Tay thối

Nguyễn Hữu Thăng sưu tầm và dịch| 12/07/2020 07:22

Tay thối

Thầy tướng số xem tay tôi, nhìn vẻ mặt thầy, tôi đã có ngay cảm giác không hay. Hỏi thầy, thầy trầm ngâm hồi lâu, ngẫm nghĩ, rồi mới chậm rãi buông ra ba chữ: “Số anh nghèo”. 

Thường vẫn nghe người ta nói, kẽ ngón tay mà hở to thì có tiền cũng lọt ra hết. Từ lâu tôi đã biết đây được coi là một cách xem tướng, thực ra chẳng qua chỉ là câu đùa tếu dông dài của mấy ông già rỗi hơi tán gẫu nên cũng không để tâm. Tôi đúng là có thói hư tiêu xài vung tay quá trán, ấy cũng do hoàn cảnh tạo nên. Khi học xong đi làm, đúng vào thời kỳ kháng chiến chống Nhật, nếu không phải làm ông quan thu thuế, lại không buôn to bán lớn thì ai mà không nghèo! Lương tháng chỉ vừa đủ nuôi miệng, chẳng dành dụm nổi đồng tiền nào. Đến những năm năm mươi, đời sống khá hơn, lương bổng cộng thêm tiền nhuận bút, một nhà sáu miệng ăn, hai người làm cũng đã giàu hơn trước chán. Người ta từ nghèo lên giàu, trong túi rủng rỉnh, tay bỗng thấy ngứa ngáy, thấy gì thinh thích là móc ví mua liền, cũng khoái. Bà xã vốn không bao giờ vặn vẹo, tôi được hưởng cái thú, lâu dần thành tật. Trong nhà thuốc gì, rượu gì cũng có, chỉ riêng gạt tàn thuốc lá cũng có đến gần chục cái. Người ta ai cũng tưởng tôi giàu, kỳ thực ngoài chiếc máy ảnh cũ trị giá 120 đồng Nhân dân tệ ra, mọi thứ khác đều là những đồ lặt vặt. Năm 1958, tôi xuống cơ sở miền Nam lao động, bà xã mới phát hiện, trong nhà chúng tôi chỉ còn có 300 đồng, chỉ hơn 30 chục bạc so với tiền hai tháng lương.

Gần đây có mấy sự kiện khiến tôi chợt nhớ lại vẻ mặt của ông thầy tướng.

Mấy năm trước tôi từng có lần mua hai cuốn băng nhạc, vài hôm sau, thấy có băng mới, tôi lại mua thêm hai chiếc nữa. Thường ngày rất bận, tôi chỉ mua rồi bỏ đấy, đến lúc rỗi rãi mới mở nghe, thật xúi quẩy, có đến một nửa là băng rởm. Trong một cuốn băng do Bắc Kinh sản xuất, có một đoạn trắng, một đoạn âm thanh chỉ nghe câu được câu chăng. Cuốn băng do Thiên Tân sản xuất, nghe có tạp âm, cứ như được ghi trong bếp vậy. Khi ấy lại quên mất không biết đã mua ở cửa hàng nào, thời gian đã để lâu, không thể mang đổi được, đành chịu vậy. 

Có năm, tôi được tham gia một cuộc bình xét hoạt động văn nghệ. Đơn vị tổ chức tặng cho một máy cát-xét to do Sơn Đông sản xuất, được gọi nôm na là cát-xét hai cửa băng. Tôi đem cho thằng con, sau hỏi nó chất lượng máy thế nào. Nó bảo, ngoài tật không ghi âm được ra, còn thì không có tật gì. Lại một năm khác, tôi tham gia một cuộc bình xét nữa, đơn vị tổ chức tặng tôi một chiếc máy ảnh. Khi mang máy về nhà, ngoài đèn chụp không thể lóe sáng ra, máy cũng không có bệnh gì. Vợ tôi biết chuyện, chỉ tay tôi nói: “Tay anh thối, cứ cầm cái gì là cái ấy hỏng!”. Tôi chỉ biết bỏ ra hơn 30 đồng. Thử lại, quả nhiên sửa tốt. Đi công tác Tứ Xuyên, lên núi Nga Mi, mang theo chiếc máy ảnh đó, khi chụp ảnh trong đền, máy chỉ lóe lên được một lần rồi tịt. Trở về nhà, tôi lại bỏ ra hơn 30 đồng, thử lại, quả nhiên tốt. Chẳng ngờ không được bao lâu, bệnh cũ lại tái phát, chỉ có điều bệnh không nặng lắm, cứ lóe sáng một lần lại tịt một hai lần. Chụp ảnh chỗ ánh sáng kém, một cuộn phim phải hỏng đến một nửa. Tôi không muốn sửa nữa, tại tay mình thối, đành cam chịu số phận thôi.

Năm nay tôi cùng mấy đồng nghiệp được mời dự một hoạt động mỹ thuật. Đơn vị chủ quản tặng cho mỗi người chúng tôi một chiếc va li có khóa số. Là người có học, chúng tôi xem tờ hướng dẫn sử dụng khóa số của nhà sản xuất tại Thượng Hải, chữ trên tờ hướng dẫn đều đọc hiểu cả, hình vẽ minh họa cũng rất rõ ràng, nhưng điều chỉnh khóa theo bản hướng dẫn thì ai cũng không thành công, người nào người ấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Bọn tôi nghiên cứu rất lâu, cuối cùng vẫn không rõ nguyên nhân vì đâu. Chiếc va li tôi được tặng còn có điều không giống với va li của anh em khác, ấy là hai cái đóng mở (tôi không biết gọi tên là gì, đó là thứ khi đậy nắp va li thì chốt lại, nên gọi là cái đóng mở), có một cái không thể nào đóng được, bà xã tôi thấy thế lại chỉ bàn tay tôi mà bảo: “Tay thối!”.

Cái ông thầy tướng số xem ra nói đúng thật. Mấy hôm trước, tôi đi mua 4 quả pin tiểu số 5, cho vào máy ghi âm mà không thể nào chạy nổi, vội mang lại cửa hàng thử, thì ra 3 quả pin không có điện, may mà đi nhanh, đổi được pin có điện mang về. Nhớ lại năm ngoái tôi cũng từng mua phải pin không có điện ở Quế Lâm và Thâm Quyến, đều không kịp mang đổi, khi ấy không để ý, tưởng rằng chuyện ngẫu nhiên, bây giờ thì tôi đã hiểu, vấn đề là tại cái tay tôi.

Nhưng tôi cũng có chút nghi ngờ: Người tay thối như tôi chỉ có một mình hay sao? Vào dịp trung thu, một người họ hàng ở Quảng Đông đến chơi, biếu tôi một hộp bánh trung thu, ăn vào thấy mềm ngon, ngọt mà không ngấy. Lại có người bà con khác tặng cho một hộp “bánh trung thu Quảng Đông” mua ở Bắc Kinh, tôi ăn thử một miếng, thật tai hại, chỉ suýt nữa rụng nốt mấy chiếc răng còn lại! Xem ra, tay của ông này chắc hẳn cũng có mùi như tay tôi!

Tạp văn của Phương Thành (Trung Quốc)
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tay thối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO