Tháng Ba nhớ về đất Tổ

Trần Văn Mỹ| 25/03/2020 09:57

Mỗi lần tháng Ba đến, con dân nước Việt dù ở chân trời góc bể nào, cũng bồi hồi cảm xúc nhớ về núi Nghĩa Lĩnh trên đất Phong Châu, Phú Thọ là nơi các vua Hùng dựng nước.

Tháng Ba nhớ về đất Tổ
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba" (Ảnh: TTXVN)
Mỗi lần tháng Ba đến, con dân nước Việt dù ở chân trời góc bể nào, cũng bồi hồi cảm xúc nhớ về núi Nghĩa Lĩnh trên đất Phong Châu, Phú Thọ là nơi các vua Hùng dựng nước. Bốn nghìn năm, nước non này đã trải qua bao cuộc bể dâu, nhưng sự kính trọng thiêng liêng với vị vua mở nước vẫn tươi mới như ngày nào. Nhà văn Nguyễn Khôi, người con của làng Đình Bảng, đất phát tích của triều Lý kể rằng, hoàng tử Lý Long Tường là con thứ bảy của vua Lý Anh Tông, sớm nhìn ra sự biến thiên của thời cuộc, năm 1226 đã bí mật đem 6000 thuộc hạ vượt biển tìm đất sống. Cuối cùng, đoàn thuyền của Lý Long Tường đã đến tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển phía tây Cao Ly (gần Pusan, Hàn Quốc ngày nay). Năm 1232, Lý Long Tường với danh hiệu Bạch Mã tướng quân đã lãnh đạo gia thuộc và quân dân địa phương đẩy lùi quân xâm lược Mông Cổ. Năm 1253, quân Mông Cổ đánh Cao Ly lần thứ hai, Lý Long Tường đã chỉ huy quân và dân trong vùng chống trả quân của tướng Đường Cơ suốt năm tháng… rồi đại thắng quân Nguyên - Mông. Vua Cao Ly đổi Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong Lý Long Tường làm Hoa Sơn tướng quân. Nơi quân Nguyên đầu hàng được gọi là “Thụ hàng môn” và cho lập bia tại đây để ghi công Lý Long Tường. Thời gian sống ở Hoa Sơn, Lý Long Tường thường lên đỉnh núi trông về phương Nam mà khóc, nơi ấy gọi là “Vọng quốc đàn”.

Đến đời nhà Trần, xuất hiện Đại danh y Tuệ Tĩnh. Ông tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, người thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở chùa lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Năm 55 tuổi, với trí tuệ uyên bác, y thuật cao minh, ông bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc được vua Minh phong là Đại Thiền sư. Ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc. Ở phương trời xa, ông đau đáu nhớ về quê hương. Trên bia mộ của ông vẫn còn dòng chữ “Ai về nước Nam cho tôi về với”. Sử cũ ghi, năm 1690, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi sứ Trung Hoa, tình cờ thấy mộ Tuệ Tĩnh, nhận ra là người cùng làng. Cảm động về lời nhắn gửi thiết tha của vị danh y, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã sao chép bia mộ và tạc khắc bia đá mang về quê Hải Dương bây giờ (theo Nguyễn Quang Huy - Bậc tiên thánh thuốc Nam).

Điều đặc biệt dễ nhận thấy là hậu duệ của các vua Hùng, khi gặp hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn đĩnh đạc giữ gìn quốc thể. Sứ thần Giang Văn Minh (1582 - 1639), người làng Đường Lâm, huyện Ba Vì, Sơn Tây, đỗ Thám hoa 1628, đi sứ sang Minh (1637) đã thể hiện tài đối đáp. Phía Trung Quốc ra vế đối:

Đồng cổ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng từ xưa nay đã mọc rêu xanh); Giang Văn Minh đối lại: Bạch Đằng Giang tự cổ huyết do hồng (Nước sông Bạch Đằng từ xưa vẫn còn máu đỏ). Vua Trung Quốc tức lắm, sai tống ngục mười năm, và sau ông chết ở trong tù. 

Đến cuối thời Lê, một câu chuyện khác cũng làm chúng ta xúc động, đó là trường hợp Lê Quýnh một cựu thần triều Lê, khi thất thế đã sang Bắc quốc lưu vong. Người nước Thanh đem bổng lộc dụ dỗ và bắt ông phải gọt tóc, mặc áo như người Thanh, nhưng ông kiên quyết chối từ và nói: “Đầu ta có thể rụng nhưng tóc thì không bao giờ được cắt”. Cũng vào thời điểm đó, danh sĩ Ngô Thì Nhậm, được triều vua Quang Trung giao giữ việc bang giao với nhà Thanh, thế nước như nghìn cân treo sợi tóc, giữa Yên Kinh, ông bình tĩnh nói: “Hãy nhắn gửi người nước Nam, bao giờ ta cũng tự hào là người nước Nam”.

Hơn bốn nghìn năm, trải qua quá trình biển tiến, đất của các vua Hùng thuở khai cơ, kinh đô Phong Châu từ Ngã Ba Hạc, đã chuyển xuống Cổ Loa, huyện Đông Anh và Thăng Long - Hà Nội ngày nay. Trong cuộc kháng chiến chín năm trường kỳ và gian khổ, nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ, ở vùng bưng biền Nam Bộ, lòng vẫn nhớ về đất Bắc:

Ai xuôi về Bắc cho xuôi với
Thăm lại non sông giống
 Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ 
đất Thăng Long
Chính niềm tự hào về đất Tổ đã tạo niềm tin và sức mạnh giúp quân và dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tháng Ba nhớ về đất Tổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO