Tăng cường giáo dục ý thức pháp luật từ cấp cơ sở

02/08/2020 20:21

Thời gian gần đây, tình hình vi phạm trật tự xã hội trên cả nước ngày một dày hơn, rộng hơn và ngày càng có những diễn biến khó lường. Nhiều hành vi manh động nhanh chóng trở thành tội phạm, mang tính chủ đích rất rõ, gây khó khăn phức tạp đến công tác quản lý và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến tâm lý xã hội.

Từ năm 2019, các nhóm tội phạm phát sinh nổi lên ở các lĩnh vực khác nhau như: cho vay và đòi nợ, đe dọa đánh đập và bắt cóc, đánh bạc dưới mọi hình thức, thù hằn gây hỗn chiến, lừa đảo và bảo kê, lợi dụng chiếm đoạt tài sản nhà nước và công dân... Quy mô các vụ vi phạm và tội phạm ngày càng lớn hơn. Năm 2009: tháng 3, ở Hà Đông, TP. Hà Nội, hai nhóm ô tô rượt đuổi nhau, có mang theo súng, bắn một người trúng đạn; tháng 4, ở Hà Tĩnh, một nhóm thanh niên mang súng ngang nhiên chặn xe khách đang qua đoạn đường Lam Hồng; tháng 9, tại đường Trần Khát Chân, Hà Nội, một nhóm côn đồ mang hung khí rượt đuổi chém nhau; tháng 10, nhóm 30 côn đồ ở Hòa Bình nổ súng gây náo loạn toàn bộ khu vực. Sang năm 2020: tháng 5, với vụ hỗn chiến có vũ khí ở Quy Nhơn, hỗn chiến có dùng súng ở cổng trường đại học ở Hải Phòng; tháng 6, tại Buôn Mê Thuột, Đăk Lắk hai nhóm côn đồ mang dao rựa đuổi đánh nhau gây kinh hoàng cả một vùng, tiếp đó là nhóm côn đồ áo cam ngông nghênh mang hung khí làm náo loạn ở quán Ốc Hương, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh...

Số vụ mang tính tổng hợp các hình thức tội phạm và kéo dài trong nhiều năm trước khi bị vạch trần cũng không ít. Điển hình là vụ Đường Dương (Đường Nhuệ) ở Thái Bình, vừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa dùng bạo lực để trấn áp, lại được người có địa vị bảo kê. Ngay cả 4 cán bộ chuyên trách pháp lý của Sở Tư pháp Thái Bình cũng có hành vi đồng phạm ở một số nội dung sự vụ. Vụ việc đang được cơ quan điều tra làm rõ và truy cứu trách nhiệm hình sự. Song có thể nói đây là loại tội phạm có tổ chức, âm mưu và quy mô hành động trong nhiều năm. Nội dung biểu hiện vừa lừa đảo, vừa trấn áp, khủng bố rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến an ninh xã hội, làm hao mòn lòng tin trong bộ phận nhân dân.

Quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm, cơ quan chuyên trách của Bộ Công an đã phân tích, đánh giá và đúc kết nhiều bài học quý giá, kiên quyết vạch trần mọi thủ đoạn tội phạm, từ âm mưu đến diễn  biến thực tế. Các tội phạm thường xuất phát từ vấn đề kinh tế rồi biểu hiện ra các hình thức khác nhau, kéo theo thù hằn cá nhân. Các vụ nảy sinh từ quan hệ tình cảm có nhiều, gây thiệt hại đến tính mạng, song thường là manh động, bột phát, ít kiềm chế. Tuy nhiên, chúng ta thấy một điều là từ số việc lớn, có âm mưu, có tổ chức đến số vụ nảy sinh trong quan hệ hàng ngày, ngày càng nhiều. Ngay cả hành vi ứng xử trong va chạm khi tham gia giao thông cũng biểu hiện tính chất đột biến, ít kiềm chế và thiếu văn hóa của mỗi cá thể. Chưa kể đến việc một số nhóm học sinh trong nhà trường cũng đã có hành vi "đánh hội đồng" để mua vui...

Có nhiều nguyên nhân như đề cập ở trên, song, một nguyên nhân đồng thời hội tụ, gắn chặt tất cả các biểu hiện của hành vi là thiếu nhận thức pháp luật dẫn đến xem nhẹ hoặc coi thường pháp luật. Do vậy, cần kiên quyết trấn áp tội phạm. Trấn áp luôn đi kèm với giáo dục nhận thức pháp luật, phòng ngừa tội phạm là bản chất tốt đẹp của xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.

Loại trừ các vi phạm pháp luật có yếu tố chính trị thì các vi  phạm pháp luật như ở các ví dụ nêu trên đều xuất phát trong nội bộ cư dân, nội bộ các cơ quan, tổ chức trong nước. Như vậy, ở đâu đó, chúng ta thường tập trung quan tâm đến một số lý do cơ bản, trực diện mà chưa chú trọng hoặc xem nhẹ việc giáo dục nhận thức pháp luật của công dân sẽ là một thiếu sót đáng tiếc. Theo tôi, ngay từ các tổ chức cơ sở, gắn liền với việc học tập, sinh hoạt hàng ngày nơi công dân sinh sống là mặt bằng chính yếu cần quan tâm nhất, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục gián tiếp khác. Vậy các biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật ở cơ sở cần được chú trọng ở nội dung nào?

Trước hết, từ các khái niệm trật tự công cộng, về quan hệ văn hóa truyền thống, về thái độ tôn trọng các quy tắc ứng xử. Sau đó là tìm hiểu về các hành vi thực hiện quyền và trách nhiệm công dân. Những yếu tố đó hợp thành một kỹ năng sống, tạo ra định hướng cơ bản bước vào cuộc sống trách nhiệm công dân.

Hơn nữa, chú trọng trách nhiệm hướng dẫn của cấp chính quyền sở tại. Có thể nói đây là cấp quản lý từ trong nhà rồi mới ra xã hội. Muốn vậy, bắt đầu bằng tính gương mẫu của hành vi cá nhân trong điều hành thực hiện các phần việc đoàn kết dân cư, giữ gìn trật tự vệ sinh, sinh hoạt, tạo nếp sống lành mạnh. Phát huy trách nhiệm và năng lực giải quyết dứt điểm các tranh chấp nhỏ khởi sinh từ địa bàn cơ sở, tránh để bùng phát nhân rộng. Đã nhiều vụ việc xảy ra bộc lộ yếu tố này.

Mặt khác, tăng cường phổ biến, học tập, đưa các quy phạm của Bộ quy tắc ứng xử vào cuộc sống hàng ngày. Có những kiến nghị, đề xuất cụ thể hơn để hoàn chỉnh thêm các quy tắc, áp dụng cho phù hợp với địa phương khi các diễn biến trong quan hệ định cư mới đã dần ổn định. Thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử chính là tiền đề để tiếp cận, chấp hành tốt các quy phạm pháp luật Nhà nước, tạo thói quen sống văn minh từ chính hành vi cá nhân trong quan hệ xã hội.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc trấn áp, xử lý tội phạm thì việc tăng cường các biện pháp giáo dục nhận thức pháp luật đối với công dân ngay từ nơi họ đang ở, nơi học tập và làm việc là nhiệm vụ hết sức quan trọng và nó chắc chắn có ảnh hưởng tốt đối với tiêu chí giảm thiểu các hành vi tội phạm.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường giáo dục ý thức pháp luật từ cấp cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO