Sai sót kỹ thuật hay thiếu trách nhiệm, chuyên môn?

Đăng Chung - Hải Bùi| 02/11/2017 20:22

“Ngay sau khi có kết luận họp Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Giang, Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ đã ra Quyết định kỷ luật viên chức và điều chuyển công tác đối với hai cán bộ liên quan với các hình thức: Cảnh cáo và khiển trách…” - Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ (Hà Giang) cho hay.

Vụ việc đau lòng

Trong đơn kêu cứu gửi báo Người Hà Nội anh Dương Ngọc Khánh (thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tình Hà Giang) là chồng của sản phụ Cháu Thị Tính cho biết, đêm ngày 5/9, vợ anh là chị Tính (thời điểm đó đang mang thai tuần thứ 39) có dấu hiệu sắp sinh. Gia đình anh đã đưa chị đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ (Hà Giang).

“Có mặt tại bệnh viện vào rạng sáng ngày 06/9, vợ tôi vào viện trong tình trạng sức khỏe tốt con vẫn đạp bình thường chưa có cơn co tủ cung, ối vẫn bình thường. Khi tôi gõ cửa phòng trực của khoa Sản thì có nữ hộ sinh mở cửa (bà Lệnh Thị Hồng là viên chức khoa phụ Sản - PV). Sau khi tôi trình bày, nữ hộ sinh ra mở phòng đẻ và yêu cầu vợ tôi lên bàn ở phòng đẻ luôn. Sau khi nữ hộ sinh thăm khám và nghe tim thai rồi bảo là tim thai bình thường. Sau đó, vợ tôi vẫn tiếp tục nằm trên bàn và đợi nữ hộ sinh chuẩn bị đồ giúp mình.

Anh Khánh cũng cho biết: “Dù lúc đó vợ tôi chưa có cơn đau nhưng người nữ hộ sinh tên Hồng vẫn thúc cho vợ tôi đẻ với lý do “sáng còn phải đi học sớm”. Sau đó, chị Hồng truyền dịch gì đó vào người vợ tôi. Ít phút sau đó vợ tôi bắt đầu vượt cạn”. Sau gần 30 phút vượt cạn thì gia đình thấy các bác sĩ làm sơ cứu cho cháu bé.

Nhớ lại những giây phút đó chị Tính cho biết, các y bác sĩ lấy hết bình ôxy này đến bình ôxy khác cùng cái ống cho vào mồm con tôi bóp bóp, thay mấy cái ống nhưng con tôi vẫn không khóc. Các bác sĩ cho thở bằng bình ôxy nhưng bình ôxy lại hỏng. Lúc này, mọi người vừa làm vừa quay ra nhìn tôi…Thấy biểu hiện bất thường, tôi có hỏi bác sĩ là con mình có làm sao không thì được bác sĩ trả lời: “Ngạt thở rồi, cho lên khoa Nhi cấp cứu”. “Sau đó, bác sĩ liên tục gọi điện, gọi khoảng 5 lần lên khoa Nhi để nhờ các bác sĩ ở trên đó xuống hỗ trợ và mang cáng xuống cấp cứu nhưng không kịp và con tôi đã tử vong…” chị Tính nức nở.

Trao đổi với phóng viên báo Người Hà Nội, ông Lê Minh Đức - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, Bệnh viện đã thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét về sự việc trên. Đồng thời, báo cáo lên lãnh đạo Sở Y tế và yêu câu các bác sĩ, cán bộ, nhân viên kíp trực đó là báo cáo tường trình sự việc. Theo kết luận ban đầu của bệnh viện, bé gái tử vong do ngạt vì dây rốn cuốn cổ hai vòng, thùy vai mắc.

Sai sót kỹ thuật hay thiếu trách nhiệm, chuyên môn?
Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ tại buổi làm việc với PV (Ảnh: Đăng Chung).

Ông Lê Minh Đức cũng cho hay, việc sản phụ nói chưa có cơn co tử cung là không chính xác vì khi vào viện tử cung đã bắt đầu mở. Không có tiêm thuốc mở tử cung. Còn việc nữ hộ sinh Hồng truyền vào sản phụ là Glucose 5% có tác dụng tăng cường sức khỏe cho sản phụ chứ không phải là thuốc để kích sinh gì cả. Nữ hộ sinh Hồng khám, bác sĩ Nho làm bệnh án đã không tiên lượng được khi sản phụ sinh thì bị tai biến…

Liên quan đến thông tin “đẻ nhanh mai còn đi học chính trị” của nữ hộ sinh Hồng, bác sĩ Lê Minh Đức cũng cho biết, nữ hộ sinh Hồng báo cáo lại bệnh viện lúc đó có 2 bệnh nhân (1 vào trước, bệnh nhân Tính vào sau) cô Hồng có nói với ra với bác sĩ Nho làm 2 bệnh án này làm luôn không mai buổi sáng không kịp làm bệnh án, ca mới vào tí sẽ đẻ luôn. Cô Hồng không ý tứ nói với ra lại bảo mai em còn đi học chứ không phải là đẻ nhanh để mai đi học…

Liên quan đến bình ôxy cấp cứu của bệnh viện cũng không phải bị hỏng, trong quá trình cấp cứu, BS Hoàng Thanh Nho do quá vội vàng, chưa vặn hết nên không sử dụng được. Còn về tác phong của bác sĩ Hoàng Thanh Nho (quần cộc và áo ba lỗ - PV) là không đúng mực, tác phong của y bác sĩ, giải thích về nội dung này, ông Đức cũng cho biết, Bệnh viện đã yêu cầu bác sĩ Nho tường trình, rút kinh nghiệm.

Sở Y tế kết luận nhiều sai sót

Ngày 19/9 vừa qua, ông Lương Viết Thuần - Giám đốc Sở Y tế Hà Giang đã ra thông báo số 104/TB-SYT kết luận họp Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế về diễn biến quá trình chuẩn đoán, xử lý và nguyên nhân tử vong của trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ (trường hợp sản phụ Cháu Thị Tính - PV).

Theo đó, Sở Y tế Hà Giang đã kết luận nhiều hạn chế về chuyên môn và sai sót kỹ thuật của kíp trực trong đó nêu rõ: Trong quá trình đỡ đẻ, sau thì sổ đầu đến thì sổ vai, vai mắc đây là lần đầu hộ sinh gặp, hộ sinh có mời bác sĩ trực chung xử trí, nhưng bác sĩ trực lại là bác sĩ đa khoa không có chuyên môn về Sản, nên bác sĩ và nữ hộ sinh khi xử lý mắc vai chưa đúng dẫn đến thai không sổ ra ngoài được, đến khi thai sổ ra ngoài trẻ đã bị ngạt trắng.

Sai sót kỹ thuật hay thiếu trách nhiệm, chuyên môn?
Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ nơi xảy ra sự việc đau lòng trên (Ảnh: Đăng Chung).

Công tác bàn giao trực chưa nghiêm túc, công tác chuẩn bị các phương tiện cấp cứu tại phòng đẻ chưa đầy đủ, công tác chuẩn bị cho cuộc đẻ chưa tốt, đến khi đỡ đẻ trẻ bị ngạt trắng không có phương tiện cấp cứu kịp thời, phải huy động phương tiện cấp cứu ở khoa Hồi sức để cấp cứu trẻ cho trẻ dẫn đến cấp cứu không hiệu quả. Quá trình xử trí cấp cứu trẻ sơ sinh: không đánh giá chỉ số Apgar, không đặt ống nội khí quản cấp cứu dẫn đến cấp cứu không đạt kết quả. Trẻ sơ sinh tử vong nguyên nhân do ngạt trắng….

Không chỉ liên quan đến sai sót kỹ thuật, Sở Y tế Hà Giang đã chỉ ra nhiều vi phạm từ tinh thần, thái độ ứng xử đến quy chế ca trực, quy định của ngành đối với nữ hộ sinh Lệnh Thị Hồng và bác sĩ Hoàng Thanh Nho dẫn đến cái chết “tức tưởi” của sản nhi Cháu Thị Tính. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng của Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ lại là hình thức cảnh cáo và khiển trách khiến gia đình sản phụ và dư luận bức xúc…

Ngành nghề nào cũng đòi hỏi ngoài chuyên môn là trách nhiệm, chuyên nghiệp. Đối với ngành y, đòi hỏi này càng cao, cũng chẳng phải ngẫu nhiên ngành y là ngành hiếm hoi có lời thề về y đức. Tất cả những điều này nhằm hạn chế tối đa sơ sẩy, sai sót khi hành nghề bởi "sai một li" trong ngành y có thể "đi một dặm" đối với sức khỏe và tính mạng vô giá của con người...

Trước sự việc đau lòng trên, gia đình sản phụ Cháu Thị Tính cũng nghi ngờ về tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ, nhất là người đứng đầu bệnh viện? Bởi theo gia đình sản phụ Cháu Thị Tính thì đây không phải là lần đầu tiên trẻ sơ sinh tử vong bất thường do “tắc trách” của Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ…

Báo Người Hà Nội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Sai sót kỹ thuật hay thiếu trách nhiệm, chuyên môn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO