Phê bình văn học từ trải nghiệm văn hóa

Bùi Việt Thắng| 25/10/2020 18:15

(Đọc Lý lẽ của trái tim, bình luận & chân dung của Cao Ngọc Thắng, Nxb Văn học, 2020)

Phê bình văn học từ trải nghiệm văn hóa

Lý lẽ của trái tim là bài viết kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Huy Cận (1919 - 2005) được Cao Ngọc Thắng dùng làm đặt tên cho cả tập sách. Xét về năng lực trải nghiệm sống, trải nghiệm văn chương, trải nghiệm văn hóa, tôi thấy tác giả đủ độ chín để viết về những vấn đề của văn học từ góc nhìn văn hóa. 

24 bài viết được đưa vào sách Lý lẽ của trái tim, nổi bật hàng đầu là những vấn đề về lịch sử (Dân ta phải biết nước ta), chủ quyền quốc gia (Biển đảo Tổ quốc tôi - Bản hợp ca nhiều cung bậc), thống nhất giang san (Hai chữ “bình thường” trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên), truyền thống văn chương dân tộc (Trở về vốn thơ xưa),... Những bình luận này thể hiện thái độ, tình cảm của tác giả trước những vấn đề vĩ mô của đời sống tinh thần dân tộc. Hay nói cách khác là tinh thần công dân tích cực của nhà văn khi coi ngòi bút của mình luôn phụng sự chính nghĩa, dĩ công vi thượng, nuôi dưỡng ngọn lửa nồng nàn yêu giang san đất nước, yêu truyền thống văn hóa/ văn chương dân tộc, yêu hòa bình và khát vọng hạnh phúc của toàn dân, đề cao tình đồng bào, đồng chí. 

Cao Ngọc Thắng là một cựu chiến binh, nên càng hiểu rõ giá trị của sự sống, của hòa bình, của khát vọng hạnh phúc bình thường, đơn sơ, chân chính. Tác giả viết bằng tất cả sự đồng cảm, đồng điệu để trải lòng cùng người đọc: “Khi Văn Cao viết thơ - ca từ cho ca khúc Mùa xuân đầu tiên, thì ông không viết cái “bình thường” của bình thường, mà là cái “bình thường” của rất - đỗi - bình - thường, vì vậy cái “bình thường” ấy không còn bình thường nữa”. Ngẫm kỹ sẽ thấy cách viết này là của một người đã trải nghiệm sống/ văn chương/ văn hóa. Ca khúc bất hủ này của nhạc sĩ Văn Cao thật vô lý khi một thời đã bị cố tình hiểu lầm, thậm chí hạn chế công diễn, nay đã trở lại trong giai điệu tự hào cùng với thời gian.

Tôi rất thích phần viết của tác giả về bạn văn Thy Ngọc (Người bạn của trẻ em), Lâm Quang Mỹ (Thăm thẳm chiều... sóng xô), Trần Hòa Bình (Một Khau Vai số phận), Trần Quốc Thực (Chiết xuất từ giấc mơ), Trần Quốc Huấn (Tiếng kèn của người lính). Ở những bài viết này, cách viết của tác giả là từ xa đến gần, từ văn đến đời, từ chữ đến nghĩa. Thêm nữa, tác giả có khả năng “thông linh” - khả năng giao tiếp, hiểu biết những đối tượng có thể mình chưa gặp trực tiếp, thậm chí khả năng nối dây giữa thế giới âm và dương, giữa những cách trở biền biệt không gian - thời gian. 

Tôi muốn dừng lại ở bài viết Tiếng kèn của người lính, về bạn văn Trần Quốc Huấn (1952 - 2014). Xét về tuổi tác thì Trần Quốc Huấn (1952), Cao Ngọc Thắng (1953) và tôi (1951) cùng thế hệ. Anh là con rể của GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học. Trần Quốc Huấn là người tài hoa (cầm, kỳ, thi, họa), lúc trẻ rất đẹp trai. Ai cũng nghĩ anh là người đào hoa, a-ma-tơ,... nhưng ở gần Trần Quốc Huấn hai năm tôi biết anh rất chỉn chu, nghiêm ngắn, cầu thị, đàng hoàng, sống hướng nội nên sau này viết văn là thường, hay “tìm vào nội tâm”. Anh khiêm tốn trong nghề viết, chỉ để lại vẻn vẹn có một tác phẩm Người lính kèn về làng (tập truyện, Nxb Trẻ, 2015), một giải thưởng truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội, năm 1987. Trong làng văn, Trần Quốc Huấn không phải là một “sao” nên ít người biết và sáng tác cơ hồ bị lãng quên cùng với thời gian. Tôi là người thuộc số rất ít hiểu Trần Quốc Huấn khá kỹ như thế. Nhưng khi đọc bài viết của Cao Ngọc Thắng, thì mới ngộ ra, “ông” này có khả năng “thông linh”. Sau điều tra mới biết, Cao Ngọc Thắng chơi thân với nhà thơ Trần Trung (anh trai Trần Quốc Huấn). Một đôi lần tôi có kể với Cao Ngọc Thắng chuyện về Trần Quốc Huấn thuở chúng tôi đầu xanh tuổi trẻ. Nghe chuyện. Đọc văn. Hình dung và tưởng tượng. Kể cả “ướm” mình vào đối tượng mà viết. Nên cuối cùng bài Tiếng kèn của người lính (về bạn văn Trần Quốc Huấn), theo tôi, là một trong ba bài hay nhất của tập sách (bài về Trần Hòa Bình, Trần Quốc Thực, Trần  Quốc Huấn). Tôi có cái cảm giác đặc biệt, những câu văn do Cao Ngọc Thắng viết về bạn văn Trần Quốc Huấn cứ như chính mình viết: “Đọc truyện ngắn của Trần Quốc Huấn tôi hình dung dáng ông ngồi tư lự, dáng ông cúi đầu trên trang viết đăm chiêu, nhọc nhằn, xoay xở, ánh mắt xa buồn, mông lung. Những con chữ ông tung ra tãi bày dày đặc trên từng trang sách như nói rằng: đằng sau chúng, bên dưới chúng còn ẩn vô khối điều phải đọc! Đọc Trần Quốc Huấn không thể vội được. Văn của ông có vẻ giản dị đấy, nhưng không hề đơn giản. Nó thầm thì chứ không gào thét, thâm trầm nhưng không nặng nề, buồn nhưng là buồn thấm thía, lặn xuống rồi  lại trồi lên, loang ra thành những vòng tròn giao thoa trên mặt nước”. Viết như thế là làm bật lên được thần thái Trần Quốc Huấn bằng cái năng lực gọi là “thần giao cách cảm” .

Biên độ phê bình văn học (mở rộng ra cả ngành hội họa) chứng tỏ cái vốn văn hóa của Cao Ngọc Thắng được bồi đắp kỹ lưỡng, thường xuyên. Ngoài các bài bình về văn chương, anh còn mở rộng ra hội họa khi viết về họa sĩ Tô Ngọc Thành (Tươi nguyên miền ký ức), họa sĩ Ngọc Linh (Người giữ ấm mùa xuân), họa sĩ Hoàng Hà Tùng (Hoàng Hà Tùng - Một cá tính đầy bản lĩnh). Không phải là chuyện lấn sân trong phê bình, mà chứng tỏ khả năng bao quát nhiều loại hình, thể loại nghệ thuật của tác giả. Cao Ngọc Thắng làm thơ, viết ký, truyện ngắn, chân dung. Anh hiện là thành viên trong BCH Hội Điện ảnh Hà Nội. Trải sức lực và tình yêu nghệ thuật như thế hiếm lắm trong thời buổi gạo châu củi quế (thật mạnh bạo khi anh vươn tay ra xa viết cả về những tác giả, tác phẩm của Cu Ba, Trung Quốc). Đôi khi tôi cứ vân vi: Cao Ngọc Thắng lấy đâu sức lực và thời gian để cùng lúc làm được nhiều việc có kết quả tốt như thế? Tôi thì chịu, cứ thâm canh tăng năng suất chỉ trong phê bình văn xuôi, đã thấy mệt.

Tôi biết, Cao Ngọc Thắng gốc người Hà Nội, từng đi lính, từng dạy đại học, từng làm báo, làm phim nên văn của anh có cái biệt sắc chốn kinh kỳ: kinh lịch, trang nhã, tinh tế và kỳ khu. Độc giả đọc trực tiếp tác phẩm Lý lẽ của trái tim của nhà văn Cao Ngọc Thắng sẽ thấy những nhận xét của tôi về bạn văn là hoàn toàn có cơ sở. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Đấu xảo Hà Nội Vang bóng một thời
    Cách đây 78 năm, đúng vào ngày 1/5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ với trên 25.000 người tham gia. Địa điểm này khi xưa được mang tên Đấu xảo - một công trình tráng lệ và đồ sộ, mang tầm vóc quốc tế.
  • Vẽ tiếp bức tranh về “Văn minh trà Việt”
    Hành trình văn hóa uống trà trải dọc bề dày suốt hơn 5000 năm của người Việt đã được tác giả Trịnh Quang Dũng phác thảo sinh động trong cuốn sách “Văn minh trà Việt”. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành vừa trình làng bạn đọc đúng vào dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 – 2024.
  • Triển lãm kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa
    Thông tin từ Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), sáng 19/4/2024, đơn vị sẽ tổ chức lễ khai mạc triển lãm “Ngô Quyền – Anh hùng dân tộc kiệt xuất” nhân kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (939 - 2024).
  • Trường Tiểu học Nam Thành Công tổ chức mô hình điểm Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên"
    Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” là đợt sinh hoạt truyền thống lịch sử, nhằm tạo nên bầu không khí thi đua học tập tốt, rèn luyện chăm sôi nổi trong toàn liên đội; qua đó biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động Đội.
  • MB dự kiến đạt 30 triệu khách hàng trong năm 2024
    Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, lãnh đạo MB đã chia sẻ những mục tiêu kinh doanh trước thềm kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ngân hàng (04/11/1994 – 04/11/2024) cùng nhiều nội dung nổi bật khác.
Đừng bỏ lỡ
Phê bình văn học từ trải nghiệm văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO