Sống như những đóa hoa

HNM| 19/01/2021 16:39

“Sống như những đóa hoa để mang đến vẻ đẹp, hương thơm cho đời. Dẫu có gian nan, nhưng nếu sống hết mình, thì ngày mai sẽ tươi sáng hơn”.

Phương châm sống ấy giúp bà Dương Thị Vân (sinh năm 1952), Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội vượt lên hoàn cảnh, có nhiều sáng kiến đóng góp cho cộng đồng người khuyết tật và xã hội. Cuối năm 2020 vừa qua, bà là một trong những tấm gương thầm lặng cống hiến vì cộng đồng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Sống như những đóa hoa
Bà Dương Thị Vân (ngoài cùng bên phải) trao giải cho các tác giả đoạt giải tại Cuộc thi vẽ tranh về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật năm 2020.

Khát khao cống hiến

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về người phụ nữ luôn có khát khao cống hiến, như ngọn lửa thắp lên niềm hy vọng cho cộng đồng người khuyết tật ở Thủ đô là thái độ thân thiện, nụ cười hồn hậu. Thông qua những câu chuyện về người khuyết tật vào một ngày giữa tháng 1-2021 tại văn phòng Hội Người khuyết tật Hà Nội (tầng 5, Cung Trí thức Hà Nội, số 1 Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy), chúng tôi có dịp hiểu hơn về bà Dương Thị Vân cùng những công việc mà bà đã và đang làm.

Hồi ức về chặng đường đã qua, bà Dương Thị Vân cho biết, không may bị khuyết tật vận động, hơn ai hết, bà thấu hiểu những rào cản mà người khuyết tật gặp phải. Đó là sự mặc cảm, tự ti của bản thân người khuyết tật, là sự khó khăn trong quá trình học tập, làm việc, hòa nhập xã hội… “Bản thân tôi sau khi tốt nghiệp Khoa Toán tại một trường đại học, từng gõ cửa nhiều nơi, nhưng vẫn không tìm được việc làm phù hợp. Không đầu hàng số phận, cuối cùng tôi đã được nhận vào làm việc tại Viện Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng cho đến khi nghỉ hưu theo chế độ”, bà Dương Thị Vân chia sẻ.

Khi có việc làm, thu nhập, bà Vân càng thấy rõ cách thức trợ giúp người khuyết tật hiệu quả nhất, là để họ phát huy năng lực, sở trường, chủ động, tự tin hòa nhập. Muốn vậy, cộng đồng người khuyết tật phải có người trao truyền niềm tin, có tổ chức để tham gia sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm. Do đó, năm 1988, bà Dương Thị Vân cùng những người bạn đồng cảnh, cùng chí hướng đã thành lập nhóm “Vì tương lai tươi sáng của người khuyết tật”. Đây là nhóm tự lực đầu tiên của người khuyết tật ở nước ta.

Với vai trò là người điều hành, bà Dương Thị Vân vừa thu hút hội viên, vừa tìm kiếm các nguồn lực trợ giúp để nhóm “Vì tương lai tươi sáng của người khuyết tật” không ngừng mở rộng, phát triển. Theo bà Vân, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế, ngoài khả năng chuyên môn, người lao động cần có kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, biết sử dụng công nghệ hiện đại… Không để bản thân bị tụt hậu, bà Vân tự học tiếng Anh, học vi tính, chủ động đăng ký tham gia các chương trình, hội thảo trong nước, quốc tế về người khuyết tật.

Nhờ người điều hành năng động, sáng tạo, giỏi ngoại ngữ, dù là tổ chức chưa chính thức, nhưng nhóm “Vì tương lai tươi sáng của người khuyết tật” được nhiều cơ quan chức năng trong nước, quốc tế biết đến và tài trợ. Cá nhân bà Vân trở thành chuyên gia được mời đóng góp xây dựng các dự thảo chính sách liên quan đến người khuyết tật.

Nhiều lần tiếp xúc, làm việc với bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam Đặng Huỳnh Mai đánh giá: “Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng các chính sách về người khuyết tật, bà Dương Thị Vân có những đóng góp thẳng thắn, tích cực, với quan điểm: Người khuyết tật là một bộ phận của lực lượng lao động xã hội, nên các chính sách trợ giúp cần chuyển hướng từ trao trực tiếp sang tạo động lực, thúc đẩy tinh thần, ý chí vươn lên của họ, giúp họ có cơ hội việc làm bền vững. Đó là cách tiếp cận khoa học, đúng đắn”.

Qua thời gian, các chính sách về người khuyết tật ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức dành cho người khuyết tật đi vào hoạt động chính thức. “Khi Hội Người khuyết tật Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 2006/QĐ-UBND ngày 16-1-2006 của UBND thành phố Hà Nội, tôi đã khóc trong niềm vui, hạnh phúc. Kể từ đó đến nay, người khuyết tật trên địa bàn Thủ đô có ngôi nhà chung để sinh hoạt”, bà Dương Thị Vân nói.

Tấm gương sáng của người khuyết tật

Sau khi nghỉ hưu theo chế độ, bà Dương Thị Vân dành toàn bộ thời gian, tâm huyết cho sự phát triển của tổ chức hội người khuyết tật và cộng đồng người khuyết tật. Với vai trò là Phó Chủ tịch, rồi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội từ năm 2012 đến nay, bà Dương Thị Vân điều hành các hoạt động của hội theo phương châm “Luôn chủ động, đổi mới, không ngừng sáng tạo, vì hạnh phúc của người khuyết tật”. Các chương trình, hoạt động trợ giúp người khuyết tật được triển khai theo hướng phù hợp, trong đó ưu tiên trang bị những kỹ năng cần thiết để người khuyết tật hòa nhập, như tin học, ngoại ngữ… Thấy rõ những lợi ích thiết thực, Hội Người khuyết tật Hà Nội không ngừng phát triển cả về quy mô và số lượng. Hiện tại, Hội Người khuyết tật Hà Nội đã có 48 tổ chức thành viên, với gần 16.000 hội viên sinh hoạt.

Được tiếp thêm sức mạnh để vươn lên, không ít người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội đã vượt qua rào cản tâm lý, tự tin hòa nhập cộng đồng. Có thể kể đến như chị Nguyễn Châu Loan, từ một người sống khép kín, tự ti, nay đã có việc làm, thu nhập, có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ của người khuyết tật tại địa phương trên cương vị là Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Thanh Trì. “Cô Dương Thị Vân như người mẹ thứ hai của tôi. Cô thường động viên tôi rằng, hãy sống, cống hiến bằng cả trái tim; điều hành tổ chức hội bằng trái tim, lý trí và tri thức”, chị Nguyễn Châu Loan chia sẻ.

Nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho người khuyết tật, bà Dương Thị Vân cùng Ban lãnh đạo Hội Người khuyết tật Hà Nội hợp tác với doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động khuyết tật. Nhờ đó, hàng trăm người lao động trên địa bàn thành phố đã tìm được việc làm phù hợp. Anh Nguyễn Tuấn Anh (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) cho biết: “Thông qua mô hình đào tạo nghề may giữa Hội Người khuyết tật Hà Nội và thương hiệu TokyoLife, tôi đã trở thành người lao động chính thức của đơn vị này từ năm 2019 đến nay”.

Bà Dương Thị Vân còn là tác giả, đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học, dự án có nội dung thúc đẩy người khuyết tật hòa nhập toàn diện, như: “Cải thiện môi trường giáo dục cho trẻ em khuyết tật”, “Lồng ghép hòa nhập người khuyết tật trong các phòng, chống rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”, “Sổ tay cho người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công trình công cộng tại Hà Nội”…

Là người đồng cảnh và người bạn đồng hành với bà Dương Thị Vân nhiều năm qua, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội Phan Thị Bích Diệp đánh giá: “Đối với cộng đồng người khuyết tật ở Thủ đô, chị Dương Thị Vân được ví như một đóa hoa mang hương thơm đến cho đời; là "ngọn hải đăng", dù bão táp, phong ba vẫn tỏa sáng, vững vàng vươn lên. Tấm gương về sự cống hiến của chị Vân trở thành động lực, niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho người khuyết tật vượt khó, vươn lên”.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Sống như những đóa hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO