Sức sống lâu bền của một sự nghiệp văn chương

Trần Đương| 03/05/2018 08:50

Từ ngót chín thập kỷ nay, một tên tuổi đã được thừa nhận trong văn học thế giới: Erich Maria Remarqué, nhà văn Đức sinh ngày 22/6/1898 tại phố Knomstrasse 7, thành Osnabrueck, miền Tây nước Đức và qua đời ngày 25/9/1970 tại Locarno, Thụy Sĩ trên lưng đồi của xứ Dorado, bên vịnh Ascona. Đã 48 năm rồi, ông nằm yên nghỉ ở một vùng thiên nhiên tuyệt đẹp: dưới những giàn nho, những bóng thông và trong thế giới thanh bình... Ngày ngày, người ta mang hoa đặt dưới chân tấm bia khắc tên ông trên đá cẩm thạch với lòn

Sức sống lâu bền của một sự nghiệp văn chương

Erich Maria Remarqué được biết đến với nhiều danh hiệu: Nhà văn lỗi lạc, nhà văn xuất sắc, nhà văn kiệt xuất, nhà văn hiếm hoi đã thành công trong việc miêu tả chiến tranh... và riêng Nxb Collquium Berlin đã gọi ông là "một trong những cái đầu lớn nhất của thế kỷ XX". Rất nhiều nhà nghiên cứu và phê bình văn học trên thế giới đã viết về ông, về tác phẩm của ông. Ngay ở Việt Nam, Remarqué là một tên tuổi quen thuộc đối với các thế hệ thanh niên nước ta từ những năm trước. Tiếp sau Phía Tây không có gì lạ (xuất bản năm 1929) hàng loạt tác phẩm khác của ông lần lượt đến tay bạn đọc như: Đường trở về (1931), Ba người bạn (1938), Hãy yêu kẻ sống cạnh mình (1941), Khải hoàn môn (1946), Tia lửa cuộc đời (1952), Thời gian để sống và thời gian để chết (1954), Bia mộ đen (1956), Bầu trời không biệt đãi ai (1961), Đêm Lissabon (1962), Bóng tối thiên đường (1971)... Phần lớn các tác phẩm nói trên đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam, qua nhiều thứ tiếng và tại các nhà xuất bản khác nhau. Có thể nói, cho đến nay, ông là nhà văn Đức được dịch nhiều nhất ở Việt Nam.

Remarqué hoạt động văn học khá sớm. Mới 20 tuổi ông đã cho xuất bản tập truyện ngắn đầu tay Người đàn bà với đôi mắt vàng và tập ghi chép Từ thời trai trẻ. Có tới 8 tác phẩm nữa tiếp theo đó ra đời rồi mới đến Phía Tây không có gì lạ. Nói đến Remarqué, không thể bỏ qua tác phẩm này, vì chỉ từ Phía Tây không có gì lạ tên tuổi ông mới thực sự chiếm lĩnh trái tim của hàng chục triệu độc giả trên toàn thế giới. Và cũng chính nó là cái mốc mở đầu cho toàn bộ sự nghiệp văn chương đồ sộ của ông. Từ đây, xuyên suốt hàng chục tiểu thuyết, qua hàng nghìn trang sách, Remarqué luôn luôn xuất hiện với gương mặt hấp dẫn của một chiến sĩ chống chủ nghĩa quân phiệt, của một con người giàu lòng nhân ái, thiết tha yêu cuộc sống hòa bình.

Cho đến hôm nay, riêng Phía Tây không có gì lạ đã được in tới 14 triệu bản, hai lần được dựng thành phim: lần đầu vào năm 1930, lần thứ hai vào năm 1980. Kể ra, một tác giả vừa tròn 20 tuổi mà có tác phẩm gây tiếng vang rộng khắp thế giới như vậy là cả một hiện tượng hiếm hoi. Tất nhiên, không phải không có người đã bĩu môi với lòng ghen tức trước thành công to lớn của ông. Họ bảo rằng: "Thằng cha Remarqué rõ là một tay thực dụng khôn đáo để". Ông chỉ cười đáp lại: "Thật không thể tưởng tượng được là tôi đã khôn như thế nào! Lần đầu tiên, khi tôi mang bản thảo Phía Tây không có gì lạ đến Nxb  Samuel Fischer; người ta giơ cả hai cánh tay lên đầu, hai bàn tay bóp chặt nhau và thốt ra: “Trời đất ơi! Có ma nào lại đọc cái của nợ của anh vào thời buổi này!" Và sau này khi tôi đưa bản thảo Khải hoàn môn đến nhà xuất bản Little-Brown, người ta cũng có những cử chỉ tương tự”. Remarqué kể: "Hầu như tất cả các chủ đề tác phẩm của tôi đều bị các nhà xuất bản từ chối. Tôi chưa bao giờ viết về thế giới của các hoàng tử và lãnh chúa. Tôi bao giờ cũng chỉ mô tả thế giới của những kẻ lầm than, nô lệ - và lúc nào tôi cũng chỉ theo đuổi chủ đề ấy, chủ đề mà tôi biết rõ nhất”.

Cũng vào thời điểm ấy, cùng với tiểu thuyết Chiến tranh của Ludwig Renn, Trường hợp của viên đội Grischa của Anold Zweig, Phía Tây không có gì lạ đã làm nên bản cáo trạng kịch liệt chống lại làn sóng tuyên truyền của chủ nghĩa quân phiệt và phân biệt chủng tộc. Khác với hai tác giả trên, Remarqué là người lính trực tiếp có mặt trong mọi tình huống khốc liệt của mặt trận.
Remarqué viết về chiến tranh, song không phải là chủ yếu mô tả những gì đang diễn ra trong lửa đạn, trong bùn lầy, trong thuốc súng. Ông viết về người Đức lầm than nô lệ chịu đựng, ông viết về một thế hệ đã mất. Thế hệ ấy được hình tượng hóa qua một tiểu đội lính Đức gồm những thanh niên học sinh 19 tuổi vừa rời ghế nhà trường, tràn đầy những ước mơ, chưa từng có một tội ác nào trên lương tâm…

Ngày bị ném ra mặt trận, Remarqué còn chưa đến tuổi 19, còn đầy vẻ hồn nhiên. Chàng trai trẻ ấy ca hát, đóng kịch, chơi phong cầm... và được bạn bè ai cũng yêu mến. Rồi cuộc sống chiến trường không thể giữ cho anh vẻ hồn nhiên mãi được, mà đã u uất, chán nản, thất vọng. Song thật may mắn, ông là một trong số rất ít còn sống sót trở về, khi trên người đã đầy thương tích. 

Trên từng trang sách của ông, ta thấy tuổi thanh xuân đầy ước mơ và khát khao hi vọng bị chiến tranh cướp đi, quăng quật trong lửa đạn, trong máu và trong ngờ vực, chán chường. Nhưng chính trong máu lửa này, cuộc đời được ông biểu hiện với lòng yêu mến thiết tha. Có lẽ vì vậy, người ta cho rằng ông thuộc các nhà văn theo khuynh hướng hiện thực tâm lý chứ không thuộc khuynh hướng hiện thực sử thi và tự sự. Ngòi bút của ông chạm tới chỗ nào cũng tràn đầy những âm thanh, những màu sắc, những dáng điệu, những mùi vị, những suy nghĩ, những cảm xúc trong cả không gian và thời gian rộng lớn của cuộc đời. Cuộc sống trong tác phẩm ông như lúc nào cũng vẫy gọi, nâng đỡ và chắp cánh cho con người đứng thẳng lên mà tự khẳng định mình.
Một phương diện khác thuộc về đặc điểm thi pháp Remarqué là ngôn ngữ. Ngôn ngữ Remarqué là một thứ ngôn ngữ trữ tình, nhưng cũng đầy chất triết lý - triết lý về ý nghĩa làm người, về mối quan hệ giữa chiến tranh và hòa bình, cá nhân và đồng loại, con người bình thường và những đấng siêu nhân. Nó hòa quyện, đằm thắm chứ không hề lạnh lùng, nặng nề thậm chí khó hiểu như hầu hết tác phẩm khác trong văn học Đức. Phải chăng đây là một trong những nét riêng biệt trong bút pháp của Remarqué so với các thế hệ tác giả Đức khác.

Giữa cuộc sống bình thường, êm ả mà biết quý yêu, phát hiện và khai thác cái vũ trụ đầy chất thơ đã là một tầm cỡ lớn, huống chi giữa chết chóc, hủy diệt, bế tắc. Phải rất yêu đời, yêu con người mới có được ngòi bút đầy âm thanh, màu sắc và chuyển động như vậy, mới có một giọng văn khi thâm trầm, khi tha thiết đắm say đến như vậy. Có thể nói, tất cả các yếu tố đó - quyện vào nhau, dưới bàn tay của một nghệ sĩ tổng hợp - nhà văn và nhạc sĩ, kiến trúc sư và họa sĩ... Thật ra, đâu có khó hiểu ở trường hợp E.M. Remarqué: từ thuở thiếu thời, ông đã là một chú bé hát trong đội đồng ca của nhà thờ, đã là một tay chơi dương cầm xuất sắc. Ông cũng từng ham mê vẽ, với ước mơ trở thành một họa sĩ tài ba. Ông ham múa hát, ông hồn nhiên trên những đồng cỏ quê hương, nơi phấp phới những tàu lá xanh tươi chan chứa ánh nắng mặt trời... Tất cả thiên nhiên ấy, trời đất ấy, non sông ấy đã quyện vào ông, làm nên máu thịt con người ông. Chàng trai trẻ 15, 17 tuổi đã dạy nhạc cho các học trò ít hơn mình đôi ba tuổi, lấy tiền mua sách đọc ngấu nghiến những Jack London, Rilke, Werfel, Schopenhauer, Nietzsche, Balzac, Rolland, Flaubert, Stendhal, Hamsun, Keller... Riêng về ngôn ngữ, ông thừa nhận đã chịu ảnh hưởng thi pháp của Hermann Hesse. Ấy là thứ ngôn ngữ giàu nhạc điệu, rất trữ tình. 

Với niềm yêu thương và trân trọng con người, ngòi bút của Remarqué, bao giờ cũng tuôn chảy những câu văn ấm áp, chan chứa tình người. Những con người tưởng như là "cặn bã", "bỏ đi" ấy lại rất người: họ yêu thương, đùm bọc nhau sau bao nhiêu mất mát, thiệt thòi. Ấy là bà lão Muschel đêm đêm đứng đường với cháo xúc xích để cung phụng ông chồng nghiện moóc-phin; Valetin, một cựu chiến binh, nuôi những ấn tượng khủng khiếp về chiến tranh, còn chưa biết bắt đầu lại cuộc đời mình ra sao; Hatsche, một viên chức cần mẫn, ngày đêm chúi mũi vào việc công sở mà vẫn nơm nớp lo mất việc, phải dè sẻn từng đồng bạc, phòng khi thất cơ lỡ vận, đến nỗi vợ không chịu nổi, bỏ đi; còn ông thì thắt cổ tự tử... Những tuyến nhân vật cứ hiển hiện, biểu tượng của sự sống và chết chóc, niềm hi vọng và lụi tàn, lạc quan và thất vọng. 

Chính niềm thương yêu, lòng nhân hậu ấy của tác giả, qua một văn phong giản dị mà mượt mà, lung linh ánh sáng, màu sắc và giàu trí tưởng tượng đã làm cho tác phẩm của Remarqué có một sức sống bền lâu, luôn luôn tìm đến những trái tim bạn đọc, từ thế hệ này đến thế hệ khác. 
(0) Bình luận
  • Chiến sỹ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiến sỹ Điện Biên của tác giả Vũ Lan Phương.
  • Mùa xuân Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Mùa xuân Điện Biên của tác giả Nguyễn Địch Long.
  • Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên của tác giả Lương Sơn.
  • Âm vang Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Âm vang Điện Biên của tác giả Vũ Nhang.
  • Chiếc xe thồ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiếc xe thồ Điện Biên của tác giả Nguyễn Đình Quý.
  • Lớn lên từ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Lớn lên từ Điện Biên của tác giả Nguyễn Quốc Lập.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Sức sống lâu bền của một sự nghiệp văn chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO