Phúc Thọ - 10 năm sáng tạo và phát triển

Nhóm PV| 07/08/2018 11:10

Là một huyện thuần nông, Phúc Thọ đang từng ngày “thay da đổi thịt”, trở thành huyện có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và toàn diện của Thủ đô. Sau 10 năm sáp nhập về Hà Nội vừa là cơ hội cũng là thách thức để Phúc Thọ chuyển mình và phát triển.

Đẩy mạnh phát triển toàn diện

Với truyền thống cần cù, yêu lao động, trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Phúc Thọ luôn đoàn kết, sáng tạo xây dựng quê hương. Dù có xuất phát điểm thấp, kinh tế, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nhưng huyện đã bứt phá, đạt được nhiều thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội. Với sự quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự nỗ lực của cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân nên tình hình kinh tế - văn hóa xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện Phúc Thọ đạt kết quả khá toàn diện.

Phúc Thọ - 10 năm sáng tạo và phát triển
Phát triển dự án làng nghề trồng hoa

Về sản xuất nông nghiệp, sau dồn điền đổi thửa thành công, huyện Phúc Thọ đã có tiền đề để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và bước đầu hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, quy mô lớn cho giá trị kinh tế cao. Phúc Thọ đã trở thành điển hình về trồng cây vụ đông, đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính với diện tích đất canh tác hàng năm ổn định ở mức 4.000ha. Với chủ trương đúng và hướng đi phù hợp, từ một huyện khó khăn, Phúc Thọ vươn lên là một trong 3 địa phương có phong trào sản xuất nông nghiệp mạnh nhất Thành phố Hà Nội. Đến nay, Phúc Thọ đã quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất tập trung như trồng hoa ở các xã Tam Thuấn, cây cảnh ở xã Tích Giang, vùng trồng hơn 400ha rau an toàn tập trung ở các xã Thanh Đa, Vân Phúc, Long Xuyên, Thọ Lộc. Sau dồn điền đổi thửa, khoảng 700ha diện tích trồng lúa năng suất bấp bênh của huyện đã được chuyển đổi sang chăn nuôi ra xa khu dân cư, khắc phục ô nhiễm môi trường và nâng cao thu nhập cho người dân.

Phúc Thọ - 10 năm sáng tạo và phát triển
Mô hình sản xuất rau quả sạch công nghệ cao

Về lĩnh vực công nghiệp, trong những năm qua, huyện đã đề xuất thành phố phê duyệt 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 250ha. Các khu, cụm công nghiệp được đầu tư khá đồng bộ, hoàn chỉnh. Huyện đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào huyện.

Việc triển khai các đề án, kế hoạch thực hiện chương trình của Thành ủy, Huyện ủy tiếp tục có những chuyển biến rõ rệt. Thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt và vượt mức thành phố giao, năm 2017 thu đạt 270 tỷ đồng, vượt 146,7% kế hoạch. 

Huyện luôn duy trì và phát triển mô hình sinh hoạt cộng đồng. Hàng năm huyện hỗ trợ kinh phí cho các địa phương phát động nhiều chủ đề sinh hoạt để tạo sự gần gũi, gắn bó, tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân; tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với người dân để nắm bắt tâm tư tình cảm, kịp thời giải đáp những thắc mắc, khiếu nại của nhân dân, tạo sự gần gũi giữa chính quyền với người dân. Công tác tiếp công dân được quan tâm sâu sát, các thắc mắc, đề nghị, khiếu nại được giải đáp kịp thời hoặc hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, làm giảm đáng kể các đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Các hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển và đổi mới; chế độ chính sách đối với các đối tượng thụ hưởng thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại các xã, thị trấn đạt kết quả khá. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố, bảo đảm an toàn tuyệt đối hoạt động thăm, làm việc của các đoàn công tác Trung ương, thành phố về huyện.

Chú trọng thực hiện “3 sạch”

Sau gần 1 năm triển khai, cuộc vận động 3 sạch "nước sạch, nông nghiệp sạch, môi trường sạch" gắn với xây dựng NTM trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân, là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng NTM. 

Chủ tịch huyện Doãn Trung Tuấn cho biết, Phúc Thọ hướng tới mục tiêu sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng bền vững. Trong những năm qua, huyện không còn xuất hiện tình trạng sử dụng thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất Paraquat (hoạt chất cực độc có trong thuốc diệt cỏ). Người dân được vận động, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo chỉ dẫn của cán bộ chuyên môn. Huyện cũng cơ bản giải quyết được một số vấn đề liên quan đến môi trường nông nghiệp, chăn nuôi như di dời các khu trang trại chăn nuôi đến tập trung tại các khu xa dân cư.Mục tiêu của huyện đặt ra năm 2018 là đẩy mạnh cuộc vận động "3 sạch" tạo thành phong trào rộng rãi trong nhân dân, tăng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt trên 65%; thu gom rác thải trong ngày đạt trên 90%; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, an toàn, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng chế phẩm sinh học, áp dụng chuỗi liên kết giá trị vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu cho nông sản.

Phúc Thọ - 10 năm sáng tạo và phát triển
Mô hình “3 sạch” tại huyện Phúc Thọ

Đối với sản xuất nông nghiệp, huyện tuân thủ quy định trồng trọt, chăn nuôi, nói không với chất cấm, chất tạo nạc, kích thích tăng trưởng. “Vấn đề cấp bách được đặt ra hiện nay là phải hành động ngay để cải thiện chất lượng cuộc sống. Chỉ khi nào nguồn nước sạch được bảo vệ và sử dụng một cách hợp lý, môi trường sống xanh sạch đẹp, thực phẩm phong phú và an toàn thì sức khỏe, tinh thần của người dân mới thực sự được đảm bảo” – ông Doãn Trung Tuấn nhấn mạnh.

Huyện Phúc Thọ đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% hộ dân trên địa bàn được sử dụng nước sạch, phấn đấu mỗi năm huyện đầu tư xây dựng được 1 khu giết mổ tập trung, 2 điểm giết mổ nhỏ lẻ xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, mỗi năm huyện phấn đấu có thêm 50ha rau sản xuất theo quy trình an toàn, mỗi xã, thị trấn thực hiện cải tạo ít nhất 1 hồ hoặc ao, trồng 1 vườn hoa trên địa bàn.

Hoàn thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới

Về kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới (NTM), đến nay Phúc Thọ đã có 22/22 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Ông Doãn Trung Tuấn nhấn mạnh, kết quả xây dựng NTM đã tạo diện mạo cho huyện có bước thay đổi đáng kể; cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ huyện đến xã, thôn được nâng lên rõ rệt cả về trình độ lý luận và thực tiễn, tạo được lòng tin của người dân, dần loại bỏ tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Cộng đồng dân cư gắn kết chặt chẽ hơn, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân dần cải thiện và nâng cao.

Quá trình thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều cách làm hay và kinh nghiệm quý, từ công tác tuyên truyền huy động sức dân và các nguồn lực; coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Huyện thống nhất quan điểm chỉ đạo chọn các tiêu chí dễ làm, ít vốn đầu tư trước còn các tiêu chí cần nhiều vốn, khó tập trung làm dần, tập trung hoàn thành.

Mục tiêu Phúc Thọ đặt ra là hết năm 2018 hoàn thành NTM ở 2 xã còn lại và được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Huyện cũng đặt mục tiêu năm 2018 thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/người/năm, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 140 triệu đồng/ha; phấn đấu giảm 100 hộ nghèo.

Sau 10 năm tái nhập về Hà Nội, Phúc Thọ đã và đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành huyện có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Những kết quả đáng ghi nhận đã đạt được thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận, vượt qua khó khăn thách thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phúc Thọ.

"Để phát triển nhanh và bền vững, bên cạnh nguồn lực, sự quan tâm của thành phố, Phúc Thọ cần phát huy nội lực, khai thác tốt hơn mọi tiềm năng và đặc biệt, cần có động lực và tinh thần quyết tâm lớn hơn". Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn nhấn mạnh.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phúc Thọ - 10 năm sáng tạo và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO