổi đình đám và họ đã thực hiện được nhiều bộ phim có doanh thu cao, có tiếng vang ở trong nước. Thị trường điện ảnh ở đây năng động, thực sự có mối liên kết với thị trường điện ảnh quốc tế. Nhiều bộ phim mới bán được và có doanh thu tại rạp rất cao.

Cần một sự chấn hưng

Nhìn lại quá trình phát triển của điện ảnh Hà Nội và thực trạng điện ảnh Hà Nội hiện nay có thể thấy việc chấn hưng đời sống điện ảnh Thủ đô là hết sức cần thiết, cấp bách. Nói như vậy có nghĩa là Hà Nội không thể cứ ỷ lại vào bộ máy điện ảnh Trung ương mà phải có trách nhiệm xây dựng đời sống điện ảnh xứng tầm với vai trò trung tâm chính trị kinh tế văn hóa của cả nước, phải có những chính sách cởi mở thích hợp cho môi trường kinh doanh điện ảnh, cho các nhà đầu tư điện ảnh xây dựng những cơ sở kinh tế điện ảnh lớn có kỹ thuật hiện đại, có chế độ khuyến khích về tài chính và điều kiện sáng tạo cho đội ngũ nghệ sĩ điện ảnh trên địa bàn Thủ đô. 

Trước hết, Hà Nội phải xây dựng được đội ngũ quản lý điện ảnh có chất lượng cao trong cơ quan Tuyên giáo và trong cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật đủ sức tham mưu chính sách và xây dựng, quy hoạch một trường điện ảnh Thủ đô lành mạnh, hiện đại, sôi động, một ngành công nghiệp điện ảnh mang lại giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đời sống văn hóa thời đại công nghiệp.

Thêm nữa, Hà Nội cần khôi phục một cơ sở điện ảnh của thành phố hoạt động theo mô hình doanh nghiệp công ích để thực hiện Quỹ tư liệu lịch sử, văn hóa điện ảnh của thành phố, trực tiếp tổ chức sản xuất các tác phẩm điện ảnh đặt hàng, các hoạt động điện ảnh của thành phố khi cần. Để giúp cho công tác này, thành phố cần chú trọng vai trò của Hội Điện ảnh Hà Nội, nơi đã hội tụ chất xám, tài năng và kinh nghiệm quản lý điện ảnh của nhiều cơ sở điện ảnh lớn. Cần có biện pháp nâng cấp đầu tư cho Hãng phim Sao Khuê của Hội Điện ảnh Hà Nội đủ sức thực hiện được nhiệm vụ như là một cơ sở điện ảnh riêng của Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ nói trên. 

Ngoài ra, cũng cần xây dựng quy hoạch đồng bộ, chế độ chính sách đầu tư kỹ thuật điện ảnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư vào Hà Nội; tạo ra sự giao lưu hài hòa, mật thiết giữa cơ quan truyền hình và điện ảnh của Hà Nội, truyền hình giúp cho điện ảnh có đầu ra. Cần nâng cao công nghệ quảng bá quốc tế, xây dựng phát triển các công ty dịch vụ bối cảnh, dịch vụ đạo cụ, dịch vụ làm phim, đưa các hiện trường điện ảnh vào ngành du lịch. Phối hợp với Điện ảnh Nhà nước tổ chức liên hoan phim Hà Nội có bản sắc Hà Nội sâu sắc, có uy tín quốc tế làm chất xúc tác kích thích sự phát triển đời sống điện ảnh Hà Nội. Đặc biện, cần có chế độ chính sách khuyến khích tài năng điện ảnh, nhất là những người trẻ tuổi, có thái độ cởi mở đối với những tác phẩm thể nghiệm nghệ thuật tạo được sự quan tâm của quốc tế...

Đổi mới phát triển điện ảnh Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trong tình trạng đời sống điện ảnh Hà Nội còn trì trệ là cấp thiết nhưng cần có lộ trình hợp lý, khoa học dưới góc độ văn hóa, kinh tế.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phát triển ngành điện ảnh Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO