Sớm có cơ chế hỗ trợ xây dựng nhà lưu trú công nhân

Tin tức| 23/05/2019 15:56

Là địa phương thu hút nhiều người nhập cư đến làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng TP Hồ Chí Minh cũng chỉ mới giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu nhà lưu trú cho công nhân.

Sớm có cơ chế hỗ trợ xây dựng nhà lưu trú công nhân
Dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Nhiều người vẫn phải tá túc trong những phòng trọ chật hẹp, chưa đảm bảo môi trường sống, thậm chí nhiều người phải ở địa phương khác, sáng lên thành phố làm việc chiều về nhà. Đây là thực trạng được nêu lên tại hội thảo "Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất" do Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21-5. 

Cung không đáp ứng cầu

Chị Nguyễn Thị Bình, quê ở Nghệ An, tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng, ra trường không tìm được việc nên vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung. Chị và một số bạn cùng quê thuê phòng trọ chật hẹp ở ngã tư Linh Xuân, quận Thủ Đức. Sau 2 năm làm công nhân, tích luỹ kinh tế không được bao nhiêu, chỉ đủ cho ăn uống, sinh hoạt và chỗ ở. Nếu tiếp tục công việc này, chị Bình cũng như nhiều công nhân khác không biết đến lúc nào mới mua nổi một chỗ ở tại TP Hồ Chí Minh trong khi các khoản chi phí nơi đây đắt đỏ. Cuối cùng, chị Nguyễn Thị Bình phải rời TP Hồ Chí Minh lên Lâm Đồng đi dạy học, quyết định lập nghiệp tại đây. 

Tương tự, anh Nguyễn Hồng Cường, quê Nghệ An, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân được gần 3 năm phải nghỉ việc vì không dư giả gì trong khi vợ con anh phải ở trong phòng trọ chật hẹp. Anh và gia đình về Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc cho công ty tư nhân và tiết kiệm mua được miếng đất nhỏ xây nhà cấp 4 ở huyện Xuyên Mộc. 

Có hoàn cảnh khá hơn nhưng anh Nguyễn Đình Nam, quê Bình Phước cũng không hề thuận lợi trong việc tìm chỗ an cư tại TP Hồ Chí Minh. Sau thời gian làm công nhân rồi lái xe tải đường dài, anh tích góp được gần 500 triệu đồng nhưng chưa tìm được căn hộ nào đầy đủ giấy tờ pháp lý có giá tiền như vậy...

Nói về nhu cầu nhà lưu trú cho công nhân, ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, hiện thành phố có 285.000 công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; trong đó, có 65% là lao động nhâp cư. Thành phố chỉ mới giải quyết được một phần nhu cầu nhà ở vốn dĩ đang rất bức xúc đối với người lao động. 

Đồng quan điểm, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh cho hay, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân còn rất thấp. Vì vậy, nhiều công nhân phải ở trong nhà trọ nhếch nhác, điều kiện môi trường chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe. Đơn cử, Công ty PouYuen Việt Nam tại quận Bình Tân do không thể xây dựng nhà lưu trú cho công nhân nên hằng ngày huy động nhiều xe đưa đón công nhân từ nhà ở Long An lên TP Hồ Chí Minh làm việc. Nhiều người khi về đến nhà thì con cái đã ngủ, cuộc sống gia đình xáo trộn không ít. 

Trong khi đó, theo ông Trần Quốc Đạt, Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, ngoài 17 khu công nghiệp – khu chế xuất, thành phố còn có khu công nghệ cao và 16 cụm công nghiệp khác với tổng số lao động gần 380.000 người; trong đó, có từ 60 – 75% cần nhà lưu trú với khoảng 280.000 chỗ ở. Tuy nhiên, thành phố chỉ mới giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu này. 

Thành phố đã vận động xã hội hóa xây dựng nhà lưu trú công nhân từ các dự án của doanh nghiệp và các cá nhân đầu tư nhà trọ. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là nhà lưu trú cho công nhân do doanh nghiệp xây dựng có chi phí cao. Mặc dù, nhiều tiện ích nhưng công nhân lao động vẫn thích thuê nhà trọ hơn do tiện sinh hoạt, thoải mái giờ giấc. Các cơ quan chuyên môn cũng đã đặt ra tiêu chuẩn xây dựng nhà ở thấp tầng, nhà trọ trong khu dân cư đảm bảo chất lượng, phục vụ công nhân lao động. 

Hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Trần Công Khanh cho rằng, việc xây dựng nhà lưu trú công nhân tập trung cần phát huy nhiều hơn nữa; trong đó, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và cả tổ chức, cá nhân xây nhà lưu trú trong khu dân cư để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người lao động. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần quy hoạch, lập vị trí các quỹ đất xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Sau đó, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư với chính sách ưu đãi, hỗ trợ; đồng thời tạo điều kiện phát triển nhà trọ đạt tiêu chuẩn trong khu dân cư. 

Dưới góc độ quản lý nhà nước về nhà ở, ông Trần Quốc Đạt, Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thông tin, hiện thành phố có 47 ha với 15 dự án đã và đang triển khai xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, nhưng chủ yếu do doanh nghiệp thực hiện với quy mô 95.000 chỗ ở. Muốn có nhiều nhà lưu trú cho công nhân, Nhà nước thực hiện ưu đãi thuế cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp; đồng thời, huy động vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay xây dựng nhà ở xã hội. 

Theo kế hoạch, trong năm 2019, thành phố phấn đấu phát triển thêm 710.000 m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội; trong đó có 120.000 m2 sàn xây dựng nhà lưu trú công nhân. Cũng trong năm 2019, thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai 3 dư án phát triển nhà lưu trú công nhân gồm: Dự án nhà ở xã hội và nhà trẻ tại phường Long Trường, quận 9; nhà lưu trú công nhân khu chế xuất Linh Trung II giai đoạn 2 và nhà ở xã hội cho công nhân tại khu đất đường Đinh Kiếp, huyện Củ Chi, khu đất địa chỉ số 15/6C đường Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức. 

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đức Vinh, Tổng Giám đốc Trần Anh Group cho hay, nếu quy chuẩn xây dựng tối thiểu nhà trọ, nhà lưu trú công nhân là 40m2 thì chi phí không dưới 700 triệu đồng. Đây là số tiền đa số công nhân không thể mua được. Ở Long An có một số khu công nghiệp nhưng lại thiếu dự án nhà lưu trú cho công nhân. Vì thế, Trần Anh Group đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 800 căn nhà lưu trú tại đây nhưng do gặp nhiều khó khăn trong thủ tục nên có lúc nản lòng. Nếu được chính quyền hỗ trợ thì không chỉ 800 căn mà công ty sẽ đầu tư tới 10.000 nhà lưu trú công nhân.

"Mong muốn của doanh nghiệp là chính quyền đơn giản thủ tục, thậm chí là thủ tục xét duyệt tiêu chí đối với người mua nhà. Bởi lẽ lợi nhuận đầu tư nhà ở xã hội rất thấp nên khi kéo dài thời gian mua nhà sẽ không kích thích phát triển phân khúc nhà lưu trú công nhân được", ông Trần Đức Vinh nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), hiện nay, thủ tục, tiêu chuẩn nhà lưu trú công nhân chưa rõ ràng; chưa có sự phân biệt cụ thể đối với nhà ở thương mại. Thậm chí, thủ tục làm nhà cho người thu nhập thấp còn kéo dài hơn thủ tục làm nhà ở thương mại. Nếu đã có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bất động sản thì cũng nên có gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp làm nhà lưu trú công nhân...
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Sớm có cơ chế hỗ trợ xây dựng nhà lưu trú công nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO