Sáng mãi tấm gương Trịnh Ngọc Trình

Gia Phú| 23/02/2019 13:45

Năm 1947, trong một đêm được giao nhiệm vụ chuyển công văn hỏa tốc cho Đại đội 10 đóng quân ở Ninh Bình, cậu bé Trịnh Ngọc Trình (khi ấy mới 13) tuổi đã bị mất đi một cánh tay vì đạn giặc. Mất mát ấy chẳng thể làm chùn bước người giao liên mưu trí dũng cảm năm nào. Trịnh Ngọc Trình đã viết tiếp bài ca cho cuộc đời mình bằng ý chí, nghị lực phi thường. Và giờ đây khi đã bước sang tuổi 85, tinh thần “Ba sẵn sàng” mà Trịnh Ngọc Trình đã lan tỏa trong các thế hệ thanh niên ngày nào dường như vẫn còn nguyên vẹn.

Sáng mãi tấm gương Trịnh Ngọc Trình
Nhà giáo Trịnh Ngọc Trình - một trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô đã được vinh danh trong năm 2018.
 Từ cậu bé giao liên dũng cảm đến người thầy tận tụy ở vùng cao

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ – người đã thực hiện ca phẫu thuật đặc biệt cho Trịnh Ngọc Trình khi cậu bé bị dập nát cánh tay từng chia sẻ rằng cả kíp phẫu thuật khi ấy đã khóc ròng vì thương người chiến sĩ nhỏ tuổi. Cũng bởi xúc động và cảm phục ý chí, tinh thần chiến đấu dũng cảm của cậu bé Trình, bác sĩ Cơ đã viết câu chuyện về em trong bài báo có tựa đề “Em Ngọc” đăng trên báo Vui sống quân y. Bài báo được đưa vào “Tuyển tập văn thơ cách mạng và kháng chiến” và “Văn tuyển lớp 5” (1954 – 1975) đã được dịch ra 4 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung. Tấm gương Em Ngọc (Trịnh Ngọc Trình) đã làm xúc động trái tim của nhiều thế hệ người Việt Nam, bồi dưỡng, thôi thúc lòng yêu nước và quyết tâm diệt giặc Pháp, giặc Mỹ để bảo vệ Tổ quốc. 

Nhớ lại câu chuyện năm xưa, Trịnh Ngọc Trình bảo rằng mất đi cánh tay giữa lúc cả nước đang sục sôi đánh Pháp, ông không buồn lắm mà chỉ tiếc vì không được tiếp tục ra trận. Nhưng rồi với tinh thần đánh “giặc dốt” cũng là đánh giặc, xây dựng đất nước, Trịnh Ngọc Trình càng trở nên quyết tâm hơn. Sau khi được cử đi học sư phạm ở nước bạn, Trịnh Ngọc Trình được phân công về Hà Nội tiếp quản các trường Hà Nội khi hòa bình lập lại (năm 1954) nhưng anh lại xung phong lên miền núi Tây Bắc dạy học. Gắn bó với các học trò ở Lai Châu, Sơn La được 3 năm, Trịnh Ngọc Trình đã vượt qua bao gian khó, kể cả chống phỉ. Anh còn đề xuất sáng kiến kêu gọi giáo viên miền núi học tiếng dân tộc để tiện giao tiếp với bà con địa phương và giáo dục học sinh dân tộc thiểu số. Nhà văn Ma Văn Kháng trong tạp bút “Thời ông tôi đi dạy” đăng trên báo Khuyến học, số 24 năm 2000 có viết: “Thuở ông tôi đi dạy có thầy giáo Trịnh Ngọc Trình, thương binh cụt một tay, có lần bỏ hết tiền lương nuôi các em học sinh ở một bản nhỏ trên Sơn La ăn học cả tháng trời. Có lần gặp lũ lớn, thầy Trình vật lộn với từng con sóng, dìu từng em một qua suối đến trường”.

Mùa hè năm 1957, Trịnh Ngọc Trình được cử về Hà Nội dự lớp bồi dưỡng giáo viên cốt cán toàn miền Bắc của Bộ Giáo dục. Lúc ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện. Biết anh là thương binh lại xung phong đi dạy học miền núi, trước toàn thể hội trường Bác đã biểu dương tinh thần phấn đấu của thầy giáo trẻ Trịnh Ngọc Trình. Kỷ niệm lần gặp Bác năm xưa giờ vẫn còn in đậm trong ký ức của Trịnh Ngọc Trình và tiếp thêm cho anh ý chí quyết tâm phải làm sao cho xứng với lời khen của Bác. Sau lần gặp Bác không lâu, anh được điều về Hà Nội dạy học ở trường Sư phạm miền núi Trung ương.

Lan tỏa tinh thần “Ba sẵn sàng”

Năm 1960, Trịnh Ngọc Trình được điều về trường Đại học Sư phạm Hà Nội học tập và làm Bí thư đoàn. Anh là người nhen ngọn lửa và khởi xướng phong trào “Ba sẵn sàng” (tiền thân là phong trào “Tam bất kỳ” ra đời từ khoa Văn rồi lan sang các khoa khác trong trường). Phong trào “Ba sẵn sàng” của trường Đại học Sư phạm Hà Nội sau được Thành đoàn Hà Nội nhân rộng ra thành cuộc biểu dương lực lượng hùng hậu của thanh niên Thủ đô, rồi được Ban chấp hành Trung ương đoàn phát động ra toàn miền Bắc. “Ba sẵn sàng” được đánh giá là phong trào hành động cách mạng vĩ đại nhất của thanh niên Việt Nam trong thế kỷ XX, đã cuốn hút và tôi luyện một thế hệ vàng của thanh niên Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với tinh thần “Xếp bút nghiên lên đường chống Mỹ”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Sáng mãi tấm gương Trịnh Ngọc Trình
Ông Trịnh Ngọc Trình - tấm gương sáng về ý chí, nghị lực và tinh thần làm việc. Ảnh ĐT

15 năm làm công tác đoàn, làm Bí thư Đoàn trường Đại học sư phạm Hà Nội, làm Trưởng ban Văn nghệ NXB Thanh niên và hơn 10 năm làm Trưởng phòng Chính trị ở trường Đại học Sư phạm, Trịnh Ngọc Trình đã có nhiều đóng góp tích cực trên mặt trận giáo dục, văn hóa – tư tưởng.  

Năm 1990, khi đã về hưu Trịnh Ngọc Trình lại bắt đầu một hành trình mới trên cương vị Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi (HEDO) – một trong những tổ chức phi Chính phủ đầu tiên ở nước ta. Nhớ về ngày mới thành lập HEDO, Giám đốc Trình bộc bạch: “Ngày đó, khi được giao nhiệm vụ, tôi có hỏi Thượng tướng Đàm Quang Trung lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Tôi sẽ hỗ trợ bà con bằng gì?”. Thượng tướng nhìn tôi hồi lâu rồi trả lời: “Anh có khối óc sáng tạo của một chiến sĩ cách mạng. Anh lại có trái tim nhiệt tình, nồng ấm với đồng bào dân tộc miền núi. Đó là những thứ để anh có thể hỗ trợ, giúp đỡ được bà con… Tôi tin anh sẽ thành công bằng những “tài sản” đó của mình”.
Và quả đúng như suy nghĩ của Thượng tướng Đàm Quang Trung, Trịnh Ngọc Trình đã thành công. Trải qua hơn 20 năm hoạt động, HEDO đã vận động các tổ chức quốc tế và trong nước tài trợ; phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện thành công trên 200 chương trình, dự án về giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo tại 43 tỉnh thành với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng. Không chỉ giúp phát triển giáo dục miền núi bằng việc hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất (xây trường nội trú, bán trú, trường mẫu giáo, xưởng cơ khí và nghề mộc, trung tâm xóa mù chữ, trung tâm dạy nghề…), HEDO còn tặng học bổng “Em Ngọc” cho học sinh nghèo vượt khó ở một số trường, phối hợp với Viện Khoa học Việt Nam đào tạo hơn 100 thạc sĩ người dân tộc thiểu số… Ngoài ra HEDO cũng rất quan tâm tới việc chăm lo sức khỏe cộng động bằng việc giúp đào tạo hàng ngàn cô đỡ thôn bản ở nhiều tỉnh thành, xây dựng trạm xá với y cụ và thuốc cho một số tỉnh, vận động xin tài trợ cho chương trình phẫu thuật “Nụ cười trẻ thơ” ở Thanh Hóa, xưởng chân tay giả ở Ninh Bình; góp phần thiết thực vào việc xóa đói giảm nghèo bằng cách mời các nhà khoa học về các tỉnh miền núi hướng dẫn cho bà con kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt…

Để có thể triển khai các chương trình, dự án này Giám đốc Trịnh Ngọc Trình đã phải ngược xuôi ở biết bao vùng đất, lăn lộn với cuộc sống của đồng bào để có thể thâm nhập thực tế, thu thập thông tin, vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Những người dân ở thôn bản vùng cao như Sìn Hồ, Phong Thổ, Mèo Vạc, Đồng Văn, Tủa Chùa… có lẽ chẳng còn lạ lẫm gì với “ông HEDO” một bên tay áo buông thõng, xông xáo hướng dẫn người dân từ cách trồng đậu tương đến vận hành máy móc… 

Luôn nhớ và làm theo lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế”, Trịnh Ngọc Trình đã trở thành một tấm gương sáng cho nghị lực, ý chí vươn lên và cả tấm lòng với bà con dân tộc miền núi. Những phần thưởng cao quý mà ông đã được trao tặng (Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc”, “Vì sự nghiệp Khoa giáo”) cùng nhiều bằng khen khác chính là minh chứng cho những ý chí và tấm lòng cao đẹp của Trịnh Ngọc Trình - Em Ngọc thuở nào. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Sáng mãi tấm gương Trịnh Ngọc Trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO