Tận dụng đòn bẩy liên kết vùng

Nguyễn Lê/HNM| 29/06/2018 09:32

Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016-2020, kinh tế thành phố tăng trưởng cao và ổn định. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng còn chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao. Để khắc phục những hạn chế này, thành phố đang phát huy vai trò hạt nhân, tận dụng nội lực từ đòn bẩy liên kết vùng.

Tận dụng đòn bẩy liên kết vùng
TP Hồ Chí Minh đang tận dụng và mở rộng không gian phát triển để tăng năng lực cạnh tranh.

Phân bố, sử dụng nguồn lực đất đai chưa hiệu quả

Từ câu chuyện tiến độ xây dựng các tuyến metro của TP Hồ Chí Minh chậm so với dự kiến và đang chờ vốn, cũng như tình trạng tắc nghẽn giao thông tại hệ thống các cảng cho thấy, bên cạnh sự phát triển kinh tế, thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm để tháo gỡ những khó khăn trong đầu tư cơ sở hạ tầng. GS.TS Nguyễn Trọng Hoài (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cơ sở hạ tầng TP Hồ Chí Minh chưa phát triển tương xứng với quy mô kinh tế. Hiện thành phố đã cơ bản tận dụng tối đa các yếu tố đầu vào và cơ sở hạ tầng hiện có, trong khi bản thân các yếu tố, đặc biệt là đất đai, chưa được tái cấu trúc hiệu quả theo kiểu "siêu đô thị".

Một số ý kiến cho rằng, thành phố đã đạt ngưỡng giới hạn không gian phát triển. Đơn cử, quỹ "đất sạch" không còn nhiều, giá đất quá cao nên khó thu hút đầu tư. Nhiều khu "đất vàng" ở trung tâm quận 1, quận 3 dù có giá trị rất lớn về mặt kinh tế nhưng tiền sử dụng đất quá cao khiến nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng ngần ngại khi tham gia đấu giá giành quyền sử dụng đất. Mặt khác, ở khu vực ngoại thành, để đầu tư một nhà máy, nhà đầu tư phải xin quy hoạch, trả tiền sử dụng đất, đồng thời phải xây dựng cơ sở hạ tầng xung quanh nên chi phí rất lớn và mất nhiều thời gian khiến việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của thành phố cũng giảm tính cạnh tranh.

Hiện nay, việc phân bổ, sử dụng nguồn lực đất đai còn chưa hiệu quả, thiếu quy hoạch sát với cơ cấu phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn cũng là một trong những nguyên nhân góp phần kéo giảm năng lực cạnh tranh của TP Hồ Chí Minh. Đơn cử, ngành công nghiệp và dịch vụ của thành phố chiếm tới 99% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) nhưng đất dành cho khu vực này chưa đến 10%; trong khi đó, nông nghiệp chỉ chiếm 0,8% lại đang sử dụng đến 44% diện tích đất của thành phố.

Đẩy mạnh liên kết vùng

Đến năm 2025, khả năng TP Hồ Chí Minh đạt được mức thu nhập bình quân đầu người hay có quy mô kinh tế như Bangkok (Thái Lan) là rất khó khăn. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright Việt Nam), nếu có sự quyết tâm dựa trên các yếu tố sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân thành phố, sự hợp tác chặt chẽ với các địa phương trong vùng; tháo gỡ trọng tâm về nút thắt thể chế (chẳng hạn mô hình chính quyền đô thị) thì khả năng đuổi kịp Bangkok về các hạ tầng thiết yếu hay những yếu tố nền tảng khác là hoàn toàn có thể.

Phân tích trên cho thấy, yếu tố về liên kết vùng để tạo không gian phát triển cho thành phố là rất quan trọng. Về vấn đề này, tại hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, đáp ứng yêu cầu hội nhập" diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, không gian phát triển của thành phố vẫn còn rộng vì nguồn lực đất đai còn nhiều, chỉ có điều nguồn lực này đang mất cân đối do quy hoạch thiếu đồng bộ dẫn đến chưa phát huy đúng với tiềm năng. Để giải bài toán trên, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc sớm hoàn thành các đề án điều chỉnh quy hoạch của thành phố, trong đó quy hoạch đất đai phải được bảo đảm. 

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc tận dụng nguồn lực đất đai, TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh liên kết và mở rộng không gian phát triển bằng việc thúc đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng gắn với các đô thị vệ tinh. Một giải pháp khác là tăng cường sự kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để mở rộng dư địa phát triển và phát huy tốt lợi thế của cả vùng. Với vai trò là hạt nhân của vùng, thành phố chủ động hơn nữa trong việc đề xuất cơ chế liên kết. Việc áp dụng cơ chế liên kết vùng chặt chẽ sẽ giúp TP Hồ Chí Minh và các địa phương xây dựng được các chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó thành phố là điểm tập kết, sản xuất tinh chế hoặc xuất khẩu hàng hóa giải quyết bài toán đầu ra cho các sản phẩm công - nông nghiệp trong vùng, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, thành phố sẽ có những hành động cụ thể để nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Sắp tới, thành phố nghiên cứu thành lập Tổ tư vấn kinh tế nhằm tham mưu lãnh đạo thành phố đề ra chiến lược và chương trình hành động phát triển kinh tế trong dài hạn. Trước mắt, thành phố sẽ xác định những việc cần làm ngay mà trọng tâm là xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả; nghiên cứu Luật Tổ chức chính quyền địa phương để vận dụng hiệu quả với đặc thù của thành phố.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng đòn bẩy liên kết vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO