Tăng huyết áp - "sát thủ" thầm lặng!

Thu Trang/HNM| 16/05/2019 12:19

Tăng huyết áp là loại bệnh lý nguy hiểm và phổ biến trong cộng đồng, được coi là “sát thủ" thầm lặng khi gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến não, tim, mắt, các mạch máu lớn... Điều đáng nói, tỷ lệ người mắc bệnh đang có xu hướng trẻ hóa và gia tăng. Chính vì vậy, ngày 17-5 hằng năm được chọn là Ngày Phòng chống tăng huyết áp thế giới để nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh này.

Tăng huyết áp -
Kiểm tra huyết áp thường xuyên để chủ động phòng ngừa, điều trị bệnh tăng huyết áp. Ảnh: Bá Hoạt

8/10 người đột quỵ mắc tăng huyết áp

Một điều tra dịch tễ về tăng huyết áp tại cộng đồng do Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) tiến hành tại 8 tỉnh đại diện cho các vùng, miền trên cả nước cho thấy, tỷ lệ mắc tăng huyết áp đã lên tới gần 48% ở những người trên 25 tuổi, tương đương gần 21 triệu bệnh nhân. Tức là cứ 2 người trưởng thành có 1 người bị tăng huyết áp. Trong số những người mắc tăng huyết áp thì tỷ lệ ở nam giới cao hơn (chiếm 47%), trong khi nữ giới là 42%.

Đây là những con số báo động đỏ. Bởi, theo Tổ chức Y tế thế giới, tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn 7 triệu người. Còn PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, tăng huyết áp được coi là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Theo nghiên cứu tại Viện Tim mạch quốc gia, cứ 10 người bị đột quỵ lần đầu thì 8 người mắc tăng huyết áp. 

Đáng lưu ý, khoảng 3 năm gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ không ngừng tăng, từ 1,7% lên 2,5%, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới đột quỵ mỗi năm, trong đó gần 50% tử vong. Tỷ lệ nam giới bị đột quỵ gấp 4 lần nữ giới và độ tuổi bị đột quỵ ở nước ta đang ngày càng trẻ hóa. Nguy cơ đột quỵ sau tuổi 25 lên tới 17-22%, tức là trung bình cứ 5 người trên 25 tuổi sẽ có 1 người đối mặt nguy cơ đột quỵ. 

Không chỉ gây ra đột quỵ, tăng huyết áp còn gây suy thận, nhồi máu cơ tim, suy tim, xơ vữa động mạch... Tại nước ta, chỉ tính riêng nhồi máu cơ tim đã có từ 104.000-150.000 người chết mỗi năm. Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, bệnh tăng huyết áp đang phổ biến trong cộng đồng. Gánh nặng bệnh tật và tử vong do tăng huyết áp và các bệnh mạn tính không lây liên quan là một trong các vấn đề sức khỏe cấp bách nhất hiện nay. Thế nhưng, nhiều người mắc bệnh mà không biết, tỷ lệ điều trị cũng rất thấp. Hiện có tới gần 60% người bị tăng huyết áp chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị.

Tại buổi khám sàng lọc, tư vấn điều trị tăng huyết áp do các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế quận Tây Hồ vừa tổ chức, bà Đàm Thị Q. 59 tuổi ở đường Âu Cơ, phường Nhật Tân không tin khi bác sĩ kết luận mình bị cao huyết áp. Bà Q. khẳng định, sức khỏe rất tốt và không có bệnh mạn tính. Còn theo bà Lê Thị T. 68 tuổi ở đường Võ Chí Công, phường Phú Thượng, dù biết bệnh tăng huyết áp rất nguy hiểm đối với sức khỏe nhưng nhiều khi bà ngại đo huyết áp và đi khám sức khỏe định kỳ…

GS.TS Nguyễn Lân Việt cảnh báo, tăng huyết áp không có triệu chứng điển hình. Những dấu hiệu như: Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn... có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn tăng huyết áp. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị tăng huyết áp cũng có triệu chứng này. Nhiều người bị tăng huyết áp không có triệu chứng, bỗng một ngày bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não...

Giảm vòng bụng, giảm tăng huyết áp

Tăng huyết áp -
Tích cực rèn luyện sức khỏe là biện pháp tránh nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Ảnh: Thái Hiền

Đề cập đến nguyên nhân khiến bệnh tăng huyết áp ngày càng gia tăng trong cộng đồng, bác sĩ Trần Thị Linh Tú, Trưởng phòng Khám đa khoa (Bệnh viện Tim Hà Nội) cho biết, trước đây, tuổi càng cao, nguy cơ trở thành nạn nhân của căn bệnh tăng huyết áp càng lớn. Thế nhưng, hiện nay, ngoài yếu tố tuổi tác, di truyền thì lối sống, sinh hoạt thiếu khoa học, lười vận động, hút nhiều thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, ăn quá nhiều muối, căng thẳng thường xuyên, thức khuya nhiều… cũng là những nguyên nhân khiến bệnh tăng huyết áp gia tăng. 

“Huyết áp thường tăng khi trọng lượng cơ thể tăng. Trẻ bị thừa cân, béo phì, ngồi xem ti vi quá nhiều giờ trong một ngày, đàn ông béo bụng là những đối tượng nguy cơ cao bị tăng huyết áp” - bác sĩ Trần Thị Linh Tú lưu ý.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, một người được chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90mmHg. Đặc biệt, với những gia đình có tiền sử cao huyết áp, con cái cũng cần chú ý, kiểm tra huyết áp từ sớm theo định kỳ. Mọi người đều có thể chủ động tự kiểm tra huyết áp, không đợi đến lúc có triệu chứng mới đo huyết áp. Nếu biết bệnh, phòng ngừa điều trị tốt sẽ giảm các biến chứng tim mạch. Chỉ cần giảm 2mmHg huyết áp sẽ giúp giảm 7% nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành, 10% nguy cơ tử vong do đột quỵ...

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc. Người dân không nên tùy tiện mua thuốc điều trị tăng huyết áp tại các hiệu thuốc về sử dụng. Điều này sẽ không có lợi, vì mỗi một người bệnh tăng huyết áp có cách điều trị khác nhau.

Bác sĩ Trần Thị Linh Tú khuyến cáo, có những cách giảm huyết áp tự nhiên mà không cần dùng thuốc, như giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày), cân bằng dinh dưỡng, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol... Mặt khác, tích cực rèn luyện thể thao, giữ trọng lượng cơ thể hợp lý. Khi trọng lượng cơ thể giảm 1kg sẽ làm giảm huyết áp 1mmHg. Đặc biệt, vòng eo quá to cũng đặt cơ thể vào nguy cơ bị tăng huyết áp.

Do đó, cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ. Ngoài ra, người bệnh nên hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào; tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; chú ý thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột. Với bệnh tăng huyết áp, việc vận động thể lực 5-7 ngày/tuần, trong đó đi bộ nhanh rất có lợi 
cho việc giảm mỡ máu, giảm tăng huyết áp.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tăng huyết áp - "sát thủ" thầm lặng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO