Thong dong phố cổ

hanoimoicuoituan| 13/07/2020 08:29

Phố cổ ngày chủ nhật như thức dậy muộn hơn. Khi bình minh đã rót mật lốm đốm vòm lá trên cao, hắt vào mảnh tường rêu những vệt như dát quỳ óng ánh, khi hè phố đã khe khẽ vài bước chân du khách ngập ngừng ngó nghiêng như tìm kiếm một ẩn hình nào đó theo tấm bưu thiếp xưa bạc màu, thì phố vẫn khép hờ những cánh cửa như còn muốn níu giấc say sau một đêm thứ bảy nồng nhiệt.

Lữ khách phương Nam là tôi không muốn lãng phí thời gian khi được phép dừng lại phố cổ chưa đầy 48 giờ, và cũng là muốn thật nhiều hơn có thể để được gần bên em Hà Nội, một góc tương tư như chưa bao giờ khuyết trong ngăn ký ức mỗi ngày một đầy thêm. Con phố vẫn như đang còn mê mải im lìm nối dài giấc mơ, em Hà Nội đã thúc giục tôi xuống phố để trọn vẹn đắm mình trong một ban mai trong trẻo tĩnh lặng, phóng khoáng bước chân, thênh thang ánh mắt. Hít một hơi thật sâu, hình như tôi vừa chạm vào làn hương thơm ẩn hiện khó nắm bắt đang lướt ngang qua...
Thong dong phố cổ
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Cuống quýt mắt dài theo phố vắng, một dáng tất tả xa xa, một gánh hoa đong đưa chao nhẹ như khuấy động khoảng không, rảo nhanh bước chân... Phố vẫn thưa thớt bóng người, em ngược nắng đi về phía tôi, trên tay em ôm hoa sen đang tỏa hương, mùi hương có chút kỳ bí hoang ảo. Ngọn gió đâu đó trên cao chùng chình vờn cánh lá, rồi lả lướt thả nhẹ xuống, dẫn dắt hương hoa đưa hạ về thong dong ngang phố...

Tôi và em Hà Nội là hai vị khách cà phê đầu ngày của khu phố cổ, tiệm nằm ngay góc giao nhau của ba con phố, ngồi ở đó có thể ngước mắt lên nhìn nắng luồn qua những tán lá xanh, nhảy nhót bên những khung cửa sổ hé mở của ngôi nhà kiểu Pháp xưa, đủ để trí tò mò hình dung một hơi thở nhẹ, một đôi mắt lấp ló đâu đó trong ô cửa nhìn ra. Ngồi ở đây cũng có thể đưa ánh nhìn lên cao nữa ngắm bầu trời xanh thăm thẳm trong veo trong vắt, mịn mượt như tấm khăn lụa, không gợn mây, thi thoảng một cánh chim chao nghiêng duyên dáng mềm mại điểm xuyết trên cái nền xanh hiền hòa đó.

Thú vị nhất là ngồi ở góc phố này, vừa nhẩn nha nhấm nháp vài chiếc bánh bích quy cùng tách cà phê sánh đặc, vừa thong thả lướt mắt nhìn những gánh quà Hà Nội phố, những cửa tiệm bắt đầu mở cửa cho một ngày mới. Tiệm phở bò, gà phả mùi nước dùng thơm quế hồi ào ra như khiêu khích bất kỳ một tâm hồn nhạy cảm với ẩm thực phố. Và như để hòa nhập, chen vai cùng các hàng quà thuần Việt là tiệm bánh mì Pháp với loại bánh baguette nóng hổi giòn tan kẹp pa tê béo ngậy, cũng nhấc cánh cửa ngoài để lộ qua tấm kính chắn tủ màu vàng hấp dẫn của những chiếc bánh mì vàng ruộm, cuộn pa tê nâu đậm có một lớp mỡ bọc ngoài đầy quyến rũ. Nhưng quen thuộc hơn cả là gánh bún riêu bún ốc, hàng bún mọc bún thang, hay hẻm nhỏ bày bún chả thịt nướng, kế bên là bánh cuốn nóng... - những món quà sáng đã thành danh của Hà Nội từng lên sóng CNN và trên nhiều trang web lữ hành quốc tế.

Một vài xe hàng rong chầm chậm ngang qua với trái quả, rau củ tươi roi rói, đầy sắc màu, đẹp như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt hấp dẫn. Một sự phối màu ngẫu hứng mà hài hòa của gánh hoa quả với màu tím rịm của trái mận, màu trắng ngà của dưa lê, màu xanh ngọc của những trái xoài, màu đỏ hồng của thanh long nổi bật bên những trái đào phơn phớt nửa xanh nửa hồng... Còn xe rau củ là sự pha trộn các tông màu xanh như một khu vườn tổng hợp thu nhỏ. Có màu xanh mướt mát của rau muống, rau cải, xanh non tơ của ngọn su su, bầu bí, xanh thẫm của rau ngót, rau mùng tơi, xanh ngả vàng của hoa thiên lý, xanh ngả tía của ngọn rau dền, xanh nhạt của su hào trái vụ, xanh trắng của bông súp lơ nghịch mùa...

Phố cổ Hà Nội bình yên đến thanh nhàn, hình như mọi thứ đều có chút gì chùng chình như níu thời gian dừng lại để hạ về thong dong ngang phố, cho lữ khách là tôi không khỏi bâng khuâng khi phải xa...

Bên tôi, em Hà Nội dịu dàng, ngọt ngào trong hương hoa sen thanh cao linh diệu. Giữa chùng chình hương hoa vấn vít, vừa thanh xuân vừa nồng nàn, vừa như thực vừa như mơ, không cho tôi đủ lơ đãng, mà để tim tôi lỗi nhịp, khi chạm vào em, cảm nhận hạ về thong dong phố cổ...

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thong dong phố cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO