Phủ thờ quận công ở Hát Môn

Minh Phương| 23/04/2018 09:42

Tháng ba, hoa gạo nở bừng trên đường xuân về xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Nơi đây có di tích Quốc gia đặc biệt tôn thờ nhị vị nữ tướng Hai Bà Trưng lẫy lừng trong lịch sử dân tộc. Cửa sông Hát, bãi Trường Sa xưa, nay âm vang mùa lễ hội mồng 6 tháng 3 xuân Mậu Tuất. Vinh dự cho nhân dân địa phương, trong quần thể di sản quý báu đó lại có thêm một di tích Quốc gia được Nhà nước công nhận năm 2016. Đó là phủ thờ Nguyễn Ngọc Trì, xã Hát Môn, tước quận công thế kỷ XVI - XVII.

Phủ thờ quận công ở Hát Môn
Tượng và bia gia tộc Quận công Nguyễn Ngọc Trì. Ảnh: Minh Nhương

Phủ thờ khiêm nhường ẩn mình dưới những cây duối cổ thụ, bóng tre làng đung đưa và hương ngọc lan thơm tỏa. Bên cạnh ngôi quán Dội, trước ngày khai hội, thường rước bài vị Hai Bà đến tắm gội bằng nước lá thơm, bao sái áo quần tề chỉnh. Trước năm 1969, còn có cây cầu bằng đá cong cong nối hai bờ sông Đáy, dẫn đường từ quán Dội, phủ Quận Công cho đám rước đi qua. Sau trận hồng thủy lịch sử ấy, cây cầu chỉ còn trong ký ức, trong tranh ảnh của một làng quê sông Đáy thơ mộng và thanh bình.

Phủ thờ quận công Nguyễn Ngọc Trì như một “bảo tàng” sống động ghi công trạng to lớn của người con sinh thành từ đất Hát Môn. Sống trong cảnh nước nhà loạn lạc, ly hương thời Lê Trung Hưng (cuối Lê đầu Nguyễn) Ngài lớn lên với tư chất thông thái hơn người, văn giỏi võ tài, xông pha trận mạc, ngút trời binh lửa. Tiếng lê dân kêu cứu bởi địch họa thiên tai hà khắc. Ngài tung hoành khắp nơi phù giúp nhà Lê diệt trừ giặc phản loạn, mở mang bờ cõi, đem lại no ấm và bình an cho muôn dân. Khi lập công lớn, được nhà vua ân sủng, ban phát lộc điền, ngài mở lòng nhân ái, cấp phát lại cho dân nghèo, được nhân dân kính trọng, nhớ ơn. Trong nội triều, Ngài thu phục văn võ bá quan bằng “đức trị”, làm gia sư cho Hoàng thân Quốc thích phủ dụ lòng người. Đức độ của Ngài khiến bọn gian tham, siểm nịnh, lo sợ. Được nhà vua phong tước vị “Tán Trị Công Thần”, “Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tổng thái giám”... Khi ngài mất được vua phong “Phúc Lộc Hầu, đương cảnh Thành hoàng, dực bảo trung hưng” .

Phủ thờ quận công ở Hát Môn
Tượng chó đá sau phủ. Ảnh: Minh Nhương
Hiện tại ở xã Nội Trà, tỉnh Bắc Ninh có một khu mộ đá của Ngài. Những án thư, tượng quân lính, canh hầu, voi chiến, ngựa chiến... đều bằng đá nguyên phiến. Khí thế hùng dũng như khi Ngài đang xuất trận (tương tự khu lăng đá quận Vân ở huyện Thường Tín, Hà Nội). Khu mộ ấy là tấm lòng của nhân dân Kinh Bắc nhớ ơn người đã tử trận uy dũng nơi trấn nhiệm, khi sa vào tay giặc. Nhân dân coi Ngài như một đấng quân Vương trong lễ nghi thờ cúng.

Ở xã Hát Môn (Phúc Thọ) và các xã lân cận, là quê hương yêu dấu của Ngài. Nhân dân nhớ mãi hình ảnh một vị tướng công hết lòng trợ giúp khi thiên tai, giặc giã, lụt lội, nước dâng, khi “cát bay sông lở...” Tại xã Thượng Cốc mặc dù là dân Kinh Bắc chuyển cư sang vẫn được Ngài cứu giúp vật chất và tinh thần như dân sở tại. Nhân dân lập đình thờ tôn Ngài là Thành hoàng làng, tế thế an dân. Trong đình còn lưu giữ 3 đạo sắc phong, đã được cấp tỉnh công nhận Di tích từ năm 2006. Đặc biệt nhân dân 5 xã ở Phúc Thọ là Hát Môn, Phù Long, Biểu Vệ, Triệu Xuyên và Thượng Cốc xưa được ân điển của Ngài, nhân dân tôn thờ Ngài với thần vị “Ngũ Xã Hậu Thần”. Nhân dân kết chạ mở hội tế và giao lưu văn hóa dân gian.

Đối với bản quán Hát Môn nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài, ân hưởng càng được ưu ái. Tình người tình đất lưu dấu ngàn năm: Theo tài liệu của cơ quan văn hóa huyện Phúc Thọ: “Truyền rằng: Lúc sinh thời Quận công Nguyễn Ngọc Trì đã đứng ra cùng các kỳ hào, cước sắc xây dựng, tu bổ đền thờ Hai Bà Trưng bằng gạch ngói thay cho tranh tre, nứa lá từ lâu đời. Tổ chức các nghi lễ cúng tế theo lối cung đình, hiện còn tồn tại đến ngày nay, như tục cúng bánh trôi nước, sản vật của nền văn minh lúa nước, mật mía ngay tại quê nhà... Ngài còn hưng công xây dựng ngôi chùa Bảo Lâm Tự làm theo kiểu “trăm gian” và nhiều lệ hay, tục lạ đậm nét văn hóa dân tộc như hát trống quân... lối hát giao duyên của vùng quê sông Hát...”. Bởi vậy từ sau khi Ngài mất, dòng họ Nguyễn Ngọc và nhân dân đã khởi dựng phủ thờ Tướng công Nguyễn Ngọc Trì để ngàn thu hương lửa, mãi mãi nhớ ơn. Phủ đường tọa lạc trên mảnh đất phía Nam, hướng mặt phía Tây, nơi đền thờ Hai Bà Trưng. Phủ đường nhìn ra sông Đáy hiền hòa, soi bóng cây cầu đá nước xuôi về phía hạ lưu, nay là đập Phùng, huyện Đan Phượng, xa xa là Tản Viên Sơn xứ Đoài mây trắng.

Phủ thờ quận công ở Hát Môn
Vườn duối cổ sau Phủ. Ảnh: Minh Nhương
Kiến trúc phủ như một cung đường, ngoài cổng có nghi môn, trụ biểu, trong sân có tả vu, hữu vu, như hai cánh sen ôm ấp. Trong phủ là đại bái, sân lọng, trung cung và hậu cung. Quy hoạch theo kiểu “nội công ngoại quốc” như kiến trúc của ngôi đình làng Việt, tương tự như phủ đường của Ngài khi đương nhiệm. Trong phủ có tấm bia đá xanh ghi sự tích và công trạng cả gia tộc nhà Ngài, có 19 pho tượng đá nguyên phiến, song hàng, đối diện nhau. Hậu cung có long ngai, bài vị cổ kính và thâm nghiêm. Trên cao là 4 chữ: “Vạn Cổ Anh Linh”. Phía ngoài có 2 ngựa đá đứng chầu như khi Ngài vừa cởi giáp xuống ngựa, lên xe. Hai con nghê đá tinh xảo, chạm khắc đời Lê - Nguyễn. Cổ nghê đeo quả chuông to, gợi cảnh yên lành tĩnh lặng. Phía trước và phía sau phủ có 4 con chó đá trấn phía Tây Nam và phía Đông Bắc. Nhiều cây duối cổ thụ tán lá xum xuê che bóng mát nơi hậu cung. Phủ thờ tướng công Nguyễn Ngọc Trì còn lưu 2 sắc phong của vua Lê Thần Tông năm Ất Mùi (1625) và Khải Định cửu niên (1925). Chứng tỏ Ngài là bậc “Linh Phù Tôn Thần” đáng để người đời tôn kính. Câu đối trong phủ ca ngợi rằng:

- Khả lập miếu đình, xuân thu tứ thời hưởng, thiên hạ chi báo hổ.

- Giữ Trưng Vương tự, tương vi đối trĩ, tương vi du cửu hỹ.

Nghĩa là:

Nhắc nhở nhân dân đời đời thờ phụng Ngài, tôn kính như thờ phụng Hai Bà Trưng vậy.

Hằng năm dòng họ Nguyễn Ngọc và nhân dân tổ chức nghi lễ vào các ngày 7 tháng Giêng, ngày chính kỵ của Ngài, ngày 10 tháng Giêng là ngày “lạc tiết giao điệt”, ngày 23 tháng 2 là chính kỵ của phu nhân Ngài, ngày 26 tháng 2 là chính kỵ của thân Mẫu, ngày 20 tháng 7 là chính kỵ của thân phụ, với những nghi lễ truyền thống, lâu đời.

Ở Hát Môn (Phúc Thọ) và Địch Vĩ (Đan Phượng) dân gian còn truyền tụng một câu chuyện cảm động về em ruột nhà Ngài, chẳng may bị giết oan trong một tình huống éo le. Nỗi oan tình khiến xác của người em biến thành chó đá, trôi theo dòng sông Đáy xuống khúc sông đầu làng Địch Vĩ (cách nhau khoảng 5km đường chim bay), nhân dân thấy linh nghiệm vớt lên thờ phụng, được Ngài phù hộ cho dân làng ngày càng được thịnh vượng, an khang. Hiện nay nhóm tượng chó đá (16 con, 1 chó lớn và đàn chó nhỏ) đều hướng mặt lên phủ đường Nguyễn Ngọc Trì ở Hát Môn. Dân làng tôn Ngài là “Hạ Giới Đại Vương”, phối thờ với Thành hoàng làng Địch Vĩ. Bởi vậy, hằng năm đến ngày khai hạ mồng 7 tháng Giêng, khi dân em Địch Vĩ mang lễ vật lên phủ Quận Công, mới được khởi lễ và cùng nhau tế hội đồng. Như vậy cả hai anh em Ngài đều được nhân dân tôn là Thành hoàng làng và thờ phụng ở cả hai nơi.

Hiện tại phủ thờ Quận Công ở Hát Môn đang xuống cấp. Nguyện vọng của chính quyền, dòng họ Nguyễn Ngọc và nhân dân rất cần được sự quan tâm của các cấp, tu bổ và mở rộng không gian để tô đẹp thêm cảnh quan của khu di tích Quốc gia đặc biệt thờ Hai Bà Trưng, cũng là nhớ ơn đức cao, đạo trọng của các vị tiền nhân đã có nhiều cống hiến cho dân cho nước, đem lại hạnh phúc cho muôn nhà. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phủ thờ quận công ở Hát Môn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO