Phố Nguyễn Thiếp, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

27/04/2018 11:36

Phố Nguyễn Thiếp bắt đầu từ phố Nguyễn Trung Trực đến phố Hàng Khoai cắt ngang qua các phố Hàng Đậu, Gầm Cầu.


Phố Nguyễn Thiếp dài 272m, rộng 6m.

Phố Nguyễn Thiếp, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đây nguyên là phần đất thôn Phúc Lâm, tổng Tả Túc (sau đổi là tổng Phúc Lâm) huyện Thọ Xương cũ. Đình thôn này nay cón ở số 2 phố Gầm Cầu, cách phố Nguyễn Thiếp chừng vài chục mét về phía đông (xem mục Gầm Cầu).

Ở giữa phố có một ngôi chùa cổ tên là chùa Bà Móc, nay là số nhà 27. Trong chùa có tâm bia mang niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4 (tức năm 1795) do Nguyễn Cát Địch làm Đốc học ở Quốc Tử Giám soạn, nói về việc tu sửa chùa. Bia đó có tên là “Bà Móc tự phụng sự bi ký” có thể giúp ích trong việc nghiên cứu chính sách tôn giáo đời Tây Sơn. Vào thời Lê, chùa này đã cho một bến sông Hồng mượn tên: bến chùa Bà Móc, ở vào chỗ đầu cầu Long Biên ngày nay. (Thuở đó sông Hồng chảy sát cạnh đê và đê thì cũng còn thấp). Thời Pháp thuộc là đường số 82 (rue N082), năm 1909 đổi thành phố Đuy-răng-tông (rue Duranton). Sau cách mạng, ta đổi là phố Nguyễn Mậu Kiến. Tạm thời chiếm đổi ra tên hiện nay.

Nay thuộc hai phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình và Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.

Nguyễn Thiếp (1723-1804) tự Khải Xuyên, La Sơn Phu Tử người làng Nguyệt Ao, huyện La Sơn, nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1743 ông đỗ Hương cống, nhưng mãi tới năm 1756 mới chịu ra làm quan; 12 năm sau đó ông đã cáo quan về ẩn trên núi Bùi Phong trong dãy Thiên Nhận (nằm giữa hai huyện Hương Sơn – Thanh Chương cùng tỉnh).

Cuối năm 1788, trên đường ra Bắc đánh quân Mãn Thanh xâm lược, Nguyễn Huệ dừng ở Nghệ An và đã gặp Nguyễn Thiếp ở Phù Thạch. Năm 1791, Quang Trung giao cho ông chức Viện trưởng Viện Sùng chính là cơ quan phụ trách việc biên dịch các sách kinh, truyện chữ Hán ra chữ Nôm, thực hiện các biện pháp cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài; đồng thời ủy cho ông nghiên cứu kế hoạch xây dựng kinh đô mới ở Nghệ An, gọi là “Phượng hoàng trung đô”.

Nhưng ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (16/9/1972) vua Quang Trung từ trần! Cơ nghiệp Tây Sơn suy dần. Công việc của Nguyễn Thiếp không được triều đình chú ý tới nữa.

Khi Gia Long lên ngôi, có mời Nguyễn Thiếp ra làm quan, nhưng ông từ chối (1802).

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phố Nguyễn Thiếp, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO