Quê ngoại

Nguyễn Hội| 26/11/2020 17:08

Quê ngoại

Ngày tôi sinh, ông ngoại kéo vó ao Thùng Đấu được con cá chép to bằng cái lá bàng, vàng xuộm. Bà ngoại kho riềng với khế trong cái niêu đất cổ rồi đi bộ qua mấy cánh đồng mang xuống cho con gái. Bà đi từ chiều mà sâm sẩm tối mới tới nơi. Tối ấy trời mưa rét. Bà tôi mặc chiếc áo bông màu nâu, lấm chấm đen, có những cái khuy tết bằng vải, hình những chiếc nơ rất đẹp. Bà đứng ngoài hàng hiên, tránh những giọt nước rỏ mái gianh rất lâu để lắng nghe tiếng cháu. Nhưng tôi chưa ra đời. Mẹ tôi trở dạ từ giờ Mùi sang giờ Tý tôi mới sinh. Người đầu tiên đón tôi là bác Lan, một bà mụ vườn mát tay có tiếng trong vùng. Cả ba chị em tôi đều do bác đỡ. Vừa trao tôi cho bà, bác vừa bảo: “lại cái đồ rắn mặt” rồi bà ạ. Bà tôi cười trong những giọt nước mắt vui sướng mà nhớ lại dăm năm về trước, cũng trong hoàn cảnh này, bác đã nói: “mừng cho cả nhà có cái đồ rắn mặt đây rồi”. Ấy là ngày sinh anh trai tôi. Lệ ở quê tôi, trẻ con mới sinh ra cứ phải dùng những cái tên thật xấu, thật tục mà gọi thì mới dễ nuôi. Bởi vậy nên thằng cu, cái hĩm, cái tí, thằng tèo… là những cái tên quen thuộc. 

Chuyện này do mẹ tôi kể lại. Những ngày còn bé tôi cứ đòi mẹ kể cho nghe suốt vì sợ các anh chị gọi tôi là “cu nuôi”, không do bố mẹ sinh ra. Nghe nhiều đến nỗi khi lớn lên tôi cứ có cảm giác mình nhớ hết những gì xảy ra trong ngày cất tiếng khóc chào đời.

Trong ký ức tuổi thơ tôi, quê ngoại “xa lăm lắm”. Con đường men theo bờ ruộng trải dài những ba bốn cánh đồng từ Đún Nội sang làng Kênh qua làng Lếnh rồi mới đến làng Bóng. Tuy là xa nhưng mỗi lần được về quê ngoại là một niềm vui sướng đối với chị em chúng tôi. Nhà có độc một chiếc xe đạp nên đứa nào được bố hay mẹ cho đi cùng thì mừng còn hơn được manh áo mới. Tôi là con út nên thường được đi theo, mỗi lần giỗ chạp. Tôi nhớ, có dịp Tết Đoan ngọ, hai bố con tôi chở cặp vịt toòng teng trên ghi-đông xe đạp lên tết ông bà. Đi đến cánh đồng làng Kênh bỗng thấy dưới dòng mương có đôi cá chép, bố liền xuống bắt cá tết luôn cho ông bà.

Có lần, do bị viêm cầu thận tôi còn ở nhà ngoại đến vài ba tháng. Sáng sáng bà ngoại đưa tôi sang nhà bác Vóc - một bác sĩ trên tỉnh mới về hưu ở gần ngay nhà ông bà để tiêm thuốc. Nhờ bàn tay mát lành của bác Vóc và tình yêu thương vô bờ của ngoại, bệnh tình của tôi cũng từ từ thuyên giảm và khỏi hẳn lúc nào không biết. Nhưng cho đến tận bây giờ, nỗi ám ảnh về mũi kim tiêm của bác sĩ Vóc vẫn hằn đậm trong tâm trí tôi. Nhớ lời bà dạy, mỗi lần phải tiêm hay lấy máu, tôi đều nhìn thẳng vào mũi kim để rèn luyện sự “cứng rắn” của mình. Và tôi biết rằng chính bà là người thầy đầu tiên dạy cho tôi về lòng dũng cảm.

Cũng trong thời gian này tôi còn được ông ngoại, một nhà nho có tiếng trong vùng dạy cho nhiều bài học từ những cuốn sách cổ, câu cách ngôn, câu đối… Ông bảo: Con chịu khó học thuộc, sau này có khi dùng đến, lúc đó thì ông ngoại đã đi xa rồi. Quả đúng như vậy, bây giờ mỗi khi đọc những câu như: Thủ hiếu đễ thứ kiến văn, kỷ sở bất dục vật thi ư nhân… thì hình ảnh ngoại tôi với chòm râu bạc lại hiện về trong tâm trí. 

Nhà ngoại tôi có khu vườn rất rộng. Ở góc vườn ông tôi trồng cây bồ kết để bà và các dì, các mợ lấy quả gội đầu. Những chùm gai bồ kết tua tủa mọc đều từ dưới gốc lên đến ngọn. Bên bờ ao có cây bưởi ngọt nhưng nhà ngoại tôi không gọi là bưởi mà gọi là cây thanh hiên. Giống bưởi thanh hiên này thường cuối năm mới chín, ăn ngọt ngay như đường phèn. Ở giữa vườn có cây hồng ngâm và một cây na mọc bên bể nước. Những cây này ở nhà tôi không có nên tôi rất háo hức được ăn. Đến mùa quả chín bà chia đều cho các cháu, đứa lớn đứa nhỏ, ở gần ở xa cháu nào cũng có phần. Sau này khi đã trở thành bà nội, bà ngoại, mẹ tôi cũng làm hệt như bà. 

Quê ngoại tôi có dải đất ven sông Đún phì nhiêu màu mỡ, ở đó gọi là làn sông. Làng tôi không có sông nên mỗi lần về quê ngoại, chị em tôi rất thích chạy lên triền đê, trốn tìm trong những làn dâu xanh mát, những vườn mía thẳng đều tăm tắp. Người làng biết chị em tôi về, hỏi chuyện ríu ran, có đôi khi còn cho quà bánh. Có lần chị em tôi được nhà bác Đồng cho ăn cây mía kĩa - giống mía chỉ to hơn cây mía lau một tẹo, da vàng khươm, dóng dài ngoằng, ăn được cả đốt (đầu mặt) mà giòn tan, ngọt lịm. Cái vị ngọt của nó đậm đà đến mức khé đặc trong cuống họng, hằn sâu trong ký ức tôi không bao giờ phai nhạt. 

Rồi tôi đi vào bộ đội xa nhà, xa ngoại. Những đêm trăng hạ tuần, trong phiên gác khuya trên đỉnh đồi Lương Sơn, Hòa Bình nhớ nhà, nhớ ngoại da diết. Những lá thư tôi gửi về, ngoại cất cẩn thận trong chiếc rương gỗ mít có những đường vân vàng rất đẹp. Ngoại bảo, đây là những kỷ vật quý giá nhất của ngoại. Khi nào ngoại về theo ông thì ngoại sẽ mang theo. Tôi biết ngoại thương tôi nhiều lắm. Từ ngày tôi nhập ngũ đến khi tôi vào miền Nam công tác, ngoài mẹ tôi ra thì ngoại là người khóc nhiều nhất.  Mỗi khi tôi về phép, lần nào cũng vậy, ngoại căn dặn tôi đủ điều. Từ chuyện đề phòng gió máy làm sao đến chuyện đi đứng ăn ở thế nào...

Bây giờ thì cả ông bà tôi đều thành người thiên cổ. Về lại khu vườn xưa ngập đầy kỷ niệm, lòng chúng tôi rưng rưng niềm thương, nỗi nhớ. Cảnh cũ còn đây nhưng còn đâu hình bóng ngoại năm nào... 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Quê ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO