Phú Thượng - dấu tích làng trong phố

Linh Tâm/hanoimoicuoituan| 20/07/2019 07:49

Phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) vốn là vùng đất được hợp thành từ ba ngôi làng cổ: Làng Bạc (Thượng Thụy), làng Gạ (Phú Gia) và làng Xù (Phú Xá). Đến Phú Thượng hôm nay, bên cạnh nhịp sống hiện đại, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những dấu tích của làng cổ Bắc Bộ xưa kia với mái đình, cây đa cùng nghề nấu xôi truyền thống...

Phú Thượng - dấu tích làng trong phố

Thương hiệu làng xôi

Nằm ở phía tây bắc hồ Tây, lại ngay sát sông Hồng quanh năm bồi tụ phù sa nên đất đai ở Phú Thượng màu mỡ hơn so với nhiều nơi khác. Chẳng thế mà làng Bạc (Thượng Thụy) xưa nổi tiếng với nghề trồng hoa lay ơn và buôn bán chuối, làng Xù (Phú Xá) có nghề trồng hoa đào đẹp không kém Nhật Tân, làng Gạ (Phú Gia) nức tiếng Hà thành với nghề nấu xôi cùng rượu nếp, bánh đa kê... Ngày nay, cuộc sống hiện đại và tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt với sự xuất hiện của những khu đô thị cao cấp, những dự án lớn khiến đất nông nghiệp ở Phú Thượng bị thu hẹp, nhưng những nghề truyền thống ấy vẫn được người dân gìn giữ. Thậm chí, có nghề còn trở nên nổi tiếng hơn như nghề nấu xôi đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân và đóng góp đáng kể vào kinh tế địa phương.

Theo các cụ cao niên trong làng, nghề nấu xôi Phú Thượng được hình thành gắn với tập quán gieo trồng lúa nước của người Việt. Lợi thế của một ngôi làng ven sông Hồng, đất đai phì nhiêu, màu mỡ đã tạo nên giống nếp cái hoa vàng đặc biệt cho Phú Thượng mà khó nơi nào sánh được. Cùng với đó là sự khéo léo của người phụ nữ Phú Thượng trong cách chọn, ngâm gạo, đãi đỗ, đồ xôi... Mỗi người có một bí quyết riêng, nhưng lạ thay tất cả đều hài hòa và mang những đặc điểm chung tạo nên thương hiệu xôi Phú Thượng. Ấy là độ dẻo thơm của hạt gạo khiến xôi để cả ngày không bị cứng hoặc vữa. Màu sắc vô cùng bắt mắt, thể hiện rõ đặc trưng của từng loại nguyên liệu đi kèm như: Xôi gấc, xôi đậu đen, xôi đậu xanh, xôi dừa, xôi lá cẩm, xôi lá nếp...

Chia sẻ bí quyết nấu xôi ngon, nghệ nhân Công Thị Bé (tổ 23, cụm 4, phường Phú Thượng), người có hơn 40 năm kinh nghiệm nấu xôi cho biết: “Xôi Phú Thượng có những yêu cầu khắt khe cần tuân thủ và nhất thiết phải chu đáo trong từng công đoạn. Muốn xôi ngon chỉ chọn nếp cái hoa vàng được thu hoạch vào tháng Mười (âm lịch) hoặc nếp Nhung. Có được nguyên liệu chuẩn mới chỉ là điều kiện cần. Giai đoạn xử lý nguyên liệu và chế biến quan trọng không kém, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Phải tuân thủ quy trình nấu xôi gồm 5 bước: Đãi sạch gạo, ngâm nước sạch trong 12 giờ đồng hồ; vớt gạo ra, xóc muối để khô; đồ xôi lần 1; bới xôi để nguội; đồ xôi lần 2. Mỗi lần đồ xôi trong khoảng 1 giờ đồng hồ với lửa to và đều. Cuối cùng, xôi được ủ trong buồm để không bị đổ mồ hôi...”.

Năm 2016, Phú Thượng được Thành phố Hà Nội công nhận “Làng nghề truyền thống” như một sự ghi nhận những tri thức dân gian độc đáo mà người dân nơi đây đã gìn giữ, trao truyền trong nhiều năm qua. Để bảo vệ và nâng tầm thương hiệu cho làng nghề, mới đây, Phú Thượng đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Xôi Phú Thượng” với logo hình ảnh đặc trưng. Ông Bùi Tuấn Dương, Chủ tịch UBND phường Phú Thượng cho biết: “Với hương vị đặc biệt, xôi Phú Thượng dần trở thành thương hiệu trong lòng người dân Hà Nội và khách thập phương. Nghề xôi đã giúp bao gia đình nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Việc đăng ký nhãn hiệu là cách để bảo vệ quyền lợi cho những người đang kinh doanh mặt hàng này khắp Hà Nội. Thương hiệu “Xôi Phú Thượng” sẽ giúp người dân tự tin, tự hào hơn để từ đó có trách nhiệm gìn giữ nghề truyền thống của cha ông”.

Cơ hội phát triển du lịch

Không chỉ nổi tiếng với nghề nấu xôi, Phú Thượng còn được biết đến là địa phương tập trung nhiều di tích được xếp hạng như chùa Bà Già (chùa Phú Thượng), đình Phú Gia, chùa - đình Phú Xá, đình Thượng Thụy, nhà thờ Xứ họ Thượng Thụy, mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, nhà bà Hai Vẽ, nhà cụ An... Mật độ di tích nơi đây chính là “tấm gương” phản chiếu bề dày văn hóa - lịch sử của những ngôi làng cổ truyền thống (nay là các tổ, khu dân cư) trên địa bàn phường. Đây cũng chính là nguồn tài nguyên du lịch độc đáo, đa dạng của Phú Thượng nói riêng và Hà Nội nói chung.

Thăm cụm Di tích lịch sử văn hóa - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia chùa Bà Già - đình Phú Gia, du khách như được trở về với không gian của những ngôi làng cổ ở Bắc Bộ hàng trăm năm trước. Nép mình dưới vườn cây xanh mát, bên cạnh là hồ nước, sau lưng qua con đê là sông Hồng, chùa Bà Già nằm trên vùng địa thế “Quy bộ đầu” - khu đất có hình con rùa, nằm ở phía bắc của làng. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XVII theo bố cục kiểu chữ “Công”. Hiện nay, ngôi chùa còn giữ nguyên được cổng tam quan, nhà tiền đường, thượng điện... với lối kiến trúc từ nhiều thế kỷ trước.

Nằm trong khuôn viên cụm di tích còn có đình Phú Gia - một công trình kiến trúc tôn giáo có giá trị nhiều mặt. Đình là nơi thờ thần Khai Nguyên, một tướng thời Hùng Vương thứ 6 có công đánh giặc Ân, được nhân dân tôn làm Thành hoàng làng. Trong đình hiện còn bảo lưu một số lượng di vật phong phú, tiêu biểu mang giá trị nghệ thuật - văn hóa, khoa học với số lượng đồ sộ, đa số có niên đại từ thế kỷ XVII - XIX. Trong đó, đáng chú ý là tấm bài vị thời Mạc - một hiện vật quý hiếm của Thủ đô nói riêng và Hà Nội nói chung.

Được người bạn ở Hà Nội đưa đến cụm di tích chùa Bà Già - đình Phú Gia, ông Nguyễn Thái Thanh, một nhiếp ảnh gia ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, không giấu nổi ngạc nhiên: “Không thể tin được rằng giữa Hà Nội ồn ào, sôi động là thế mà vẫn còn nguyên bóng dáng của một ngôi làng cổ với gốc đa cổ thụ, ao sen, đình, chùa... Khung cảnh và cuộc sống con người nơi đây vẫn mang đậm dấu ấn một làng quê Bắc Bộ từ trăm năm trước. Tôi sẽ thăm hết các di tích bởi chúng khá gần nhau và đường đi cũng rất thuận tiện”.   

Bên cạnh hệ thống đình chùa với những giá trị tiêu biểu, Phú Thượng còn sở hữu nhiều di tích cách mạng kháng chiến như: Nhà bà Hai Vẽ - nơi đồng chí Trường Chinh khởi thảo “Đề cương văn hóa Việt Nam”; nhà cụ An - nơi Bác Hồ dừng chân nghỉ lại đầu tiên trên chặng đường từ Việt Bắc trở về Hà Nội (23-8-1945); đình - chùa Phú Xá là những cơ sở hoạt động của Cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp... Hệ thống di tích này nằm trong Đề án phát triển du lịch văn hóa, lịch sử làng nghề truyền thống Phú Thượng. Đây cũng là nền tảng để phát triển du lịch quận Tây Hồ nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung. Nhưng để phát huy tiềm năng này, cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ hơn nữa của chính quyền địa phương, người dân, cơ quan quản lý về du lịch các cấp và các doanh nghiệp lữ hành.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phú Thượng - dấu tích làng trong phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO