Thành Hà Nội thời Nguyễn

HNMCT| 04/10/2020 17:42

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi và định đô tại Huế, nhà Nguyễn hạ cấp Thăng Long là Bắc thành. Dù tên gọi không thay đổi nhưng chữ “Long” với nghĩa là rồng bị chuyển thành chữ “Long” với nghĩa là thịnh vượng.

Thành Hà Nội thời Nguyễn
Di tích Đoan Môn trong Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hữu Thiết

Theo Đại Nam thực lục chính biên, vì là Bắc thành nên không thể to hơn kinh đô Huế. Vì vậy, năm 1805, vua Gia Long đã sai phá thành Thăng Long thời Lê và cho xây thành mới ở vị trí cũ. Thành mới hình vuông hẹp hơn so với thành cũ. Tường thành cao 5m, xung quanh có hào rộng 20m, sâu 5m. Thành có 5 cửa, riêng phía Nam có hai cửa, trên cửa có gác canh gọi là thú lâu. Trên thú lâu có lính canh suốt ngày đêm. Tại các góc thành đều có tháp bảo vệ được xây lồi ra. Từ ngoài vào trong thành phải qua hai lần cầu trên hai tuyến hào.

Trung tâm thành vẫn là điện Kính Thiên, phía sau Kính Thiên là Hành cung - nơi dành cho vua ở mỗi khi tuần giá Bắc Hà. Phía Đông thành là dinh Tổng trấn (sau đổi là dinh Tổng đốc rồi Tuần phủ Hà Nội). Đến đời vua Minh Mạng đổi Bắc thành thành tỉnh Hà Nội. Năm 1835, Minh Mạng cho hạ thấp tường thành xuống 1 thước 8 tấc (tương đương 3,7m), bịt hai cửa Tây và Nam. Từ đây, thành được gọi là thành Hà Nội. Năm 1848, vua Tự Đức ra lệnh phá dỡ các cung điện còn lại trong thành Hà Nội nhằm lấy đồ gỗ, đá chạm trổ đưa về Huế để trang trí nên chỉ còn lại đôi rồng đá trước điện Kính Thiên. Thời vua Tự Đức, trong thành có 3.000 quân cùng gia đình khiến thành như một thị trấn riêng biệt.

Sau khi chiếm Nam Kỳ, thực dân Pháp mưu tính chiếm Bắc Kỳ. Năm 1873, Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất. Dù rất đông binh lính đồn trú nhưng thành vẫn bị thất thủ, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và con trai Nguyễn Lâm chết. Sau khi nhà Nguyễn chấp nhận điều kiện do thực dân Pháp đưa ra trong hòa đàm, họ trả lại thành. Năm 1882, Pháp đánh thành lần thứ hai. Dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Hoàng Diệu, quân lính chống đỡ quyết liệt nhưng cuối cùng vẫn thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết.

Chiếm được thành, chỉ huy quân Pháp là Henri Rivière sai phá các cửa, bạt thấp một số đoạn tường, điện Kính Thiên bị sửa làm lô cốt. Ban đêm, nghĩa quân các vùng lân cận vào quấy rối thành nên lính Pháp phải chui vào lô cốt cố thủ. Các quan tỉnh Hà Nội bị Pháp đuổi hết ra bên ngoài. Đoan Môn cũng bị sửa làm nơi ở cho lính. Cột cờ xây từ năm 1812 được làm thêm mái che, bên trong nuôi chim bồ câu đưa thư cho quân Pháp. Năm 1887, Hành cung bị phá để xây tòa nhà hai tầng làm sở chỉ huy pháo binh. Hậu Lâu cũng bị san phẳng làm trại lính.

Thời gian Pháp đóng quân, thành Hà Nội hoang tàn và bị phá nát. Ngày 23-7-1893, Hội đồng Thị chính thành phố Hà Nội họp và quyết định phá bỏ bốn bức tường thành Hà Nội. Sau đó, Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan (1891 - 1894) đại diện cho chính phủ Pháp ký hợp đồng phá dỡ với đại diện nhà thầu là Auguste Bazin. Ông này tổ chức đấu thầu phá dỡ tường và trúng thầu là cô Tư Hồng, một phụ nữ Việt Nam.

Về việc phá tường thành, báo “Người Bắc Kỳ độc lập” viết: “Lý do phá thành không rõ ràng, không phải để lấy đất phát triển thành phố vì quỹ đất Hà Nội dồi dào, cũng không phải vì mục đích quân sự”. Vì thế, người Pháp sống ở Hà Nội và những người Hà Nội theo sát thời cuộc cho rằng, việc phá thành là cuộc làm ăn chia chác giữa nhóm người có quyền và một vài nhà tư bản.

Tuy nhiên, lý do chính thức đã được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897 - 1902) công bố trong cuốn hồi ký L’Indochine Francaise (Xứ Đông Pháp - Những kỷ niệm, xuất bản ở Paris năm 1905) như sau: “Người ta lấy lý do là những bức tường thành đã ngăn cản sự lưu thông của khí trời đến mức mà những người dân châu Âu cư trú trong đó phải chịu đựng sự ô nhiễm độc hại. Nếu đúng như vậy thì sự lo lắng đến sức khỏe con người đã vượt qua mọi thứ khác trong những xứ nhiệt đới nơi mà quá nhiều nguy hiểm đe dọa họ, vậy thì chúng ta cũng không nên tiếc hành động đã làm. Chỉ có điều buồn cho nghệ thuật và lịch sử là cổng thành không còn nữa. Tôi đã đến quá chậm trễ để có thể cứu vãn những bi thảm của tòa thành đó. Đặc biệt là những cửa thành, nó xứng đáng được bảo tồn”.

Sau năm 1954, một phần diện tích của thành do Bộ Quốc phòng quản lý. Ngày 20-6-2012, Bộ Quốc phòng đã bàn giao phần phía Bắc thành cổ cho Hà Nội. Khu vực này hiện là điểm đến của những người muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam, cũng là địa điểm tham quan thú vị của du khách trong và ngoài nước bởi Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2010.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thành Hà Nội thời Nguyễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO