Sức cuốn hút từ văn chương qua cuốn chuyên khảo của GS.TS Trần Đăng Suyền

Minh Chuyên| 25/10/2019 07:28

Gần như dành trọn cả đời làm nghề chắt chiu ngôn từ và nghiên cứu lý luận qua việc giảng dạy môn Văn học ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS.TS nhà lý luận văn học Trần Đăng Suyền, bây giờ đã bước vào độ chín về lý luận.

Sức cuốn hút từ văn chương qua cuốn chuyên khảo của GS.TS Trần Đăng Suyền
GS.TS Trần Đăng Suyền
Gần như dành trọn cả đời làm nghề chắt chiu ngôn từ và nghiên cứu lý luận qua việc giảng dạy môn Văn học ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS.TS nhà lý luận văn học Trần Đăng Suyền, bây giờ đã bước vào độ chín về lý luận. Bạn đọc đã biết đến Trần Đăng Suyền qua các công trình như Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao (Chuyên luận, NXB Khoa học xã hội, 2001); Nhà văn, hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo (Tiểu luận phê bình, NXB Văn học, 2002); Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX (Chuyên luận, NXB Khoa học xã hội, 2010); Phương pháp nghiên cứu và phân tích tác phẩm văn học (Chuyên luận, NXB Giáo dục, 2012). Đây là nền tảng lý luận khảo nghiệm ban đầu để Trần Đăng Suyền hình thành nên một xu hướng nghiên cứu, khám phá tư tưởng và phong cách nghệ thuật của nhà văn. Nhiều bạn văn cho rằng đó là nền tảng lý luận khá vững, là cơ sở, những tư liệu, chất liệu để Trần Đăng Suyền đúc rút, khái quát nên những vấn đề lý luận về tư tưởng và phong cách nghệ thuật nhà văn.

Qua nhiều năm kỳ công nghiên cứu, phản biện, nghiên cứu qua giảng dạy văn học và nghiên cứu thực tiễn, cùng sự không ngừng lao động, sáng tạo, năm 2019 Trần Đăng Suyền vừa cho ra mắt cuốn: Tư tưởng và phong cách nhà văn - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Chuyên khảo), do NXB Đại học Sư phạm ấn hành. Nội dung cuốn sách được hình thành qua hai phần chính: 

- Phần thứ nhất: Những vấn đề lý luận về tư tưởng và phong cách nhà văn (Chuyên luận). Tác giả đi sâu khai thác phân tích khái niệm về tư tưởng nghệ thuật. Phân tích lý giải những căn cứ xác định tư tưởng và con đường đi tìm nghệ thuật của nhà văn. Cái nhìn về thế giới con người qua hình tượng nghệ thuật và trường liên tưởng của nhà văn. Phân tích biểu tượng thẩm mỹ nghệ thuật trong sự quan sát của nhà văn. Theo Trần Đăng Suyền: Nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật trong tác phẩm văn học gắn bó như hình với bóng. Một nhà văn lớn là nhà văn có tư tưởng lớn và tài năng lớn. Cái tài và cái tâm thống nhất với nhau. Tư tưởng và phong cách có mối quan hệ hữu cơ, sâu sắc.

- Phần thứ hai: Tư tưởng và phong cách nghệ thuật một số tác giả, tác phẩm văn học (Khảo luận). Phần này tác giả đi sâu khảo luận về sở trường và phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Tư tưởng và phong cách thơ Xuân Diệu. Tư tưởng và tầm nhìn Nam Cao. Đặc sắc ngôn ngữ nghệ thuật Tô Hoài. Phong cách nghệ thuật Nguyên Hồng. Phong cách nghệ thuật trong kịch và tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng. Xung đột nghệ thuật trong kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ. Phong cách nghệ thuật Hữu Thỉnh trong thơ và trường ca. Tư tưởng cơ bản và những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu trong tiểu thuyết sau năm 1980 của Ma Văn Kháng,…

Qua việc nghiên cứu đọc, cảm thụ và thẩm định Trần Đăng Suyền hình thành rõ quan niệm tư tưởng nghệ thuật và tư tưởng tác giả thống nhất trong tác phẩm. Từ đó Trần Đăng Suyền phân tích phác họa hình ảnh chân dung nghệ thuật của nhà văn.

Trong phân tích tác phẩm, có đoạn Trần Đăng Suyền viết: “Nói đến nhà văn trước hết phải nói đến tư tưởng nghệ thuật. Bởi bản chất của văn học là hoạt động thẩm mỹ, là quy luật của cái đẹp, của tình cảm và cảm xúc, của những rung động nơi tâm hồn con người. Một hình thái ý thức xã hội, một hoạt động biểu hiện thế giới tinh thần của con người, bởi thế văn học tất yếu mang tính tư tưởng”.

Từ việc phản biện, phân tích một số tác phẩm văn học trong và ngoài nước, Trần Đăng Suyền cho rằng: Người nghệ sĩ nào không đủ trí tuệ để trở thành nhà tư tưởng thì khó có thể tiến xa trong sáng tạo nghệ thuật. Nếu chỉ có tài không thôi thì nghệ thuật dẫu có điêu luyện đến đâu cũng không thể chắp cánh bay bổng được. Nhà văn không có tư tưởng đích thực nếu đó không phải là tư tưởng nghệ thuật. Tư tưởng và hình thái nghệ thuật trong mỗi tác phẩm văn học luôn gắn bó mật thiết với nhau.

Nghiên cứu một nhà văn xét đến cùng là nghiên cứu tư tưởng thể hiện trong tác phẩm của nhà văn đó và cùng với nó là nghiên cứu phong cách, nghĩa là đi tìm cái riêng biệt, độc đáo, có giá trị thẩm mỹ trong sáng tác của tác giả đó.

Phần cuối cuốn sách: Tư tưởng và phong cách nhà văn… Trần Đăng Suyền phân tích quan niệm về phong cách trong văn học tuy không mới nhưng đọc hấp dẫn. Ông lý giải: phong cách nghệ thuật là một phạm trù đẹp, một khái niệm mở đối với nhà văn cũng như nhà lý luận, nghiên cứu phê bình văn học đó là quy luật muôn đời của văn chương nghệ thuật. Viết văn trước hết phải là ngôn ngữ văn chương. Nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật. Đã là nhà văn thì cần phải có phong cách. Phong cách là một hiện tượng văn học quan trọng bậc nhất của nhà văn. Để chứng minh luận điểm đó, Trần Đăng Suyền nêu ra ý kiến của hai nhà văn Hugo và Nguyễn Tuân. Hugo cho rằng: “Tương lai chỉ thuộc về những ai nắm được phong cách”. Nguyễn Tuân nói: “Văn học có cái rất vui là phong cách. Cách nói, cách viết khác nhau. Phong cách là cái chỗ phong phú, cái chỗ “xôm” nhất trong văn học”.

Hành trình từ những tác phẩm nghiên cứu tiểu luận ban đầu, trải qua nhiều năm nghiên cứu giảng dạy văn học. Vừa đọc những công trình lý luận, phê bình vừa thẩm định các tác phẩm sáng tác văn học Việt Nam hiện đại; Trần Đăng Suyền mới hoàn thành được tác phẩm: Tư tưởng và phong cách nhà văn -Những vấn đề lý luận thực tiễn. Có thể coi đây một công trình mang dấu ấn đậm nét. Bởi từ những trang viết lý luận, soi vào đời sống văn học và từ thực tiễn đời sống văn học điều chỉnh, bổ sung cho lý luận. Trần Đăng Suyền nói có như vậy lý luận mới chạm vào được với cây đời và sự tỏa hương từ cây đời mới thấm vào hiện thực những vấn đề lý luận.

Được tác giả tặng cuốn sách: Tư tưởng và phong cách nhà văn -Những vấn đề lý luận và thực tiễn, tôi đọc một mạch rồi ngẫm nghĩ, rồi ngồi viết đôi dòng giới thiệu. Thật may mắn được trò chuyện cùng nhà văn Ma Văn Kháng về cuốn sách này. Nhà văn Ma Văn Kháng có đôi lời nhận xét: Vấn đề cốt lõi Trần Đăng Suyền làm được, là kết nối nội dung, gợi được cảm hứng sáng tạo cả trong lý luận và trong sáng tác văn chương. Tác giả lựa chọn phân tích, ghi nhận khách quan hệ tư tưởng nghệ thuật hình thành qua tác phẩm, có tính hài hòa giữa lý luận và thực tiễn sáng tác. Sở dĩ cuốn sách đọc hấp dẫn, được nhiều người quan tâm, bởi sức cuốn hút từ văn chương của chính người viết đã tạo nên giá trị cho tác phẩm.
Xin chúc mừng GS.TS Trần Đăng Suyền và trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách này.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Sức cuốn hút từ văn chương qua cuốn chuyên khảo của GS.TS Trần Đăng Suyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO