Phòng tranh Tháng sáu của ba họa sĩ

Lê Dương| 25/05/2020 00:36

Từ ngày 10 đến 16 tháng 6-2020 tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam sẽ diễn ra cuộc triển lãm nhóm của ba họa sĩ: Bùi Văn Tuất, Hải Kiên và Trần Thị Trường. Một cuộc bày tranh ngẫu hứng của ba người. Tháng Sáu cũng được chọn một cách ngẫu nhiên thành tựa đề cho triển lãm này.

Cả ba họa sĩ đều sử dụng chất liệu sơn dầu với bút pháp hiện thực và mỗi tác giả sẽ bày chừng 10 đến 15 bức kích cỡ khác nhau nhưng không bức nào có khổ to hơn 1m2 mặc dầu ai cũng đã vẽ khổ tranh lớn hơn như vậy.
Hội họa cũng tương tự như âm nhạc, có nhiều trường phái khác nhau, từ người sáng tạo đến công chúng thụ hưởng đều có chung một điểm trường phái/ cách biểu hiện không quan trọng, quan trọng nó có tạo được hiệu quả cảm xúc hay không mà thôi. Ba họa sĩ cũng nghĩ như vậy, họ tin vào cách biểu đạt của mình.  
Nếu Bùi Văn Tuất là tác giả của những bức tranh về chân dung trẻ em miền núi trong trẻo ngây thơ, những góc bếp có  mảng tường trình vùng cao độc đáo với ánh lửa ấm áp ngày đông, những con vật gần gũi như con trâu, con chó con gà… cùng gam màu trầm sâu lắng thì Hải Kiên lại đem tới triển lãm những bức tranh có gam màu tươi sáng, chủ đề gần gũi như tĩnh vật, chân dung và đặc biệt là hoa. Những tác phẩm về hoa như: Sa lem, Hồng bạch, Thủy tiên…bút pháp tinh tế

Trần Thị Trường không bày một chân dung nào. Bà chọn tĩnh vật là đối tượng sáng tác chính, coi tĩnh vật có linh hồn, có thể “trò chuyện” với con người trong đời sống, ngoài ra cũng có bày những bức về nội thất, phong cảnh. Một số tranh của bà có độ tương phản màu khá mạnh… 

Phòng tranh Tháng sáu của ba họa sĩ

Tranh ba con mèo của Trần Thị Trường

Họa sĩBùi Văn Tuất (1982) là người dân tộc Mường, quê ở xã Vân Hòa, huyện Ba Vì. Mê vẽ từ nhỏ nên hồi còn học phổ thông, mỗi tuần hai buổi, Tuất phải đạp xe cả đi cả về 30 cây số đến nhà một thầy dạy vẽ ở thị xã Sơn Tây để học. Hết lớp 12, Tuất đỗ vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, tới năm 2003 tốt nghiệp, huyện phân công về dạy vẽ ở một trường THPT nhưng anh lại thi tiếp vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam để làm giàu thêm hành trang của mình trên con đường nghệ thuật. Bùi Văn Tuất đã có triển lãm cá nhân Tuổi thơ như thế năm 2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật VN và một số các triển lãm nhóm khác. 

Phòng tranh Tháng sáu của ba họa sĩ

 Tranh góc bếp của Bùi Văn Tuất

Họa sĩ Hải Kiên (Nguyễn Hải Kiên) sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Trước khi đỗ Đại học Mỹ Thuật VN, 5 lần lều chõng đi thi vào “trường Yết Kiêu” là một thử thách không nhỏ đối với lòng kiên trì, nhưng Hải Kiên coi thời gian nào cũng là thời gian của nghệ thuật/ cho nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp Đại học,  Hải Kiên từng là họa sĩ ngân hàng nhà nước, nhưng do muốn có nhiều thời gian cho sáng tác hơn, anh chuyển về làm giảng viên Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Anh cũng đã tham gia bày tranh ở các triển lãm nhóm, triển lãm mỹ thuật do Hội Mỹ Thuật Việt Nam tổ chức.

Tranh của Hải Kiên để lại ấn tượng ở đậm nhạt/ sắc độ; ở tính nhịp điệu, hài hòa và tinh tế của màu sắc, một bảng màu khá riêng tư: ghi xám, trắng bạc...

Phòng tranh Tháng sáu của ba họa sĩ
Tranh của Hải Kiên

Họa sĩ Trần Thị Trường là người có tuổi đời đã cao, nhưng tuổi nghề lại thấp, bởi sau nhiều năm làm báo viết văn, được ghi nhận ở thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, quay về với hội họa, cái nghề mà ước mơ đầu đời bà đã không theo đuổi được dù đã thi đỗ và học dở dang ở khóa 1973-1978 tại Đại học Mỹ thuật CN Việt Nam. Tuy nhiên, như người ta vẫn nói, âm nhạc, hội họa văn chương là một quan hệ tổng hòa, bổ sung và hỗ trợ, nên chỉ sau một thời gian được họa sĩ Hải Kiên hướng dẫn, Trần Thị Trường đã mau chóng tìm lại được chính mình, và nhờ đó mà đã sớm có triển lãm cá nhân vào tháng 12/ 2019 với 48 bức tranh nhỏ về tĩnh vật và phong cảnh...Cả ba họa sĩ thuộc dòng hiện thực, họ thích vẽ trực họa nhưng không sao chép tự nhiên mà có khả năng xử lý tương quan màu đã rất đẹp từ tự nhiên để làm nên tác phẩm. Tranh của họ là những gì gần gũi với con người nên màu sắc họ ưa dùng cũng là màu sắc của đời sống xung quanh.

Như “ những người hát rong” yêu đời, cả ba đều có một lượng “khán giả” nào đó, và mỗi lần họ “hát” (bày tranh) của mình ra triển lãm hay trên mạng xã hội họ đều nhận được những khích lệ đáng kể.

Lần này, họ cùng nhau hát bài ca Tháng Sáu

(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phòng tranh Tháng sáu của ba họa sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO