Tết thiếu nhi "đánh thức" sàn diễn

Miên Thảo| 02/06/2020 17:39

Tết thiếu nhi 1/6 năm nay có lẽ trở thành “sứ giả” đặc biệt khi “đánh thức” các sàn diễn “tỉnh giấc” sau mấy tháng trời phải đóng băng vì dịch Covid-19 hoành hành.

Tết thiếu nhi “đánh thức” sàn diễn
Vở nhạc kịch “Cuộc chiến vô cực” vừa mới được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng 
mang nhiều màu sắc tươi mới. Ảnh: NHTT

“Tỉnh giấc” sớm nhất có lẽ là Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam khi cùng lúc nhà hát “bung ra” 3 chương trình: Vở kịch “Vaxilixa và Phù thủy độc ác”, nhạc kịch “Cuộc chiến vô cực” và ca múa nhạc – kịch vui “Trống Choai đi đâu thế…?” tại điểm rạp 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

“Vaxilixa và phù thủy độc ác” (đạo diễn, NSƯT Như Lai) là vở kịch được chuyển thể từ câu chuyện “Hai cây phong” của nhà văn E.Sơ-vác-xơ. Vở kịch kể về hành trình của một người mẹ đi tìm hai đứa con ham chơi bị lạc lối trong khu rừng rậm. Hành trình này được mở ra với một không gian lung linh, huyền ảo cùng âm nhạc sống động, dẫn dắt khán giả bước cuộc kiếm tìm con trai của người mẹ dũng cảm. Điều thú vị là trong cuộc kiếm tìm này người mẹ còn trở thành người gắn kết những người bạn thú rừng cùng nhau lao động chăm chỉ, chiến đấu chống lại mụ phù thủy độc ác mưu mô. 

Trong khi đó, “Cuộc chiến vô cực” (tác giả: Kim Thúy, đạo diễn: Chí Huy) là vở nhạc kịch vui nhộn. Nếu như mới thoạt nghe tên vở kịch, nhiều khán giả tưởng rằng đây là vở nhạc kịch chỉ kể chuyện siêu nhân. Thế nhưng thật bất ngờ khi “Cuộc chiến vô cực” lại được phóng tác từ những tích truyện dân gian thuần Việt kết hợp cùng tạo hình các nhân vật anh hùng hiện đại để kể về cuộc hành trình chống lại cái ác của “Đội trưởng Tý” và bạn bè. 

Riêng “Trống Choai đi đâu thế…?” (tác giả: Chí Huy, đạo diễn: NSƯT Ánh Tuyết - Nhật Quang) là chương trình ca múa nhạc - kịch vui theo phong cách tạp kỹ hiện đại gồm những bài hát, điệu múa và câu chuyện kịch hấp dẫn mang tính tương tác cao. Ở chương trình này, khán giả không chỉ được phiêu lưu, thám hiểm mà còn được trực tiếp đưa ra những câu hỏi với các nhân vật. Theo thông tin từ nhà hát, bên cạnh các suất diễn được tổ chức từ cuối tháng 5, cả ba vở diễn này sẽ cùng tụ hội trong sự kiện “Ngày hội của bé” được diễn ra lúc 20h ngày 1/6.

Tết thiếu nhi “đánh thức” sàn diễn
Sân khấu Lệ Ngọc công diễn vở kịch “Cây tre thần”. Ảnh: Sân khấu Lệ Ngọc
Là tác giả và đạo diễn của hai vở diễn: “Cuộc chiến vô cực” và “Trống choai mình đi đâu thế?”, nghệ sĩ Chí Huy chia sẻ: “Thật mừng khi không còn phải thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 để chúng tôi có thể quay trở lại sàn diễn phục vụ khán giả đúng vào dịp Tết thiếu nhi. Thực ra, trong thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi vẫn âm thầm tự tập vai để chờ ngày tưng bừng ra rạp và đem đến cho các em nhỏ những vở diễn đặc sắc, ý nghĩa”. 

Rạp xiếc 67 - 69 Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng mở cửa trở lại bằng việc đón khán giả dịp Tết thiếu nhi với chương trình xiếc và ảo thuật “Cướp biển trở lại” (kịch bản và đạo diễn: NSND Tống Toàn Thắng). Bằng sự kết hợp khéo léo giữa các tiết mục xiếc như: thăng bằng trên cao, tung hứng, ảo thuật, xiếc thú… “Cướp biển trở lại” dành tặng khán giả nhí câu chuyện mang tính giáo dục cao. Đấy là cuộc chiến đầy hấp dẫn và gay cấn giữa giữa các chàng thủy thủ tài ba gan dạ chiến đấu với lũ cướp biển để cứu đại dương xanh cùng nàng tiên cá. Cũng tại chương trình, các em nhỏ sẽ được chiêm ngưỡng một sân khấu huyền ảo mô phỏng đại dương xanh thơ mộng. Ngoài ra, để lưu diễn xuyên suốt mùa hè, Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn xây dựng chương trình “Mùa hè sôi động”. 

Sân khấu Lệ Ngọc thì đón Tết thiếu nhi với các em nhỏ bằng vở diễn “Cây tre thần” - vở diễn đã được đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng trước khi dịch bệnh xảy ra nhưng phải chờ đến dịp này mới có thể công diễn đến khán giả. Đây là vở kịch được phóng tác từ truyện cổ tích dân gian “Cây tre trăm đốt”, vẫn kể về anh nông dân hiền lành bị lão phú hộ “quỵt” lời hứa hẹn sẽ gả con gái, bắt anh phải vào rừng tìm cây tre trăm đốt thì lão mới thực hiện lời hứa… Khi được sân khấu hóa, “Cây tre thần” hứa hẹn là một cuộc phiêu lưu, trải nghiệm thú vị. Bên cạnh việc ca ngợi cái thiện và tình yêu đôi lứa, “Cây tre thần” còn truyền tải thông điệp: cây tre chính là hình ảnh của người Việt, là môi trường xanh của người Việt. Bảo vệ cây tre là bảo vệ hồn cốt dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra, Nhà hát Múa rối Thăng Long thì công diễn đến khán giả vở rối cạn “Mèo và chuột”; đồng thời phục vụ biểu diễn lưu động các chương trình rối nước đặc sắc: “Công chúa tóc mây”, “Bay lên từ mặt nước”… Trường Trung cấp Xiếc và tạp kỹ Việt Nam cũng mở gala xiếc với các tiết mục: Những chú mèo siêu đẳng, trích đoạn “Thạch Sanh đánh trằn tinh”, đại chiến sói xám… tại sân khấu tròn ở Khu văn công Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.

Sau những tháng ngày phải đóng băng vì dịch Covid-19, sàn diễn sân khấu của các đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội dần được sáng đèn bằng các chương trình đón Tết thiếu nhi. Bên cạnh những chương trình đã được công diễn từ những năm trước thì cũng có một số chương trình mới được các nhà hát dàn dựng khá hấp dẫn, tươi mới.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tết thiếu nhi "đánh thức" sàn diễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO