Sức sống mới cho sơn mài

An Nhi/HNM| 18/06/2018 08:43

Nghệ thuật sơn mài nói chung và tranh sơn mài nói riêng là niềm tự hào của mỹ thuật Việt Nam. Hiện nay, câu chuyện sáng tác tranh sơn mài theo lối truyền thống hay cải tiến, đổi mới theo hướng đương đại vẫn còn có ý kiến khác nhau. Nhưng xem ra, cách thức hoạt động nào cũng tạo sức sống cho sơn mài trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, thúc đẩy sơn mài Việt Nam bước ra thế giới.

Sức sống mới cho sơn mài
Nhiều sáng tạo mới trên chất liệu sơn mài tạo ấn tượng với công chúng. Ảnh: Thụy Du

Truyền thống nhưng không theo lối mòn

Ở Việt Nam, nghề sơn có lịch sử hàng nghìn năm nhưng sơn mài tạo hình mới được hình thành chưa đầy một thế kỷ. Với tính độc đáo trong phương pháp tạo hình, chất liệu này nhanh chóng trở thành giá trị mỹ thuật đặc trưng của Việt Nam và được thế giới trân trọng. Đặc biệt là khi chúng ta có những tên tuổi như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Kế An, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Khang, Nguyễn Hữu Nùng, Trần Đình Thọ… Các họa sĩ vẽ tranh sơn mài truyền thống thường sử dụng sơn ta được khai thác từ cây sơn ở Phú Thọ làm chất liệu kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai… vẽ trên nền vóc màu đen và mài để tạo hình tranh. Quá trình này rất phức tạp, phụ thuộc vào thời tiết, nhưng bù lại, nó tạo ra hiệu quả bất ngờ với nhiều lớp màu chìm nổi lộng lẫy trên bề mặt tranh mà không chất liệu nào sánh được.

Trong đời sống mỹ thuật đa dạng và rộng mở như hiện nay, may thay chúng ta vẫn có nhiều nghệ sĩ giữ được lối vẽ tranh sơn mài truyền thống. Có thể kể đến một số họa sĩ khá kiên định và phần nào tạo được dấu ấn như Đoàn Văn Nguyên, Diệp Quý Hải, Trần Hoàng Sơn, Nguyễn Quốc Huy... Độ 5 năm trở lại đây, có nhóm Họa sĩ sơn ta, với hơn 50 gương mặt, tiêu biểu là Nguyễn Trường Linh, Lý Trực Sơn, Phan Quang Tuấn, Đỗ Đức Khải, Nguyễn Đức Việt, Trần Tuấn Long, Chu Viết Cường, Nguyễn Đức Đàn…, khuấy động phong trào sáng tác tranh sơn mài truyền thống bằng nhiều triển lãm và cuộc thi trình diễn chất lượng.

Tinh thần chung của các nghệ sĩ này là kế thừa các công đoạn làm tranh sơn mài thủ công, tuyệt đối chỉ sử dụng sơn ta. Tuy nhiên, họ không đi theo lối mòn mà vận dụng ngôn ngữ tạo hình cùng quan niệm nghệ thuật mới trong tranh, đặc biệt là đề tài. Các tác phẩm hiện thực về phong cảnh, sinh hoạt vắng dần, thay vào đó là những cái nhìn về cuộc sống đương đại thể hiện bằng những hình khối chắt lọc, giản lược, trừu tượng. Màu sắc cũng được họa sĩ tìm tòi nhiều hơn từ thiên nhiên, tạo nên không gian đa dạng trong tác phẩm. Họa sĩ Nguyễn Trường Linh, Trưởng nhóm Họa sĩ sơn ta cho rằng, chỉ cần sử dụng sơn ta trong tạo hình là có thể dễ dàng làm nổi bật nét đặc trưng của sơn mài Việt Nam. Nhưng để đưa sơn mài trở lại vị trí xứng đáng, tầm vóc trong đời sống mỹ thuật Việt Nam hiện này cần nhiều tâm huyết và tài năng của nghệ sĩ.

Mạnh dạn đột phá

Có luồng ý kiến cho rằng, vì sơn ta ngày càng hiếm, nguyên liệu đắt đỏ, công đoạn cầu kỳ nên các họa sĩ ngày nay chỉ đi lướt qua hoặc không mặn mà với cách làm truyền thống. Tranh sử dụng sơn Nhật hay sơn công nghiệp và các vật liệu khác mà vẫn được gọi là tranh sơn mài sẽ dẫn đến nguy cơ nhầm lẫn, mai một chất liệu độc đáo này của chúng ta. Nhưng đời sống sáng tạo nghệ thuật không giới hạn và luôn rộng mở, hơn nữa họa sĩ Lê Quốc Huy cũng cho rằng, sơn mài vẫn còn có nhiều bí ẩn kỳ diệu và đang chứng tỏ khả năng vô tận trong biểu đạt, vì vậy, nên khuyến khích các nghệ sĩ tìm tòi, cách tân để đáp ứng nhu cầu nội tại của nghệ thuật đương đại Việt Nam nói chung và nghệ thuật sơn mài nói riêng. Thời gian qua, nhiều thử nghiệm mới trong nghệ thuật sơn mài đã tạo được dấu ấn trong đời sống mỹ thuật.

Nghệ sĩ Phi Phi Oanh đã làm một cuộc thể nghiệm ngoạn mục khi bỏ vật liệu nền của tranh sơn mài (vóc). Thay vào đó, chị vẽ tranh sơn mài theo đúng các bước truyền thống trên bề mặt tấm kính mỏng, rồi chiếu chúng bằng máy lacquerscope cho hình ảnh hiện lên một tấm lụa trong. Cuộc gặp gỡ thị giác khác biệt ấy khiến người xem ngỡ ngàng. Sơn mài lúc này là hình ảnh trên tấm kính, tấm lụa hay ở cả không gian sắp đặt? Chỉ biết rằng, tầng tầng, lớp lớp sơn với những màu sắc độc đáo hiển hiện rõ nét trước mắt người xem. “Tính ra, tranh sơn mài ra đời cùng thời kỳ với máy ảnh hay máy quay phim. Vì vậy, tôi đặt chúng cạnh nhau, tương tác với nhau, để tạo nên một cái nhìn vừa cổ điển nhưng hiện đại về nghệ thuật sơn mài”, nghệ sĩ Phi Phi Oanh chia sẻ. Sự sáng tạo này được nghệ sĩ giới thiệu tại nhiều quốc gia trên thế giới, giúp cộng đồng quốc tế hiểu hơn về sơn mài Việt Nam.

Ở một thử nghiệm khác, họa sĩ Nguyễn Thị Mai gây hiệu ứng bất ngờ khi sáng tác tranh acrylic theo quy trình và phong cách sơn mài. Có nghĩa là thay vì dùng sơn, họa sĩ sử dụng acrylic. Kỹ thuật chồng tầng nhiều lớp màu khô, màu ướt cộng với công đoạn mài tỉ mỉ đã đưa người xem trong triển lãm “Thiên hình vạn trạng” của họa sĩ tổ chức cuối năm 2017 cảm nhận nét mới mẻ, mộc mạc mà vẫn chứa đựng chiều sâu của sơn mài.

Phần nhiều các họa sĩ hiện nay vẫn coi trọng chất liệu sơn mài và tìm tòi, sáng tác theo các hướng khác nhau. Triển lãm “Nghệ thuật với chất liệu sơn mài” tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam vừa khép lại hôm 13-6 cho thấy nhiều chuyển động mới. Có tranh thay vì nhẵn bóng bề mặt thì lại gồ ghề, thô ráp. Có tác phẩm sơn mài được thực hiện tỉ mỉ trên bề mặt đá, vải hay composite đem lại hiệu ứng khác nhau. Có tác phẩm điêu khắc, sắp đặt chất liệu sơn mài và có cả bức bích họa sơn mài vô cùng ấn tượng… 

Dù chọn hướng theo đuổi nào thì các nghệ sĩ đang tạo nên sự đa dạng, phong phú cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam, góp phần gìn giữ và đưa chất liệu này lên tầm cao mới.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Phú Thọ ra mắt tour du lịch "Về miền Di sản UNESCO ghi danh"
    Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9-18/4 (tức ngày 1-10 tháng 3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng thành phố Việt Trì và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Đặc biệt, dịp này, Phú Thọ ra mắt tour du lịch “Về miền Di sản UNESCO ghi danh”, lấy đền Hùng làm điểm xuất phát chính để đi đến các điểm danh lam, thắng cảnh khác.
  • Quý I năm 2024, Thành phố Hà Nội đã thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI
    Đây là thông tin được Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ tại “Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024”, diễn ra chiều 28/3 tại Trụ sở UBND Thành phố Hà Nội.
  • Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội
    Vào 20h ngày 30/3, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội sẽ diễn ra đêm nhạc tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff.
  • Giải Cống hiến 2024: Hòa Minzy là Nữ ca sĩ của năm, Đen Vâu lập cú đúp
    Tối 27/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến 2024. Đây là mùa giải Cống hiến lần thứ 18 được tổ chức và mùa thứ hai được mở rộng sang lĩnh vực thể thao, với hai hệ thống giải là giải Âm nhạc Cống hiến và giải Thể thao Cống hiến.
  • “Đào, phở & piano” - trọn vẹn tình yêu Hà Nội
    Từ cuối năm 2023, tín hiệu rất vui với điện ảnh trong nước khi những bộ phim cả tư nhân và nhà nước lần lượt ra rạp, tạo được hiệu ứng tích cực. “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một trong số đó. Phim được nhà nước đặt hàng, từng giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
  • Hà Nội và những gánh hàng rong...
    Khi nhắc về Hà Nội, trong vô vàn dáng hình hiện hữu, người ta không thể không nhắc tới những gánh hàng rong. Cùng Người Hà Nội hòa vào nhịp sống hối hả của 36 phố phường trên những gánh hàng rong...
  • Phố cổ của tôi
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Phố cổ của tôi của tác giả Nguyễn Duy Quý.
  • Quận uỷ Tây Hồ ra mắt Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây
    Sáng 27/3, Quận ủy Tây Hồ tổ chức lễ ra mắt Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây. Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, tham mưu, giúp việc cho Quận ủy, UBND quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung thống nhất khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận; triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng Đảng.
  • Quy hoạch Phong Hòa: Phát triển đô thị theo hướng bảo tồn các giá trị di tích lịch sử
    Định hướng Quy hoạch phân khu xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thành lập phường đến năm 2045 và phát triển đô thị theo hướng bảo tồn các giá trị của di tích lịch sử kết hợp giữ gìn cảnh quan sông Ô Lâu, làng cổ Phước Tích.
  • Quê hương tôi
    Quê hương luôn là nguồn cảm hứng sáng tác của các văn nghệ sĩ; Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Quê hương tôi của tác giả Nguyễn Thiện.
Sức sống mới cho sơn mài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO