Tất cả Hà Nội đổ ra đường đón chào giờ phút lịch sử

Theo news.zing.vn| 10/10/2019 14:54

Những lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội, bộ đội tiến về giải phóng thủ đô, lễ chào cờ dưới chân cờ Thành Hà Nội… tất cả được mô tả chân thực, sống động qua ngòi bút của Thép Mới.

Trong những ngày đầu tiên Thủ đô Hà Nội giải phóng, nhà văn Thép Mới (lúc đó trong vai trò là phóng viên của báo Nhân dân) đã trực tiếp chứng kiến và ghi (tường thuật) lại không khí tấp nập, náo nhiệt của nhân dân Thủ đô đổ ra các đường lớn đón chào bộ đội ta tiến vào thành phố.


Nhẹ nhàng và huy hoàng Hà Nội trở về tay nhân dân





Trong bài viết với tựa đề “Từ Bạch Mai đến cầu Long Biên” (Báo Nhân dân ra ngày 10/10/1954), nhà văn Thép Mới đã “cập nhật” ngày và đêm cuối cùng của quân đội Pháp ở Hà Nội và bước tiến của những đơn vị tiền phong của quân đội nhân dân vào giải phóng Thủ đô.

Tác giả cho biết, mới tờ mờ đất, ngày 9/10, tiếng hát “Vì nhân dân quyên mình” đã vang lên ở các ngả đường vào Bạch Mai, Kim Liên, Ô Cầu Giấy… Trên quốc lộ số 1 nhìn về Hà Nội, ánh đèn điện Bạch Mai ngày càng gần lại, báo hiệu công nhân và toàn thể nhân dân Hà Nội vẫn giữ vững đấu tranh chờ bộ đội về.

Trời bừng sáng sau một ngày, một đêm mưa tầm tã. Lúc này, ở Bạch Mai đang phân đôi hai thế giới. Bên này là cờ đỏ rợp đường, nhân dân vùng quân đội Pháp đã rút đêm qua đứng đầy trước cửa nhà mình, ngóng bộ đội ta về giải phóng. Bên kia là phố xá vắng ngắt, tiếng xe bọc sắt của quân đội Pháp là những tiếng động duy nhất ở đó.

6h, chiếc xe cầm cờ xanh của Ủy ban liên hợp chuyển bánh tiến vào trung tâm thành phố. Đơn vị Liên hiệp Pháp gác đường vừa rút đi. Tiếng reo mừng của nhân dân bật lên: “Hoan hô các anh bộ đội! Các anh đã về! Các anh đã về!”… Khi chiếc xe đầu tiên của quân đội ta đỗ ở ngã tư đầu tiên, tiếng hoan hô càng nồng nhiệt. Một đồng chí bộ đội bước trên xe bước xuống cảm động, sung sướng giải thích đồng bào cần giữ gìn trật tự để việc tiếp thu được dễ dàng… Không biết tự lúc nào có biểu ngữ đỏ thắm chữ vàng đã chăng qua ngang đường “Hoan nghênh quân đội anh dũng vào giải phóng Thủ đô”.

Tat ca Ha Noi do ra duong don chao gio phut lich su hinh anh 1
Quân đội Pháp rút khỏi Hà Nội, bộ đội ta tiến lên chân cầu Long Biên. Ảnh tư liệu

Quân đội ta tiến đến đâu cờ đỏ sao vàng mọc ra đến đến đấy. Trên nóc nhà, trên hiên gác, nhà nào nhà ấy treo cao những lá cờ đã lắp cán sẵn. Nhiều nhà cửa đóng kín bấy lâu nay bỗng mở tung ra… Những tiếng hoan hô không ngớt “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Quân đội nhân dân Việt Nam muôn năm !”…

Đơn vị đang tiến quân là một đơn vị đang giữ cờ “đánh thắng” trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi tiếp thu bóp cảnh sát Duy Tân, đơn vị chia ra thành nhiều mũi tiến vào trung tâm thành phố.

Tat ca Ha Noi do ra duong don chao gio phut lich su hinh anh 2
Bộ đội tiến vào giải phóng Hà Nội. Ảnh tư liệu

Khu hồ Gươm mặt ngoài còn buồn như chết. Những người lính của quân đội Pháp sắp rút khỏi Hà Nội tựa lưng vào bánh xe nhấm nháp bánh mỳ, gục đầu bên xe thở khói thuốc. Những đơn vị đội mũ lưỡi trai trắng nhấc từng bước một, đi vòng ngã tư Hàng Hoa. Những xe thiết giáp phóng vụt lên, ghế vải, giường gấp, bọc lớn, bọc nhỏ, buộc ngổn ngang cả đằng trước, đằng sau…

Bộ đội ta đã tiếp thu đến tận nhà máy điện Bờ Hồ. Suốt cả ngày và đêm hôm qua anh chị em công nhân đem cơm nắm đến ăn tại nhà máy, cả đêm tho thức để bảo vệ nhà máy đến cùng… Ở Tòa Thị chính cũng như Bắc Bộ phủ, anh em công chức đêm qua cùng nhau ngủ tại sở, chia nhau canh gác, bảo vệ tài liệu, bàn ghế, đồ đạc và công sở. Khi bộ đội ta vào tiếp thu Bắc Bộ phủ, anh em đông đủ cả, mở các cửa phòng ra đón…

Đến 4h chiều toàn bộ Liên khu 1 anh dũng được giải phóng. Hàng Bông, Hàng Đào, 36 phố phường của Hà Nội biến thành một rừng cờ và biểu ngữ. Quân đội Pháp rút qua cầu. Khi những chiếc mũ trắng tiến khỏi đầu cầu thứ tư, bộ đội ta tiến lên đóng đầu cầu. Cảnh binh ta đứng đầu cầu chỉ huy sự đi lại và giữ trật tự. Nhẹ nhàng và huy hoàng Hà Nội về tay nhân dân ta…

Tất cả Hà Nội nghiêm trang đứng chào phút giây lịch sử




Trong bài viết “Hà Nội dạt dào phấn khởi đón chào quân đội nhân dân tiến về giải phóng Thủ đô” (đăng trên báo Nhân dân ra ngày 11/10/1954), nhà văn Thép Mới cho biết, ngày đầu tiên Hà Nội giải phóng (10/10) là một ngày chủ nhật hết sức tươi đẹp, một ngày hội lớn nhất của Hà Nội từ trước đến nay. Tất cả Hà Nội đổ ra các ngả đường để đón các đơn vị đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam chính thức tiến vào Hà Nội.

Tat ca Ha Noi do ra duong don chao gio phut lich su hinh anh 3
Thiếu nữ Hà Nội đứng đón và tặng hoa bộ đội tại Bờ Hồ. Ảnh tư liệu

Từ 5h sáng, giờ giới nghiêm của Ủy ban quân chính thành phố vừa dứt, tất cả Hà Nội từ ngoại thành đến các khu phố trung tâm trở nên náo nhiệt. Người Hà Nội ăn mặc như ngày Tết. Cờ đỏ sao vàng trên đỉnh Tháp Rùa, trên các cổng chào, trên các công thự lớn, trên xe cộ đi lại… trên tay các em nhỏ… Tất cả Hà Nội đỏ thắm cùng với lòng nhân dân Hà Nội bừng lên thắm tươi.

Theo lệnh của Hồ Chủ tịch, Đảng, Chính phủ và Đại tướng Tổng tư lệnh, Đại đoàn Thủ đô và các đơn vị phối hợp thuộc dưới quyền của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ chia làm hai mũi bắt đầu cuộc hành quân đại quy mô vào Hà Nội. Đi đầu là lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng”, giải thưởng luân lưu của Hồ Chủ tịch cho toàn quân…

Từ Ô Cầu Giấy tiến vào là Trung đoàn Thủ đô, con đẻ của nhân dân thành phố Hà Nội đi đầu là Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị, anh hùng quân đội nhân dân Việt Nam. Rồi đến cuộc hành quân cơ giới từ phía Nam đi lên. Trên xe chỉ huy đầu tiên, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch ủy ban quân chính Hà Nội giơ tay đáp lại tiếng hoan hô không dứt của đồng bào Hà Nội. Xe thứ hai là của bác sỹ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của Hà Nội, nay là Phó Chủ tịch Ủy ban quân chính, trở về trong tình yêu mến của đồng bào. Rồi đến những vị của Bộ chỉ huy Đại đoàn, xe chở những đơn vị bộ binh hành quân cơ giới, đoàn xe của đơn vị sơn pháo 75 ly, đoàn xe kéo những cỗ trọng pháo 105 ly….

Tat ca Ha Noi do ra duong don chao gio phut lich su hinh anh 4
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, bác sỹ Trần Duy Hưng cùng bộ đội và nhân dân thực hiện nghi lễ chào cờ đầu tiên ngay sau khi Hà Nội được giải phóng. Ảnh tư liệu.

Khi những đơn vị bộ binh đầu tiên vượt qua cổng thành Cửa Bắc thì những cỗ pháo cuối cũng chưa vào hết của Ô cầu Dền. Hai bên đường vang lên không ngớt những đợt hô “Quân đội nhân dân Việt Nam muôn năm!”. Tiếng vỗ tay vang khắp các giải đường… Hình ảnh hùng tráng của đoàn quân chiến thắng rầm rập thẳng tiến khơi lên trong lòng dân Hà Nội một nguồn sức mạnh đầy tin tưởng. Hàng Bông đốt pháo. Hàng Ngang múa sư tử. Nam nữ sinh viên đại học Hà Nội và các học sinh trường lớn trong thành phố đứng đón bộ đội ở Bờ Hồ. Bộ đội đi qua cờ hoa tung bay. Nhiều nữ thanh niên ra tặng hoa bộ đội…

3h chiều ngày 10/10, ở quảng trường dưới chân Cột cờ thành Hà Nội, quân ta làm lễ chào cờ lịch sử. Còi thành phố kéo một hồi dài. Lá cờ Tổ quốc phấp phới bay trên cột cờ Thủ đô. Tất cả Hà Nội đứng nghiêm chào giờ phút lịch sử, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và Nhật lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh…

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Chiến thắng Điện Biên phủ được tái hiện qua tranh cổ động
    Ngày 17/4/2024, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở tổ chức Trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).
  • Di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển
    Sáng 17/4, cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển cần được bảo tồn và phát huy, mối quan hệ bảo tồn và phát huy cần được rà soát trong tổng thể văn bản luật...
  • [Infographic] Chuỗi sự kiện "Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai"
    Chuỗi sự kiện “Ươm mầm tri thức – Kiến tạo tương lai” là chương trình ý nghĩa được UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp các nhà xuất bản, nhà sách, các đơn vị, cá nhận hoạt động trong cùng lĩnh vực tổ chức thường niên, nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, chào mừng kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (01/5/2017 - 01/5/2024).
  • Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng
    Ngày 17/4 tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức diễn đàn doanh nghiệp với chủ đề: “Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng thông qua các công cụ phát triển bền vững”.
  • Nuôi dưỡng tình yêu với sách cho thế hệ trẻ Thủ đô
    Ngày 17- 4, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4), quận Tây Hồ tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Tất cả Hà Nội đổ ra đường đón chào giờ phút lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO