Rình - tùng - xèng!

Nguyễn Thục Uyên| 06/09/2021 10:54

Rình - tùng - xèng!
Một cửa hàng bán bánh Trung thu trên phố cổ Hà Nội xưa. Ảnh tư liệu

Hồi đại học, một năm tôi đi thực tập ở Lạng Sơn, đúng vào dịp Trung thu. Hôm ấy là rằm, lũ sinh viên cuốc bộ từ bản ra đường nhựa để đón bánh nướng, bánh dẻo gửi lên từ phố. Trong cái bóng xế nơi sườn đèo, cả bọn vừa bệt mông chờ xe vừa tán chuyện phá cỗ của ngày còn thơ dại. Nào là đứa vào vai chị Hằng béo hay gầy, đen hay trắng... Nào là thằng vào vai cu Cuội liệu có nhọt ở mông, hay bị ghẻ ruồi, hay bị chín mé... Xôm nhất là chuyện đèn kéo quân, bọn kia phục lăn vì tôi nhớ gần hết các điển tích được cắt dán trên giấy bóng kính. Từ tích Triệu Tử Long bế con của Lưu Bị đến tích Đinh Tiên Hoàng cưỡi rồng, luôn cả tích Trọng Thủy - Mỵ Châu đẫm lệ... Cái đèn ấy mà thắp nhỏ lửa thì không quay nhanh được, tán cứ rì rì như quạt tai voi chạy điện bao cấp thuở nào...

Hôm ấy, xe hàng đã không lên vì hỏng giữa đường, lớp trưởng quyết mai mới phá cỗ, dứt khoát chờ bánh. Bỡ ngỡ, rồi cũng ừ. Đêm rằm không cỗ, cũng là đêm Trung thu đầu tiên chúng tôi rời phồn hoa son phấn dấn mình vào sơn cước hoang đường. Trong ánh xanh mộc mạc của chị Hằng, đám trẻ kinh kỳ không hát trống quân như trai gái Thăng Long của trăm năm trước, mà ngửa cổ hát về một cô bé ở Varsovie (Ba Lan) dưới chế độ quốc xã (*). Lời dịch có những câu: "Cô bé ấy đã hát về những chú ếch và những công chúa ngủ trong rừng... Cô bé ấy yêu búp bê, và yêu những đứa bạn của mình..."

Trong màn đêm ri ri tiếng dế bất tuyệt, những ánh mắt lồng ánh giăng thưa dõi về kinh đô yêu dấu, rồi cùng ê a:

Comme toi comme toi 
comme toi comme toi
Comme toi comme toi 
comme toi comme toi

Vừa chỉ trỏ đám mây nào giống con trâu, đám mây nào giống con voi, đám mây nào giống con gà... chúng tôi vừa nghĩ về đêm mai, đêm mười sáu hẳn giăng sẽ khuyết một tí. Nghĩ mãi rồi cũng ngẫm ra. Mai mới phá cỗ, so với năm nay thì đã muộn, nhưng với năm sau mà nói thì lại sớm, có vậy thôi. Nhờ thế mà trên đường đời sau này, mọi nhẽ sớm muộn với lũ sinh viên năm ấy, cũng chỉ còn là cái ước lệ sau trước. Bình thản đón nhận, thì mọi khoảnh khắc đều là đúng thời điểm.

Xuân thu nhị kỳ, thu là mùa âm thịnh được mặt giăng ngự trị, ngược lại với xuân là mùa ngự trị của mặt giời. Ai biết được giăng tháng tám có sáng hơn tháng khác hay không, chỉ biết là đến dịp thì cứ muốn đoàn tụ, để được ăn bánh và uống chè mạn sen, như thế, như thế... Ban đầu, Trung thu chưa phải Tết của con trẻ, mà là sự kết hợp nghi thức thờ mặt giăng cổ đại và nghi lễ nông nghiệp mừng cơm mới, trong nghi lễ ấy có cả việc cúng trừ tà. Một mâm cúng ở kẻ Bưởi cách đây 20 năm, vẫn đầy đủ vật phẩm tống tiễn ma quỷ để được an vui vọng Nguyệt. Họ sắm lễ là mía - bánh đúc - khoai sọ - bưởi - ngô (tượng trưng cho xương - thịt - da - lông - răng của quỷ) và dâng cúng ngoài giời. Với một nền văn minh lúa nước, thì việc giăng nguyệt tịch tỏ mờ còn dự báo cho mùa lúa mùa của năm sau nữa. Cái thời đã xa vắng, lúc Trung thu được xem như là ngày ông tơ bà nguyệt se duyên, thì tục bói giăng rất thịnh. Vào đêm rằm, con gái mới lớn đều bịt mắt ra vườn hái rau. Đem về, xem ai ngắt được cọng hành  thì nhân duyên người ấy sẽ cả đời suôn sẻ.

Ngày cũ, thức cúng Trung thu phổ biến nhất là cái bánh hình tròn màu trắng, biểu trưng cho giăng rằm, người Việt gọi là "bánh mặt giăng" - tức bánh dẻo, hay người Hoa vẫn gọi là "nguyệt bính" vậy. Như tôi được dạy, bánh dẻo làm từ hai loại đường, đường thắng dùng cho vỏ bánh và đường hoán để ướp nhân bánh. Nhân gồm bát vị tượng trưng cho tháng tám, gồm trứng, mỡ, hạt dưa, hạt dẻ, hạt vừng (hoặc nhân hạt trám), mứt hạt sen, mứt bí đao và mứt quất. Bây giờ thì hầu như mứt quất đã bị bỏ qua, không rõ tại sao?! Một chiếc bánh gọi là truyền thống, sẽ chỉ đúng và đủ, khi được đóng bởi khuôn gỗ truyền thống. Những cái khuôn làm từ gỗ thị đo đúng ngang dọc 7 phân bề sâu 3 phân, bây giờ gọi là khuôn 160gr, để cứ bốn bánh xếp chồng lên nhau thì được một cân bánh (**). Nhà khá giả, bánh mặt giăng toàn to bằng cái đĩa tây, thậm chí bằng cái mâm con, khuôn song phượng hoặc lưỡng long tranh châu giằng ngọc... Rất nhiều người, lúc nhỏ thích bánh nướng, đến khi biết nhớ lại nhất mực chỉ ngụm ngà hương bưởi mà thôi. Cứ làm như thể, bánh mặt giăng đã thơm sẵn đâu đó từ lâu lẩu lầu lâu rồi, chỉ chờ ngày là bước ra từ cổ tích.

Dạo còn phân phối, bánh được cất trước mấy tuần trong thùng gạo, tôi đi học về là mở kiểm tra ngay, cốt hít hà lấy một tẹo. Để chuẩn bị cỗ, việc đầu tiên là ra công viên Thống Nhất, xin cô hàng rong hạt bưởi về phơi. Không có hai xâu hạt cháy thơm lép bép thì vô duyên như giao thừa không pháo, mẹ bảo thế. Sau đến là làm bánh và chuẩn bị nguyên liệu tỉa bưởi chó, bưởi rồng. Gần sát rằm mới đi xin bút dạ về chấm hoa văn, xin phẩm về nhuộm mía khẩu và cùi bưởi cho xanh đỏ. Cúng tổ tiên là mâm xôi vừng nén, trên đặt con gà luộc mà vẹo hết lưng mới uốn được gà ra hình ông Lã Vọng. Năm nào ông ấy cũng ngồi im ở đấy, câu con cá con được tỉa từ quả tim con. Khu nhà tôi thi bày cỗ, giải thưởng luôn là con bướm sắt Hàng Thiếc. Bướm có cánh gập lên hạ xuống, đẩy càng nhanh càng vỗ quần quật, ông bà kêu nhức hết cả đầu. Bọn con giai trong trưa nắng vẫn tập múa sư tử, Trung thu mà lị, không ầm ĩ trống phách thì còn ra thể thống gì nữa. Đám con gái bị dọa "vụng là ế" nên rất hãi, bày vẽ đủ thứ để khỏa đi nỗi sợ rất ngây ngô và cũng rất dở hơi. Rồi chỗ trẻ ấy cũng lớn lên, đa số không thức thời - hay còn gọi là hâm, mà đến cái hâm cũng giống nhau thế mới khổ. Vừa thương, vừa tội.

Chuyện kể rằng, mẹ con nhà nọ có nghề đóng bánh. Năm ấy hưng thịnh nên sát rằm tháng tám là hàng phố ngộn người. Hàng Mã, Hàng Đường chen chúc mướt mải, tiếng trống lân góc phố này rình - tùng - xèng, đầu ngõ kia rình - tùng - xèng, làm cô gái chớm đôi mươi nghe chừng nhống hết cả. Nhìn chỗ đơn hàng mới xong được nửa, cô uể oải vừa gõ bánh vừa chịp chịp: "Mẹ ơi, con muốn lấy chồng"... bà mẹ vừa vê nhân bánh vừa gật gật: "Con ơi, mẹ cũng một lòng như con"... Lúc lâu, lại thấy chịp chịp: "Mẹ ơi, con đã có thai"... bà mẹ vẫn bằng chân như vại, lại gật gật: "Con ơi, mẹ cũng được vài tháng nay"... Thế là toạch, cô gái thôi ộ ệ và tiếp tục cắm mặt vào cái phản ngựa ê hề bánh.

Rình - tùng - xèng!
Đèn ông sao, đèn con thỏ và đèn lồng con cá trước cửa một gian hàng đồ chơi tại phố Hàng Gai, Hà Nội. (Ảnh: Léon Busy)
Mới nói, Trung thu vốn dĩ là để vui, trẻ vui vì chưa phải lo nghĩ, già vui vì nhớ thuở thiếu niên, nhưng không phải ai cũng có duyên để vui cái mùa giăng ấy, như nọ, như kia được... Sự muôn mặt là có thật, và nó cũng có một cái tên - tên là CUỘC SỐNG.

Rình - tùng - xèng…
Rình - tùng - xèng…
Ngày mai mười sáu,
Nay rằm.
...............................................
(*) Bài hát Comme toi, Jean-Jacques Goldman
(**) Một cân ta ngày trước nặng khoảng 650 gr.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Rình - tùng - xèng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO