Phố Hà Nội và những bác thợ rong

Phạm Thùy Dung| 15/10/2018 21:40

“Một ngày nào đó, thành phố này phải thuê những người bán hàng rong để họ tái tạo lại lịch sử” (Chua Beng Huat - Giáo sư Đô thị học của Singapore).

Chúng tôi ngồi bên nhau dưới những tàng cây thấp nơi góc phố Lý Thường Kiệt lưa thưa nắng. Từng ngày ấm tan dần theo sự chảy trôi của mùa, nên có chút hưng hửng hiếm hoi là phải ra phố hong cho khô ảm đạm. Không phải lời rao trầm đều mà chính là tiếng quay kin kít từ vòng bánh xe mòn rạt của chú thợ mài dao đã kéo chúng tôi ra khỏi sự buồn tẻ. Thứ âm thanh vô tư ấy khiến con phố trở nên tươi tỉnh hơn giữa cơn lạnh biếng lười. 

Phố Hà Nội và những bác thợ rong
Phố Nguyễn Đình Chiểu trở nên thi vị hơn khi bác thợ gỗ dừng xe đợi khách…
Nghe có tiếng gọi với từ một quán cơm nhỏ, chú thợ chao nhẹ ghi-đông và nhấc gọn chiếc xe lên vỉa hè. Chú vui vẻ nhận dao từ tay người phụ nữ trung niên rồi gỡ chiếc làn cũ phía sau yên xe xuống. Đồ nghề đơn giản chỉ có vài viên đá mài hình chữ nhật màu ghi xám, chổi sơn, chai đựng cát, khăn cũ, xô nước nhỏ cùng chiếc ghế gỗ đã nẻ đầy những nếp nhăn. Trước khi mài, chú kiểm tra tình trạng dao bằng đường miết tay rất mịn với cái nhìn chăm chú của một mắt thợ lành nghề. Lưng cong xuống, đầu gối ép sát ngực, mắt hồ như không chớp, con dao sau những đường lướt tay nhanh nhẹn mỗi lúc một sáng hơn. Mài cho đến khi lưỡi dao mỏng như một vệt gió sớm, chú mới chịu dừng.

Phố Nguyễn Đình Chiểu trở nên thi vị hơn khi có hai bác thợ gỗ dừng xe đợi khách bên gốc cây già. Hai bác thợ như đã ở đó từ ngàn năm, cười nụ cười quen, làm việc làm hiền. Bác thợ trẻ thường mặc áo màu xanh lá và chở theo thùng gỗ đồ nghề bằng lứa Dream đời đầu nứt một phần yếm trắng. Bác thợ già hơn, tóc đã bạc quá nửa, đi chiếc xe đạp dã chiến treo trên dóng chiếc túi bằng cao su to bản với những đường vân chéo nổi cuộn.

Người dân trong khu phố nói, bác thợ già là một trong những thợ gỗ rong lành nghề nhất Hà Nội. Đồ nghề của bác không quá cồng kềnh, nhưng khi vào sửa cho nhà ai thì cần gì cũng có. Dùi, khoan, cưa, đục, bào, thước thợ, dạo tiện, dao phay và cả những chiếc đinh gỗ... đều ở hết trong túi ấy. Bàn sứt góc, ghế gẫy chân, cửa long bản lề… được bác tỉ mỉ nâng niu, thao tác kỳ công như người ta tôn đình, tạc tượng. Trong từng đường bào hay mối chêm cho các đường gãy vỡ, bác thợ như người nghệ sĩ, phục hồi những hao khuyết của đồ vật bằng tận tụy say mê. Mặc cho những lọn sóng bào đùn lên phủ đầy chân hay từng khoảng bụi gỗ xoay tít rụng trắng quần, bác thợ chỉ quan tâm làm sao để các đường ghép, khớp nối, mối đóng được khít khao mà thôi.

Phố Lương Văn Can, một chiều ồn ã như bao chiều. Bác thợ khóa già tỉ mẩn mài từng chiếc khóa nhỏ. Tiếng rì rì của máy mài, tiếng sàn sạt của ngọn chìa miết trên đá cùng khói sắt và những tia nước ấm lẫn vào những náo nức còi xe. Ngón tay nắn nót, ánh nhìn thật sâu, để mỗi khía răng cưa lượn vào nhô ra của chìa phải chuẩn từng micrômet. Chăm chú mài chìa tra khóa, chiếc kính lão cứ trễ xuống mũi để lộ nếp hằn sâu giữa hai chân mày bác thợ. 

Những vòng khóa treo trên chiếc cột tre kết vòng đều đặn, xòe ra như những bông hoa mùa nở rộ. Thật hơn, nó như chiếc vòng của cô gái vùng cao xuống hội đang tỏa ra trăm nhánh bạc đầy kiêu hãnh. Bác thợ khóa từng nói, với công việc này, kỹ năng chỉ là một phần, cần hơn là cái tâm trong nghề và sự nhạy bén để phân biệt được đâu là khách thật, đâu là kẻ xấu. Nên giữa lúc làm khóa, bác rất chịu khó trò chuyện với khách, một trong những cách khá tốt giúp bác suy xét và lắng nghe mách bảo của cảm nhận mình. Lọt giữa biển hiệu hào nhoáng, đồ chơi rực rỡ sắc màu, mì trứng bánh gối thơm tho, góc khóa nhỏ của bác như một nét chấm phá rất riêng cho phố… 

—–

Những người đàn ông thô mộc - những người thợ rong điềm đạm ấy vẫn ngày ngày chở êm đềm vào chốn Kinh kỳ Kẻ Chợ. Họ làm việc đơn giản để mưu sinh, nhưng trong khoảnh khắc xôn xao của cảm xúc, tôi bỗng nhận thấy, có dư âm trong những việc thường ngày. Như Lưu Quang Vũ từng viết: 

Không hình dáng vẫn nhận ra ngọn gió
Khi ngàn cây bỗng lật lá sang chiều.
(Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi)

Họ tưởng rằng mình lẫn chìm trong phố, nhưng thật ra lại là một phần rất sâu của phố, thậm chí đã thành một nét văn hóa không thể tách rời.

Thật thi vị khi những người thợ rong không hề biết họ chính là nét chấm phá đầy hồn phách cho bức tranh đô thị đang ngày một vắng đi những dáng vóc nguyên sơ. Giấu đi những vui buồn Giêng Hai mùa màng tỉnh lẻ, mặc cho những bụi bặm phố phường vô tâm tràn lấp lên mình, họ đi qua những góc phố đông, dừng lại làm công việc nhỏ bé với tất cả sự tận tâm. Những con mắt xung quanh, nhờ có họ, bỗng được nảy thêm những nhánh cây đời vui tươi xanh ngát. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Bùi Xuân Phái - người giữ hồn phố cổ Hà thành
    Thuở ấy, Bùi Xuân Phái chơi thân với nhạc sĩ Phú Quang. Họ cùng nhau đi khắp nẻo thành phố. Một người vẽ phố. Một người viết những bài ca về phố. Cùng nhau, cả hai chắt lọc và lượm nhặt những gì đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất của đất Hà Nội, của người con gái phố, gánh hàng rong, xôi cốm, mùa thu và mùa đông, mùa xuân và mùa hạ…
  • Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập công ty phát triển trạm sạc xe điện
    Ngày 18/3, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đồng thời là nhà sáng lập VinFast - ông Phạm Nhật Vượng công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN.
Đừng bỏ lỡ
Phố Hà Nội và những bác thợ rong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO