Theo chân bóng nắng

Nguyễn Công Đức| 28/04/2020 08:40

Theo chân bóng nắng

Mùa xuân là mùa đẹp nhất của đất trời và Tây Bắc cũng vậy. Mùa xuân miền sơn cước Tây Bắc có một vẻ đẹp đến lạ lùng. Khi xuân bước sang nắng ấm dần lên là lúc những chồi non hé nụ, những loại cây ăn quả như mận, đào, mơ… được lúc cho những đóa hoa còn ẩn nụ bung mình rung rinh trong gió, những vạt cải ngồng vàng óng ả khắp các sườn đồi, thung lũng… Đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm, khi trời trong vắt xanh thăm thẳm tỏa xuống nhân gian một màu vàng như rót mật kích thích muôn hoa đua nhau khoe sắc…

Nắng. Ồ cái nắng lên rồi! Ông mặt trời chui ra từ màn sương, nhô đầu lên khỏi rặng núi đằng xa rải lên mặt đất những tia nắng vàng ươm như bột ngô, những tia nắng vón lại trên những đám mây như một dải mèn mén được tung lên không gian. Màn sương mỏng phủ lên trên các nóc nhà ở bản bắt đầu tan loãng. Cả bản như vừa mới thức dậy sau một đêm say giấc.

Mặt trời lên xanh núi rừng tãi thứ ánh sáng sánh quyện như phết lớp mật ong lên những con đường quanh co uốn lượn qua các triền núi mềm như dải lụa. Con đường như sợi chỉ mảnh mờ mờ trong hơi sương lúc vút lên đỉnh cao để đón nghe gió thổi vi vu, lúc sà xuống thung lũng dọc theo con sông uốn lượn theo thế núi. Hiền hòa và bình yên.

Và ánh nắng trải tràn lên những sắc hoa, cơ man nào là hoa, hoa nở khắp nơi, ở ngang tầm mắt, ở ngay dưới những bước chân. Sắc hồng thắm của hoa đào, sắc trắng của hoa mận, hoa mơ, sắc vàng của hoa cải… tất cả hòa quyện với nhau, nâng đỡ nhau để trở thành bản thể nhận diện mùa xuân nơi non cao này. 

Nắng lên, những đứa trẻ ùa ra từ các nóc nhà tíu tít đánh đu dưới những tán hoa mận, gió rung rinh, cành lá lắc lư, những cánh hoa như những bông tuyết trắng rơi rơi phủ đầy lên tóc hòa vào những nụ cười rạng rỡ như ánh nắng ban mai. Các cô gái H’Mông từ các ngõ ngách nắm tay nhau xà tích leng keng, váy xống, vòng hạt hoa hết cả mắt đi thành từng nhóm trên các mỏm núi cao nơi giao thoa giữa trời và đất để ngồi ngắm cảnh trò chuyện. Họ lặng lẽ hưởng cái nắng sưởi ấm cơ thể, thư thái nhìn ngắm núi rừng, nhìn cây, nhìn mây, nhìn trời, nhìn nắng, nhìn hoa cho đến khi trời sắp tắt nắng mới đứng dậy trở về.

Nắng tràn xuống bãi bằng giữa bản. Mảng đỏ hồng hoa đào chen mảng xanh của cỏ và mảng đen của áo quần, hòa sắc thật táo bạo và vui mắt. Xa xa, xanh lơ núi xếp nếp lớp lớp như phông màn trang trí. Mặt trời trên cao, lóe sáng trên muôn ngàn ánh bạc của vòng cổ, vòng tay, xà tích, lập lắc, khóa bảo mệnh. Nhạc khèn, nhạc sáo vi vút hoà lẫn tiếng chim hoạ mi, chim khiếu thánh thót. Rặng đào già cạnh vạt cải trổ ngồng cao vổng, nách đơm hoa, quả chổng ngược, mấy cái lồng chim hoạ mi mắc trên cành đào như mấy cái chuông đang reo. Cạnh đó hai gã trai H’Mông đang múa khèn. Những hợp âm khèn đầy đặn, vuốt ve. Tiếng khèn ve ve toàn điệu đỏ, điệu vui, nghe kỹ còn thấy lẫn trong dòng thác âm thanh nô nức, là cái say, là cái tỉnh, cái khôn. Tiềng khèn ẩn hiện réo rắt: “Yêu nàng anh yêu lắm, lòng anh yêu nàng. Say đắm lắm cô nàng ơi! Ớ, sao em đẹp thế? Gốc đào sao khéo nở hoa…”.

Tiếng khèn bay lên chín tầng mây để trời cũng ngẩn ngơ vén mây ngó xuống. Tiếng khèn vang tới núi rừng để muông thú phải nắm tay nhau nhảy múa, hát ca. Tiếng khèn hòa điệu nghiêng ngả, sà xuống chân núi, vờn trên đầu con nước dưới sông rồi lại vút lên tít tầng mây xốp trắng như bông… Ngồi bên gốc đào một gã trai H’Mông khác nhấp nhổm không yên. Quên hết mọi cái, gã rút cây sáo, đặt lên môi. Các cô gái váy xòe, xà tích dài thượt bá vai nhau đứng nghe. Sáo hay chẳng kém khèn, trầm ấm, vang xa. Một cô gái thon gọn, mặt nhẹ nhõm từ đâu đến, đứng ngay cạnh gã, ngẩn ngơ. Sáo ngừng một lần. Cô gái lại khẩn khoản: “Thổi nữa đi, anh”. Sáo lại pừ từ từ, pừ lê lê… Tiếng sáo H’Mông thong thả hòa cùng tiếng khèn. Hồn người như thoát qua cái ống trúc, cuốn cả hồn cô gái theo, bay bay, lượn lượn trên cái bãi cỏ đang bắt đầu đông.

Dưới một tán cây mận mồ côi đứng cô lẻ giữa đất trời bung hoa trắng muốt, một bà mẹ trẻ địu con thơ đang gà gật ngủ say. Hai mẹ con ngồi yên lặng trong nắng ấm cùng lắng nghe tiếng nhạc phát ra từ mõ đeo cổ của mấy con trâu thong thả gặm cỏ gần đó. Hai mẹ con chơi. Mấy con trâu chơi. Nhạc mõ chơi. Cái nắng chơi. Cái gió chơi… Một cuộc chơi đồng điệu và thư nhàn tuyệt đối. Núi ấy, mây trời ấy khi nào mà chẳng thế, ấy vậy mà người núi cao vẫn mải mê ngắm nhìn bởi vì họ biết tận hưởng thời khắc đó là giành cho chính mình, sống cho chính mình. Những đứa trẻ núi cao vẫn thế, má phinh phính hồng như hoa đào, chúng vẫn còn vê ti mẹ nhưng đã biết ngắm nhìn đất trời, cảnh vật trong im lặng.

Giữa đám đông trên bãi cỏ kia hai gã trai múa khèn vẫn hòa theo tiếng sáo dưới gốc đào đang mải mê múa. Điệu múa đẹp quá. Các cô gái chúm chím miệng cười khoe hàm răng trắng lấp lóa cũng bị cuốn vào điệu múa. Khom khom lưng, miệng ngậm khèn, đầu gật gật, chân tập tòe. Ngón tay nảy đều đều, tiếng khèn nhẹ tênh hơi gió. Lưỡi khèn hát, sáu ống trúc ngắn dài bó kết trong dây đai vang âm. Người múa đi những đường lượn, đường vòng, nước đi, nước lùi, khi thì như con nai in trên thảm cỏ, khi thì như cơn gió mát lướt nhẹ qua rừng cây, khi thì như con công đứng chụm chân xòe cánh, lăn tròn, lộn nhào, quay tít ngón chân... Nhạc khèn không đứt hơi, quyện vào bước chân người múa, dẻo như mây, thoăn thoắt đánh gót đập chân mà thanh thản, thoải mái như rong chơi. Kết thúc bài, người múa lại thổi bài mời mọc rồi người khác bước ra sân, bái chào, không để cho trang khèn bị đứt quãng. Người vừa biểu diễn xong, bước ra khỏi sân được đón đôi chén rượu với một sự trọng vọng khâm phục đặc biệt.

Những tiếng khèn vi vút, trong trẻo, tài hoa, cao nhã, làm mê mẩn lòng người, bay vào rừng làm ngẩn ngơ muông thú, lượn trên các tầng mây làm động lòng trời. Tiếng khèn làm cho ánh nắng như vón đọng lại trên núi đồi, trên cỏ cây hoa lá. Những giọt nắng đọng lại giữa một bãi cỏ mênh mông để mọi người có thể ngả lưng an nhiên nằm trên đó ngắm nhìn ánh nắng xuyên qua tán mận và mỗi khi cơn gió thoảng qua một cơn mưa hoa mận như tuyết rơi hôn nhẹ lên môi, lên da thịt của mình.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Theo chân bóng nắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO