Thơ triều Lý Thâm viễn trí tuệ và thiết thực gần đời

Nhà thơ Vũ Quần Phương| 11/02/2021 18:14

Thơ triều Lý Thâm viễn trí tuệ và thiết thực gần đời

Năm 938, Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán, chấm dứt chế độ Bắc thuộc kéo dài cả nghìn năm, mở đầu thời kỳ độc lập. Năm 970, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, mở đầu thời  kỳ thống nhất đất nước. Từ hai tiền đề đó, năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi, năm sau dời đô ra Thăng Long mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, khai sinh nhà nước phong kiến bền vững. Nhà Lý tồn tại trên hai thế kỷ (1009 - 1225). Nhà Lý là thời kỳ nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập thống nhất tự chủ và ổn định đầu tiên trong lịch sử nước ta, thời kỳ phát triển huy hoàng của nhiều lĩnh vực  chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục... Thơ ca triều Lý, tấm gương soi tâm hồn của thời đại ấy, cũng là bước phát triển vượt bậc của thơ ca nước nhà, tạo nền tảng và là nguồn gốc cho mọi thành tựu của thơ dân tộc nhiều đời sau.

Thơ triều Lý (xin được bao gồm luôn cả thơ của hai triều Đinh và Tiền Lê ngắn ngủi như các sách nghiên cứu của ta vẫn thường làm), vừa được khai sinh đã phát triển tới đỉnh cao mà các đời sau không lặp lại được. Đó là dòng thơ Thiền, đề cập tới những chủ đề bao quát nhất về tồn tại của con người. Không phải là cái nhìn thân phận như triết học hiện sinh thế kỷ 20 mà là cái nhìn hài hòa, thống nhất con người với vũ trụ, đề cao con người về phương diện ý chí, tình cảm, con người tự giác nên tự chủ trước tạo vật. Trong toàn bộ nền thơ Việt Nam chưa thời kỳ nào con người thành chủ thể có cái nhìn thâm viễn như con người trong thơ thời Lý. Những vấn đề sâu rộng nhất của triết học trở thành tình cảm nhuần nhuyễn của thơ. Phương pháp tư duy biện chứng được vận dụng thành một tư duy thơ đầy biến hóa. Triết lý thâm viễn nhưng cực kỳ gần gũi với đời sống, trở thành kinh nghiệm xử thế cho người đọc. Bút pháp hàm súc lại cụ thể, trực cảm. Xin được ví dụ một đôi bài: 

Bài thơ Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) của Thiền sư Mãn Giác, tên thật là Lý Trường (1052-1096), thể hiện lòng yêu đời vượt quy luật thông thường bằng vận dụng quy luật ngoại lệ. Bút pháp biểu tượng, hàm súc, dễ hiểu:

Bản dịch thơ:

Có bệnh bảo mọi người
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua xuân trước một nhành mai.
Ngô Tất Tố dịch
Phiên âm nguyên tác: 

Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai/ Sự trục nhỡn tiền quá/ Lão tòng đầu thượng lai/ Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. 

Thơ có dáng dấp một bài kệ truyền bá giáo lý, nhưng câu thơ cuối rất ấn tượng, cành hoa mai, sức sống bung nở, sáng bừng cả bài thơ. Đập dưới vạt áo nâu sồng của vị cao tăng này là một trái tim sâu nặng lòng yêu trần thế, và một ý chí chống quy luật rất đời: Đừng tưởng... Xuân đi thì hoa rụng, đấy là quy luật. Rụng, nhưng không phải tất cả đều rụng, có loài chưa rụng hoặc có rụng mà không rụng hết. Vẫn còn ngoại lệ. Người Việt ta dám tính vào cái ngoại lệ ấy để tồn tại: Nực cười châu chấu đá xe/ Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng. Nước nhỏ dân thưa, tình thế bắt ta phải vượt qua giới hạn của chính mình mà tạo nên ngoại lệ. Đó là một bản lĩnh. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng là một ngoại lệ mà bản lĩnh Việt Nam đang chấp nhận, thử thách. Và đã khai sinh những thành công ở lối đi ngoại lệ này.

Nhưng chỉ trông cậy vào ngoại lệ, coi nó là cứu cánh… cũng là con dao hai lưỡi. Nhẹ thì như cái anh xe máy vượt đèn đỏ nơi ngã tư mà nặng thì tạo nên thói xấu là coi thường quy luật, coi thường mọi quy ước xã hội. Vận dụng được ngoại lệ là phải tìm được quy luật tình thế cao hơn quy luật phổ quát. Việc đó bài viết này không định bàn tới mà chỉ muốn ghi nhận một ý chí vượt lên tình thế, dám vượt qua giới hạn của chính mình trong tâm lý người Việt.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh (? - 1117). Tên thật là Từ Lộ, sống ở làng Láng, Hà Nội, tu ở chùa Thiên Phúc tức chùa Thầy bây giờ. Ông thuộc thế hệ thứ 12 dòng thiền Nam Phương. Có nhiều truyền thuyết về ông. Về thơ, còn lại được tám bài. Xin được giới thiệu bài thơ Hữu không (Có và không). Đây là thơ triết học, thể hiện một phương pháp suy nghĩ biện chứng, thấm đẫm giáo lý nhà Phật nhưng lại đầy kinh nghiệm sống. Nguyên văn là thơ tứ tuyệt ngũ ngôn, tất cả có hai mươi chữ, bàn về cái có cái không, cái thật cái ảo rất hàm súc mà thấu tình đạt lí, đầy tính khả thi và thời sự đến bây giờ:

Nguyên tác:

Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không

Dịch nghĩa: Bảo là có thì nhỏ như hạt cát, hạt bụi cũng là có/ Cho là không thì tất thảy là không/ Có và không như vầng trăng dưới nước/ Đừng bám lấy cái có và chớ coi thường cái không. 

Có hay không, lớn hay nhỏ là trong những tương quan. Cấu tạo của hạt nhân nguyên tử bé xíu mắt thường không thấy được và cả hệ mặt trời rộng lớn đều là một cấu tạo hệ thống. Khoa học nguyên tử và thiên văn đã chứng minh. Cho nên bảo là có thì nhỏ như hạt bụi cũng phải coi là có và cho là không thì cả vũ trụ cũng  phải coi là không. Đấy là nói lý. Nhưng thơ thì phải thuyết phục bằng ấn tượng trực giác, trông thấy hiểu ngay và nhớ mãi. Thiền sư thuyết phục ta bằng hình ảnh vầng trăng dưới nước, trông rõ ràng là có mà múc lên lại thành không.

Dịch thơ:   
Có thì có tự mảy may
Đã không cả thế gian này cũng không
Vầng trăng vằng vặc in sông
Chắc chi có có không không mơ màng

Sách Thơ văn Lý Trần, tập I ghi bản dịch này là của Huyền Quang (1254 - 1334), vị tổ thứ II của Thiền phái Trúc Lâm, nhưng ngôn ngữ bài thơ thanh thoát quá, hiện đại quá, tôi ngờ là của người đời sau.

Các nhà thơ nổi tiếng triều nhà Lý thường là các thiền sư, làm thơ bằng chữ Hán, chịu ảnh hưởng triết lý, văn hóa phương Bắc. Hiện thực ấy là một tất yếu lịch sử sau hàng nghìn năm Bắc thuộc. Điều đáng nói là trong bối cảnh ấy, những văn bản đầu tiên của nền thơ quốc gia tự chủ và thống nhất đầu tiên ấy đã đáp ứng được nhu cầu tinh thần - tình cảm, trí tuệ - của dân ta trong thời thế ấy. Và hơn thế, đã tạo dựng một phương thức suy nghĩ, một bản lĩnh hành động, đặt cá thể mình đối diện với vũ trụ, với sống chết, còn mất để bàn luận, để chọn lựa cách sống, cách ứng xử với thời cuộc nhằm tự chủ và hòa nhập rất hữu hiệu và mẫu mực. 

Các nhà thơ thời Lý còn lưu giữ được văn bản đến nay không nhiều. Thời gian, chiến tranh và nhất là dã tâm hủy diệt văn hóa của ngoại bang xâm lược. Nhiều tác giả không còn dấu vết. Tác giả còn thì tác phẩm cũng hao hụt đi nhiều. Nhưng chỉ bằng số còn lại mà chúng ta gìn giữ được (dưới một trăm tác giả), chúng ta cũng đủ để hào hứng và kinh ngạc trước tầm vóc các chủ đề của nền thơ non trẻ ấy.
***
Nguyên nhân gì đã tạo nên thành tựu của thơ triều Lý?

 Hãy tìm trong bối cảnh xã hội và tâm lý người dân thời ấy. Đất nước lần đầu tiên bước vào kỷ nguyên độc lập thống nhất, nhà nước mới hình thành, vua quan xuất thân từ bình dân và đều có công với dân, chưa có mâu thuẫn gay gắt về quyền lợi giữa thống trị và bị trị. Nhiều sinh hoạt của vua chúa còn hòa với dân gian. Vua dự hội, vua xuống đồng làm lễ tịch điền. Đạo Nho chưa hà khắc, chưa có các quy chế nặng nề cứng nhắc giam hãm sự phát triển thiên tính của con người. Đó là yếu tố dân chủ mà lần đầu dân ta được biết.
Đạo Phật là quốc giáo, mà đạo Phật lúc này là một nghệ thuật sống, một phương thức tư duy triết học hơn là một tôn giáo mê tín. Đạo Phật nhập thế, có tác dụng giúp nước, giúp đời, các vị quốc sư tham gia bàn việc triều chính. 

Trí thức được coi trọng: Quốc Tử Giám được thành lập, các  khoa thi được tổ chức, vị tiến sĩ đầu tiên (Lê Văn Thịnh) thuộc về triều Lý. Cách tập hiền của triều Lý có nhiều tiến bộ, khuyến khích trí thức bộc lộ tài năng và tư tưởng. Đó là những tiền đề hoặc là dấu hiệu của tự do. 

Yếu tố dân chủ tự do tạo nên nhân sinh quan tích cực trong xã hội. Con người trở nên tự tin, lạc quan và đó cũng là đặc trưng của thơ ca đời Lý. Bài thơ Bảo các đồ đệ của sư Vạn Hạnh. Dịch nghĩa: 

Đời người như ánh chớp, 
có lại thành không
Như cỏ cây xuân tươi thu héo
Việc đời dù thịnh hay suy đừng sợ hãi
Thịnh suy cũng chỉ như giọt sương 
đầu ngọn cỏ

Quả là một cách nhìn đời đầy bản lĩnh. Tôi chắc có phần đóng góp của sách vở (Cụ rất thông hiểu Tam giáo, nhất là Phật giáo). Nhưng nhiều hơn lại thể hiện chiêm nghiệm việc đời của bản thân tác giả. Qua giọng thơ và qua tiểu sử tác giả (giúp Lê Đại Hành và tạo dựng Lý Công Uẩn)  mà nhận ra bản chất ấy. Còn bài Hữu không đã nói trên thể hiện phép tư duy biện chứng uyển chuyển, mang dấu vết triết lý nhà Phật (như một bài kệ) nhưng không hề giáo điều mà đầy tính khả thi, dễ áp dụng vào phép sống trong đời thực. Đây chính là nét đặc sắc chung của thơ đời Lý: thâm viễn, trí tuệ và thiết thực gần đời. Tính hình tượng nghệ thuật của thơ, đặc biệt là tính hàm súc, nhiều bài đã đạt tới toàn bích. Vóc dạc nền thơ buổi đầu kỷ nguyên độc lập thống nhất đất nước và chọn đất định đô đã chạm ngay một tầm cao kì vĩ, giàu nội lực cảm xúc và bản lĩnh trí tuệ. Đó là một hồng phúc cho văn chương nước nhà, đủ sức gợi cảm hứng dân nước hoành tráng cho nhiều thi sĩ đời sau.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thơ triều Lý Thâm viễn trí tuệ và thiết thực gần đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO