Sức truyền cảm đặc biệt

Nhà báo Hồ Quang Lợi| 21/01/2021 06:53

Sức truyền cảm đặc biệt
Nhà báo Hồ Quang Lợi 
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Trong suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội là mảnh đất có hấp lực đặc biệt đối với văn học nghệ thuật, và chính văn học nghệ thuật đã góp phần làm lung linh, rạng rỡ nền văn hiến ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội và của dân tộc Việt Nam. 

Mảnh đất linh thiêng, hào hoa này đã sản sinh ra nhiều văn nghệ sĩ lừng danh, nhưng đồng thời cũng có sức hút vô song đối với văn nghệ sĩ bốn phương cùng cất lên tiếng lòng tha thiết, ngân lên những âm thanh diệu kỳ nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp cốt cách con dân đất Việt nói chung và người Hà thành nói riêng. Hơn 10 năm qua, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã căng sức ra để giải quyết có hiệu quả một khối công việc đồ sộ. Trong những dấu ấn đẹp nhất thì việc chúng ta giữ được bình yên trong xã hội, bình yên trong mỗi nếp nhà, bình yên trong tâm hồn người Hà Nội là việc lớn có ý nghĩa sâu sắc, trong đó có công sức đóng góp quý báu của anh em văn nghệ sĩ. Thủ đô đang có một đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức hùng hậu, đầy tiềm năng, giàu nhiệt huyết cống hiến. Tài năng của trí thức, văn nghệ sĩ là vốn quý của Thủ đô và đất nước.

Thật vinh dự, tự hào Hà Nội có những nghệ sĩ, trí thức lớn như những tượng đài mà công chúng rất ngưỡng mộ và cảm phục, trong đó, sự ra đi của một số bậc tài danh trong thời gian gần đây đã để lại một sự trống vắng, một niềm tiếc nuối khôn nguôi. 

Bằng sức truyền cảm đặc biệt, văn học nghệ thuật góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, trở thành luồng ánh sáng có sức lay động và góp phần thức tỉnh đối với những người chưa sống đẹp trên đất Hà thành. Có được mỗi tác phẩm nghệ thuật để đời, mỗi văn nghệ sĩ đều phải âm thầm lao động gian khổ đêm ngày, trong đó điều cốt yếu là tài năng, sự chân thành, trách nhiệm, gắn bó máu thịt với quê hương, đất nước, dân tộc và một tình yêu Hà Nội vô bờ bến... 

Mấy năm gần đây, văn học nghệ thuật đã cố gắng phát hiện, khẳng định nhân tố mới, tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội. Trên các ấn phẩm văn hóa, văn nghệ, tuy không nhiều, đã xuất hiện những tác phẩm có sức cảnh báo và lay động đối với công chúng. 

Tôi nhớ mãi một buổi chiều mùa thu cách đây 8 năm khi có dịp cùng GS Ngô Bảo Châu giao lưu với các thủ khoa xuất sắc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trò chuyện với các em, lòng tôi đầy cảm xúc trước những khuôn mặt rạng ngời, những ánh mắt thông minh, tràn đầy khát vọng cống hiến. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi tôn vinh truyền thống hiếu học và trí tuệ người Việt Nam. Trong không gian đặc biệt của nơi này, trên gương mặt các em, ta như vừa thấy được ánh sáng của tri thức thời đại mới, lại như vừa cảm thấy cả ánh sáng của truyền thống lịch sử, của văn hiến Thăng Long - Hà Nội và dân tộc Việt Nam. Rạng ngời tinh hoa! Gương mặt các thủ khoa ở các lễ vinh danh tại Văn Miếu là một trong những hình ảnh đẹp nhất của Hà Nội hôm nay. Hình ảnh các nữ sinh mặc áo dài trắng, thả bộ tha thướt bên hồ Gươm là vẻ đẹp rất thanh khiết của Hà Nội, vừa tôn vinh vẻ đẹp duyên dáng con gái Hà thành, vừa tôn vinh bộ áo dài - trang phục truyền thống tuyệt vời của phụ nữ Việt Nam. Đấy là ánh sáng của văn hóa, là những vẻ đẹp nguyên khiết mà chúng ta phải giữ gìn. 

Qua rất nhiều thời kỳ lịch sử và đến bây giờ là thời đại ngày nay, có thể nói càng ngày chúng ta càng cảm nhận rõ hơn giá trị văn hiến, tinh thần văn hiến lan tỏa trong đời sống của đất nước, của Thủ đô, trong từng gia đình, từng con dân nước Việt. Tôi nghĩ, nếu ai đó sống ở Hà Nội mà không cảm thấy tự hào, may mắn là mình được sống ở đây và được đắm mình trong ánh sáng đó thì có thể nói họ phí hoài một ân hưởng và trong một chừng mực nào đó, họ chưa phải là người Hà Nội đích thực. 

Cho dù đã và đang phải chịu sự va đập âm thầm nhưng rất bạo liệt của làn sóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, của thời đại thông tin kỹ thuật số, nhưng Hà Nội vẫn đang nỗ lực giữ cho bằng được hồn cốt của vùng “kinh sư muôn đời” linh thiêng và hào hoa. Hồn cốt chính là tất cả những gì ta yêu quý, tự hào về Hà Nội, là cái gì sâu kín, tinh tế, thanh khiết, ân tình nhất. Nó ẩn hiện, lấp lánh trong cảnh sắc của Hà Nội, trong lối ứng xử của con người Hà Nội. Cảm nhận về hồn cốt Hà Nội có khi chỉ là một bức tường cũ kĩ, rêu phong thôi, nhưng ở đó nó mọc lên một cây leo mà tự nhiên nhìn nó, ta cảm thấy tâm hồn lắng dịu, thư thái, muốn sống chậm hơn. Rồi một con đường lịch sử, thu đến đầy lá vàng mà mình nhìn và ý thức được sự đi qua của thời gian và bỗng rưng rưng cảm động. Rồi con người cư xử đẹp với nhau, thấy đời tha thiết tình người dù còn bao gian khó… Làm sao yêu thích được một thành phố, dù hoa lệ đến mấy, mà con người lại không sống đẹp với nhau.  

Xây dựng văn hóa chính là xây dựng con người. Nói văn hóa chính là nói con người; con người là chủ thể, là mục tiêu hướng đến của văn hóa. Cần nhấn mạnh thêm, văn hóa vừa là động lực, vừa là nguồn lực. Nếu chúng ta làm tốt, văn hóa có thể mang lại nhiều giá trị kinh tế. Giá trị kinh tế do văn hóa mang lại sẽ có cả giá trị tinh thần. Mọi hoạt động văn hóa, nếu được tổ chức tốt, chắc chắn sẽ đem lại những lợi ích kinh tế không nhỏ. Xét cho cùng, xây dựng con người là nhiệm vụ trọng tâm của phát triển văn hóa, hay nói cách khác, mọi nỗ lực phát triển văn hóa đều hướng đến xây dựng con người hoàn thiện, cuối cùng là để xây dựng một xã hội tốt đẹp, con người được sống hạnh phúc. Đó chính là mục tiêu của sự phát triển - phát triển bền vững.

Sự hoàn thiện của con người cần và chỉ có thể thực hiện trong văn hóa và bằng văn hóa. Quan tâm đầu tư cho văn hóa, văn học nghệ thuật là biện pháp chống suy thoái - một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Thành phố Hà Nội không chỉ quan tâm mà luôn trân trọng và tạo điều kiện để trí thức, văn nghệ sĩ phát huy tài năng của mình. Tôi cảm thấy những vấn đề, yêu cầu, đề xuất của trí thức, văn nghệ sĩ nhìn chung luôn được ưu tiên đáp ứng và thực hiện. Có thể nói, chưa bao giờ trí thức, văn nghệ sĩ lại có cơ hội phát huy năng lực sáng tạo như hiện nay. Chăm lo, bồi dưỡng và phát huy tài năng của đội ngũ văn nghệ sĩ; khơi dậy tiềm năng sáng tạo của người nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa để ngày càng có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, đóng góp tích cực vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Khuyến khích mọi sự tìm tòi sáng tạo trong văn học nghệ thuật hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ; đồng thời phê phán những biểu hiện khuynh hướng sáng tác đi ngược lại giá trị nhân văn cao quý. Hà Nội sẽ tập trung phát triển hoạt động văn học nghệ thuật, biểu diễn chuyên nghiệp, nghệ thuật quần chúng, tạo sức sống mới để có chuyển biến rõ rệt. Các văn nghệ sĩ của Thủ đô sẽ luôn cống hiến và cống hiến hết mình để bồi đắp tâm hồn, cốt cách người Hà Nội bằng chính những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

Để làm đẹp, làm giàu văn hóa Hà Nội, đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô có thể yên tâm, tự hào vì có được nguồn khích lệ, cổ vũ vô cùng to lớn của hàng triệu công chúng yêu nghệ thuật. Các nhà đài cần kịch bản phim tốt. Các nhà hát cần kịch bản sân khấu hay. Các nhà xuất bản cần bản thảo sách chất lượng cao. Các đơn vị sản xuất và dịch vụ về văn hóa nghệ thuật đang khát khao chờ đón những tác phẩm văn học nghệ thuật đạt giá trị về tư tưởng, nghệ thuật để dàn dựng, phục vụ công chúng. Đồng thời với sự quan tâm, tạo điều kiện của Thành phố, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật phát huy vai trò là cầu nối, là môi trường thuận lợi để văn nghệ sĩ được thể hiện, được cống hiến cho nghệ thuật, cho Thủ đô. Bản thân mỗi văn nghệ sĩ cũng thấy hết trách nhiệm của mình, coi việc sáng tạo văn học nghệ thuật phục vụ cuộc sống là một nhu cầu tinh thần nội tại để hướng tới cái đích lớn là thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người.

Đầu năm 2021 này, Hà Nội mở rộng thêm nhiều tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Đó là thêm một việc làm đẹp, được nhìn nhận như một hành động văn hóa để góp phần vào công cuộc bảo tồn các giá trị quý báu của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Mỗi lần dạo bước trên phố đi bộ trong khu phố cổ, được nghe những âm thanh sống động trong phảng phất mùi hương thân thuộc của đời sống đô thị được lưu truyền từ đời này sang đời khác, ta như cảm nhận được thông điệp thiết tha từ quá khứ, cảm thấy như được đi vào lòng Thăng Long - Hà Nội yêu thương. 

Sức truyền cảm đặc biệt
Hà Nội rất cần những con người hành động, cần những gương mặt mới trẻ trung, tươi mới, sức mạnh sáng tạo mới cho công cuộc kiến tạo Thủ đô và đất nước trong thời đại mới. Mong ước Hà Nội phát triển hài hòa trong bình yên, đi lên với một tốc lực mạnh do yêu cầu thời đại nhưng vẫn giữ được những gì hồn cốt nhất, nhân văn nhất. Một Hà Nội văn minh, hiện đại nhưng vẫn đầy cảm xúc và mộng mơ, một Hà Nội yêu thương để chúng ta được vui sống trong sinh quyển Thăng Long - Hà Nội.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Sức truyền cảm đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO