Quảng Nam: Đổ xô lên núi Cấm đào vàng

Theo Trần Chung - Vietnamnet.vn| 14/06/2019 17:12

Sau hơn 20 năm, nạn đào vàng tái diễn trên núi Cấm lại rộ lên. Dân thị xã Tam Kỳ và các địa phương lân cận rùng rùng kéo lên núi, để lại phía sau hàng chục hầm tìm vàng cùng vô số những "hàm ếch" sâu cả trăm mét.

Ngang nhiên khoét núi đào vàng!
Quảng Nam: Đổ xô lên núi Cấm đào vàng
Lán trại của dân đào vàng

14h15 ngày 27/4/2007, được một lãnh đạo UBND phường An Phú (thị xã Tam Kỳ) dẫn đường, PV TS vào rừng núi Cấm.

Ngay dưới ngạch nước cạnh vách núi, một thanh niên đang bì bõm tát nước, xúc đất đóng cọc dưới hầm (sâu khoảng hơn chục mét, rộng gần chục m2). Trên miệng hầm là hàng đống cuốc, xẻng, xô, mủng…

Cách miệng hầm khoảng chục mét, 4 người đàn ông nhem nhuốc già có, trẻ có đang ngồi ăn trưa.

Nhìn những vị khách không mời mà đến bằng ánh mắt hằn học, nhưng thấy người đi cùng chúng tôi là… “sếp” địa phương nên một người trung niên gượng cười, than thở: “Anh em tui tưởng chỗ này có chút đỉnh nên thử đào lên xem sao. Ai ngờ, đào lên rồi, mất toi 50 công cũng chẳng có chi hết! Đào thử quãng này, không có thì thôi, nghỉ".

Thoai thoải xung quanh núi Cấm, vài "đội quân" khác đang hì hục kéo lên những bao quặng đã được đóng sẵn, chuẩn bị vận chuyển đi chỗ khác sàng lọc. Men theo đường mòn lên núi, còn có những gia đình đang mải miết lọc tìm vàng ngay trong vườn nhà mình...

Ông cán bộ phường An Phú phân bua: “Họ là dân ở xã bên cạnh Tam Thanh tới đào trộm vàng! Không có hộ khẩu An Phú, nhưng họ biết tui. Muốn đuổi được đám người này, chúng tôi phải đi đông người, huy động công an, dân quân đồng loạt truy quyét. Nhưng lúc đó thì họ bỏ của chạy lấy người. Khi anh em dân quân về rồi thì đâu lại vào đấy ngay”…

Hầm vàng cũ - mới bẫy... người
Quảng Nam: Đổ xô lên núi Cấm đào vàng
Hầm sập lúc nào không biết!

Theo UBND phường An Phú, những năm 1985 - 1986, núi Cấm là một cái tên “nổi tiếng” của dân đào vàng tứ xứ. Ngày đó, người đào vàng từ mọi miền đổ về chứ không riêng gì dân Quảng Nam, một ngày có tới hàng trăm người. 

Sau khi các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam mở những đợt truy quét, dân đào vàng ở đây bỏ chạy về vùng núi Phước Sơn - Quảng Nam cũng để tìm vàng. Nạn đào vàng ở núi Cấm được lắng xuống cho đến mùa hè năm ngoái 2006 thì lại rộ lên.

Năm nay, chưa vào hè mà tình hình đào vàng đã bắt đầu bùng phát với sự góp mặt của dân các xã lân cận… Trong cánh quân tứ chiếng giang hồ về núi Cấm tìm vàng, “ăn to” thì chẳng thấy đâu mà đã có hơn chục lao động phải bỏ mạng.

Trong đó, có 2 người vĩnh viễn nằm lại trong lòng núi Cấm vì sập hầm.

Mỗi tốp người đến đào vàng, không thấy có gì thì họ chỉ việc tháo dỡ lều bạt và ra đi tìm chỗ khả nghi có vàng khác, để lại trên núi Cấm những chiếc hầm sâu hun hút.

Hiện vẫn còn lại hàng chục những hang hốc cũ của dân đào vàng để lại từ những năm trước; chưa kể những hầm vàng đã, đang được đào mới. Dân phường An Phú không còn dám để con em vào rừng chăn trâu, bò… nữa bởi “Không cẩn thận, cả người và của bị thụt xuống hầm chết, chẳng ai biết lối mà tìm”. Trên đỉnh núi Cấm là nơi của những cây thông đang lên xanh tốt cũng bị người đào vàng đào trật gốc nằm khô héo la liệt.

Đứng trên đỉnh núi, người ta có thể trông thấy hàng chục hầm vàng vừa mới được khai thác. Do không có gì nên vàng tặc ra đi để lại ròng rọc, tre, nứa trên miệng hầm còn tươi nguyên. Cùng với những hầm vàng để lại trên núi là vô số những hàm ếch được cánh đào vàng khoét sâu vào vách núi, có hố sâu cả trăm mét luôn sẵn sàng nuốt chửng tất tần tật những gì rơi tọt xuống.

Khó dẹp nghề "tay trái" của dân?

Thông tin từ UBND phường An Phú cho biết, tổng diện tích đất của phường là 1.462 ha, đất nông nghiệp có 500 ha với khoảng 1.800 hộ, 7.900 nhân khẩu; trong đó có khoảng 5.000 người trong độ tuổi lao động. Quỹ đất thì hẹp, dân chủ yếu làm nông nghiệp mà cả năm chỉ có một mùa, thời gian còn lại, lao động của địa phương lại hành quân đi khai thác cát trái phép, mùa hè tìm vàng trên núi Cấm...

Ông Trương Thanh Khôi, Phó chủ tịch phụ trách kinh tế UBND phường An Phú, cho hay: "Địa phương truy quét thì cánh quân đào vàng lại bỏ chạy, hoặc nếu có bắt được họ thì phường cũng chỉ lập biên bản, thu giữ phương tiện khai thác là xong. Hiện nay, chúng tôi không có biện pháp mạnh hơn, xử phạt thì họ không có tiền nộp vì đây đều là những cảnh đời cơ cực, họ mới nghĩ đến chuyện đổi đời nhờ đào vàng. Chúng tôi đã thành lập tổ công tác liên ngành gồm 5 người do Phó Chủ tịch phường làm trưởng ban để thường xuyên truy quét, nhưng cứ như ném đá ao bèo".

Theo ông Khôi, để chấm dứt tình trạng này, địa phương phải có những đợt ra quân thường xuyên, liên tục và quyết liệt, phải rà soát, sàng lọc lập danh sách những đối tượng đang nuôi giấc mộng đổi đời từ việc đào vàng để có biện pháp xử lý riêng. Sau mỗi đợt truy quét, phải tịch thu hoàn toàn phương tiện máy móc của quân đào vàng thì sẽ đỡ. Nhưng, dân ở đây nghèo nên toàn phương tiện thô sơ cuốc, xẻng,... có mất cũng chẳng sao. Nhưng để làm được những điều trên, với khả năng, quyền hạn của một phường sẽ gặp vô vàn khó khăn về kinh phí tổ chức ra quân truy quét đồng loạt, phường không thể cử người ở đó giám sát thường xuyên được. Vào những ngày cán bộ nghỉ lễ, tết thường là điều kiện tốt cho cánh đào vàng tụ tập phá hoại núi Cấm.

Đã vậy, không biết lý do gì mà mỗi đợt chính quyền địa phương họp bàn kế hoạch truy quét thì bọn người đào vàng lại lủi đi đâu mất(!?). Đấy là những nguyên nhân mà "vàng núi Cấm" đã ngủ yên hơn 20 năm qua, nay lại bị... băm nát.

Núi Cấm có diện tích khoảng 30ha chủ yếu cấy trầm, bạch đàn,... bao năm nay đây là cánh rừng phòng hộ ven biển Quảng Nam, phủ xanh đồi núi bao vệ môi trường. Trước cảnh tàn phá băm nát núi Cấm hiện nay, các cơ quan hữu quan Tam Kỳ, Quảng Nam cần sớm tìm biện pháp khắc phục...


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Đổ xô lên núi Cấm đào vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO