Tết nhớ

Nguyễn Thanh Kim| 24/01/2020 11:17

Sau Tết ông Công ông Táo về trời, cha tôi lại chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán. Mẹ tôi hồi ấy đi buôn rau quả sang Hà Nội nên mọi việc tết nhất đều do cha tôi lo liệu. Cha tôi là người kỹ tính nên ông chẳng khiến anh em chúng tôi nhúng tay vào bất cứ việc gì. Nhất là lo Tết - chuyện trọng đại trong năm. Cha tôi ra chợ Nhớn mua lá dong, có khi nửa buổi mới về. Lá dong ông chọn to bản, óng mướt, rửa nước nhiều lần rồi hong khô.

Tết nhớ

Sau Tết ông Công ông Táo về trời, cha tôi lại chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán. Mẹ tôi hồi ấy đi buôn rau quả sang Hà Nội nên mọi việc tết nhất đều do cha tôi lo liệu. Cha tôi là người kỹ tính nên ông chẳng khiến anh em chúng tôi nhúng tay vào bất cứ việc gì. Nhất là lo Tết - chuyện trọng đại trong năm. Cha tôi ra chợ Nhớn mua lá dong, có khi nửa buổi mới về. Lá dong ông chọn to bản, óng mướt, rửa nước nhiều lần rồi hong khô.

Gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn gom góp từ phiếu lương thực và thực phẩm theo định suất từ trong năm nên đủ dùng và có được mươi chiếc bánh chưng. Cứ nhìn dáng cha tôi cặm cụi ngâm gạo nhặt vỏ đỗ, ướp thịt cùng nước mắm, hồ tiêu cũng đủ thấy ông là người cẩn thận, tỉ mỉ biết nhường nào. Cha tôi còn cất công vào tận làng Yên mượn cho được nồi luộc bánh vào những ngày mưa rét cuối năm.

Còn món củi lửa thì anh em chúng tôi ra cửa hàng ở ga Bắc Ninh mua theo phiếu chất đốt, toàn loại củi gộc đun rất bén lửa và cháy đượm... Khi ngồi gói bánh nom ông trịnh trọng lắm: Lá dong xanh trải ra, gạo nếp trắng thơm, đỗ xanh ruột vàng tra vào, điểm thêm mấy miếng thịt lợn dày và to bản. Ông nén chặt buộc lạt. Chiếc bánh chưng vuông vức được bày ra trước sự thích thú của chúng tôi. Có lẽ phút thư giãn duy nhất mà tôi ngồi cạnh ông là được trông nồi bánh chưng. Tôi là con trai cả nên được ông phân công múc nước đổ vào khi nồi bánh sắp cạn. Bánh chưng đun càng kỹ, càng nhiều lửa thì bánh càng rền và giữ được lâu (nếu không may ra Giêng, trời trở nồm thì bánh không lại gạo). Ánh lên trong lửa than đang vạc dần tàn đỏ, trong hơi ấm của nồi bánh tỏa ra, khuôn mặt cha tôi tươi giãn những nếp nhăn, khuây vợi những tháng ngày vất vả mưu sinh.

Cha tôi còn có cái thú nữa là nấu chè đỗ đãi vào chiều ba mươi Tết. Đỗ xanh ông ngâm từ mấy ngày trước, được đãi cho sạch vỏ rồi đổ vào chõ đồ lên chín nhuyễn. Khâu giã đỗ ông làm đi làm lại nhiều lần cho mịn, vo từng nắm rồi lấy dao xắt lát nhỏ. Bếp đun liu riu, nước đường thắng lên cho vừa độ, ông thả từng lát đỗ vào khuấy nhiều lượt cho đặc sánh. Khâu cuối cùng cha tôi đổ chè dàn đều ra các đĩa, miếng chè không tởi ra là được. Cái tính kiên trì, tỉ mỉ của ông khiến tôi thầm cảm phục.

Tôi đã được gần cha tôi qua nhiều cái Tết như thế. Khi ngoài trời se lạnh, mưa bụi lây rây, khói sương e ấp trên các ngọn cây trụi lá... cả nhà ai cũng cảm thấy ấm lòng khi ông trịnh trọng bưng mâm cỗ đặt lên bàn thờ, không bao giờ thiếu bánh chưng xanh và chè đỗ đãi mà tự tay cha tôi làm dâng lên tổ tiên. Đó là lòng thành kính, ngưỡng vọng của cha tôi đối với các bậc sinh thành và yêu mến con cháu. Ông cũng đã đi về cõi tiên tổ, không một lời trối trăng. Mẹ tôi cố giữ lại kỷ niệm xưa trong "bánh chưng xanh" và "chè đỗ đãi", nhưng bà hiểu rằng dù có cố đến đâu cũng không kỹ, không ngon được bằng ông. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, khi thắp nhang và ngước nhìn lên bàn thờ, lòng tôi lại nao nao...
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tết nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO