Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai: Con đường tôi đi - con đường đã chọn

Phùng Văn Khai| 06/04/2018 14:09

Tôi gặp Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai lần đầu cũng đã 16 năm, năm 2002. Khi ấy, tôi còn là phóng viên truyền hình quân đội nhân dân, xuống làm phóng sự về chương trình truyền thanh nội bộ của Trường Sĩ quan Lục quân 2. Ông lúc đó là Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng về chính trị nhà trường. Anh em phóng viên làm nghề thường xuống thẳng thực địa, sờ vào đường dây truyền thanh, gặp gỡ những phóng viên, biên tập viên nội bộ. Tôi còn nhớ có chị Thoa - Phát thanh viên truyền thanh có chất giọng rất truyền cảm. Khi

Đến tối hôm đó tôi được ngồi ăn cơm cùng với Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai.

Bữa ăn đầu tiên ấy phải nói là rất ấm cúng, cởi mở. Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, người con xứ Nghệ, người lính chiến từ chiến trường ra từng là một xạ thủ đại liên nay đang trên cương vị trọng trách lớn của một ngôi trường đào tạo sĩ quan phân đội cho toàn quân ở phía Nam ngồi kia, bình dị và chăm chú nghe anh em trẻ đua nhau nói về nghề nghiệp. Ông ít nói nhưng đôi mắt luôn cười theo câu chuyện của chúng tôi. Thi thoảng ông hóm hỉnh chen vào những ý kiến chuyên môn vừa nhân văn vừa sắc sảo. Ông bảo các nhà báo nhà văn đừng sợ nghị quyết. Nghị quyết cũng là cuộc sống chứ. Phải đưa nghị quyết vào cuộc sống. Đưa cách nào chính là do tâm huyết và tài năng của các nhà văn nhà báo đấy thôi. Tôi khẽ giật mình. Một tư duy chín đằm được nói thẳng băng mà rất thấm thía. Phải là người đã kinh qua bao nhiêu khó khăn, thậm chí là phức tạp, thậm chí là đứng trước các bước ngoặt mang tính lịch sử mới dễ bề trình bày một việc khô cứng nhẹ nhàng, tự nhiên như thế. 

Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai: Con đường tôi đi - con đường đã chọn
Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai và Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam - Trung tướng Đỗ Trung Dương kiểm tra huấn luyện 2003
Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai luôn là con người như vậy.

Những ngày tháng ở chiến trường, qua hồi ký “Con đường tôi đi” đã hiện lên rất đủ đầy vóc dáng của một người con xứ Nghệ trong chiến tranh. Ông sinh năm 1947 tại xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Quá trình chiến đấu và trưởng thành của Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai bạn đọc sẽ tìm thấy lần lượt, rõ ràng, xúc động trong từng trang hồi ký của ông. Một cuốn hồi ký khá đặc biệt. Nó vừa chân thực vừa có những nét lãng mạn. Nó vừa phản ánh cuộc đời riêng của một người chiến sĩ đồng thời còn mở ra những biên độ khác, từ sự khốc liệt của mỗi chiến trường đến những vui mừng, đón đợi ngày toàn thắng. Trong đó, có không ít trang mô tả tình yêu cá nhân, viết về người bạn gái, người yêu của ông, sau này là người vợ thảo hiền cùng ông đi suốt cuộc đời. Đọc toàn bộ hồi ký, mới thấy Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai làm công tác Đảng, công tác chính trị cũng thần tình và mềm dẻo lắm. Mà vẫn vô cùng nguyên tắc. Ở các bài viết nhỏ nơi cuối sách, đồng đội ông, chắc hẳn quá thấu hiểu cá tính và tâm can của vị tướng, đã viết về ông rất trung thực. Trung thực như chính cuộc đời ông đã hiện ra không phải chỉ qua hàng trăm trang sách mà là qua những gì đọng lại ở trong tim, qua đường dây truyền thanh nhỏ bé, qua những ngôi trường mẫu giáo i tờ, cấp 1, cấp 2, cấp 3 tươi xanh dưới vòm cây đất Tam Phước - Đồng Nai nắng gió. Công việc cũng là mệnh lệnh của trái tim mà Đảng ủy trường Sĩ quan Lục quân 2 trong đó có ông luôn xác định đây chính là một xã hội thu nhỏ, từ điện, đường, trường, trạm, đến công ăn việc làm cho mỗi con người, an ninh trật tự cho mỗi thôn ấp, đời sống văn hóa cho mỗi khu dân cư, ngọn lửa hạnh phúc cho mỗi gia đình nhỏ trong ngôi nhà lớn, đều được tính toán và thực hiện từ nhỏ đến lớn, từ khởi đầu đơn sơ đến kết quả vẹn toàn. Một điều đặc biệt, những người cha người mẹ của các quân nhân đã được vận động từ trăm vùng đất lặn ngòi ngoi nước hàng ngàn km đến với những người lính nơi nắng gió này khi từ trần sẽ chôn cất ở đâu? Thế là dự án nghĩa trang mới ra đời vì khu nghĩa trang cũ vừa hẹp vừa nằm kẹp giữa khu dân cư, môi trường sẽ bị xâm hại. Khu nghĩa trang mới rộng 2 ha ra đời trong sự thương yêu đùm đậu của chính quyền, của nhân dân và của những người lính. Hàng ngàn mái nhà nơi làng lính Lục quân 2. Hàng ngàn cháu bé được sinh ra dưới tán rừng cao su, rừng tràm đêm ngày ì ùng tiếng súng tập tành của bộ đội để rồi lớn lên, để rồi tiếp bước cha anh. 

Tôi cứ mỉm cười mãi khi trong tập sách, một cấp dưới của ông có viết rằng: “Thời dưới quyền ông, lớp người chúng tôi được ông dìu dắt, chỉ bảo, rèn giũa… mọi thứ vào chúng tôi tựa như chiếc bình cổ rụt, chậm mà chắc. Khi cái bình có nghiêng, thậm chí đổ hẳn ra, cái ở trong vẫn còn một nửa! Bây giờ, nhiều thứ tôi thấy nó mong manh quá, ví như cái cốc vại, vào nhanh, nhưng hơi nghiêng là đổ ra hết?... Đó chính là cái bản lĩnh của người cán bộ mà ông rất dày công xây đắp”! Lối ví von này cũng lạ mà kể ra cũng đúng lắm thay?

Sau này tôi còn gặp ông nhiều lần, nghe ông bộc bạch và chia sẻ, thậm chí cùng làm nghề với chúng tôi trong những phim phóng sự như phim “Đêm thao trường”; “Hai con người liệt sĩ”; “Làng lính Lục quân 2”… đều thấy vẹn nguyên ở đó ngoài tư duy sắc sảo, tất cả vì cái lớn, vì việc chung, còn có một phong độ nhân văn luôn toát ra rất tự nhiên ở con người vị tướng. Ông thường nghe chúng tôi trình bày rất chăm chú. Có những điều không trùng với suy nghĩ của ông hoặc dự kiến ban đầu của kịch bản, cho dù nhất trí hay không, ông đều để người đối diện nói hết ý mình, sau đó cùng cân nhắc trao đổi và đi đến kết luận cuối cùng. Ngay cả cái cách kết luận cũng nhẹ nhàng khúc triết lắm. Và khi đã kết luận, thì đó là ý của người khác dẫu khác hẳn ý của mình, ông vẫn đồng thuận để cùng thực hành theo. 

Đó là nét quý không dễ gì có được ở những người có cương vị như ông.

Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai từng trải qua nhiều đời hiệu trưởng. Chỉ riêng với điều này đã cho thấy sự mềm mại của một hơi hướng người hiền trong hành xử để đi tới những thành tựu bền vững cho một ngôi trường quân đội lớn nhất phía Nam. Ở cương vị của ông, nếu chỉ có đôi chút gợn lên sẽ hoàn toàn có thể khiến sóng gió có cơ hội xuất hiện. Điều này không phải không có dưới nhiều mái trường. Nhưng với riêng ông, trong suốt mấy chục năm nắm giữ các cương vị, đặc biệt là 12 năm Bí thư Đảng ủy - chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị nhà trường, đã cho thấy cái tâm sáng trong như ngọc, sự bình tĩnh an nhiên như nước mà vượt qua những khó khăn, những khác biệt để đi chung con đường lớn mà cha anh chúng ta đã tốn rất nhiều xương máu xây đắp lên. Trung tướng Lê Nam Phong, người thầy, người anh lớn, người chiến sĩ Điện Biên quả cảm với cương vị hiệu trưởng đầy cá tính nhưng cũng hết sức nhân văn với từng người chiến sĩ đã là hòn đá tảng để mỗi cán bộ chiến sĩ trong đó có ông học tập noi theo. Năm tháng thời gian trôi qua, Nguyễn Viết Khai càng thấm thía điều này. Các ông như những trái tim chung một nhịp đập, chung một con đường và mãi mãi chung một niềm tin lớn, một lẽ sống lớn ở đời.

Không hiểu sao, tôi luôn nghĩ Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai đã từ lâu ngộ ra rằng, ở đời, bể học vốn vô cùng, và từ đó luôn siêng năng gom nhặt những hạt vàng trong cuộc sống. Những hạt vàng ấy, có thể từ những gì rất lớn lao, từ Tổ quốc luôn phải rũ bùn đứng dậy, từ nhân dân lầm than ngàn năm chưa bao giờ tiếc xương máu của mình trong tiến trình dựng nước và giữ nước, từ Đảng, từ Bác Hồ vĩ đại. Có khi, thật bình dị đến nao lòng, những hạt vàng ấy được nhặt từ những đồng đội đã hi sinh, những đồng đội đang bước tiếp, những cụ già, em nhỏ lẫm chẫm xung quanh chúng ta đây, từ những người thầy khả kính nơi xứ Nghệ và cả các thế hệ học trò của mình mấy mươi năm. Tôi luôn thấy ở vị tướng, dù nhiều năm chưa gặp mặt, ánh mắt biết cười ấy, cái giọng nhỏ nhẹ ấy, những hạt lấp lánh sáng và ấm áp vô cùng. 
(0) Bình luận
  • Chiến sỹ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiến sỹ Điện Biên của tác giả Vũ Lan Phương.
  • Mùa xuân Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Mùa xuân Điện Biên của tác giả Nguyễn Địch Long.
  • Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên của tác giả Lương Sơn.
  • Âm vang Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Âm vang Điện Biên của tác giả Vũ Nhang.
  • Chiếc xe thồ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiếc xe thồ Điện Biên của tác giả Nguyễn Đình Quý.
  • Lớn lên từ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Lớn lên từ Điện Biên của tác giả Nguyễn Quốc Lập.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai: Con đường tôi đi - con đường đã chọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO