Phố vẽ khuôn mặt đời

HNM| 05/09/2021 06:56

Đi trong phố những ngày này, chợt cảm giác đang xem bức ảnh từ trên cao chụp Hà Nội hồi chiến tranh. Tôi đi qua những mặt phố đã đóng gần hết cửa hàng, cố muốn nhận lấy một chuyển động, một tiếng gọi, một giai điệu.

Phố vẽ khuôn mặt đời
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Nhưng lúc này, không dễ thấy ai gọi to lên một tiếng. Người phố không mấy ồn ào, nhưng đi trên hè có thể nghe tiếng nói chuyện. Ai đó ngồi một mình trên chiếc ghế nhỏ sau lần cửa, im ắng nhìn ra. Mấy khách sạn khóa kín. Những cửa hàng bánh kẹo, đồ gia dụng lặt vặt cố gắng bán, kéo cửa xuống ngang ngang tầm người, tỏ cho bên ngoài biết vẫn mở. Bà vợ người liệt sĩ nhà ở phố Tố Tịch vẫn sang hé cửa đền liệt sĩ phường Hàng Gai, ngồi liền trong cửa cho ai đến biết là vẫn có người trông. Hạn chế tiếp xúc để phòng dịch, năm nay các gia đình đến cũng không chuyện trò, thăm hỏi như mọi khi, chỉ chào một hai câu, thắp hương rồi yên tâm về nhà giãn cách, có bà vợ liệt sĩ ở đây rồi. 

Đường vắng quá, tự dưng tôi có cảm giác mấy tấm biển hiệu đang động cựa. Bình thường mình đi, nhìn nghe tiếng người, chú tâm vào những cử chỉ ai đó qua đường, dưới mái hiên đầu hè. Bây giờ đường vắng thưa người thì các đồ vật trên hè, trên tường và cây cối như đang thay thế để mà lên tiếng. Bức tường sơn vàng còn chưa ngả màu một ngôi đền, gợi suy nghĩ, hẳn nước sơn đó đã là thứ mấy thứ mấy, bao nhiêu lần trong bao chục năm qua phủ lên một di tích cũ kỹ. Một di tích qua những lần chỉnh trang, có tín hiệu gì phát ra cho người chạm tay vào nhận thấy? Những ngôi nhà, căn gác bỗng hơi nghiêng nghiêng như thành các mảng màu loang ra trong tranh. Những bức tranh phố thưa thớt đôi ba người khuất khuất, đơn lẻ. Ta nhìn tranh, nhìn phố, như hút vào những vệt sáng cuối đường ngăn hai dãy nhà đôi bên, mở ra một quãng gì đó gọi mình bước vào, chạm một buồn nhớ mơ hồ. Tôi đang đi vào đến ngả rẽ trái từ Hàng Cót sang. Mở ra từ bên trái là Hàng Mã quang đãng đến lạ lùng. Bên phải, một ngã ba đang vắng nên như rộng dần ra. Theo con đường dài phố nối phố, Chả Cá, Hàng Cân, Lương Văn Can... hiện ra phía trước như muốn gọi mình vào.

Một điều rất thích của phố Hàng, ấy là trong một phạm vi không lớn, những con phố liên tiếp mở ra với bao nhiêu đổi thay về đường nét, hình dáng, quang cảnh. Chợt nhận ra sự chuyển đổi không khí, trạng thái rất lạ. Bình thường những ngày chưa giãn cách, từ sầm uất tấp nập người xe, tiếng đồ đạc kỳ cạch, va đập, có thể ngang chân một chút là vào ngay một khoảng thưa thoáng, yên vắng. Từ đầu Hàng Gai kín người có thể rẽ vào Tố Tịch phố ngắn nhỏ nhưng rất thoáng, mà chỉ đi đoạn vắng ấy chút thôi là sang Hàng Quạt chồng chất đồ thờ, rẽ vào Lương Văn Can lúc nào cũng ào ạt người xe.

Những con phố, có thể cho ta trở về, nhận lại một thời đoạn nào đó trong đời ta, đời người, ngắn gọn thôi mà gợi bao nhiêu suy tưởng. Trong một lúc ấy, ta như nếm trải bao nhiêu hình thái, dáng vẻ, cung bậc đường đi, dòng người đây đó.

Đi trong phố, như đi trong một cuộc đời, đi qua những cuộc đời, đi lẫn giữa những mảng đời, những trẻ, già, sôi nổi và hoang vắng, đơn lẻ, sặc sỡ và giản dị. Lạ thế đấy! Không gian phố như nét mặt người, trạng thái người, vòng quanh nếp gấp phố như khuôn mặt cuộc đời. Có phải tôi đã thấy như xuyên qua mình, đan xen với mình bao nhiêu suy tư của phố, của người nữa chăng!

Bây giờ phố vắng, những cây lớn và lá bay thay tiếng người, dáng người, làm cho mắt nhìn nhận ra phố vẫn đang chuyển động. Bao nhiêu lo lắng, chờ đợi nén lại phía sau những ô cửa, những cánh cửa khép hờ vẫn để ngỏ mong ngóng, sẵn sàng đón nhận những tin lành.

(0) Bình luận
  • Phượng tím vắt ngang trời thương nhớ
    Đến Đà Lạt vào ngày nắng chói, đôi mắt chị dõi tìm loài hoa gieo thương nhớ, phượng tím. Đà Lạt mùa nào sắc đó, đều là những loài đặc trưng của xứ sở ngàn hoa. Mùa dã quỳ vàng hoang hoải, mùa cỏ hồng bềnh bồng như mây, mùa hoa ban trắng tinh khôi, mùa anh đào ngọt ngào trong trẻo. Với chị, lưu luyến nhất vẫn là mùa phượng tím. Mùa này phượng rải sắc tím ngăn ngắt khắp đất cùng trời, gợi lên trong lòng xiết bao lưu luyến.
  • Phù sa đời cha
    Cha trầm lành như đất, tôi là con gái nhưng lại đáo để, nghịch ra trò. Vậy mà hai cha con lại bện nhau như hình với bóng.
  • Dáng quê
    Ai cũng có trong lòng một dáng hình quê hương để mà thương, mà nhớ. Với tôi, đó là hình dáng con đường đi học, của bụi tre làng thấp thoáng trong đêm trăng; là dáng mẹ gánh lúa trên đê hay dáng cha đang lom khom cày ruộng. Quê hương không chỉ là nơi ta được sinh ra và nuôi lớn, mà còn là nơi chan chứa nhiều kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Bà ngoại của tôi
    Bà ngoại tôi có dáng người gầy gầy, lưng bà hơi còng, tóc bà xen kẽ sợi đen, sợi bạc. Khuôn mặt bà nhiều nếp nhăn, nhưng khi bà cười, gương mặt bà vô cùng phúc hậu.
  • Trà Hương vị du ca
    Trong những tinh túy ẩm thực, trà là đồ uống mang hành trình gợi đầy chiêm nghiệm. Trà đến với người bởi nhớ, bởi duyên và bởi sự mê đắm của người, bảo tri kỷ thật chẳng sai.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phố vẽ khuôn mặt đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO