Theo "tiếng gọi sông Đà"

Thanh Vũ | 20/06/2020 20:01

Hẹn nhau từ năm trước mà mãi đến đầu tháng 5 năm nay (2020) tôi và Tào Khánh Hưng - Phó Tổng Biên tập báo Xây dựng mới cùng nhau vào đến Mường Tè. Trên chiếc xe gầm cao đi theo quốc lộ 4H từ cầu Pa Tần qua sông Nậm Na vào đây, chúng tôi bồi hồi nhớ về quãng đời tuổi trẻ gắn với dòng sông Đà…

Theo
Nhà báo Tào Khánh Hưng
Theo đuổi đam mê

Năm 1981, vừa học hết cấp III, Chương Mỹ (Hà Tây - nay thuộc Hà Nội),  Hưng “nghe theo tiếng gọi sông Đà” đã xung phong lên “Công trường Thanh niên cộng sản xây dựng nhà máy thủy điện Hoà Bình”. Sau một năm, được đi học Trường Công nhân kỹ thuật lắp máy Ninh Bình, học nghề thợ hàn, Hưng bảo: nhiều người cứ nhìn mấy ông thợ hàn làm cửa sổ, chấn song sắt… nghĩ rằng nghề thợ hàn thật dễ. Nhưng thực ra đây là một nghề đòi hỏi sức khỏe và việc học hành nghiêm túc.

Năm 1985, Hưng ra trường và được điều về Liên đội hàn thuộc Xí nghiệp liên hợp lắp máy 10 (Liên hiệp các xí nghiệp lắp máy Việt Nam). Trong những ngày công tác ở đây, Hưng xây dựng gia đình với một cô thợ lắp máy trên công trường. Nghề thợ hàn điện tuy nặng nhọc nhưng cũng thú vị, khiến cho chàng thợ hàn này  có thêm một ham thích khác. Hàng ngày chứng kiến khung cảnh sôi động, hào hùng trên công trường, Hưng muốn ghi lại những hình ảnh ấy để chia sẻ với mọi người. Vậy là anh sắm một chiếc máy ảnh loại ít tiền, mày mò học chụp ảnh, học tráng phim, làm ảnh… Và tranh thủ những giờ nghỉ, ngày nghỉ đi chụp ảnh trên khắp công trường.

Hàng ngày, công trường Hòa Bình tiếp đón các nhà báo đến tác nghiệp. Thông tấn xã Việt Nam cũng cử một phóng viên ảnh thường trú. Hưng lân la làm quen và học nghề.  Đầu tiên là những tấm ảnh đen trắng cỡ 9 x 12cm… kèm vài dòng tin ngắn gửi cho báo Hà Sơn Bình, cho bản tin của Đài truyền thanh sông Đà. Rồi những tin kèm ảnh gửi cho các báo ở Hà Nội như: Tiền Phong, Hà Nội mới, Nhân Dân, Quân đội nhân dân…

Tôi gặp Tào Khánh Hưng năm 1988, trong dịp công trường Hoà Bình bắt đầu vào cao trào hoàn thành lắp đặt và phát điện tổ máy số 1. Giám đốc Liên hợp lắp máy 10, kỹ sư Đặng Văn Vỵ khoe: Ở đơn vị có một cậu thợ hàn chịu khó chụp ảnh gửi tin cho các báo. Tìm đến nhà Hưng ở khu tập thể, thấy cạnh gian nhà chật hẹp lợp fibro xi măng, có hẳn một cái hõm lồi ra. Hưng bảo, đấy là nơi anh làm ảnh. 

Có được gian nhà này cũng là nhờ ông giám đốc Vỵ. Một hôm tìm đến nhà, hỏi “Hưng đâu?”, thấy ú ớ có tiếng nói dưới gầm bàn đang phủ kín chiếc chăn dạ. Thì ra Hưng lấy gầm bàn che chăn làm buồng tối. Lúc đó hai vợ chồng còn ở trong một phòng tập thể khoảng hơn 10 mét vuông, ngăn đôi bằng cót ép. Thế là giám đốc tạo điều kiện cho chuyển nhà. Ở đầu hồi nhà mới dùng gạch xỉ xây một cái mái vẩy nho nhỏ làm buồng tối cho cậu thợ hàn. Cũng từ đó, khi có những phần việc quan trọng trên công trường là người ta lại gọi “phóng viên” Hưng.

Dòng chữ nho nhỏ “Tin và ảnh Tào Khánh Hưng” bắt đầu xuất hiện đều trên các báo từ đấy.

Nhà báo đa tài

Quốc lộ 4H chạy từ Pa Tần vào Mường Tè là đường cấp 5 miền núi, tráng nhựa phẳng phiu có lẽ một phần do ít xe tải nặng chạy. Nhưng vẫn còn nhiều cua tay áo, dốc ruột gà và những ta luy dương cao chót vót, vách đất bị mưa gió xói nham nhở. So với đường lên thủy điện Hòa Bình - Sơn La rồi thủy điện Lai Châu có vẻ vất vả hơn. Lâu lâu, Hưng lại hô lái xe dừng lại để chụp ảnh.

Tiếp câu chuyện về thời gian ở Hòa Bình, Hưng kể: thực ra lúc ấy chụp ảnh và viết tin cũng là do bản năng thôi, đã được học hành nghiêm chỉnh gì đâu. May được ông giám đốc Vỵ quan tâm. Sau khi Lắp máy 10 hoàn thành lắp đặt 8 tổ máy Hoà Bình, việc hết, giám đốc Vỵ gọi lên bảo, đây là cơ hội cho bạn đổi nghề. Xin chuyển đi đâu cũng được. Thật may, tỉnh Hòa Bình vừa tái lập. Báo Hòa Bình cần người. Thế là Hưng xin chuyển về làm phóng viên ở báo Hòa Bình. Lúc đó là tháng 10/1991.

Tôi cũng nhãng tin về Tào Khánh Hưng từ độ ấy. Cho đến một hôm, điện thoại của tôi xuất hiện một số máy lạ. Và, đó là Hưng, cậu cho biết giờ đã về báo Xây dựng công tác. Bao nhiêu năm Tào Khánh Hưng vẫn vậy, xởi lởi, vồn vã. Rồi Hưng kể, về báo Hoà Bình được 3 năm thì thi vào Phân viện báo chí, đỗ điểm cao hệ chính quy. Cũng vất vả vì vừa đi học, vừa nuôi con. Năm 1998 ra trường, quay lại về báo Hoà Bình công tác.

Ở chàng nhà báo này dường như nỗi khao khát được học tập không lúc nào vơi. Cầm tấm bằng cử nhân, Hưng tiếp tục đi học tại chức tại Trường Đại học Thương mại, khoa Quản trị kinh doanh. Sau 4 năm đèn sách, tháng 3/2000 Tổng biên tập báo Xây dựng Kim Quốc Hoa lên xin tỉnh Hòa Bình cho Hưng về Hà Nội công tác. Từ tháng 6/2000 đến nay, nhà báo Tào Khánh Hưng trải qua nhiều vị trí công tác, là Phó Trưởng phòng rồi Trưởng phòng phóng viên, Thư ký Toà soạn báo Xây dựng, Phó Tổng biên tập báo Xây dựng. Vừa làm vừa học, tự trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phấn đấu và cống hiến cho sự nghiệp báo chí, bạn bè đồng nghiệp khâm phục khi thấy ở Tào Khánh Hưng sự nhiệt huyết đam mê với lửa nghề.

Tào Khánh Hưng ưa dịch chuyển, cậu luôn đau đáu đi để thấu hiểu, chia sẻ và khám phá đất nước và con người. Ròng rã từ năm 2000 đến nay, tôi và Tào Khánh Hưng tranh thủ những ngày thứ Bẩy - Chủ nhật để lên các công trường xây dựng nhà máy thủy điện ở Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang… Công trường thì không có ngày nghỉ. Vì thời gian ngắn, nên đến nơi là lao ra hiện trường ngay bất kể ngày đêm hay mưa rét. Nhớ những chuyến đi lên công trường xây dựng nhà máy thuỷ điện Lai Châu, công trường Sử Pán Lào Cai,… vô cùng gian khổ vì đường xá, tàu xe không thuận tiện như bây giờ, thế mà máu nghề, chúng tôi vẫn hăng hái xách máy lên đường và tác nghiệp trên khắp mọi công trường Tổ quốc.

Lần này đi Mường Tè cũng vậy. Chúng tôi quyết tâm phải lên đến bản Mường Tè, xã Mường Tè, nơi có con sông Đà chảy vào nước Việt. Hơn 4 giờ chiều ngày 6/5 đến thị trấn huyện lỵ là chúng tôi bám xe máy đi đến các nhà dân ở khu tái định cư, cảnh Mường Tè đẹp như tranh vẽ với hồ thủy điện nước trong xanh lững lờ trôi. Ruộng cao, ruộng thấp đang vào mùa gặt lúa chín trải khắp tầm mắt.

Trên đường ra, Tào Khánh Hưng cứ trầm ngâm, thi thoảng lại lẩm bẩm. Được một quãng, Hưng bảo: Em đang nghĩ lời cho một bài hát về Mường Tè. Mở đầu như thế này có được không anh: “Trập trùng, trập trùng núi, trập trùng sông… Mây bay vờn núi, quanh co đường lên đèo, xuống dốc… Qua dãy Mý Mu anh đến quê em Mường Tè…”

Lại thêm một nét mới của chàng phóng viên quê ven dòng sông Đáy. Vài năm gần đây, với cây guitar gỗ, Hưng mày mò học nhạc lý và sáng tác ca khúc. Công bằng mà nói thì giai điệu các bài hát của Hưng không phức tạp lắm. Nhưng lời thì chau chuốt và có những bài được đánh giá cao. Trong đó bài hát “Tự hào cô giáo trẻ” được nhiều trường học ở Hà Nội chọn làm bài hát trong ngày khai giảng, đi hội diễn của ngành và giành giải cao. Bài hát “Trường Sa yêu thương” Hưng sáng tác ngay trong chuyến đi Trường Sa, được Truyền hình Quốc hội dàn dựng trong chương trình Vì Trường Sa. 

Trong chuyến đi Mường Tè, Tào Khánh Hưng chia sẻ vừa có một bài hát về những người thầy thuốc trong tuyến đầu chống dịch Covid-19. Tình cờ thôi, nữ bác sĩ Vũ Hiền Phương (bệnh viện Bạch Mai) trong thời gian “bị cách ly” tại bệnh viện, đã viết một bài thơ về công việc của mình, và gửi cho toà soạn báo Xây dựng. Báo đăng, Hưng xúc động trước tấm gương quên mình vì người bệnh của các thầy thuốc, đã phổ nhạc một đoạn thơ của Vũ Hiền Phương và bài hát “Áo trắng tuyến đầu” ra đời đã được dư luận, đặc biệt là các thầy thuốc hoan nghênh.

Dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay, Tào Khánh Hưng sáng tác bài hát “Nhà báo chúng tôi” với giai điệu rộn rã. Hưng tâm sự, năm 2017 nghe tin nhà báo trẻ Đinh Hữu Dư (Thông tấn xã Việt Nam) bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp tại Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, mà bàng hoàng, thương xót, rồi nung nấu ý định viết một bài hát về nghề làm báo của mình. Mãi đến tháng 4/2020 mới hoàn thành. Bài hát “Nhà báo chúng tôi” dành để tôn vinh nghề báo - vốn gian nan, vất vả, hiểm nguy nhưng rất đỗi vinh quang và tự hào. Qua đó tri ân các nhà báo đã anh dũng hy sinh trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Theo "tiếng gọi sông Đà"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO